Câu chuyện muôn thuở là học xong không thấy ai về làm việc dưới tỉnh hay bên huyện, mà chỉ rặt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí còn cả bên Sing, bên Mỹ.

Tối qua xem truyền hình, tin quê nhà công bố hạn hán khiến cả nhà lặng ngắt hồi lâu.

Thực ra ở nơi xa này, hàng ngày mọi người vẫn thay nhau gọi điện về quê. Mẹ ơi, hôm nay có đỡ nóng chút nào không? Hình như cả tháng nay không có hột mưa nào rớt xuống? Đêm qua, cha có ngủ được không? Mất điện giữa đêm các em thay nhau ngồi quạt mà càng quạt lại càng nóng…

Giếng nhà ta cạn trơ từ lâu, gọi thợ đào sâu thêm 2 mét mà mạch ngầm vẫn chỉ rỉ rỏ li ti nước. Chọ Hao có tiếng là nơi mạch nước tốt, mùa hạn nhiều khi cả làng trong xóm giữa thay nhau vào đây lấy nước, vậy mà năm nay giếng đồi cạn, giếng tạm đào ngay chân ruộng trũng cũng chỉ lắp xắp nước.

Dưới quê ngoại, nhà ông bà ngay lưng chừng đồi. Đập Khe Gỗ sau lưng to là thế mà hè này trẻ con đá bóng ở giữa lòng đập. Nhà có cái giếng sâu mười mấy mét, ngọt trong nấu chè xanh vừa hái xem ra chả nơi nào sánh được về độ thơm, độ chát, đặc biệt là màu nước xanh nhạt bốc khói hấp dẫn lạ thường.

Nhưng giờ thì treo gàu cả tháng. Lại vẫn gọi thợ về khoan, nghe nói sâu tới bốn chục mét gặp đá cứng, đành bỏ. Con cháu phải thay nhau gánh nước hàng ngày cho ông bà. Nhà quê có nhiều thứ phải dành dụm, dè xẻn nhưng hiện giờ cái cần tiết kiệm hơn cả là nước. Người còn không đủ nước mà dùng, nói chi tới trâu bò, gà vịt, chó má.

Vậy là thêm một vụ hè thu ruộng đồng cháy khô hoang hóa.

Mà kể cả không nắng hạn nhường kia, kể cả chăm lo cày sâu cuốc bẫm thì vụ này thu hoạch cũng chẳng đáng là bao. Đất xấu, thời tiết xấu, chả có cây con gì phù hợp để có thể thâm canh, càng bỏ công bỏ của ra càng lỗ nặng.

Con cái đi hết cả, mẹ tôi cho mấy người bà con nhận ruộng. Họ tiếc ruộng bỏ không mà nhận chứ làm chẳng bõ bèn gì. Số còn lại bảo mấy đứa cháu đào ao, thả cá. Nhưng ao chua nước đọng, cá giống thả xuống nuôi chán nuôi chê cấm có lớn. Giờ thì ao cháy khô cháy khén.

Bầu trời cao vút, xanh dửng dưng, mây trôi bạc phếch.

{keywords}

Ruộng ngô tại Nghệ An chết khô, không thể thu hoạch vì nắng hạn vào tháng 6. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Nhiều năm nay, người làng chỉ còn hai cách kiếm sống là đi làm ăn xa, chủ yếu vào nam và học thật giỏi, may ra kiếm được công việc gì đó, thoát được con trâu cái cày. Dạo nào nhiều người vỗ đùi tự hào nhà nghèo học giỏi, nay thì ai cũng nhận ra giỏi mà cứ để cha mẹ nghèo, quê nghèo thì nên xem lại mình trước hết?

Hàng năm, vào mùa báo điểm đại học, làng náo nức như hội. Tin vui dồn dập bay về Xóm Cát, Xóm Sau, Xóm Giếng… Làng tôi từng có em đỗ thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương nức tiếng. Làng bên mùa nào cũng có thủ khoa, đỗ 30 điểm tròn trịa chẳng cần cộng thêm khoản ưu tiên nào. Nhà hàng xóm tôi vừa gả chồng cho con, nghe nói chú rể từng là thủ khoa đầu vào 30 điểm Đại học Kiến trúc Hà Nội, còn cô dâu lại là thủ khoa đầu ra Học viện gì gì đó, bằng đỏ chót áo mũ xênh xang.

Đó cũng là mùa khen thưởng, tiền thưởng như… mưa. Tiền thưởng từ quĩ khuyến học làng, dòng họ, huyện rồi tỉnh. Tính ra cả tiền tỷ. Báo đài hoan hô, thầy cô rạng ngời, ông bà nói cười người người hỉ hả.

Nhưng câu chuyện muôn thuở là học xong không thấy ai về làm việc dưới tỉnh hay bên huyện, mà chỉ rặt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí còn cả bên Sing, bên Mỹ. Nghe nói tỉnh cũng đặt nhiều chính sách thu hút, sửa bổ sung nhiều lần nhưng kết quả chẳng là bao. Thực ra cũng thu hút được mấy chỗ, toàn vị trí đắc địa, xem kỹ mới biết số nhân tài ấy là con cháu các bác gì hay nói trên ti vi ấy, chứ  làng Chọ Hao thì cấm có thấy ai lâu nay rồi.

{keywords}
Lễ vinh danh thủ khoa các trường Đại học tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: Gdtd.vn

Lúc đầu người ta nói to lên rằng, người được chăm chút, đầu tư để học giỏi thì phải về phục vụ quê hương trước hết. Nhưng sau thấy không ổn, lại có quan điểm mở rằng, ở đâu cũng là phục vụ, miễn là phát huy tốt. Làm ra tiền, nhiều tiền, đầu tư trở lại quê hương, giúp đỡ người nghèo… còn tốt hơn là ở quê mà không phát huy được?

Trên báo dạo này đang bàn chuyện giỏi mà nghèo, thú vị đấy. Đất này nhiều người học giỏi, đỗ đạt, càng đi ra càng nổi. Lạ thế? Lạ là làm nơi khác thì giỏi, thì thành công mà nơi này thì chưa phát huy được?

Bao trăn trở nghĩ suy tìm hướng thoát nghèo, người ở lại gánh nặng, người ra đi góp sức. Một trung tâm phát triển nhân lực chất lượng cao đang từng bước hình thành. Nhưng mọi việc không hề dễ dàng, khi nắng mưa bất thường ập xuống vỡ trận mọi tính toán ngắn dài, khi miếng ăn kề miệng còn bị cướp trắng, khi lắm người giỏi chưa hẳn đã tạo được một động lực mạnh cho hướng đi chung…

Có lần một vị cựu lãnh đạo tỉnh kể chuyện cũ rằng, tỷ phú V. từng về khảo sát để đầu tư phát triển du lịch rất sớm nhưng sau đó đã quyết định làm ăn nơi khác. Vì người ta du lịch 4 mùa, còn mình chỉ 3 tháng kém hiệu quả, lại gió bão thất thường? Vì quá xa vùng động lực phát triển, xa sân bay, cảng biển? Hay vì cái gì khác???

Vị cựu lãnh đạo tỉnh kể, con người thành đạt nói trên tâm sự thật lòng rằng, cần làm nhân đạo từ thiện bao nhiêu cũng không tiếc, nhưng làm kinh tế thì không cho phép mạo hiểm.

Sau này, có nhà đầu tư khác cũng chân thành nói rằng, cái chính là chưa có một môi trường làm ăn thật thuận lợi. Chẳng ai yên tâm khi đến nơi nào đó mà bỗng dưng bị chặt chém không thương tiếc. Môi trường ấy là xua đi chứ không phải thu hút lại.

Nhận rõ những hạn chế, khó khăn cốt tử đó, nhiều khi đã là một thành công đáng nói rồi!

Tôi hoàn toàn không rành chuyện làm ăn lớn nhỏ, chỉ biết hóng hớt đôi ba câu chuyện bên lề. Rồi đêm nay lại thở dài vì câu chuyện nắng nóng hầm hập ròng rã cả tháng qua nơi quê nhà.

Bỗng dưng lại nhớ tới cái giếng mát lành, mạch ngầm không bao giờ vơi cạn ở xóm Chọ Hao mình. Đó là nơi cuối cùng người làng tôi tìm về để duy trì và tồn tại những lúc khô hạn nhất suốt mùa gió lào cháy bỏng. Uống ngụm nước mát lành ấy để xua đi mồ hôi, nước mắt, tiếp tục vượt khó, như người làng tôi leo qua dốc Hòn Mình, Hòn Lách theo quốc lộ 7 đi muôn nơi và luôn trở về dù nắng hạn, bão gió rập rình…

Bùi Nam Sơn

Bài cùng tác giả:

Những chuyện nhỏ giúp tôi hiểu sự thần kỳ Nhật Bản

Và thêm một lần tôi hiểu, sự thần kỳ Nhật Bản giản dị và có thể học, có thể làm được, bắt đầu bằng những việc làm nhỏ như thế, như thế…