- "Trong bối cảnh đó, muốn chủ đạo thì phải có thực lực về tài chính, tiềm lực công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường… không thể chủ đạo theo kiểu hô hào được nữa" - Ông Phạm Viết Muôn.
LTS: Nhìn lại 30 năm đổi mới để đánh giá xem những gì đã làm được, những gì làm chưa xong và những gì cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống… là việc lớn không thể gói gọn trong một vài cuộc trò chuyện. Vì vậy, tại cuộc tọa đàm: Nhìn từ kinh tế, Tuần Việt Nam chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp.
Xin trân trọng giới thiệu khách mời của chúng tôi là ông Phạm Viết Muôn, Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Nhà báo Thu Hà: Thưa ông Phạm Viết Muôn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm cổ phần hóa được xác định là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Nếu nhìn lại 30 năm qua, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện mục tiêu này?
Ông Phạm Viết Muôn: Nhìn lại 30 năm, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là vấn đề rất to lớn, rất bao trùm, tôi đồng ý là không thể nói trong một buổi hay vài buổi mà hết được.
Chúng ta đổi mới đã được 30 năm và chúng ta đang tổng kết 30 năm đổi mới. Khu vực doanh nghiệp đã được thừa hưởng rất lớn từ quá trình đổi mới kinh tế của đất nước, từ năm 1986 đến nay.
Thực ra, doanh nghiệp nhà nước đã hình thành từ trước đó rất lâu, ngay từ khi chính quyền về tay nhân dân.
30 năm qua doanh nghiệp nhà nước luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và kể cả quan hệ quốc tế.
Về cơ chế quản lý, chúng ta đã từng bước hoàn thiện để doanh nghiệp nhà nước chủ động, tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp cận được thị trường kinh tế thế giới.
Về đa dạng hóa sở hữu, cổ phần hóa đã trở thành hình thức chủ yếu trong đa dạng hóa sở hữu, tạo chuyển biến cơ bản trong sắp xếp lại để cho doanh nghiệp nhà nước tập trung hơn vào những ngành then chốt, địa bàn quan trọng.
Nếu các năm 1992, 1993 cả nước có hơn 12.600 doanh nghiệp thì đến năm 2001 còn 5.655 doanh nghiệp, tức là giảm đi quá nửa. Từ năm 2001 trở đi đa dạng hóa sở hữu càng được đẩy mạnh hơn.
Từ đó, chúng ta có cơ chế về cổ phần hóa ngày càng đồng bộ, toàn diện, đầy đủ. Việc thực hiện các cơ chế đó đã mang lại hiệu quả là năm 2015 chỉ còn 1069 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trong số doanh nghiệp đã đa dạng hoá sở hữu có hơn 90% là cổ phần hóa.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu như năm 2001 doanh nghiệp nhà nước còn có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế quốc dân, đến bây giờ chỉ còn tập trung vào hơn 10 ngành, lĩnh vực. Chúng ta đã thu hút được một lượng vốn khá lớn của xã hội vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Quản lý công ty cổ phần công khai hơn, minh bạch hơn, tiếp cận với thị trường tốt hơn và đại bộ phận công ty cổ phần sau khi chuyển đổi đã hoạt động hiệu quả hơn.
Nhìn vào thực tế sẽ thấy kết quả đạt được là nhiều, nhưng còn rất là xa so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra.
Tiếp đây chúng ta phải kiên định con đường đa dạng hóa sở hữu, chủ yếu là cổ phần doanh nghiệp nhà nước, làm sao thu hút được thật nhiều cổ đông bên ngoài vào thì hoạt động doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Lâu nay chúng ta nói nôm na là công hữu vô chủ, nhưng thực ra ở đó có rất nhiều “ông” chủ. Chúng ta từng có khẩu hiệu: Hợp tác là nhà, xã viên là chủ; xí nghiệp là nhà, công nhân là chủ. Khi mà tất cả là chủ thì không có ai là chủ thật sự cả.
Nhà báo Thu Hà: Một chuyên gia kinh tế từng ví von thế này, nhà nước giống như một ông bố có ba con, trong đó "con đẻ" là doanh nghiệp nhà nước. Tâm lý thông thường, người ta thường đặt kỳ vọng cao vào đứa con đẻ và cho nó vai trò chủ đạo đối với những đứa con còn lại? Ông suy nghĩ thế nào về ví von này?
Ông Phạm Viết Muôn: Mỗi thời mỗi khác. Trước kia, cái thời mà chúng ta không công nhận kinh tế tư nhân, chúng ta chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể với mô hình tổ chức là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã là chính. Lúc bấy giờ doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo là đương nhiên, vì khi chưa có cái khác thì phải dựa vào nó thôi.
Nhưng rồi chúng ta đổi mới. Chúng ta ban hành luật doanh nghiệp và luật đầu tư nước ngoài. Chúng ta hình thành, khuyến khích kinh tế tư nhân, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, và là cơ sở để nhà nước rút lui dần những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà các thành phần khác làm tốt hơn.
Muốn chủ đạo thì phải có thực lực về tài chính, tiềm lực công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường… không thể chủ đạo bằng hô hào được nữa. |
Bây giờ, tỷ trọng và cục diện doanh nghiệp nhà nước cũng đã thay đổi rồi. Doanh nghiệp nhà nước thu hẹp lại ở một số lĩnh vực trọng yếu, địa bàn quan trọng. Và đương nhiên, tồn tại ở lĩnh vực nào thì phải chi phối và chủ đạo trong lĩnh vực ấy.
Nhìn vào các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành giao thông, thương mại, hàng tiêu dùng... thậm chí các ngành chế biến khoảng sản, kim loại màu… cũng thấy rõ sự chuyển động này.
Chúng ta có các loại hình: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể.
Những thực thể này bằng hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho nền kinh tế sống động, đa dạng vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau.
Trong bối cảnh đó, muốn chủ đạo thì phải có thực lực về tài chính, tiềm lực công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường… không thể chủ đạo theo kiểu hô hào được nữa.
Nhà báo Thu Hà: Những điều ông nói đều đúng cả. Tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế sẽ rất nhiều tiếng kêu cho rằng chúng ta chưa có một sân chơi bình đẳng, miếng bánh vẫn được chia nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước.
Ông Phạm Viết Muôn: Bây giờ chúng ta hãy xem những ai kêu? Họ kêu ở khía cạnh nào?
Nếu nhìn vào cơ chế chính sách, rõ ràng chúng ta không còn phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể chính sách thuế, chính sách sử dụng đất, chính sách tiếp cận nguồn lực, chính sách xuất nhập khẩu….. không có phân biệt theo thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp.
Khi tôi về làm việc tại Văn Phòng Chính phủ, theo dõi về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tôi đã cùng các đồng chí có trách nhiệm tham gia tham mưu, đề ra khá nhiều chính sách. Tôi khẳng định, Chính phủ chưa bao giờ tạo ra sự không bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp.
Cho nên rõ ràng, điều mà chúng ta thấy họ kêu, không phải là kêu về cơ chế chính sách. Họ đang kêu về các cơ hội tiếp cận cụ thể, về các thủ tục thực hiện.
Và cũng phải nói, một thực tế khi làm việc với doanh nghiệp nhà nước, với các tập đoàn hay các doanh nghiệp tư nhân có uy tín thì người làm trực tiếp có tâm lý yên tâm hơn. Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục thì cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân khác vẫn tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Cho nên tôi cho rằng chuyện kêu ca, phàn nàn chính là ở chỗ những người cán bộ cụ thể xử lý công việc chứ không phải kêu ca về luật pháp cơ chế, chính sách của nhà nước.
Chúng ta đừng vì một vài con người cụ thể, hay cách hành xử cụ thể nào đó để rồi đánh giá chủ trương chung có vấn đề. Như thế là không công bằng, khách quan.
Nhà báo Thu Hà: Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp nhà nước, đang là nút thắt cần phải tháo gỡ. Như những gì đã diễn ra ai cũng thấy, nhiều ý kiến cho rằng, không thể để các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước “bành trướng” mãi được?
Ông Phạm Viết Muôn: Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói đúng. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa lớn như thế, nhưng chúng ta mới chỉ cổ phần hóa những doanh nghiệp nhỏ. Những công ty lớn, vài ba năm gần đây chúng ta mới làm đến. Tập đoàn kinh tế thì năm nay mới đụng đến.
Nhưng nếu nói bản thân những tập đoàn đó “bành trướng” thì không chính xác. Vì để tồn tại, doanh nghiệp phải đầu tư. Khi mà chưa cổ phần hóa được, khi mà chủ trương chưa phê duyệt thì tập đoàn đó vẫn còn giữ, vẫn phải tồn tại và đương nhiên họ vẫn phải đầu tư để tạo ra tăng trưởng.
Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu những sức ép chứ không có chuyện được ưu đãi, không có chuyện muốn làm gì thì làm đâu. |
Nhà báo Thu Hà: Rõ ràng, khu vực doanh nghiệp nhà nước luôn nhận được những ưu đãi đặc biệt, luôn thuận lợi hơn các khu vực doanh nghiệp khác trong khi thành tựu đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước mình vẫn chưa tương xứng?
Ông Phạm Viết Muôn: Có ai cấm doanh nghiệp tư nhân đi vay đầu tư đâu. Càng đi vay đầu tư, và có lãi càng nhiều thì càng tốt. Doanh nghiệp hưởng lợi và xã hội được hưởng lợi theo.
Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu những sức ép chứ không có chuyện được ưu đãi, không có chuyện muốn làm gì thì làm đâu.
Đúng là có một thời gian, các doanh nghiệp nhà nước được phép đầu tư đa ngành. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều nơi đã không mang lại hiệu quả. Đáng lẽ việc đầu tư ngoài ngành phải góp phần bổ trợ cho ngành chính, theo kiểu sản xuất phụ hỗ trợ sản xuất chính. Tiếc rằng nhiều doanh nghiệp đã không làm được như vậy, thậm chí còn tác động ngược lại. Nên chúng ta đã siết lại, không cho phép các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực chính nữa.
Chủ trương kinh doanh đa ngành không sai, nhưng phải đảm bảo hiệu quả và có năng lực để làm. Ví dụ nếu không hiểu về điện mà cứ khăng khăng làm về điện thì chết.
Nhà báo Thu Hà: Có một thời nhiều tập đoàn, nhà nước lao vào đất đai, ngân hàng?
Ông Phạm Viết Muôn: Đúng vậy, nhưng chuyện này chúng ta đã xử lý rồi, bây giờ hầu như không còn doanh nghiệp nào kinh doanh bất động sản ngoài ngành nữa.
Nhà báo Thu Hà: Khi đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đó là tái cấu trúc doanh nghiệp. Điều này không chỉ liên quan đến chuyện thoái vốn hay là bán cổ phần, mà quan trọng hơn cả là khu vực doanh nghiệp nhà nước phải có những đóng góp tích cực hơn để tạo sức bật cho nền kinh tế quốc gia phải không ạ?
Ông Phạm Viết Muôn: Chị nói đúng. Nếu như chúng ta tái cơ cấu doanh nghiệp mà chỉ quan tâm cổ phần hóa, chỉ quan tâm thoái vốn thì là chưa phù hợp với đường lối của Đảng.
Chủ trương tái cơ cấu như chúng ta đang đeo đuổi nhiều nội dung, nhưng cơ bản là hai vấn đề.
Thứ nhất, tái cơ cấu về cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp nhà nước theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phải gắn với hiệu quả. Đổi mới mô hình và quản lý nội tại của doanh nghiệp theo quy luật thị trường.
Thứ hai, đa dạng hóa sở hữu, trong đó chủ yếu là cổ phần hóa.
Nhà báo Thu Hà: Ông có biết rằng, tại một số hội nghị quốc tế, nhiều nhà đầu tư, nhà tài trợ đã đặt thẳng câu hỏi rằng, “Việt nam cải cách doanh nghiệp nhà nước có thật hay không?
Ông Phạm Viết Muôn: Tôi đã nhiều lần gặp các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB), của quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), công ty tài chính quốc tế (IFC), đúng là họ đã nêu câu hỏi như vậy.
Tôi cũng đã trả lời họ rõ ràng là, “chúng tôi cải cách doanh nghiệp là thật, là kiên định với nhận thức cao, tuy nhiên kết quả cho đến nay còn rất là hạn chế”.
Kể từ khi chúng ta bắt tay làm cổ phần hoá đến nay cũng mới làm được doanh nghiệp qui mô nhỏ và vừa là chủ yếu chứ chưa làm được nhiều các doanh nghiệp lớn.
Số lượng cổ phần bán ra cũng còn ít hơn nhiều so với tỷ lệ nhà nước nắm giữ. Có những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá chỉ bán được 3% - 10% - 15% số chào bán là khá.
|
Hiện nay người bán là chúng tôi đã rất sẵn sàng, vấn đề còn lại là phía người mua. |
Tôi từng nói với các nhà đầu tư, các tập đoàn nước ngoài rằng, chúng tôi cổ phần hoá mà bán được ít như vậy là tại các vị. Hàng chúng tôi đưa ra thị trường là muốn bán hết, nhưng các vị mua quá ít. Chúng tôi với các vị, các nhà đầu tư như 2 trang của một tờ giấy. Thiếu một trang là tờ giấy không thành.
Hiện nay người bán là chúng tôi đã rất sẵn sàng, vấn đề còn lại là phía người mua.
Nhà báo Thu Hà: Ông có biết vì sao người ta không mặn mà với hàng của mình?
Ông Phạm Viết Muôn: Lý do, có nhiều.
Thứ nhất, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở ta chưa hiệu quả. Tính toán đầu tiên của người mua luôn là cổ tức. Ví dụ tôi bỏ ra 1 triệu thì liệu sau một năm tôi thu lại là bao nhiêu? Nếu không được bằng lãi suất ngân hàng thì tôi bỏ tiền vào ngân hàng còn hơn, đỡ phải họp hành, tham gia ý kiến này nọ.
Người mua cũng luôn nhìn đến triển vọng, tức là trị giá của cổ phần. Tôi mua cổ phần này thì tương lai tôi bán sẽ thế nào?
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng cổ phần nhà nước giữ lại khá cao. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào bán mà Nhà nước giữ lại hơn 50% vốn điều lệ thì rất khó bán, Vì nhà đầu tư ngại góp tiền vào để cho doanh nghiệp quản lý hoạt động theo thói cũ.
Thứ ba, là cách chúng ta xác định giá trị doanh nghiệp, quy định không đựơc thấp hơn sổ sách. Mà chuyện sổ sách ở ta luôn có vấn đề. Ví dụ như năm nay mua gì, bao nhiêu tiền thì phải vào sổ đúng như vậy. Nhưng vì một lý do nào đó, mua về không dùng, cứ để vậy vài năm thì giá phải khác đi. Còn có việc nhiều doanh nghiệp khi mua máy móc, thiết bị kèm theo chi phí này nọ, nhưng khi ra thị trường thì những chi phí đó không được công nhận. Có những chi phí vô hình, không thể hiện trong sổ sách thì phải làm sao đây?
Thứ tư, theo tôi, quan trọng nhất, suy cho cùng vẫn là ở con người. Trong cổ phần hoá con người mang tính quyết định. Chính con người sẽ quyết định, có hay không? Có quyết tâm làm thật hay không? Cơ chế cũng chính là ở con người. Triển khai thực thi cũng là con người và vai trò con người rất nổi bật trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tôi cho rằng, nơi nào chỉ đạo tốt, nơi nào bộ ngành, địa phương vào cuộc nghiêm túc thì đều làm tốt cả. Và, nơi nào còn phải họp, còn phải bàn, còn phải tiếp tục nghiên cứu tức là họ chưa thực sự muốn làm.
Còn tiếp
Tuần Việt Nam
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quay video: Xuân Quí
Dựng video: Huy Phúc
Xem lại Tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ Quốc sách Giáo dục Kì 1: Các sếp giáo dục cũng "lên bờ xuống ruộng" |