"Tổng thống Mỹ đã mời Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đi Mỹ là kết quả cả quá trình phát triển của các bước đi trong quan hệ Việt Mỹ".

LTS: Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn nguyên thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng, người từng làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2007-2011). Dưới đây là phần 2 nội dung cuộc phỏng vấn.

>> Xem lại Kỳ 1: 'Mỹ rất muốn quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam'

{keywords}

Nguyên thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng. Ảnh: Vietnamembassy.us

Biến thách thức thành cơ hội 

Hiện nay, Mỹ rất quan tâm đến những hành động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc, được cho là làm phá vỡ an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việt Nam và Mỹ có những lợi ích chung gì trong an ninh Biển Đông?

Phải nói rằng Việt Nam và Mỹ, trong tình hình hiện nay, chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng trong vấn đề duy trì hòa bình và ổn định, cũng như an ninh trong khu vực Biển Đông. Chính vì vậy Mỹ cũng đánh giá lại vai trò của Việt Nam. Vị trí của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ đang được tính toán lại, trong mối quan hệ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đang trở nên ngày càng quyết liệt.

Trung Quốc trỗi dậy đã đụng đến vị thế chiến lược của Mỹ. Trong tương quan lực lượng trên thế giới, cũng như trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, trong khi Trung Quốc đang lên, muốn trở thành siêu cường để thay thế vị trí số 1 của Mỹ. Mỹ không chấp nhận chuyện đó, và có chiến lược tái cân bằng ở châu Á.  

Chúng ta không bàn về chuyện tại Mỹ quay lại nên Trung Quốc trỗi dậy với thái độ quyết đoán hơn, hay vì Trung Quốc trỗi dậy mà Mỹ phải tái cân bằng. Nhưng rõ ràng việc Mỹ tái cân bằng tác động rất lớn đến việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Những kiến tạo lâu nay của Mỹ, những cơ chế, cơ cấu mà Mỹ xác lập ở khu vực và Mỹ đóng vai trò chủ đạo, đã giúp cho khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, mà không gây ra bất cứ xáo trộn nào.

Trung Quốc trỗi dậy đã làm cho trật tự bị rối tung lên, tạo nên sự cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai là Mỹ nhìn nhận Việt Nam rất khác trước. Việt Nam cần củng cố ASEAN, biến khối này đoàn kết hơn, thì Mỹ cũng cần điều này. Duy trì hòa bình ổn định, Mỹ cũng giúp Việt Nam. Việt Nam về vị trí địa chiến lược ảnh hưởng rất lớn đến Biển Đông, nên việc duy trì ổn định ở Biển Đông không thể không hợp tác với Việt Nam.

Trong khi Trung Quốc trỗi dậy, bồi đắp đảo, lấn chiếm chỗ này chỗ khác, thì làm sao có hòa bình, ổn định được. Đối với các nước ASEAN, Trung Quốc dùng tiền để chia rẽ khối này, trong khi Mỹ muốn ASEAN đoàn kết và mạnh hơn để giúp cho Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng.

Như vậy, về lợi ích chiến lược Việt Nam và Mỹ giống nhau nhiều và hiện nay Mỹ và Việt Nam đang hợp tác vì có những lợi ích giống nhau, song trùng. Nhưng Việt Nam hợp tác với Mỹ, nhưng không dựa vào Mỹ để duy trì độc lập chủ quyền. Bởi vì Mỹ giữ thái độ trung lập trong vấn đề độc lập chủ quyền, Mỹ chỉ cần thực hiện được tái cân bằng chiến lược và không để nước nào đụng đến vai trò số 1 của Mỹ.

Tôi có thể nói đây chính là thời cơ vàng cho Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ vì những mục đích chung như tôi nói ở trên. Cạnh tranh Trung – Mỹ là thách thức, Việt Nam làm sao phải có tài biến thách thức thành cơ hội để phát triển, mà không bị rơi vào thế kẹt giữa hai cường quốc này.

Mỹ cần Việt Nam vì vai trò chiến lược tại khu vực 

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có ý nghĩa gì trong chính sách tái cân bằng của Mỹ? TPP liệu có phải chỉ khối kinh tế thuần túy?

TPP hiện nay không còn phức tạp nhiều lắm đâu. Khi tôi còn ở Mỹ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Mỹ muốn đưa Việt Nam vào TPP, bởi trình độ phát triển của Việt Nam so với 11 nước còn lại chưa tương xứng. Họ lôi kéo Việt Nam chủ yếu vì vị trí địa chính trị của Việt Nam, vai trò chiến lược của Việt Nam trong triển khai chiến lược của Mỹ tại khu vực. 

Một mặt, theo tôi hiểu, biểu hiện cái hội nhập của thế giới, cái toàn cầu hóa. Nhưng, mặt khác, nó thể hiện cạnh tranh Mỹ - Trung. Việt Nam tham gia TPP, nhưng không tham gia vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, mà đẩy mạnh hơn nữa cái hội nhập. Chúng ta coi hợp tác kinh tế - thương mại trong TPP là chính. Việt Nam càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sẽ càng có những cơ hội để duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển.

Về TPP, Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về vấn đề lao động và nhất là công đoàn. Nhưng không chỉ có Việt Nam, mà Malaysia và mấy nước Nam Mỹ đấu tranh rất quyết liệt, không chấp nhận sự áp đặt của Mỹ.

Tuy còn nhiều cái vướng, nhưng tôi tin rằng TPP sẽ hoàn tất trong năm nay, vì về cơ bản Đảng Cộng hòa, giữ vị trí đa số ở cả hai viện, rất muốn ký TPP để tạo ra vành đai kinh tế không có Trung Quốc.

Và nếu vào được TPP, điều này mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có thị trường mở rộng hơn, có nguồn vốn lớn hơn để phát triển.

Tuy nhiên, do trình độ Việt Nam ở mức thấp, nên có những điều Việt Nam phải chịu. Ví dụ, dù thuế suất đối với xuất nhập khẩu xuống 0%, nhưng Việt Nam có gì để xuất. Để tránh hàng hóa nước ngoài dồn vào Việt Nam, chúng ta buộc phải tái cơ cấu thật nhanh. Việt Nam có thể mua tất cả máy móc kỹ thuật hiện đại với thuế suất bằng không để tái cơ cấu lại nền sản xuất.

Nói tóm lại, TPP sẽ thúc đẩy rất mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. 

{keywords}
Hiện đã là thời điểm chín mùi của quan hệ Việt- Mỹ. Ảnh minh họa

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt – Mỹ 

Việc Mỹ mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm có ý nghĩa như thế nào? Liệu có phải là khẳng định sự tôn trọng đối với thể chế của Việt Nam?

Tổng thống Mỹ đã mời Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đi Mỹ là kết quả cả quá trình phát triển của các bước đi trong quan hệ Việt Mỹ, chứ không phải chốc lát.

Hồi tôi làm Đại sứ ở Mỹ, tôi đã đề xuất với phía Mỹ chuyện này rất nhiều lần, nhưng phía Mỹ cũng muốn nhưng chưa đến độ để mời. Tức là đến lúc này là thời điểm chín cho chuyện hai vị lãnh đạo cao nhất của hai nước gặp nhau.

Cũng nên lưu ý rằng một năm Mỹ chỉ mời 2 khách nhà nước trong một kế hoạch rõ ràng từ trước, và sẽ tiếp trong phòng Xanh - nơi tiếp tân chính thức của Nhà Trắng. Và năm nay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong hai khách mời nhà nước đó và từ trước Mỹ cũng chưa tiếp khách mời Việt Nam nào tại Phòng Xanh.

Điều này chứng tỏ quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển tới mức cao trong quan hệ song phương, sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn, và mối quan hệ hợp tác được mở rộng và có chất lượng cao hơn. Và đặc biệt là cái nhất trí và đồng thuận giữa hai bên về lợi ích trong khu vực cũng như trên thế giới được phát triển tới mức hai nhà lãnh đạo cao nhất có thể ngồi nói chuyện với nhau, một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai nước.

Chứ còn tôn trọng thể chế, cũng như độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đã được nêu trong tuyên bố chung của tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch nước, hay Thủ tướng. Chuyện mời Tổng Bí thư đi khẳng một điều là quan hệ hai bên đã phát triển tới mức mà hai bên hết sức tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng cách cư xử và chế độ chính trị xã hội của nhau. Điều này cũng khẳng định là tuy quan hệ mới là đối tác hợp tác toàn diện nhưng thực ra cũng không khác gì đối tác chiến lược.

Xin cảm ơn ông.

Huỳnh Phan

>> Xem thêm các bài trong mạch Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ