Việt Nam phải có sự phân tích toàn diện các sự kiện đã xảy ra, lập hồ sơ pháp lý đầy đủ, chính xác chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý.

Theo thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22/9, người nhà và ngư dân Kiên Giang bị lực lượng cảnh sát biển Thái Lan nổ súng tấn công (làm 1 người chết, 2 người bị thương) đã bắt đầu tiếp xúc với đại diện Văn phòng luật sư để chuẩn bị việc khởi kiện đòi phía Thái Lan xem xét vụ việc và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên và Thái Lan cũng không phải là quốc gia đầu tiên gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Ngư dân Việt Nam đã thường xuyên phải đối mặt với những hành động hung hăng của Trung Quốc và gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề cho tài sản cũng như tính mạng.

Làm thế nào để bảo vệ lợi ích, tạo điều kiện cho ngư yên tâm bám biển là một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra. Đã đến lúc chúng ta phải phân tích các sự việc xảy ra một cách chi tiết, cụ thể ở góc độ pháp lý để có giải pháp phù hợp nhằm đối phó hiệu quả với những hành động của các nước có đường biên giới biển chung, bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Cụ thể hơn, chúng ta cần làm rõ các nội dung sau đây:

Thứ nhất, cần phải xác định rõ quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quốc tế (luật công), còn việc bảo vệ lợi ích bị xâm hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản của ngư dân Việt Nam (nếu có đặt ra) thuộc về lĩnh vực pháp luật tư (lĩnh vực pháp luật dân sự). Nói cách khác, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải được các ngư dân có liên quan nêu lên một cách cụ thể và chỉ đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại tài sản, vấn đề tranh chấp chủ quyền thuộc về một lĩnh vực khác và sẽ được giải quyết trong một cơ chế khác.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn giải pháp bảo vệ ngư dân, bởi lẽ hai lĩnh vực pháp luật công và tư có tính chất khác nhau hoàn toàn, cũng như những yêu cầu khác nhau về chủ thể, trình tự, thủ tục,… dẫn đến giải pháp lựa chọn trong từng lĩnh vực pháp luật cũng sẽ khác nhau.

{keywords}
Cần tạo mọi điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh minh họa: X.Phú/ Báo Quảng Bình

Thứ hai, cần tìm cách xác định rõ lực lượng nào đã trực tiếp gây ra các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam mà một số trường hợp khá phức tạp. Chẳng hạn, trong các vụ va chạm, phía Trung Quốc thường chủ động che giấu số hiệu tàu nên ngư dân Việt Nam không nhận diện được họ thuộc lực lượng nhà nước hay lực lượng dân sự. Bên cạnh đó, ngư dân Việt Nam thường phải chạy tránh trước khi kịp nhận diện tàu Trung Quốc trực tiếp tấn công họ là tàu nào, số hiệu ra sao, trang bị như thế nào,…

Điều này sẽ gây khó khăn trong việc buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm, bởi lẽ nếu Trung Quốc là “bị đơn” trong cuộc chiến pháp lý, chúng ta phải chỉ rõ cho cơ quan giải quyết bị đơn là ai. Cụ thể hơn, nếu là tàu của lực lượng công vụ Trung Quốc (tàu nhà nước) chúng ta sẽ phải sử dụng cơ chế của Luật quốc tế, nếu là tàu của ngư dân Trung Quốc (tàu dân sự) chúng ta có thể sử dụng cơ chế của luật tư.

Còn trong vụ việc liên quan đến Thái Lan, chúng ta đã xác định rõ đó là lực lượng của CSB Thái Lan và phía Thái Lan cũng đã thừa nhận. Vì vậy, việc xác định rõ chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn.

Thứ ba, cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý thật đầy đủ, chi tiết về chủ thể nào của Việt Nam bị thiệt hại. Những thông tin cần là số hiệu tàu cá, đăng ký quyền sở hữu, thông tin về chủ sở hữu, thông tin những người có mặt trên tàu vào thời điểm xảy ra va chạm với tàu nước ngoài, thời điểm xảy ra vụ việc,… Kèm theo hồ sơ là giấy tờ chứng minh về các nội dung có liên quan, như biên bản vụ việc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam lập, các hình ảnh về thiệt hại, người làm chứng, bản tường trình của ngư dân bị thiệt hại,…

Việc lập hồ sơ vụ việc cần phải tiến hành thật chặt chẽ, đầy đủ và chính xác về mặt pháp lý để đảm bảo có giá trị sử dụng khi yêu cầu phía gây thiệt hại chịu trách nhiệm.

Thứ tư, cần phải xác định rõ những thiệt hại của ngư dân Việt Nam, trước hết là loại thiệt hại. Về cơ bản có 3 loại thiệt hại có thể xác định được:

- Thiệt hại đối với tàu đánh cá cũng như tài sản trên tàu, bao gồm: phí tổn để sửa chữa tàu do tàu nước ngoài đâm vào, những ngư cụ đã bị hư hỏng hoặc những thủy hải sản là kết quả lao động đã bị lấy đi,…

- Thiệt hại tính mạng, sức khỏe (nếu có) cho ngư dân Việt Nam trong quá trình va chạm.

- Thiệt hại trong những ngày phải sửa chữa tàu, ngư cụ, khám chữa bệnh,… mà ngư dân không thể ra khơi đánh bắt thủy hải sản được.

Sau khi xác định các loại thiệt hại, phải xác định cụ thể giá trị thiệt hại và định ra số tiền mà phía Việt Nam yêu cầu phía gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm. Để đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý, việc xác định giá trị thiệt hại phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành và có chức năng, thẩm quyền.

Ví dụ: để xác định giá trị tàu thuyền hoặc ngư cụ bị hư hỏng, mất mát phải có biên bản đánh giá thiệt hại của cơ quan giám định, bảng báo giá của doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng và khả năng sửa chữa tàu thuyền, mua bán ngư cụ,… Hoặc để xác định mức độ sức khỏe của ngư dân bị thiệt hại phải có biên bản giám định thương tật của cơ sở y tế,… Việc xác định giá trị thiệt hại càng chi tiết, càng chặt chẽ về mặt pháp lý và đầy đủ về mặt chứng cứ sẽ càng thuận lợi cho VN.

Tóm lại, từ góc độ pháp lý, Việt Nam phải có sự phân tích toàn diện các sự kiện đã xảy ra, lập hồ sơ pháp lý đầy đủ, chính xác chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý nhằm buộc các quốc gia gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam phải chịu trách nhiệm về hành động gây ra. Để việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý đảm bảo các yêu cầu cần thiết, phải có sự tham gia, định hướng thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, ý kiến của các chuyên gia pháp lý là một trong những cơ sở tham khảo quan trọng trong quá trình quyết định cơ chế, giải pháp bảo vệ lợi ích của ngư dân Việt Nam.

(Còn tiếp)

TS. Bành Quốc Tuấn

(Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh)