Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân vừa qua của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đánh dấu bước đi đầu tiên trong tham vọng biến PLA thành một lực lượng hiện đại.

Từ kinh tế đến chính trị, từ đối ngoại đến chính sách quốc phòng, những chuyển động trong nội trị Trung Quốc đang là tâm điểm của khu vực và thế giới. Trong chương trình cải cách của ông Tập Cận Bình, không thể không nhắc tới cải cách quân đội Trung Quốc (PLA – Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.                               

Là một công cụ quan trọng cả trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội, PLA góp phần không nhỏ trong quá trình đưa nước này trỗi dậy thành cường quốc và củng cố nền tảng cho chế độ. Phân tích từ những chuyển động quốc phòng gần đây, bài viết hai kỳ này hi vọng đưa ra một số dự đoán về hướng cải cách PLA của TQ thời gian tới. 

Sự phát triển của quân đội Trung Quốc tạo ra nhiều chỉ dấu tác động tới hoà bình và ổn định trong khu vực. Vì thế, tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân trong buổi lễ kỷ niệm ngày 3/9 của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã thu hút nhiều sự chú ý. Lần cắt giảm này mở đầu cho đợt cải tổ quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ những năm 1980. Từ góc nhìn lịch sử, động thái này vừa có tính kế thừa quá khứ, vừa có một số điểm khác biệt.  

{keywords}

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Các đợt cải cách lớn 

Phân kỳ lịch sử, các nhà chiến lược quân sự đánh giá PLA đã trải qua ba đợt hiện đại hoá quân sự lớn kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời vào năm 1949. 

Năm 1949, quân số của PLA rất lớn, khoảng 6,27 triệu. Con số này là kết quả của quá trình kháng Nhật và nội chiến với Tưởng Giới Thạch trong khoảng thời gian trước. Giai đoạn hiện đại hoá đầu tiên (kéo dài từ 1949 đến những năm 1980) tập trung vào phát triển một lực lượng quân sự với khả năng quy ước mạnh mẽ. Mục đích là chống lại những cuộc xâm lược cơ giới hoá quy mô lớn trên bộ, với chiến tranh hạt nhân là trọng tâm thứ yếu. Điều này khiến cho lục quân Trung Quốc trở thành quân chủng có tiếng nói trong lượng nhất ở thời điểm đó. 

Giai đoạn hiện đại hoá lần thứ hai kéo dài từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990. Mối quan hệ ổn định hơn giữa Trung Quốc và Liên Xô, cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ khiến cho nguy cơ tới từ các cuộc xâm lược quy mô lớn giảm dần. Trong giai đoạn này, cuộc chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất thu hút nhiều chú ý của giới lãnh đạo PLA. Chủ đề được quan tâm thảo luận tại Trung Quốc là bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khu vực sử dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ cao. Tuy nhiên, Trung Quốc giai đoạn này lại tập trung cho việc phát triển kinh tế hơn là nâng cao năng lực quốc phòng. 

Quá trình hiện đại hoá quân đội, tuy vậy, vẫn tập trung vào một số mảng quan trọng như phát triển lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, hay xây dựng các phương án tác chiến kết hợp đa binh chủng. Trong khoảng thời gian này, PLA cắt giảm một triệu quân, theo sau quá trình tái điều chỉnh cơ cấu lục quân. Quân số tiếp tục giảm từ 3,23 xuống còn 3,19 triệu người vào năm 1990. 

Giai đoạn hiện đại hoá lần thứ ba bắt đầu từ giữa những năm 1990 cho tới hiện nay. Nhân tố thúc đẩy hiện đại hoá lần này là sự nổi lên của khái niệm “cuộc cách mạng quân sự” (RMA) và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. PLA tập trung vào xây dựng khái niệm “chiến thắng cuộc chiến tranh thông tin hoá ở cấp độ khu vực” với trọng tâm là xây dựng một mạng lưới chỉ huy tác chiến hỗn hợp mạnh (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin), cải cách cấu trúc quân đội (tăng cường vai trò của không quân và lục quân) và tăng cường tính kết nối giữa các quân binh chủng thông qua các tiến bộ công nghệ. 

Bắt đầu từ năm 1997, 500.000 quân đã bị cắt giảm. Từ 2003 - 2005, 200.000 quân nhân tiếp tục bị loại khỏi biên chế, khiến cho tổng số quân Trung Quốc giảm từ 2,5 xuống 2,3 triệu người. Hầu hết trong số này là những quân nhân thuộc các đơn vị phi tác chiến, hay các nhân viên hành chính.  

Tín hiệu của một sự chuyển đổi sâu rộng

Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân vừa qua của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đánh dấu bước đi đầu tiên trong tham vọng biến PLA thành một lực lượng hiện đại.

Phát súng cải cách được phát ra chính thức kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá 18 cuối năm 2013. Thông cáo phát đi nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ lực lượng quân đội. Bối cảnh an ninh xung quanh Trung Quốc thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là an ninh hàng hải, cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ thúc đẩy  PLA thay đổi. 

Ba xu hướng cải cách có thể được nêu ra: (1) thay đổi cấu trúc quân đội theo hướng tinh gọn, chuyển trọng tâm từ lục quân sang không quân và hải quân; (2) tăng cường khả năng phối hợp giữa các quân binh chủng và (3) thúc đẩy cuộc cạch mạng công nghệ thông tin quân sự.   

Trong buổi lễ ngày 3/9, sự xuất hiện của hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trên khán đài buổi lễ phần nào xác nhận quyền lực chính trị vững chãi của ông Tập hiện tại. Quyền lực của ông đối với quân đội cũng được củng cố sau khi đã loại bỏ những “rào cản” trong quá trình cải cách (xét xử tham nhũng đối với một số thành viên Quân uỷ Trung ương như Từ Tài Hậu hay Quách Bá Hùng).  

Nguyễn Thế Phương

(Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM)