- “Cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người!”

LTS: TS.Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, chia sẻ cùng Tuần Việt Nam những trăn trở của ông về vấn đề con người trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW khóa XI cho Đại hội khóa XII.

{keywords}
TS. Lê Kiên Thành. Ảnh: Minh Trí/ Một thế giới

Cái chưa làm được lớn nhất là xây dựng con người

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông, xuất thân từ gia đình truyền thống, với tư cách là một đảng viên, một doanh nhân, chắc ông đã nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng  Đại hội 12. Điều ông quan tâm nhất trong báo cáo này là gì?

TS. Lê Kiên Thành:  Báo cáo chính trị là sự tổng kết, đánh giá kết quả những gì chúng ta đã làm trong 5 năm qua một cách toàn diện, cả được và chưa được. Những năm vừa qua, nhìn nhận và quan sát sự vận hành của xã hội ta, cái tôi quan tâm nhất, đó là con người.

Chương 7 “Phát triển văn hóa và xây dựng con người” của báo cáo đã có nhận định tình hình chung và đánh giá về công tác này. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ 6 cuối cùng cũng nói tới phát huy nhân tố con người. Như vậy, chương 7 và “nhiệm vụ thứ 6  trong 6 nhiệm vụ” đề cập đến xây dựng con người.

Và đây là phần tôi quan tâm, lo lắng, ưu tư nhất trong tình hình xã hội của chúng ta giai đoạn hiện nay. Bởi vì, suy cho cùng thì “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, thành hay bại, cũng do yếu tố nhân tố con người quyết định. Chúng ta phải hiểu rằng rất nhiều điều chúng ta chưa làm được là do chúng ta chưa xây dựng được con người cần thiết. 

Phần ghi nhận và đánh giá về con người và văn hóa trong dự thảo đã đề cập, ông thấy chưa đầy đủ và chưa thỏa đáng như thế nào?

TS Lê Kiên Thành: Nhìn vào xã hội chúng ta đang sống trong những năm vừa qua, với cách đánh giá và xác định nhiệm vụ “xây dựng con người” ở vị trí cuối cùng trong 6 nhiệm vụ quan trọng này, theo tôi, dự thảo đã đặt ở vị trí không thỏa đáng.

Trong khi đó, cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người! Tôi xin nói thẳng đó là sự thất bại, chứ không phải sự sự xuống cấp, suy đồi, như trong dự thảo!

Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh dân tộc ta đang bị xuống cấp vô cùng trầm trọng như hiện nay. Theo dõi truyền thông có thể thấy trong không ít vụ án kẻ sát nhân xuống tay với nạn nhân quá dễ dàng, đơn giản.  Một con người chưa bao giờ phạm tội ác có thể giết một lúc 4 người, có cả trẻ em, mà không có mảy may gợi nên chút sợ hãi. Hay cháu giết bà nội, con có thể giết cha...

Điều đó nói lên cái gì? Đó là, chúng ta đang hủy hoại tài nguyên lớn nhất, sức mạnh lớn nhất, quyết định nhất là con người! Đáng lo nhất là trong dự thảo báo cáo chính trị không có một hướng nào để giải quyết.

Hồi xưa Bác Hồ có nói: “Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN”. Tuy nhiên, tôi có cảm giác như chúng ta chưa tự tin vào chính mình, chưa dám đặt ra định hướng cho dù CNXH còn lâu mới đến. Chúng ta đang xây dựng con người mà chính cái xã hội đó chưa hình thành, chưa tồn tại, vậy chúng ta có thể làm được điều đó không?

Được chứ! Cho dù CNXH chưa đến, nhưng chúng ta vẫn hình dung được những tố chất của những con người của xã hội mới đó. Muốn như thế thì những con người đó phải bảo tồn cho được những tố chất truyền thống của dân tộc đã từng tôi luyện qua bao nhiêu năm, đồng thời con người đó phải biết hấp thụ những tinh hoa của thời đó. Đó là con người gì? Trong dự thảo hoàn toàn còn thiếu định hướng đó. Chừng nào ta chưa nói được điều đó thì tất cả những mâu thuẫn xã hội hiện nay chưa giải quyết được!

Tóm lại, rõ ràng con người và những vấn đề về con người phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải vào vị trí cuối cùng như trong dự thảo!

Những phẩm chất cao đẹp, nhân văn đã đi đâu?

Thưa ông, con người và tài nguyên con người, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam chúng ta theo quan điểm của ông, họ như thế nào? Ông có thể phác họa vài nét về hình hài con người đó?

TS Lê Kiên Thành: Có thời điểm người nước ngoài nhận định về xã hội ta là “Ra ngõ gặp anh hùng”. Đó là sự thật và không phải ta tự nói về ta. Nhà báo nổi tiếng Úc Uyn-phret Bơc-sét nhìn thấy hình ảnh cô du kích áp giải phi công Mỹ đã thốt lên: “Súng thì dài hơn người, chiến công thì nhiều hơn tuổi”! Con người VN có thời điểm lịch sử bừng sáng đến như vậy, nhờ vậy đã giải quyết được những vấn đề rất lớn mà lịch sử đặt ra cho dân tộc VN vào thế hệ đó.

Đó không phải là những con người duy ý chí, không thật. Họ hoàn toàn thật, sống vì gia đình con cái chứ không phải quên hết tất cả. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng chúng ta có thể hoạch định chiến lược vừa giữ gìn vừa xây dựng được lớp con người mới VN. Cái mới này phải hoàn toàn mang tính chất của người VN cũ là yêu thương dân tộc, hàng xóm, con người và say mê lao động, có trách nhiệm với đất nước.

{keywords}
Sức mạnh lớn nhất, quyết định nhất là con người. Ảnh minh họa

Vào những năm 1970 – 1971, tôi đã từng chứng kiến cuộc giải tù bình Mỹ từ Hỏa Lò ra sân vận động Hàng Đẫy làm cuộc mít tinh. Hai bên đường nhân dân đứng rất đông. Khi đoàn tù bình đi qua không một tiếng chửi bới, không có gạch đá ném. Người ta nhìn đám tù binh đi trong im lặng. Thỉnh thoảng có người hét to: “Đả đảo đế quốc Mỹ” một cách rất tự phát.Quay lại tính nhân văn của dân tộc, tôi cứ băn khoăn mãi. Hôm trước mở báo ra tôi cứ bị ám ảnh hình ảnh hai ông già đi ăn trộm gà bị bắt, bị đánh hộc máu mồm ra, rồi bắt ngậm con gà chết. Tôi cứ bàng hoàng, tự hỏi: “Chẳng lẽ đây là người VN chúng ta?”

Sau nghĩ lại tôi thấy tự hào về dân tộc mình: Chúng nó đã giết bao nhiêu người, trong đó có nhiều người thân của những người đang đứng hai bên đường. Vậy mà chỉ nhìn chúng đi qua, vừa khinh rẻ, coi thường, nhưng vừa rộng lượng. Con người VN lúc ấy rất đàng hoàng, văn minh, nhân ái, rộng lượng, và chính trên tư thế ấy chúng ta mới thắng Mỹ được.

Thế thì những con người ấy giờ đâu rồi? Những phẩm chất cao đẹp, nhân văn với cả kẻ thù của mình giờ đã đi đâu? Chúng ta chưa làm được nhiều về vật chất thì chúng ta phải giữ được những phẩm giá tuyệt vời như thế. Và không chỉ giữ được mà còn phải nhân ra.

Đảng ta đang khẳng định sự lãnh đạo của mình thì Đảng phải xông vào việc đó, chứ không thể chỉ có vài ý kiến nhạt nhòa như trong dự thảo. Đó là tôi chưa nói về những tiêu chí liên quan đến con người cũng rất quan trọng.

Đó là tiêu chí gì, thưa ông?

TS Lê Kiên Thành: Đó là tiêu chí thất nghiệp và chỉ tiêu giải quyết công ăn việc làm cho con người.

Việc con người có việc làm ảnh hưởng sâu rộng đến con người, không chỉ đến đời sống mà ảnh hưởng tới toàn thể con người, kể cả đạo đức, tinh thần, văn hóa và quyền con người. Con người có quyền rất lớn là quyền được lao động để mà sinh sống. Cho nên đối với các đảng cầm quyền, một trong những mục tiêu của họ là sẽ đưa chỉ số thất nghiệp từ bao nhiêu xuống bao nhiêu.

Thất nghiệp nói lên cái gì?  Đó không chỉ là nhu cầu sống mà còn là an ninh xã hội. Vừa rồi tất cả các chuyện xảy ra tôi cho rằng phần lớn chúng ta chưa đáp ứng được quyền của con người, tức quyền có công ăn việc làm. Từ đó gây ra chuyện xuống cấp về con người.

Sự xuống cấp của quan chức là ở góc độ khác. Bởi họ được tiếp cận với quá nhiều quyền lợi mà không giữ bản thân. Còn xuống cấp trong xã hội nói chung vì quá nghèo khổ, không có công ăn việc làm.

Hiện nay tỷ lê thất nghiệp của VN là bao nhiêu? Chúng ta chưa có con số chính xác và chính thức, nhưng cá nhân tôi nghĩ, thất nghiệp không dưới 15 – 17%. Và chưa bao giờ tỷ lệ thất nghiệp và chỉ tiêu giải quyết công ăn việc làm được đưa báo cáo của Chính phủ hay báo cáo chính trị của Đảng như thế này. Từ cái không đúng cơ bản này sinh ra vô vàn những vấn đề khác.

Thực ra những cái đó nếu Đảng lãnh đạo được thì vai trò của Đảng mới thể hiện rõ. Từ trước đến nay chúng ta tác động rất mạnh vào con người để huy động sức người, sức của cho cuộc chiến tranh mà sự chênh lệch vật chất rất lớn giữa một bên là nước Mỹ một bên là VN. Cái gì để đẩy sức mạnh vật chất lên ngang tầm để thắng Mỹ?

Người ta đã tổng kết muôn đời rồi, không thể dùng tinh thần thắng vật chất được mà phải vật chất thắng vật chất. Vậy cái gì ở VN trong thời điểm đó đẩy cái vật chất bé nhỏ này thành vật chất lớn để chọi lại vật chất khổng lồ kia? Tinh thần chỉ nằm một phần trong khái niệm đó thôi. Để làm được điều đó thì phải cho tất cả quyện lại với nhau tạo ra lượng vật chất thật để chống chọi.

Trong công cuộc xã hội mới này nếu chúng ta làm được như vậy thì cũng có thể từ thu nhập thấp đẩy chất lượng cuộc sống lên tầm cao như chất lượng cuộc sống của những nước có thu nhập cao. Khi chúng ta đổi mới, thì việc đụng đến con người mới XHCN là tránh né, ngại đề cập, xem nó như cổ hủ, lỗi thời. Nếu chúng ta xây dựng được con người XHCN trong nền kinh tế thị trường này thì đó mới là định hướng thật, là sự khẳng định có định hướng XHCN.

Con người XHCN làm chủ kinh tế thị trường, tại sao không? Đó mới là sự khác biệt của chúng ta thật sự. Chính phủ lo về phát triển kinh tế, còn Đảng phải lo về con người, xây dựng con người. Nắm được con người là nắm được cốt lõi của vấn đề, nắm được tất cả và chi phối được điều chúng ta muốn khẳng định là định hướng XHCN. Không thể khác được!

>> Xem tiếp Kỳ 2: ‘Phải bắt đầu ngay từ đảng viên chức vụ cao’

Duy Chiến

TS. Lê Kiên Thành sinh năm 1955, là con trai của cố TBT Lê Duẩn.Ông tham gia quân đội rất sớm, từ năm 1972, vào Đảng năm 1976. Từ năm 1990, ông đã nghỉ công tác tại cơ quan nhà nước để tham gia làm kinh tế tư nhân. Ông từng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank. Hiện nay ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị, Tổng giám đốc công ty Thiên Minh…. 

Xem thêm tọa đàm với GS Trần Ngọc Thêm về 30 năm đổi mới nhìn từ Văn hóa: