Nhiều khi những bận tâm của VĐV có thể lại xuất phát từ ứng xử còn cứng nhắc, thiếu thấu đáo của cơ quan quản lý.

Mấy hôm nay, dư luận rộ lên thông tin tuyển thủ cờ vua Quốc gia  Lê Quang Liêm có khả năng sẽ gia nhập làng cờ vua Mỹ. Dù chỉ là tin đồn, song có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu để rõ ngọn ngành để kịp thời gỡ rối nếu có vấn đề.

Với một đất nước mà điều kiện kinh tế, xã hội... còn muôn vàn khó khăn, nói về chuyện đãi ngộ cho vận động viên (VĐV) thể thao nói chung, tuyển thủ Quốc gia nói riêng thế nào cho thoả đáng có lẽ vẫn là khó. Song, nhiều khi những bận tâm của VĐV có thể lại xuất phát từ ứng xử còn cứng nhắc, thiếu thấu đáo của cơ quan quản lý, chứ không hẳn từ lương cao thấp.

Nguyễn Huyền Trang được tuyển  vào đội tuyển đá cầu Hà Nội khi mới 14 tuổi. Từ năm 15 tuổi đến năm 22 tuổi (năm 2000-2007), cô khoác áo ĐTQG và là VĐV trụ cột của đội. Huyền Trang từng giành 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Games 22 và 2 HCV Thế giới tại giải Vô địch thế giới năm 2005 và 2007 cùng nhiều huy chương ở các giải trong nước khác.

Mới đây, tôi đọc trên báo một câu chuyện mà không khỏi buồn. "Cô gái vàng" của làng đá cầu Việt Nam, Nguyễn Huyền Trang, người từng đoạt Huy chương Vàng (HCV) trong nhiều cuộc thi Quốc gia và Thế giới, mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Được biết, thời còn thi đấu, lương tháng của cô khi là quân số của đội tuyển đá cầu Hà Nội chỉ có 1.050.000 đồng/ tháng. Bấy nhiêu năm, cô chưa được đơn vị mua bảo hiểm y tế (BHYT), và bây giờ, Huyền Trang vẫn phải đóng bảo hiểm tự nguyện dành cho người thu nhập thấp. Trong đợt trị liệu này, cô và cha mẹ già đã bán hết tài sản, trừ căn nhà đang sống, để trả nợ số tiền 400 triệu đồng.

Quay trở lại tin đồn kỳ thủ Lê Quang Liêm ở lại Mỹ thi đấu. Được biết, Lê Quang Liêm vừa từ chối dự giải vô địch cờ nhanh, cờ chớp thế giới tại Đức để dự giải khác tại Mỹ cũng vì lo ngại những rắc rối về thủ tục từ phía bộ môn cờ VN.

{keywords}
Lê Quang Liêm là một tài năng của thể thao VN

Quang Liêm đã phải lên tiếng khá tâm tư về việc không được thanh toán chi phí vé máy bay, ăn, ở khi thi đấu ở World Cup cờ vua tại Azerbaijan. Theo tôi tìm hiểu, năm 2013, kỳ thủ số 1 VN Lê Quang Liêm nhận học bổng tại Đại học Webster (Mỹ). Tại đây, anh không chỉ học chuyên ngành tài chính mà còn có cơ hội luyện tập, thi đấu cờ vua với nhiều kỳ thủ mạnh của thế giới mà không tốn tiền đi lại. Đây là cơ hội để Quang Liêm tiến xa hơn.

Hiện Quang Liêm đang theo học đại học ở Mỹ. Tổng cục Thể dục Thể thao chỉ chấp nhận chi tiền vé máy bay nếu Quang Liêm đi từ Việt Nam sang Azerbaijan, còn từ Mỹ thì không.

Một kỳ thủ khác của Việt Nam là Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng gặp vấn đề tương tự. Chi phí ăn ở tại World Cup cờ vua, do một số vấn đề, trong đó có rắc rối về hóa đơn thanh toán, hai kỳ thủ phải tự bỏ tiền túi.

Trong khi, Mỹ là một vùng đất rất hút tài năng thể thao. Cựu thần đồng cờ vua Philippines So Wesley chỉ sau thời gian ngắn gia nhập làng cờ Mỹ đã thăng tiến rất nhanh vào tốp 10 thế giới. Trước đó, kỳ thủ Ý Caruana đầu quân cho tuyển Mỹ để rồi vươn lên tốp 5 thế giới

Nhắc lại một vài câu chuyện gần đây để thấy, cuộc đời của VĐV thi đấu đỉnh cao rất ngắn. Nếu ngành thể thao chưa đề xuất được chính sách đãi ngộ thỏa đáng, vẫn giữ cách ứng xử cứng nhắc… thì nguy cơ mất người tài sẽ luôn hiện hữu.

Như đã nói từ ban đầu, với điều kiện của Việt Nam, cải thiện đãi ngộ khó có thể làm trong sớm chiều. Nhưng những thay đổi trong tầm tay thì chúng ta cần làm sớm và dứt khoát hơn. Như điều chỉnh sự cứng nhắc đến lạnh lùng và có phần bất hợp lý trong quy định vé may bay cho VĐV. Như giải quyết vướng mắc chính sách để VĐV được mua BHYT, yên tâm thi đấu… Nếu có những vướng mắc liên quan cả đến ngành khác, thì ngành Thể thao cũng phải có trách nhiệm thuyết phục, thậm chí đấu tranh quyết liệt để tháo gỡ khó khăn không đáng ấy. Có như vậy, các VĐV mới cảm thấy được nâng niu, trân trọng ngay tại quê hương, đất nước mình.

Quốc Phong