Danh lợi hay danh vọng chỉ có ý nghĩa tích cực, nếu hàm chứa giá trị đích thực, góp phần thúc đẩy XH trở nên dân chủ, văn minh, công bằng và văn hóa. Nếu không, cũng chỉ là…danh hão.
Ngẫu nhiên trong tuần có hai vụ việc bao hàm một loạt các câu chuyện dính líu đến danh lợi, danh vọng- thứ hấp dẫn ma mị, khiến cả XH xôn xao bàn luận, với rất nhiều ý kiến đa chiều.
“Mượn hồn” và mượn cả… câu thơ
Vụ thứ nhất, liên quan đến nghi vấn “đạo thơ”
Thật ra, từ khi nước Việt chưa có Luật bảo vệ Quyền Sở hữu trí tuệ cho đến nay, luật được coi là đã đi vào cuộc sống, thì hiện tượng “đạo”- đạo luận văn, đạo nghiên cứu khoa học, đạo văn, đạo thơ…. tiếc thay, còn ngang nhiên “đi nhanh” hơn cả luật.
Nhưng ở hai vụ việc “đạo thơ” sự ồn ào của XH, bàn cãi không dứt bởi những yếu tố đặc biệt của nó. Ngoại trừ một người còn ít được biết đến, anh Ngô Xuân Phúc, còn lại, ba người đều là những nhà thơ có tên tuổi: Nguyễn Phan Quế Mai, Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan.
Nhà thơ P.N Thường Đoan và tác phẩm Đếm cát. Ảnh: Một thế giới |
Giống nhau ở nghi vấn ai đạo thơ ai, nhưng khác nhau ở nhiều tình tiết. Trong vụ việc giữa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai với anh lính Ngô Xuân Phúc, tranh nhau nhận “Tổ quốc gọi tên mình”, anh Ngô Xuân Phúc gần như … tay trắng, không có vết tích, không có chứng cứ nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc. Bất ngờ nhất, đến thời điểm này, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai tuyên bố rút ý định khởi kiện vụ tố “đạo thơ” này.
Còn trong vụ việc thứ hai, rắc rối là ở chỗ giữa bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư (được in năm 2014, trong tập thơ Sẹo độc lập, vừa được Hội Nhà văn HN trao giải thưởng năm 2015) với bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan, sáng tác năm 2000 và được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc sau đó với với tên Catinat café sáng- hai bài cách nhau đúng 14 năm, giống nhau kỳ lạ.
Nhưng sự phát hiện, nghi vấn nhà thơ Phan Huyền Thư “đạo thơ”, và không được…. độc lập lắm theo cách nói của ai đó, lại đến từ một người ngoài cuộc, nhà báo Hà Quang Minh, với bài viết công khai “Nếu im lặng, tôi là thằng hèn”, khởi đầu đăng trên FB của nhà báo này. Ông thẳng thắn, tôi lên tiếng, vì tôi muốn nền văn nghệ này cần có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn và không ăn cắp.
Ông chỉ ra một cách tinh tường nhất, tinh tế nhất về “tố chất” thơ của bài Bạch lộ: Bài thơ ấy, về giọng điệu, cấu trúc, rất lạ so với tổng thể còn lại của Sẹo độc lập. Nó cho ta cảm giác nó là Thư mà lại không phải là Thư, như một sự thoát khỏi chính mình vậy. Rồi ông tự rút ra kết luận: Dễ hiểu thôi, nó chính là bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan, in trong tập thơ ĐẾM CÁT, xuất bản năm 2003. Tất cả những câu hay nhất của Thường Đoan đã được… thuổng vào bài của Thư rồi. Và bởi thế, tôi, với hiểu biết dù hạn hẹp của mình, vẫn dám cả quyết rằng Phan Huyền Thư đã “đạo thơ” trắng trợn.
Còn người viết bài, khi đọc hai bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư và Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan đã không thể nhịn cười. Vì dù có vẻ “điệu đàng” hơn, nhưng Bạch lộ như… “nhại” Buổi sáng, khi bài thơ bám sát đến từng tứ, từng dòng, từng chữ. Chả lẽ, nói theo theo cách giễu của dân gian, những “tư tưởng lớn” lại gặp nhau đến kỳ lạ?
Khỏi phải nói, sự bùng nổ của dư luận.
Nhưng khi sự ồn ào lắng xuống, những người am hiểu làng văn nghệ, hẳn không ngạc nhiên khi nhớ tới những vụ việc chị đã từng dính líu trước đây. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà, trong Giadinh.net (ngày 06/4/2007) đã từng nói thẳng: "Phan Huyền Thư đạo văn tới... 02 lần", rằng chị đã đánh tráo khái niệm “đạo văn” bằng khái niệm “sưu tầm” khi “đạo văn” của Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc, viết trên poster về Thanh Tâm Tuyền tại Ngày Thơ VN lần thứ 05 tổ chức tại Văn Miếu…
Còn trước khi xảy ra vụ Bạch lộ, là vụ liên quan đến câu thơ của Du Tử Lê. Báo Lao động, ngày 19/10, đã gọi thẳng là người này mượn “hồn” của người kia. Nay thì không "mượn hồn", mà bê nguyên xi nhiều câu thơ trong bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan.
Đặt một loạt những vụ việc dù muốn hay không, cũng rất tai tiếng đó, người ta dễ dàng hiểu Phan Huyền Thư theo hướng bất lợi cho chị, bởi một sự bất tín vạn sự bất tin. Đằng này, chị đã hơn một lần bất tín.
Bất ngờ nhất, chị khẳng định, bài Bạch lộ chị viết từ năm 1996 đăng ở hải ngoại, và bài thơ của chị chỉ là in sau (năm 2014). Mà đăng ở hải ngoại, thì năm qua đi tháng qua đi, Bạch lộ không lộ có gì lạ đâu (xin mượn ý thơ của nhà thơ Nguyễn Duy). Ván cờ giữa hai người đàn bà, mà người đánh cờ … bất đắc dĩ Phan Ngọc Thường Đoan bỗng xoay hướng đột ngột. Với lý lẽ của Phan Huyền Thư, thì chỉ có thể Phan Ngọc Thường Đoan mới là kẻ “đạo thơ”.
Quả là thời của những giá trị trắng đen lộn sòng, rất khó hiểu! Khó hiểu như Phan Huyền Thư từng tự nhận về mình: “Bóng bẩy và khó hiểu mới chính là tôi!” (VTC News, ngày 05/4/2007)
Cũng rất khó hiểu, ngay trong làng văn nghệ, có những văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu còn mượn cả chuyện xa xưa nhân danh học thuật để biện hộ cho hành vi sai trái đang bị dư luận bất bình này. Một quan niệm rất thiếu hiểu biết. Bởi không thể lấy một thước đo lịch sử tậm tịt xa xưa, khi người Việt còn quẩn quanh sau lũy trẻ làng, với tâm lý cộng đồng xuê xoa kiểu chín bỏ làm mười, để đo thời hiện đại, khi đời sống trí tuệ và sáng tạo của con người đã có Luật bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó liệu có giúp người trong cuộc nhìn ra cái dở của mình, hay chỉ góp phần làm rối loạn các giá trị trong XH?
Phan Huyền Thư. Ảnh: VietNamNet |
Người viết không muốn bình về sự tiền hậu bất nhất của chị trong ứng xử mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vì bức xúc đã phải công khai trên báo chí. Khi chị yêu cầu Phan Ngọc Thường Đoan giữ im lặng, về lời hẹn của chị gặp nhà thơ này để trao đổi và thông cảm, nhưng cuối cùng lại tuyên bố bài thơ chỉ đăng sau chứ không sáng tác sau, đẩy nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan vào thế của kẻ “đạo thơ”, mà chỉ muốn nhìn nhận về sự ứng xử mới nhất.
Đó là thông tin mới đây (TP, ngày 20/10), Ban Chấp hành Hội Nhà văn HN đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn HN đối với tập thơ Sẹo độc lập. Trước đó, chị đã “gửi một lá đơn đến Ban CH Hội, nội dung xin trả lại giải thưởng sau khi có dư luận Phan Huyền Thư đạo thơ”.
Điều đáng nói ở ở nội dung lá thơ này, chị tuyên bố “xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về sự việc xảy ra, xin lỗi độc giả thơ cả nước, các nhà báo, xin lỗi gia đình vì đã làm họ mệt mỏi buồn bã”, nhưng vẫn khăng khăng với Ban CH Hội Nhà văn HN rằng bài Bạch lộ được chị viết năm 1996 với tên ban đầu là Độc ẩm, rồi gửi cho một số tạp chí ở Mỹ!
Có nghĩa là chị vẫn không “đạo thơ”. Chị xin lỗi bởi thái độ dư luận XH làm ảnh hưởng đến những người trong cuộc, trong đó có gia đình chị. Sự tinh vi, và sỹ diện đến tận cùng là ở chỗ đó. Khiến dư luận lại một lần nữa… bùng lên đàm tiếu.
Việc làm đó của Ban Chấp hành Hội NVHN là sự khẩn trương trước áp lực dư luận XH, có thể thỏa mãn tâm lý công luận, nhưng xét cho công bằng, vẫn cần có sự điều tra với những chứng cứ cụ thể để Rằng yêu thì nói là yêu/ Không yêu thì nói một điều cho xong- nhà thơ Phan Huyền Thư có “đạo thơ” hay không? Với việc thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư, Ban CH Hội NVHN mới làm được một việc là rút kinh nghiệm trong việc chọn “đạo thơ”… gửi giải mà thôi!
Với Phan Huyền Thư, thật khó khăn trong những ngày này, khi phải đối mặt với những bài báo, với dư luận XH nghiêm khắc. Nhưng bài học đắng cay không hề bất công với chị. Bởi đã thành danh, là người của công chúng, chị phải chấp nhận sự sòng phẳng minh bạch về mọi giá trị- tài năng thật, và nhân cách văn hóa thật, kể cả khi ở đỉnh vinh quang hay vấp ngã. Bởi chị, hoặc đã khiến công chúng tin rằng niềm tin của họ đúng chỗ, hoặc ngược lại…
Mà ở đời, không gì thất vọng và giận dữ hơn khi mất niềm tin.
Để rồi cuối cùng mới đây nhất, Phan Huyền Thư đã phải gửi thư xin lỗi cá nhân nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan một lần nữa, xin chính thức tiêu hủy bài thơ Bạch lộ và như chị viết- tôi thừa nhận “Bạch lộ” là bài thơ ra đời sau bài thơ “Buổi sáng” của chị.
Ra đời sau, chứ không…“đạo thơ”???
Dù là người có tài, chị vẫn mua danh ba vạn, bán danh ba đồng
Danh vọng và những giá trị thật
Vụ việc thứ hai, hàng loạt cán bộ trẻ được giới thiệu, bổ nhiệm, bầu vào các lĩnh vực quan trọng chủ chốt các tỉnh. Trẻ nhất 27 tuổi, nhiều tuổi nhất chưa đến 40, vào các chức vụ thành ủy viên, tỉnh ủy viên, bí thư thành ủy, bí thư tỉnh ủy….v..v… Đáng chú ý, họ đều là những người “nối nghiệp cha anh”.
Hiện tượng đó đáng mừng hay đáng nghĩ?
Đáng mừng- nếu nhìn vào tuổi tác, nhưng đặc biệt là học vấn. Hầu hết họ đều được đào tạo khá bài bản ở các quốc gia văn minh. Có người đã trải qua các môi trường, hoàn cảnh công tác ở cơ sở, ngành nghề. Vì thế, tư duy của họ dễ tiếp nhận, tiệm cận với những thông tin hiện đại, cách nghĩ hiện đại, đời sống hiện đại. Cách đi của họ rất có thể sẽ nhanh hơn năng lực hành động của cha anh họ.
Thật ra, hiện tượng nối nghiệp cha anh không phải hiếm ở các quốc gia. Thậm chí ở đó, các “gia đình chính trị” (một dòng họ, một gia đình có nhiều người tham gia vào chính thể, chính quyền bằng tài năng đích thực của mình) vẫn được người dân nể trọng, ngưỡng mộ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dân trí |
Theo các nhà quan sát, nghiên cứu quốc tế, Mỹ là quốc gia điển hình về hiện tượng có các “gia đình chính trị”. Những “gia đình chính trị” đó có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển dân chủ, tự do, và kinh tế- XH nước Mỹ. Nổi tiếng nhất trong số đó là dòng họ và các gia đình Roosevelt, Adam, Harrison, Kennedy, Clinton và Bush. Bốn gia đình Roosevelt, Adams, Harrison và Bush đều có hai đời tổng thống. Như vậy, trong 44 tổng thống nước Mỹ, đã có đến tám người từ bốn gia đình đó.
Tỷ như, John F. Kennedy làm Tổng thống (1961-1963), một người em trai của ông là Robert F. Kennedy giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và em trai út Ted Kennedy là Thượng nghị sỹ. Giai đoạn Tổng thống Mỹ George W. Bush nắm giữ quyền hành (2001-2009), em trai ông, Jeb Bush, làm thống đốc Florida (1999-2007).
Hiện tượng “gia đình chính trị” còn khá phổ biến ở ngay châu Á. Như ở Ấn Độ (gia tộc Gandhi đầy quyền lực), Hàn Quốc (hai cha con đều làm Tổng thống: Tổng thống Park Chung-hee (1962-1979) và nữ Tổng thống Park Geun-hye, đồng thời cũng là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ở Malaysia, Thủ tướng Najib Razak, có cha là Thủ tướng Abdul Razak (1970-1976). Ở Singapore cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là thân sinh Thủ tướng Lý Hiển Long v…v…
Vì sao? Đó là bởi các “gia đình chính trị” này họ cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển, làm nên “thương hiệu”quốc gia, cộng đồng của họ giữa nhân loại. Và bởi quá trình ứng cử, bầu cử, do đặc thù nền quản trị quốc gia, khiến cho việc tuyển chọn khó có sự nhầm lẫn giữa đá và … kim cương.
Còn ở XH ta? Người viết khá tâm đắc câu hỏi của phóng viên Infonet (ngày 17/10) với ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư TU Đà Nẵng: Có một câu hỏi “cũ” đã có nhiều người đặt ra, và hiện vẫn có nhiều người đang đặt ra. Nếu ba của ông không phải là bác Nguyễn Văn Chi (nguyên Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, nguyên Ủy viên Bộ CT, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ) thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?
Trả lời phỏng vấn của báo GDVN, ngày 20/10 mới đây, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó CN UB Kiểm tra TƯ cũng cho rằng: "Vấn đề đề bạt, bổ nhiệm phải tiến hành dân chủ thực sự chứ không được hình thức. Bên cạnh bầu cử, nên thực hiện thi tuyển lãnh đạo và nhân rộng hình thức này. Hai hình thức tuyển chọn cán bộ phải được tiến hành song song. Không nên phân biệt là con cán bộ, hay con nông dân. Đã là hiền tài phải được đối xử công bằng. Mặt khác, cần loại bỏ nhóm lợi ích tác động vào việc thi cử, bầu bán, với mục đích xấu, nhằm thu vén, mưu lợi cá nhân. Kiểu làm ăn như vậy sẽ có tội với lịch sử, có tội với đất nước".
Ở cương vị bậc làm cha mẹ, có ai không vui mừng khi con cái trưởng thành, thành đạt, có vị thế trong XH?
Nhưng ở cương vị công dân và trách nhiệm XH, thì sự ủng hộ con cái đứng ra gánh vác việc nước, trước hết phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Ông Nguyễn Xuân Anh, tân bí thư Đà Nẵng |
Thế nên, với các nhân sự cấp cao vừa được giới thiệu, bầu cử, bổ nhiệm, vị thế mới vừa là cơ may khẳng định năng lực, nhưng lớn hơn cả, lại là áp lực của dư luận XH lên chính họ. Không còn con đường nào khác, họ phải vượt lên chính mình, vượt lên cả… cái bóng của cha anh họ. Chứng minh bằng trí tuệ, năng lực hành động, giúp ích cho đời thật sự, và chứng minh sự hoài nghi của XH là … không đúng chỗ. Đó mới là điều cần thiết, trước mắt và lâu dài.
Người viết bài vì thế chia sẻ với câu trả lời tự tin của ông Nguyễn Xuân Anh trong vệt bài phỏng vấn 04 kỳ của Infonet: Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh.
…Tôi nghĩ là có chứ không phải không có “một bộ phận không nhỏ” các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ì ạch, nhũng nhiễu, dư luận ồn ào thì mình để yên sao? Để làm được điều đó thì anh phải sạch cái đã, thì khi anh thay họ, họ mới tâm phục khẩu phục, chứ không phải thay họ để anh đưa anh em, bà con, thân tín, ê kíp của anh vào.
Có câu thực tiễn là thước đo chân lý. Nhưng đôi khi không cần quá cao xa, thực tiễn là thước đo của… lời nói. Nên hãy để thực tiễn chứng minh.
Được biết, chuyến đi thực tế đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Anh là vi hành ở… bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng), một điểm ô nhiễm nhiều năm khiến người dân ở đây rất bức xúc.
Cái ghế là quyền lực, nhưng chỉ tài năng, nhân cách mới làm nên quyền uy. Và ở đời, quyền lực chỉ trọn vẹn, khiến cộng đồng ngưỡng mộ khi con người thực sự có quyền uy.
Câu chuyện danh lợi xung quanh vụ “đạo thơ” đã đi vào hồi kết. Còn câu chuyện về danh vọng của những nhân sự trẻ, giờ mới mở ra. Dù khác nhau một trời một vực, điểm gặp nhau duy nhất của nó là ở chỗ này- danh lợi hay danh vọng chỉ có ý nghĩa tích cực, nếu hàm chứa giá trị đích thực, góp phần thúc đẩy XH trở nên dân chủ, văn minh, công bằng và văn hóa. Nếu không, cũng chỉ là… danh hão.