"Khi đó không khí, sức sống của Đổi mới phả vào QH mạnh mẽ. Sau này cũng có những cái đã chậm lại." - ông Vũ Mão.

LTS: Nhân dịp 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là ngày thành lập Quốc hội Việt Nam, 6/1/1946, Tuần Việt Nam đã trò chuyện với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Xin giới thiệu phần 2 bài phỏng vấn. 

Kỳ 1: Những chuyện "có một không hai" của Quốc hội

{keywords}
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi ấy, những chuyến ra nước ngoài rất ‘tùng tiệm’

Bắt đầu từ Đổi mới, QH cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Điều này tác động đến sự chuyển biến của QH ra sao?

Chúng ta không thể là một ốc đảo, mà phải sống trong một cộng đồng quốc tế. Ta là nước chậm phát triển, lại bị tàn phá bởi chiến tranh, rất cần sự hỗ trợ của các nước.  

Việc hội nhập, học hỏi, hiểu biết quốc tế vô cùng quan trọng. Sẽ là nguy hiểm khi người ta không hiểu nhau, giữa con người với con người hay giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng vậy thôi.  

QH khóa VIII, khi đất nước còn bị bao vây cấm vận, rất nhiều khó khăn, vẫn tìm mọi cách tiếp cận với QH các nước. Điều kiện tài chính ngặt nghèo, chúng tôi phải tìm cách trao đổi để nước bạn tạo điều kiện giúp đỡ.

Những chuyến đi khi đó rất “tùng tiệm”, gọn nhẹ. Năm 1989, Đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm và làm việc tại Pháp chỉ có bà Nguyễn Thị Bình, tôi và ông Phan Quang. Mỗi người phải nhờ bạn bè cho vé. Tôi xin của Liên Xô, ông Phan Quang xin của tổ chức nhà báo quốc tế. Trong chuyến thăm Australia lần đầu tiên năm 1990, Đoàn QH cũng chỉ có 3 người, chủ tịch QH Lê Quang Đạo, tôi và bà Ngô Bá Thành. 

Trong những chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài ấy, ông có cảm nhận nỗi đau trước khoảng cách quá lớn giữa VN với các nước? 

Có chứ. Chúng tôi thấy buồn, tại sao các nước phát triển như vậy còn mình lại lẹt đẹt. Khi chưa ra quốc tế, chỉ quẩn quanh trong nước, chúng ta thấy tình trạng hiện tại là chấp nhận được. Nhưng ra ngoài mới thấy mình còn yếu kém, còn thua xa quá, không thể “ếch ngồi đáy giếng”, phải mở tầm mắt ra một chân trời mới để phấn đấu.  

Và những chuyến đi đó đã được “tận dụng” tối đa, hết công suất? 

Đối với tôi, đi là nuốt lấy từng lời, không bỏ qua dù chỉ những chi tiết nhỏ của mỗi sự kiện, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Khi đi tôi nghiên cứu rất sâu, về có gì vận dụng được là cố gắng đưa vào vận dụng. Thí dụ, khi ở nước ngoài tôi quan sát việc ghi tốc ký tóm tắt các cuộc họp QH. Khi về VN, chúng tôi còn cải tiến đi xa hơn cái họ đang làm. Công nghệ “ghi, gỡ, gõ, in” được vận dụng sáng tạo, được các đại biểu QH hài lòng.  

Tại Văn phòng QH, tôi yêu cầu tất cả các đoàn đi công tác nước ngoài về phải có báo cáo, rút ra những bài học cụ thể, phải nói rõ đã thu hoạch được cái gì, nên vận dụng cái gì. 

Giờ tôi quan sát thấy việc đi nước ngoài “học hỏi”của các cơ quan ở Trung ương, ở địa phương đã trở nên tràn lan, khi về tổng kết chung chung, thiếu hiệu quả, thậm chí còn những chuyến kiểu tri ân cho các cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” như báo chí gần đây nêu ra.  

{keywords}

 Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Việt Dũng/ Tuổi trẻ

Cần một đổi mới căn bản

Năm 2007, VN gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, một dấu mốc đặc biệt trong tiến trình hội nhập. QH đã đóng vai trò thế nào trong bước tiến này? 

Quốc hội có đóng góp rất lớn, trước tiên là việc tác động đến Ban lãnh đạo WTO hiểu được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan lập pháp VN đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế. Cả một “chiến dịch” đối ngoại sôi nổi đã được thực hiện với vai trò năng nổ của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. 

Cùng với đó, QH mở “chiến dịch” sửa đổi các luật đã có và xây dựng nhiều đạo luật mới. Trước đây, mỗi năm QH chỉ thông qua được 10 – 15 luật. Riêng trong hai năm 2005, 2006, con số này tăng gấp đôi, mỗi năm đã thông qua trên 20 – gần 30 luật, cùng với các sửa đổi luật.  

Thậm chí khi chưa sửa đổi bổ sung ngay các luật, QH đã ra nghị quyết chung là tất cả những luật của VN chưa kịp sửa chữa để phù hợp, tương thích với các luật quốc tế khi gia nhập phải thực hiện theo WTO. 

Nếu như giai đoạn 1986, chúng ta nói đến “đổi mới hay là chết”, thì giờ chúng ta đang nói đến “đổi mới lần 2”, đến việc “mở cửa hay là chết”. Và như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng chỉ ra: Đất nước đổi mới, Đảng đổi mới, Quốc hội không thể không đổi mới. Nhưng để làm được điều này, mấu chốt như ông đã đề cập, cần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với QH. Cụ thể là gì, thưa ông? 

Tính đến nay có thể coi QH khóa VIII là một đột phá mạnh mẽ nhất, dù chưa thể nói là mẫu mực, về đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng với QH. Một thí dụ điển hình là đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bàn với đồng chí Võ Chí Công: Cái gì thuộc thẩm quyền QH thì Hội đồng nhà nước bàn trước, thấy vấn đề nào thật cần thiết mới xin ý kiến Bộ Chính trị và TƯ. Như vậy để QH có vai trò chủ động, đồng thời Bộ Chính trị cũng không sa đà vào những công việc sự vụ. Khi đó không khí, sức sống của Đổi mới phả vào QH mạnh mẽ. Sau này cũng có những cái đã chậm lại. 

Mẫu mực chúng ta hướng đến là: QH làm tròn chức năng nhiệm vụ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; Đảng là cơ quan lãnh đạo nhà nước, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhưng nếu không có phương thức triển khai tốt, hai vai trò này có thể xảy ra mâu thuẫn.  

Theo tôi, cần có một Đổi mới căn bản. Thay vì trước đây Bộ Chính trị ra quyết định bằng một nghị quyết, một kết luận, còn QH chỉ triển khai, biểu quyết dựa trên đó, thì bây giờ Bộ chính trị đưa định hướng, QH bàn, thảo luận. Sau đó Bộ Chính trị thấy còn những vấn đề nào quan trọng, còn có ý kiến khác nhau thì thảo luận lại để tạo sự đồng tâm nhất trí, đồng thuận cuối cùng. 

Đây là vấn đề rất khó, khó từ trong nhận thức đến tổ chức thực hiện, nhưng phải quyết tâm đến cùng, để “dân chủ” được thực hiện thực chất, quyền làm chủ của người dân được phát huy tối đa thông qua thiết chế đại diện. 

Mỹ Hòa thực hiện