Một anh bạn người nước ngoài từng đùa với tôi rằng, thứ dễ tìm nhất ở Hà Nội là quán bia.
Một tổng kết mới đây cho thấy, trong năm 2015, thị trường Việt Nam tiêu thụ hết 3,4 tỷ lít bia, tăng 10% so với năm 2014, tức là trung bình 38 lít/ mỗi người Việt[1]. Còn theo một ước tính, mỗi năm người dân xứ mình dành ra chừng 3 tỷ đô la Mỹ cho việc “trau dồi” tửu lượng, tương đương tổng thu nhập (chưa trừ chi phí) từ việc xuất khẩu gạo của cả nước/ 1 năm.
Thiên đường của bia, rượu?
Một anh bạn người nước ngoài từng đùa với tôi rằng, thứ dễ tìm nhất ở Hà Nội là quán bia. Phố nào cũng có, quy mô nào cũng đủ, sang, trung lưu hay bình dân kiểu gì cũng sẵn lòng phục vụ “thượng đế”. Anh cũng không ít lần ngạc nhiên khi chứng kiến những màn “chào buổi sáng” tưng bừng của các ma men bên vỉa hè.
Có phải bia rượu ở xứ mình được sản xuất bởi công nghệ “siêu thân thiện” với sức khỏe đến độ người ta phải thiêu thân vào đó như tìm nguồn “năng lượng sạch”?
Hay bởi đây là biểu hiện của một thói quen xấu bắt nguồn từ việc lấy miếng ăn, thức uống nơi công cộng như một cách “khoe”, “thể hiện” đẳng cấp, địa vị? Hay là bởi người ta cần có cuộc nhậu để dễ bề “cò kè” mua bán, đổi chác với nhau những thỏa thuận ngầm, những toan tính, những đặc quyền, những suất biên chế…?
Điều gì khiến người ta có thể ngồi hàng giờ trong quán bia đông đúc, ồn ào để say sưa “nói cho nhau nghe” không biết chán, trong khi nếu thay bia rượu bằng trà thì đám đông chắc sẽ giải tán sau chừng chục phút? Điều gì khiến người ta không mệt mỏi khi suốt cuộc nhậu chỉ là những điệp khúc “zô, uống”, những màn mời mọc, ép hay “thách đấu”?
Có phải người ta đồng nhất tửu lượng với bản lĩnh của một con người? Có phải đây cũng chính là hệ quả của sự yếu kém trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các loại đồ uống có cồn?
Suốt cuộc nhậu chỉ là những điệp khúc “zô, uống”. Ảnh minh họa |
Bia rượu và năng suất lao động
Năng suất lao động của người Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bằng khoảng 1/15 lần so với Singapore. Liệu “kỷ lục” buồn này có mối liên hệ gì với khả năng bia rượu “hiếm có” của người xứ ta chăng?
Việc lạm dụng, uống bia rượu vào buổi trưa hay quá khuya rõ ràng sẽ có ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất. Khi nơi nơi tràn quán bia rượu, người người cùng uống, bất chấp thời gian, coi nhẹ sức khỏe thì kỳ vọng cải thiện năng suất lao động sẽ thêm xa?
Bia rượu và giống nòi
Cứ 10 năm chiều cao của người Việt mới tăng được 1cm. So với nhiều nước, tầm vóc của người Việt thực sự khá khiêm tốn. Nhiều nỗ lực được đưa ra, nhưng nếu vẫn cứ uống như hiện nay, khó mà không hoài nghi giấc mơ “hóa rồng” về tầm vóc của người Việt[2].
Ở nhiều nước phát triển như Mỹ, bia rượu chỉ bán cho công dân trên 21 tuổi. Quy định này được thực hiện vô cùng nghiêm túc. Còn ở ta, không khó bắt gặp cảnh những đứa trẻ còn chưa biết tự rửa mặt xách chai đi mua rượu cho bố, cũng không hiếm trường hợp trẻ em vị thành niên tụ tập ăn nhậu công khai…
Không khó bắt gặp cảnh công chức uống bia buổi trưa. Tranh minh họa: Tuổi trẻ |
Bia rượu và công chức cắp ô
Một kết quả tham vấn cộng đồng thực hiện tại Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng và Long An từ tháng 3 – 5/2015 cho thấy có ba nhóm uống rượu bia nhiều nhất là cán bộ công chức (trên 38%), đặc biệt cán bộ công chức ở… Hà Nội với trên 48%, kế đến là người lao động tự do (38%) và thanh niên (25%)[3].
Chính phủ đã có quy định cấm công, viên chức uống rượu, bia vào buổi sáng và buổi trưa. Ấy nhưng, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, rồi nhất là dịp cuối năm, đầu năm thôi thì cơ man là tiệc. Nào thì sinh nhật, lên chức, lên lương, đi Tây, sơ kết, tổng kết, thi đua… đa phần tổ chức vào buổi trưa và có lẽ khó lòng tìm nổi bữa tiệc không có bia, rượu.
Không ít cơ quan bị “bao vây” bởi vô số quán nhậu, cũng không thiếu cơ quan cho tư nhân thuê đất mở quán bia. Không hiếm vị uống quên cả giờ làm, bước vào cơ quan cứ như thể đang vào… rạp xiếc. Bạn cũng đừng quá ngạc nhiên nếu bắt gặp trong tủ làm việc của cán bộ nào đó lấp ló những chai rượu uống dở, có thể được đem ra uống ngay trong phòng, trong giờ hành chính.
Uống như thế, không cắp ô liệu người ta có thể cắp gì?
Tết âm sắp tới được nghỉ dài. Hẳn rồi khắp nơi từ quán xá thành phố đến các làng quê, trước Tết cả tuần là “màn khởi động”, lướt thướt kéo ít nhất qua rằm lại là màn “zô zô” tưng bừng.