Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Việt Nam công khai kêu gọi Mỹ và ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn và hành động hiệu quả hơn để chấm dứt việc quân sự hoá Biển Đông. Bởi thực tế cho đến nay, sự can dự của Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn chưa đủ để kiềm chế một Trung Quốc đầy tham vọng.

Bài 1: Obama không chấp nhận "cậy mạnh hiếp yếu" ở Biển Đông

Bài 2: ASEAN tronng vòng xoáy quyền lực Mỹ - Trung

Bài 3: "Động thái của TQ chưa đủ tạo xung đột"

Bài 4: Obama tạo động lực mới cho hợp tác Mỹ - ASEAN

Bài 5: Mỹ và ASEAN yêu cầu chấm dứt quân sự hóa Biển Đông

Trong khi Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN đang họp bàn về an ninh khu vực tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands thì ngoài Biển Đông, Bắc Kinh đã khởi sự hoạt động xây cất quy mô lớn tại Quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Theo hình ảnh vệ tinh do tờ The Diplomat đăng tải mới đây, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp tại hai địa điểm mới ở Biển Đông trên nhóm đảo An Vĩnh thuộc Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm chừng 15 cây số về hướng Bắc-Tây Bắc.

{keywords}
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại SunnyLands. Ảnh: Rabiatul

Ngoài ra vệ tinh còn chụp được các hình ảnh mới nhìn thấy lần đầu của một bãi đáp trực thăng đang được thi công ở đảo Quang Hòa cũng thuộc Hoàng Sa, cho thấy Bắc Kinh có thể đang phát triển một hệ thống các căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ cho các trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm như những chiếc ASW Z-18F mà Trung Quốc vừa triển khai.

Như vậy, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu dừng lại những hoạt động quân sự hoá Biển Đông mà nước này tiến hành suốt từ tháng 2 năm ngoái.

Đánh đúng điểm yếu

Có nhiều cách để lý giải tại sao sự can dự của Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực ASEAN.

Một quan chức Lầu Năm Góc đã từng phải thừa nhận, Mỹ vẫn chưa tìm ra đối sách hiệu quả với chiến thuật “cắt lát xúc xích”, hay bành trướng từng phần mà Trung Quốc đã áp dụng ở Biển Đông suốt vài năm gần đây.

Nhà nghiên cứu Dennis Roy (Trung tâm nghiên cứu Đông – Tây) nói thẳng “Chiến lược này rất khó được xử lý một cách chính xác, vì không hành động nào của Trung Quốc đủ lớn để Mỹ có thể đáp trả mạnh tay hơn là bằng những lời nói suông”.

Nói như TS Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ), chiến thuật “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đã thành công ở Biển Đông vì đã đánh đúng chỗ yếu của đối phương, đó là sự lo ngại làm leo thang căng thẳng, dẫn đến xung đột lớn.

Đó là chưa kể đối với nhiều nước trong khu vực, mối quan ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc trên biển còn phải cân bằng với mong muốn về mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với siêu cường thứ hai thế giới này.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tuyên bố chung Sunnylands không đề cập trực diện đến Biển Đông cho dù những diễn biến trên Biển Đông đã được bàn thảo khá nhiều tại phiên họp về chính trị - an ninh khu vực.

Cờ vây hoá giải cờ vây

Quan sát thực tế, không khó để thấy, gần đây, TQ giữ thế lấn lướt vì các nước khác vẫn tiếp tục đi trên “đường ray” cũ của chiến lược “phòng hờ” (hedging) chứ chưa thực sự chuyển sang chiến lược cân bằng (balancing), và các biện pháp vẫn chưa đủ để tái lập cân bằng chiến lược trong khu vực ASEAN.

Tiến sĩ Alexander L. Vuving cho rằng, sự thành công của TQ ở Biển Đông phụ thuộc vào chiến lược, chiến thuật của họ một nửa, còn nửa kia phụ thuộc vào chiến thuật, chiến lược của phía đối thủ.

“Nếu các đối thủ của TQ ở Biển Đông có đối sách tận dụng được điểm yếu của TQ và điểm mạnh của mình, thì TQ khó lòng đạt được tham vọng độc chiếm khu vực. Một điểm yếu của TQ là họ chỉ có một mình, trong khi các nước muốn ngăn chặn TQ độc chiếm Biển Đông thì có nhiều. Các nước kia có thể kết hợp lực lượng với nhau, nương nhờ lực lượng của nhau, và cùng nhau tạo cơ chế hợp tác đa phương. Nếu làm được những điều này, hoàn toàn có thể ngăn cản được việc TQ độc chiếm Biển Đông”, tiến sĩ Vuving quả quyết.

Ông cho rằng nếu TQ chơi “cờ vây” ở Biển Đông để tránh xung đột lớn thì các nước khác cũng hoàn toàn có thể chơi cờ vây và có thể còn chơi hay hơn vì 10 nước ASEAN đều có những lợi thế riêng trong cuộc cờ này.

Và cho dù nội khối ASEAN vẫn còn tồn tại những bất đồng đối với vấn đề Biển Đông và ứng xử với Trung Quốc do bài toán lợi ích và toan tính chiến lược khác biệt của mỗi nước, rõ rang đó vẫn là một kênh đa phương quan trọng để từng nước, trong đó có Việt Nam dựa vào.

Những gì người đứng đầu Chính phủ thể hiện tại Sunnylands cho thấy Việt Nam đã tận dụng khá tốt kênh này.

Bởi một ASEAN cho dù còn chia rẽ nhưng vẫn là tổ chức “danh chính ngôn thuận” duy nhất tại khu vực hiện nay mà tất cả các nước lớn, không chỉ riêng Mỹ đều muốn lôi kéo, tranh thủ.

Một hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức riêng trên đất Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử cho thấy, ASEAN với tư cách là một khối, có không ít lợi thế để đóng vai trò trung tâm trong tái lập cân bằng chiến lược trong khu vực.

Hậu Sunnylands, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: liệu sau “thông điệp rất rõ ràng” mà ông Obama đã gửi tới Bắc Kinh, Mỹ sẽ có những bước đi cụ thể nào để sự phản đối không chỉ dừng ở những “lời nói suông”. Và ASEAN sẽ làm gì để khắc phục những bất đồng, củng cố nội lực để tận dụng vị thế địa chính trị đang lên của khối này trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực ngày càng khốc liệt giữa hai ông lớn Mỹ - Trung?

Thu Hà, từ Sunnylands, California, Mỹ