Trung Quốc lần đầu tiên điều động hai tổ hợp phòng không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Đây là bước leo thang quân sự hoá mạnh mẽ nhất từ trước tới nay và có khả năng gia tăng bất ổn tại khu vực.

Hệ thống phòng thủ tiên tiến

Một quan chức Mỹ cho biết hai hệ thống này có thể thuộc tổ hợp HQ-9 (hay Hồng Kỳ 9, được Trung Quốc chế tạo theo nguyên mẫu hệ thống S-300P của Nga). HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa, được thiết kế để theo dõi và tấn công các loại máy bay, tên lửa hạm, tên lửa không đối đất và tên lửa đạn đạo. Hệ thống này được cả không quân và hải quân Trung Quốc sử dụng (đối với hải quân là phiên bản phòng không hạm HHQ-9).

Với tầm bắn xa 200 km, trần bắn 19 km và tốc độ đạn tên lửa đạt mức Mach 4.2 (nhanh hơn tốc độ âm thanh 4.2 lần), HQ-9 được xem là hệ thống tên lửa phòng không tân tiến nhất của Trung Quốc hiện nay. Mặc dù được chế tạo dựa trên S-300P, nhưng HQ-9 vẫn có những khác biệt căn bản so với hệ thống của Nga. HQ-9 tích hợp một số công nghệ từ hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ. Một số nguồn tin còn cho rằng khác với các đối thủ từ Nga và Mỹ, HQ-9 sử dụng công nghệ ra-đa mảng pha chủ động.

Vì dựa trên công nghệ của Patriot, nên hệ thống dẫn đường của HQ-9 hoạt động theo nguyên tắc “bám đuôi” – cho phép tên lửa đánh chặn lao trực tiếp vào tên lửa của đối phương. Tên lửa đánh chặn này sau đó hoặc là phát nổ gần mục tiêu, hoặc là làm chệch hướng đường bay tên lửa của đối phương.

Những thông số kỹ thuật trên cho thấy tiềm năng kỹ chiến thuật của HQ-9. Thậm chí một thành viên của NATO là Thổ Nhỹ Kỳ đã từng đề nghị mua lại hệ thống này. Thương vụ bị bãi bỏ vào cuối năm 2015 do sức ép từ Mỹ, song không thể coi thường năng lực của HQ-9 trong việc cạnh tranh với các hệ thống phòng thủ tương tự của Nga hay phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ các thông tin cho rằng Trung Quốc vừa mới đặt các hệ thống HQ-9 trên đảo Phú Lâm, cho rằng chúng đã được triển khai trước đó nhiều năm. Ông Nghị cũng nói thêm rằng “do năng lực tự vệ hạn chế trên các đảo mà Trung Quốc có công dân đồn trú, đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo năng lực phòng vệ của Trung Quốc được ghi nhận trong luật quốc tế”.

{keywords}

Ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

Các hàm ý về chính trị và quân sự

Về mặt chính trị, đây là hành vi quân sự hoá rõ ràng nhất của Trung Quốc tại Biển Đông tính đến thời điểm hiện tại. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khí tài quân sự hiện đại, cả phòng thủ và tấn công, giúp củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia khác và đe doạ đến tự do hàng hải của các quốc gia khác trên Biển Đông.

Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN vừa kết thúc tại Sunnylands, bang California. Tổng thống Obama trong buổi họp báo kết thúc đã khẳng định rằng các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông phải chấm dứt. Và ông Obama cũng nhấn mạnh thêm rằng tự do hàng hải và các hoạt động thương mại hợp pháp cần phải được duy trì.  

Có thể thấy việc đưa HQ-9 ra đảo Phú Lâm, nếu được thực hiện gần đây, là hành động nhằm bác bỏ ảnh hưởng của Mỹ, khẳng định sự hiện diện mạnh mẽ và không thể thay thế của Trung Quốc tại vùng biển được coi là phên giậu phía nam này của Trung Quốc. HQ-9 cũng sẽ gia tăng sức nặng đàm phán của Bắc Kinh và gửi thông điệp tới các quốc gia có liên quan tới tranh chấp: Trung Quốc có khả năng mạnh mẽ trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Về mặt chiến lược quân sự, HQ-9 đặt ra một số kịch bản cần phải được cân nhắc kỹ.

HQ-9 tạo ra mối đe doạ cho các loại máy bay cả quân sự và dân sự bay gần hòn đảo này; rộng ra hơn nữa là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động tuần tra hàng hải bằng máy bay của hải quân Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn do hệ thống ra-đa của HQ-9 nếu hoạt động đúng chức năng sẽ có độ bám bắt tốt. Điều này gia tăng mức độ rủi ro của các hoạt động tuần tra trên không, không chỉ của Mỹ mà còn của Nhật Bản và Australia.

Đặt HQ-9 tại Phú Lâm sẽ là bước đi đầu tiên trong quá trình thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Trung Quốc đã cải tạo một sân bay tại Phú Lâm, và sân bay này đã có khả năng tiếp nhận máy bay chở khách loại lớn. HQ-9 cùng các loại máy bay chiến đấu như J-11 hay JH-7 sẽ tạo thành những lá chắn khó xuyên thủng cho ADIZ của nước này ở phía bắc Biển Đông.

Cần đề phòng khả năng Trung Quốc đưa HQ-9 hoặc các hệ thống phòng không tầm thấp khác ra các đảo nhân tạo tại Trường Sa sau một thời gian thử nghiệm khả năng tác chiến của HQ-9 tại Hoàng Sa. Tại Phú Lâm, HQ-9 sẽ có thể diễn tập khả năng hoạt động trong môi trường biển (vốn dễ làm hao mòn khí tại điện tử), khả năng hợp đồng tác chiến biển đảo với không quân và thuỷ quân lục chiến, và khả năng tiếp vận.

{keywords}

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Ausairpower.net

Dựa trên ảnh vệ tinh, không nhận thấy sự hiện diện của các nhà kho, cơ sở bảo dưỡng lớn trên Phú Lâm. Mặc dù là hệ thống phòng thủ di động nhưng HQ-9 vẫn cần phải có cơ sở bảo dưỡng. Điều này khiến cho một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc chỉ triển khai các hệ thống phòng không này một cách tạm thời do điều kiện khí hậu biển khắc nghiệt không có lợi cho các hệ thống điện tử. Tuy nhiên, với tốc độ xây dựng đảo chóng mặt của Trung Quốc trong thời gian vừa qua, việc xây dựng các cơ sở bảo dưỡng trong thời gian ngắn không phải là việc gì quá khó khăn với Trung Quốc tại Phú Lâm.

Trong trường hợp có xung đột cục bộ xảy ra, HQ-9 sẽ trở thành ô phòng không tầm cao đặt tại trung tâm Hoàng Sa. Nếu kết hợp với các biến thể phòng không hạm HQ-9 đặt trên tàu chiến thì toàn bộ khu vực có bán kính 300-400 km (với tâm là Phú Lâm) xung quanh Hoàng Sa sẽ trở thành khu vực cấm bay. Về mặt kỹ chiến thuật, HQ-9 đóng vai trò là ô phòng không tầm cao có vai trò bảo vệ sân bay Phú Lâm và toàn bộ đảo Phú Lâm. Điều này sẽ phần nào giúp cho các tàu khu trục trang bị HQ-9 có thể “rảnh tay” để tập trung cho nhiệm vụ chính của mình là phòng không hạm đội.     

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.