Khi nhìn lại, có thể họ sẽ cười xòa cho qua, đằng nào thì tàu hỏa cũng đã dừng, chuyện nghiêm trọng chưa xảy ra.

Một sự cố thót tim đã xảy ra tại Quận Hà Đông (Hà Nội) - “tàu hỏa nhường đường cho xe máy”. Sẽ là không cần thiết dẫn ra đây Luật giao thông đường bộ, vì ai cũng biết đến các điểm giao cắt, quyền ưu tiên bao giờ cũng thuộc về tàu hỏa trên đường sắt. 

Nếu như lần này ở Hà Đông, người gác chắn không báo tín hiệu dừng tàu, và tàu không dừng kịp thì hậu quả sẽ ra sao. Chắc chắn là thảm khốc, vì lúc đó hàng chục người và xe máy còn kẹt giữa hai rào chắn. Một khi đã đổ chồng đống lên nhau trong hoảng loạn, liệu bao nhiêu người sẽ thoát ra được. 

Vụ việc đã kết thúc, không thiếu những người vừa giành được đường của tàu hỏa, sẽ đọc các bài báo về… chính mình. Và nhiều khả năng họ sẽ cười xòa cho qua – đằng nào thì tàu hỏa cũng đã dừng, chuyện nghiêm trọng chưa xảy ra. Có một bộ phận người Việt Nam là thế, “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên coi thường tất cả.  

{keywords}

Lái tàu phanh gấp sát vị trí người dân đang băng qua đường ngang. Ảnh: Otofun

Đi đường, chúng ta gặp không ít những người cố vượt qua nơi giao cắt khi đèn mới chuyển sang đỏ được vài giây. Vượt qua được, họ sẽ tiết kiệm vài chục giây đến một đôi phút chờ đèn đỏ. Bất chấp tai nạn tiềm tàng, họ vẫn dám đánh liều tính mạng để qua nhanh hơn một chút.  

Không có gì lạ khi những người như vậy gặp chắn tàu sẽ liều mà lách qua khe hẹp và trở thành ngòi lửa cho vụ “tranh đường tàu hỏa”. 

Tiếp đến là hiệu ứng đám đông. Bản tính sốt ruột sợ mất phần của nhiều người trỗi dậy, “nó đi được thì mình cũng đi được,” sợ chờ tàu hỏa đi qua thì người đông lắm, lại mất thêm hàng phút đến chục phút mới qua được… Cầm lòng không đặng, tất cả cùng chen qua.  

Cái khe hẹp nếu vài người đi thì nhanh, nếu nhiều người hơn đi qua đã chậm đáng kể, hàng chục người lại điều khiển xe máy, luýnh quýnh trong lúc tàu đang tới vướng vào nhau, chắc chắn sẽ mắc kẹt. Và tất cả sẽ cùng mắc kẹt. 

“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – chúng ta chỉ nghĩ tiết kiệm được vài phút là “cỗ” mà quên vượt qua mũi đoàn tàu, chính là “lội nước.” Thấy người khác vi phạm pháp luật giao thông đường bộ “không làm sao” (không bị phạt, không bị tai nạn), sợ thua thiệt chúng ta bất chấp. 

Giả sử tai nạn xảy ra – thì chính những người chịu thiệt hại về tài sản (xe máy), có khi cả mạng sống lại cũng là nguồn gây lỗi. Không chỉ vậy, theo quy định của ngành đường sắt, người gác chắn phải kéo barrie trước khi tàu đến một thời gian khá lâu. Trong trường hợp vừa xảy ra ở Hà Đông, phải chăng vì cả nể nên người này đã để một khe hẹp để xe đạp, xe máy và người đi bộ lách qua? Cách đây khoảng 20 năm đã từng có một vụ tai nạn như vậy. Hai bố con đi xe máy “được” người gác chắn “cho” lách vào đứng trong chắn ở Cầu Quay bắc qua sông Tam Bạc, Hải Phòng. Xe vẫn nổ máy và đứa con nhỏ ngồi trước vặn tay ga, tầu hỏa đè chết cả hai. Lỗi trong trường hợp này phần lớn thuộc về người gác chắn. 

Cùng với sự hoàn thiện dần của luật pháp, khi có tai nạn xảy ra, lỗi thuộc về ai phải được xác định rõ, để có cách hành xử phù hợp, chứ không phải xe to, nhiều tiền phải đền xe bé. Việc Hà Nội ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông hồi đầu tháng 2 cũng cho thấy xu hướng điều chỉnh này.  

Có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng đặt camera tại những điểm giao cắt đường bộ như ở Hà Đông và tổ chức phạt nguội với những người “tranh đường tàu hỏa”. Đây là một hành động cần làm, đáng được hoan nghênh và góp phần tái lập trật tự. 

Chúng ta nói nhiều về những chỉ tiêu phát triển kinh tế, những ước vọng về một xã hội văn minh. Nhưng cũng chính chúng ta vẫn ngày ngày vi phạm pháp luật ngay từ những việc nhỏ nhất, vẫn hành xử với nhau theo kiểu tranh giành không ai muốn nhường ai dù chỉ một bước chân, vẫn đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn… thì sao bàn đến những chuyện xa xôi hơn đây?

Phúc Lai  

>> XEM THÊM: