Được ủng hộ về mặt chủ trương đầu tư chỉ trong 5-6 tháng, áp dụng hình thức BOO, sở hữu vĩnh viễn cho doanh nghiệp và dự kiến, không có lãi... là những điều lạ lùng, không bình thường trong câu chuyện đầu tư ở siêu dự án trên sông Hồng.
LTS: Chiều qua, 9/5, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến giao thông đường thuỷ Xuyên Á của công ty TNHH Xuân Thiện. Tuy nhiên, bài học có được từ câu chuyện Bộ Kế hoạch Đầu tư và 6 bộ ngành cùng đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã cho thấy nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
Dự án đa mục tiêu xây dựng tuyến đường thủy Xuyên Á trên sông Hồng do công ty Xuân Thiện đề xuất đầu tư hiện nay đang gây bão trong dư luận.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đệ trình ý kiến lên Thủ tướng về việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này nhưng sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản cho biết Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án này. Đây mới chỉ là một đề xuất ban đầu và có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của dự án cả về mặt kinh tế cũng như về mặt môi trường.
Tuần Việt Nam/ Báo VietnamNet mời quý vị bạn đọc theo dõi tọa đàm: "Siêu dự án trên sông Hồng, những điều còn bỏ ngỏ" . Xin giới thiệu các vị khách mời của chúng tôi: nhà báo Mạnh Quân, Trưởng Ban kinh tế của báo Dân trí; nhà báo Thế Dũng, Phó Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội báo Người Lao động và nhà báo Tư Giang, phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Phải tốn nhiều thời gian như dự án sân bay Long Thành để thông qua
Nhà báo Phạm Huyền: Theo dõi sát và cũng đọc rất kỹ các tài liệu liên quan siêu dự án tỷ đô trên sông Hồng và với kinh nghiệm đã từng viết nhiều về các dự án đầu tư, xin các anh cho biết, thông thường kể từ lúc chủ đầu tư đề xuất cho đến khi các bộ ngành lấy ý kiến và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, một dự án sẽ mất khoảng bao nhiêu thời gian?
Nhà báo Mạnh Quân: Tôi nghĩ với các dự án có mức tầm cỡ như họ nêu ở trong báo cáo đến tỷ đô như thế này thì không thể nào chỉ trong 5-6 tháng được. Bét nhất cũng phải vài năm như sân bay Long Thành, phải mất rất nhiều năm, phải đưa Quốc hội rồi lấy ý kiến rất nhiều hội nghị, hội thảo. Thế nhưng ở đây, một dự án có vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nói gấp rút chỉ trong cuối năm nay đã thực hiện thì quả là bất ngờ.
Nhà báo Tư Giang: Thông thường một dự án xây dựng, người ta phải mất ít nhất 3 năm mới làm xong các thủ tục liên quan. Trong khi đó, đây là một dự án rất khổng lồ, liên quan đến quá nhiều người, quá nhiều lĩnh vực mà xem xét có ý kiến các bộ ngành trong thời gian rất ngắn thì tôi nghĩ điều đó không bình thường.
Nếu các bộ ngành mà cũng làm với tốc độ như thế này với các dự án khác, ta đã không đặt câu hỏi. Nhưng với tình trạng ở Việt Nam hiện nay, các dự án lớn cần phải phê duyệt, thường là khoảng 3-5 năm thì đây là điều không bình thường.
Nhưng cái quan trọng nhất, câu hỏi này cần đặt trong những bài học liên quan đến chuyện môi trường. Đây là câu chuyện rất lớn với các dự án công nghiệp ở Việt Nam.
Bây giờ chúng ta đang phải trả giá rất nhiều ở những dự án rất lớn chẳng hạn như dự án sông Đồng Nai, báo chí đã nói rất nhiều, hay như một dự án được gọi là dự án sông Mã ở Thanh Hóa, dòng sông này cung cấp nước chủ lực nhưng đã có rất nhiều đập thủy điện xây trên đây. Tuy nhiên, dự án này không được báo chí quan tâm, có lẽ vì đây là một dòng sông tại vùng sâu, vùng xa.
Ngược lại, câu chuyện của dự án sông Hồng, tôi thấy một điều đặc biệt là, khi mới đưa ra chỉ cách đây khoảng một tuần, chưa thấy bất kỳ ý kiến của chuyên gia nào ủng hộ dự án này.
Tác động đến môi trường, không có cơ hội sửa sai
Nhà báo Phạm Huyền: Anh Thế Dũng từng có rất nhiều bài báo phản biện các dự án tác động đến môi trường, chẳng hạn dự án lấp sông Đồng Nai, anh có băn khoăn gì về tác động môi trường khi đọc hồ sơ dự án này?
Nhà báo Thế Dũng: Qua các thông tin có liên quan đến dự án, thứ nhất tôi ủng hộ các dự án mang tính táo bạo, đặc biệt là những lĩnh vực còn mới. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết dự án này tác động động rất lớn đến môi trường.
Dòng sông Hồng được người Việt ta gọi là sông Cái, một con sông rất lớn. Nó chảy xuyên suốt biên giới phía Bắc cho đến vùng hạ lưu rồi ra đến biển, tác động đến hàng loạt tỉnh và không chỉ hàng triệu, mà có thể lên tới hàng chục triệu người, vì nó còn tác động đến vùng hạ lưu.
Việc thẩm duyệt nhanh đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp, nhưng những dự án tác động đến môi trường chúng ta đã không có cơ hội sửa sai. Rồi còn vấn đề sinh kế nữa.
Nhà báo Phạm Huyền: Theo quy định, một dự án phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư rồi chủ đầu tư mới được phép thực hiện các bước quan trọng sau đó, như báo cáo nghiên cứu tính khả thi, đánh giá tác động về mọi mặt... Chúng ta đã thấy dự án sông Đồng Nai hay dự án xây dựng khách sạn trong công viên Thống Nhất chẳng hạn đến phút chót mới bị dừng. Vậy theo anh, quy định này có điều gì bất hợp lý không?
Nhà báo Thế Dũng: Cũng đúng thôi! Ví dụ như thủy điện sông Đồng Nai 6A, là dự án mà sau đó báo Người Lao động và rất nhiều báo đã vào cuộc phản biện, kết quả là đã phải dừng lại. Tới lúc này, chi phí của doanh nghiệp đã bỏ ra rất lớn. Vì vậy, những vấn đề này, các bộ ngành cũng có trách nhiệm gác cửa.
Nhà báo Thế Dũng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nếu chúng ta nghiêm túc nghiên cứu dự án ngay từ ban đầu thì sẽ bớt chi phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Nếu sau quá trình phê duyệt chủ trương và làm báo cáo tiền khả thi rồi, dự án nhận được sự không đồng thuận từ nhiều phía, đặc biệt là người dân rồi mới quyết định dừng thì rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng đến trực tiếp doanh nghiệp, họ bị thiệt hại và còn cả uy tín của các bộ ngành nữa. Bộ Kế hoạch đầu tư là cơ quan gác cửa chịu trách nhiệm chính việc này cần cẩn trọng hơn.
EVN, Bộ Nông nghiệp từng muốn làm đập thuỷ điện trên sông Hồng
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi có muốn hỏi nhà báo Mạnh Quân, người theo dõi các thông tin ngành điện đã 20 năm, anh thấy chúng ta được gì, mất gì nếu xây dựng 6 dự án thủy điện nhỏ trên sông Hồng? Cũng phải nói thêm rằng, mấy năm vừa qua, các dự án thủy điện nhỏ bị kêu ca rất nhiều.
Nhà báo Mạnh Quân: Thực ra, một trong những điều ngạc nhiên nhất của tôi với dự án này chính là đề xuất xây 6 nhà máy thủy điện trên sông Hồng. Bởi từ trước tới nay, cũng có những ý tưởng có nên xây dựng thủy điện hay đập trên sông Hồng, nhưng đều bị phản đối mạnh mẽ.
Trước đây 2-3 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã từng tính đến việc làm một số các con đập cao su tức là đập di động ở trên sông Hồng để nhằm ngăn nước, cung cấp nước vào mùa khô cho vùng Hà Tây.
Nhưng đề án đó đã vấp phải những ý kiến phản đối khá mạnh mẽ. Nó bất hợp lý ở chỗ vừa cản trở giao thông thủy, và có nguy cơ xung đột lợi ích. Chẳng hạn, cung cấp nước được cho các vùng trên nhưng lại làm khô kiệt vùng hạ du, cấp cho những tỉnh như Hà Nam hay Hưng Yên nhưng các tỉnh phía dưới lại không có nước bởi vì đắp đập tức giữ nước ở phía trên. Dự án này cũng thế. Nếu như ngăn nước ở phía trên thì nó cũng tác động rất lớn ở các vùng dưới, hoặc làm ngập hết vùng đất canh tác ở hai bên bờ sông Hồng.
Cho nên với 200 MW tổng công suất của 6 nhà máy này mà phải trả giá như vậy là quá đắt. Trong khi đó, với thủy điện Hòa Bình như hiện nay, chỉ cần lắp đặt thêm một tổ máy mở rộng thôi là đủ bổ sung số công suất điện đó. Như vậy, hiệu quả cung cấp điện của việc mở rộng nhà máy Hoà Bình lớn hơn nhiều thì tại sao lại phải đi hy sinh những lợi ích sinh kế, môi trường ở sông Hồng hiện nay. Dự án này phi lý ở chỗ đó.
Nhà báo Tư Giang. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Tư Giang: Tôi muốn bổ sung thêm một số ý kiến như thế này. Thực ra tổng số công suất của 6 nhà máy điện chỉ khoảng hơn 200 MW là con số rất nhỏ so với nhu cầu tổng phát điện của Việt Nam hiện nay, khoảng 35.000-40.000 MW. Thực tế, những nhà máy này quá nhỏ.
Sông Hồng không phải là dòng sông có độ dốc lớn, làm nước chảy xiết. Nếu trả giá xây đập để phát điện công suất vừa nhỏ, hiệu quả không cao thì không biết là xây đập đó để làm gì. Tôi rất băn khoăn là xây thuỷ điện để làm gì trong bối cảnh hiệu quả quá thấp như thế. Cho nên nói về câu chuyện khai thác thủy điện thì tôi hoàn toàn thấy không thuyết phục.
Nhà báo Mạnh Quân: Hơn nữa một điều đáng ngạc nhiên là giá điện của 6 nhà máy này, theo chủ đầu tư đưa ra thì khá cao, vượt qua mức giá mà nhà nước quy định trong Quy hoạch Phát triển điện lực 7 và bổ sung. Thế thì, không có lẽ nào, bây giờ ngân sách lại phải bỏ tiền bù lỗ cho doanh nghiệp vì ông không thể bán cao hơn giá của nhà nước quy định được. Việc bù lỗ giá điện đặt ra cho dự án này trở nên vô cùng phí lý.
Đường thuỷ sông Hồng về đâu khi đã có cao tốc Lào Cai- Hà Nội?
Nhà báo Phạm Huyền: Các nhà báo kinh tế cho rằng việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Hồng là không cần thiết và không có hiệu quả, nhưng chủ đầu tư lại cho rằng đó là một nguồn thu quan trọng trong ba nguồn thu chính của dự án, hai nguồn thu còn lại là thu từ cảng và thu từ chi phí lệch tuyến. Theo nhà báo Thế Dũng, ý đồ của chủ đầu tư ở đây là gì?
Nhà báo Thế Dũng: Về điện thì anh Mạnh Quân và anh Tư Giang đã nói khá rõ. Tôi chỉ muốn nói thêm về phần giao thông thủy mà dự án đặt mục tiêu. Như các bạn biết, sông Hồng được chia nhiều bậc thì hẳn chủ đầu tư cũng sẽ tính toán việc đó như thế nào nếu như tiến hành mở một con đường trên dòng sông Hồng để ra biển. Tôi thấy một số các chuyên gia cũng nói về việc lượng hàng hóa chủ yếu lưu thông qua con đường này sẽ phục vụ cho tỉnh Vân Nam. Tất nhiên là chúng ta sẽ thu phí, đó cũng là một nguồn thu.
Tuy nhiên, các dự án phát triển kinh tế, xã hội, các dự án đầu tư có tác động đến môi trường, xã hội lớn như vậy thì phải được tính toán cân đối giữa hiệu quả kinh tế và tác động đến dòng sông trong việc phải cải tạo lại. Vậy thì, câu hỏi đặt ra, với chi phí làm dự án này, tính hiệu quả liệu có khả thi?
Tôi vẫn biết chi phí vận tải và đầu tư đường thủy rất thấp so với đường bộ. Chúng ta cũng vừa có một con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nay doanh nghiệp lại đầu tư làm một tuyến vận tải trên sông Hồng, liệu hai dự án này sẽ đụng nhau?
Điều này phải được tính toán hết khi dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đã được đầu tư số kinh phí rất lớn. Dự án này mới đưa vào sử dụng và khi con đường cao tốc đó đi vào hoạt động thì ngay lập tức đường sắt cùng tuyến bị ảnh hưởng, lượng khách giảm rất lớn.
Ngày xưa chúng ta đi Sa Pa phải đi tàu hỏa Hà Nội - Lào Cai và thường không dễ mua vé dịp Lễ Tết. Tuy nhiên sau khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì ngay lập tức đường sắt trở nên ế ẩm và phải có chương trình khuyến mại.
Vậy thì tuyến đường thủy đi vào vận hành thì hiệu quả có không?
Các cơ quan các đoàn thể phải nhìn lại tổng thể dự án này. Chúng ta biết là vận tải đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù rất khác và tính hiệu quả rất cao. Tuy nhiên ngay cả ở ĐBSCL cũng vậy, hiện nay vận tải vẫn chủ yếu là đường bộ. Còn ở sông Hồng thì cần phải tính toán. Tôi cũng hoài nghi hiệu quả kinh tế của vận tải đường thủy của dự án cũng như thủy điện.
Dự án chỉ nhằm khai thác khoáng sản?
Nhà báo Phạm Huyền: Anh nghĩ sao khi trong đề xuất ban đầu, chủ đầu tư không nói gì tới việc khai thác nguồn lợi từ nguồn khoáng sản, nguồn cát ở dưới lòng sông Hồng?
Nhà báo Thế Dũng: Tôi cũng không biết có phải chủ dự án lờ đi hay không, chứ khi dự án được chấp thuận mà chủ đầu tư tiến hành việc này thì rõ ràng rất đang lo ngại. Tôi lo lắng về khả năng khai thác cát sỏi của chủ đầu tư, bởi khi họ đã được chấp thuận dự án, các địa phương cũng đồng ý rồi thì gần như họ sẽ độc quyền lĩnh vực này. Đó là câu hỏi rất lớn cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Chúng ta biết rằng những dự án đầu tư có tác động đến môi trường thì ít có cơ hội sửa sai. Do vậy khi cho chủ đầu tư bỏ vốn vào rồi mà không cho họ làm thì có thể khiến họ phá sản, thua lỗ, còn nếu để họ thì chúng ta sẽ phải trả giá.
Nhà báo Tư Giang: Sông Hồng nhận cát từ các tỉnh phía Bắc đổ về, đây là nguồn tài nguyên rất lớn, dù khai thác bao nhiêu năm nay nhưng vẫn cực kỳ phong phú. Câu hỏi của chị đặt ra là hoàn toàn chính xác.
Tôi nghĩ các bộ ngành về sau nếu có thẩm định dự án này cũng cần xem lại câu chuyện khai thác cát ra sao? Bởi vì tôi biết, bây giờ, quyền khai thác cát phụ thuộc chính quyền địa phương. Nhưng khi có dự án đầu tư, người ta khai thác cát, tỉnh không được khai thác nữa thì dễ có xung đột về nguồn lực, lợi ích giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư.
Nhưng quan trọng nhất vẫn liên quan đến vấn đề môi trường. Tôi từng đi dọc sông Hồng và sông Đáy. Đây là vùng cung cấp nước ăn cho tỉnh Hà Nam với mấy triệu dân. Hà Nam là vùng không thể dùng nước ngầm, nước giếng để ăn do nhiễm phèn. Một khi nguồn nước này không còn nữa thì tôi khẳng định đây là một vấn đề xã hội vô cùng lớn, nhìn thấy ngay lập tức. Đó là tôi chưa nói đến chuyện nước SXNN.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi thấy rằng, năm nay là năm khởi nghiệp và 5 năm tới, Chính phủ cũng xác định là giai đoạn khởi nghiệp, và không phải khởi nghiệp từ những doanh nghiệp bắt đầu mở công ty thành lập mà còn là từ những công ty lớn, những tập đoàn lớn tiếp tục khởi nghiệp bằng những dự án lớn. Đôi khi, trước một ý tưởng điên rồ, có thể một ngày nào đấy lịch sử lại cho thấy ý tưởng ấy hữu ích.
Bởi vậy, tôi muốn hỏi anh Mạnh Quân, nhìn toàn diện dự án tỷ đô này, anh có thấy đâu là phần lợi mà người dân và Nhà nước có thể nhận được nếu một ngày nào đó nó thành hiện thực?
Nhà báo Mạnh Quân. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Mạnh Quân: Tôi nghĩ mãi mà chưa nhìn ra phần lợi của người dân hay Nhà nước được hưởng ở đây. Ít nhất, nhìn về phía người dân thì rõ ràng, họ bị mất đất canh tác sản xuất nếu như làm hồ chưa thủy điện, các vùng đất canh tác hai bên ven bờ sẽ ngập hết. Trong khi đó, ở phía hạ lưu thì thiếu nước để sản xuất.
Còn về phía Nhà nước, tôi cũng không hiểu là thu ở đâu, thậm chí là khi chủ đầu tư đề xuất còn phải bù giá điện thì lợi ích ở chỗ nào?
Có chăng là có thể có thêm một con đường, tuyến đường giao thông để giao thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhưng đây thực ra đây cũng là rủi do cho cả đất nước, bởi kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện nay, chúng ta cũng đã có một số tuyến đường lớn đã đầu tư, lại thêm tuyến đường thủy nữa và thường, giao thông thủy rất chậm chạp và không thuận tiện bằng giao thông đường bộ. Nhìn toàn thể, tôi thấy đây là một dự án có lẽ chỉ có lợi cho chủ đầu tư ở chỗ khai thác cát, chứ chẳng có lợi gì về mọi mặt khác.
Nhà báo Thế Dũng: Tôi vẫn biết rằng, hiện nay có xu hướng là các tập đoàn tư nhân phải liên tục mở rộng dự án. Nếu họ dừng mở rộng dự án là họ bị đóng băng nguồn tiền và cứ phải mở dự án sau để nuôi dự án trước.
Như bất động sản chẳng hạn, các tập đoàn phải liên tục mở dự án ở các địa phương, thậm chí trong một địa phương phải mở rất nhiều dự án, bởi dự án sau nuôi dự án trước, họ bị động nguồn tiền. Tôi không hiểu đó có phải mục đích của một công ty thuộc tập đoàn lớn như Xuân Thiện hay không?
Trở lại câu hỏi chúng ta được lợi gì từ dự án này. Đập thủy điện có hai chức năng là phát điện và giữ nước, điều này khiến chúng ta liên tưởng đến hàng loạt thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên vừa qua bị xung đột lợi ích với thủy lợi. Tức là vì lo phát điện nhiều hơn mà chủ đầu tư quên nhiệm vụ cung cấp nước cho người dân hai vùng hạ lưu của sông để sản xuất nông nghiệp.
Sông Hồng cấp nước cho một vùng rộng, trù phú của đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là hai bên bờ sông. Khi thủy điện hoạt động, ai dám đảm bảo chủ đầu tư sẽ coi trọng việc cung cấp nước cho người dân, cho SXNN ở vùng phía dưới khi cần thiết?
Không thể áp dụng BOO - giao dự án vĩnh viễn cho DN
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa nhà báo Hoàng Tư Giang, anh nghĩ sao khi trong rất nhiều lưu ý của các bộ có một chi tiết nói về năng lực của nhà đầu tư. Nếu năng lực yếu thì đầu tư dự án có tốt đến mấy thì cũng là một rủi ro lớn. Đây là vốn tư nhân hoàn toàn với 70% là vay thương mại trong thời hạn rất dài. Với một thị trường tài chính hiện nay, anh cảm nhận như thế nào về điều này?
Nhà báo Tư Giang: Thực ra khi đọc dự án này, tôi cảm thấy buồn cười ở rất nhiều khía cạnh.
Đầu tiên là chủ đầu tư nói rằng dự án gần như không có nguồn thu, không có lãi. Bộ Kế họach và đầu tư cũng giải thích dự án không có lãi.
Thứ hai là Bộ Kế hoạch đầu tư cũng như chủ đầu tư nhận rất nhiều ưu đãi từ giá điện, giá thuê, rồi miễn thuế thu nhập DN cho đến khi có lãi. Điều này hết sức mơ hồ. Thế nào là không có lãi và như chị đề cập, đến 70% đầu tư dự án này là phải đi vay với lãi suất thương mại lên tới 9-10%, trong khi, biến động lãi suất như thế này thì không biết sẽ như thế nào. Trong bối cảnh một dự án mà nguồn thu không khẳng định, rồi đi vay thương mại, được ưu đãi mà vẫn xin rất nhiều ưu đãi như thế tôi không thấy tính khả thi ở đâu cả.
Bất kỳ một công ty nào, bất kỳ một ai khi tham gia đầu tư đều phải có lãi, có lợi mới làm. Nhưng như tôi đọc toàn bộ hồ sơ không thấy có lãi, vậy thì làm làm gì.
Nhà báo Phạm Huyền: Các anh đánh giá thế nào về hình thức BOO mà chủ đầu tư đề xuất áp dụng cho dự án này.
Nhà báo Tư Giang: Đây là hình thức mà khi dự án đầu tư xong thì chủ đầu tư được quyền sở hữu con sông vĩnh viễn. Câu chuyện này có xung đột lợi ích rất lớn với cư dân, với các chính quyền địa phương, với các doanh nghiệp khác. Tuy chưa có thống kê, nhưng tôi thấy thực tế ở Việt Nam rất ít dự án có hình thức này.
Nhà báo Phạm Huyền: Có một ý mà tôi băn khoăn rất mong các anh có thể làm rõ hơn, hình thức BOO như anh Tư Giang vừa nói là sở hữu vĩnh viễn nhưng sông Hồng thì rõ ràng là tài nguyên. Tại sao lại có thể cho phép tài nguyên thuộc hữu của doanh nghiệp tư nhân như vậy?
Nhà báo Thế Dũng: Cá nhân tôi không đồng ý với việc là sở hữu vĩnh viễn theo hình thức đầu tư của chủ đầu tư. Và rõ ràng việc sở hữu vĩnh viễn cả một con sông thì chắc không ai chấp nhận, không một bộ ngành nào, không một địa phương nào, không một chuyên gia, không một người dân nào chấp thuận.
Nhà báo Mạnh Quân: Trong khi đó, tài nguyên ở đây không chỉ là tài nguyên nước mà còn tài nguyên khai thác cát và có thể cả khoáng sản. Để một doanh nghiệp tư nhân sở hữu một nguồn tài nguyên lớn của quốc gia, mà lại sở hữu vĩnh viễn như thế vô cùng phi lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vẻ chưa xét kỹ đến điều này.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn. Hy vọng những câu hỏi các vị đặt ra trong thời gian tới sẽ có câu trả lời xác đáng. Cuộc tọa đàm xin được khép lại tại đây. Xin chào và hẹn gặp lại.
Phạm Huyền - nhóm PV
>> CÁC CHUYÊN GIA NÓI GÌ VỀ SIÊU DỰ ÁN TRÊN SÔNG HỒNG?: