“Chuyến thăm của Tổng thống Obama cuối tháng 5 là một dịp rất hiếm để hai bên có thể “nhảy Tango”, như ông đã cháy hết mình khi tham gia vũ điệu này trong chuyến thăm Argentina tháng trước”.
LTS: Tuần qua (ngày 6 – 7/5), hội thảo “Xung đột tại Biển Đông” đã diễn ra tại Đại học Yale, bang Connecticut, Mỹ. Là một học giả có tham luận, Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Mỹ), chia sẻ cùng Tuần Việt Nam những vấn đề cốt yếu được đặt ra tại hội thảo.
Theo GS. Ngô Vĩnh Long, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang càng ngày càng sôi sục, hội thảo quy tụ tiếng nói của các nhà nghiên cứu uy tín của thế giới và Việt Nam, ngõ hầu có thể tìm giải pháp từ nhiều phía.
Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động trên Biển Đông trong thời gian gần đây dường như là nhằm đặt thế giới và khu vực vào chuyện đã rồi. Vấn đề này có được các học giả bàn luận trong hội thảo lần này?
Các học giả Mỹ, hầu hết đến từ các viện nghiên cứu chiến lược, đều thấy tình hình đang càng ngày càng khẩn trương và nêu ra những cách đối phó khác nhau.
Có thể kể đến ý kiến của TS Patrick M. Cronin, chuyên gia cấp cao về an ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security (Trung tâm An ninh Mỹ mới).
Học giả tham luận tại hội thảo "Xung đột tại Biển Đông." Ảnh: Hữu Hoàng/Vietnam+ |
Theo ông Cronin, Tổng thống Obama có khả năng sẽ tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong chuyến thăm tới đây này, một là để giúp gỡ bỏ vướng mắc cho tổng thống Mỹ tương lai, hai là để gửi thông điệp tới các nước trong khu vực về quyết tâm của Mỹ trong chiến lược xoay trục sang Châu Á.
GS. Carlyle Thayer thì dự đoán, Trung Quốc sẽ có những hành động “quyết liệt và thách thức”, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough, nếu phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) đối với vụ kiện của Philippines bất lợi cho Trung Quốc.
Ông đánh giá, những cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ sẽ không có hiệu quả và Trung Quốc sẽ dần chiếm hết Biển Đông, nếu Mỹ và các đồng minh không cùng nhau đưa ra những cách đối phó cương quyết hơn.
Về phía mình, ông đã đưa ra những vấn đề gì, thưa Giáo sư?Tôi muốn các học giả quốc tế chú ý đến hoàn cảnh và vai trò của Việt Nam hơn, để họ có thể đánh giá thiết thực và ủng hộ Việt Nam hơn. Tôi cũng đề cập vấn đề địa chính trị của Việt Nam nhằm lý giải các hành động của Chính phủ Việt Nam đối với hồ sơ Biển Đông trong quá khứ. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hành xử rất nhân nhượng, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đáp ứng.
Tôi nghĩ địa thế và vị trí chính trị của Việt Nam hiện tại đòi hỏi Việt Nam cương quyết và năng động hơn để vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và thế giới. Tôi có đưa ra 5 đề nghị để gợi ý với các học giả và các nhà làm chính sách.
Chuyến thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 5 của tổng thống Mỹ Obama, và kết quả bầu cử ở Philippines liệu có ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh chống tham vọng bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc?
Người Mỹ có câu “It takes two to Tango” (tạm dịch: “Múa đôi phải có hai người). Chính phủ Mỹ cần Việt Nam để cùng thành lập một hệ thống anh ninh cho khu vực, trong đó bao gồm việc giải quyết vấn đề Biển Đông, vì lợi ích lâu dài của Mỹ. Nhưng họ cũng cần chính phủ Việt Nam phối hợp, để có lý do vận động người dân nước họ cũng như nhân dân thế giới trong vấn đề này. Chuyến thăm của Tổng thống Obama cuối tháng 5 là một dịp rất hiếm để hai bên có thể “múa đôi”, như ông đã nhảy Tango thật sự khi thăm Argentina tháng trước.
Ông Obama đã nhảy Tango thật sự khi thăm Argentina tháng trước. Ảnh: Báo Dân trí. |
Còn ông Rodrigo Duterte trước khi được bầu làm tổng thống Philppines đã tuyên bố khá gây sốc trong vấn đề Biển Đông, như sẽ đàm phán tay đôi với Trung Quốc nếu nước này đồng ý xây dựng hệ thống tàu hoả ở tỉnh ông; hay phát ngôn cho rằng kiện Trung Quốc trước Tòa trọng tài thường trực của Liên hiệp quốc chỉ tốn tiền, tốn công, vì phán quyết của Toà vô giá trị. Nhưng tôi nghĩ sau khi lên làm tổng thống, ông ấy sẽ thấy ngay là phải có sự hỗ trợ và bảo vệ của Mỹ, nếu không Philippines sẽ bị Trung Quốc ép đến khi mất hết các đảo còn lại.
Tổng thống Duterte càng quyết liệt trong vấn đề đàm phán tay đôi với Trung Quốc thì Việt Nam càng có lợi. Nếu Việt Nam tuyên bố rõ ràng công nhận phán quyết của Trọng tài và tất cả các luật quốc tế về biển, Việt Nam sẽ được sự ủng hộ của đa số các nước cả trong và ngoài khu vực.
Nếu Việt Nam đẩy mạnh vận động dư luận quần chúng trong nước và trên thế giới sau khi phán quyết của tòa được công bố, Việt Nam sẽ có thể giúp giải quyết hồ sơ Biển Đông và xây dựng nền tảng cho an ninh, phát triển trong khu vực.
Xin cảm ơn Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Huỳnh Phan (thực hiện)
XEM THÊM: