Việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước liên quan đã là “chuyện thường ngày ở Biển Đông” trong giấc mộng bá chủ với tên gọi “đường lưỡi bò”. 

Ngày 10/5, chiến hạm USS William P. Lawrence của Mỹ trong chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP), lần thứ ba tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc, cùng một loạt sự kiện trước đó, khiến có luồng dư luận cho rằng, hai “ông lớn” này đã tạo cớ cho nhau và thiệt hại về lâu dài vẫn thuộc về các nước nhỏ, yếu thế trong tranh chấp Biển Đông. 

Vấn đề có thực sự như vậy không? 

Thứ nhất, cần phải nói ngay là dù có hay không sự kiện tàu tuần tra này của Mỹ, và kể cả tàu các nước khác hành động như vậy, thì việc Trung Quốc ngang ngược cậy thế nước lớn, cậy sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, triển khai những hành vi phi pháp là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Cũng như việc họ xâm phạm chủ quyền của các nước liên quan đã là “chuyện thường ngày ở Biển Đông” trong giấc mộng bá chủ với tên gọi “đường lưỡi bò”. 

Cái gọi là “đường lưỡi bò” được TQ vẽ một cách hoang tưởng trên giấy, rồi ngang nhiên tuyên bố trước cộng đồng quốc tế. Rồi tay làm, miệng la làng, cứ thế họ dần dần “gặm nhấm” các thực thể trên Biển Đông.

TQ không ngừng bất cần chứng cớ, thậm chí ngang ngược tự tạo chứng cớ, tự vẽ ra chứng cớ. Có thêm cái cớ như vụ tàu Mỹ tuần tra, họ càng ngày đêm gia tăng các hành vi này bất chấp phản ứng bất bình của cộng đồng quốc tế. Đây mới là cốt lõi của vấn đề, khi cây gậy trong tay các “ông lớn” luôn được vung lên ở các điểm nóng, mà Biển Đông là một ví dụ điển hình. 

{keywords}

Tàu khu trục tên lửa USS William P. Laurence của hải quân Mỹ. Ảnh: USNI

Thứ hai, tham vọng của Trung Quốc là không thể phủ nhận. Điều này không ngừng được tuyên bố. Có điều họ triển khai thực hiện từng bước tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, đầy ma mãnh và lấp liềm, miễn là không/chưa để xảy ra xung đột lợi ích trực tiếp với các ông lớn đối trọng, cụ thể ở đây là Mỹ. Vì vậy, trong quá trình thực thi tham vọng đó, Trung Quốc đã biến báo, tính toán kỹ trước mỗi bước đi, thăm dò phản ứng của Mỹ, trên các hội thảo khu vực và quốc tế, cũng như ngay tại thực địa.  

Ba chuyến tuần tra của Mỹ (chuyến đầu gần đá Subi, chuyến thứ hai gần đảo Tri Tôn và chuyến vừa rồi vào khu vực 12 hải lý gần đá Chữ Thập) khá tương đồng. Nhưng quan trọng hơn mọi lời tuyên bố, chúng minh chứng và đường hoàng  thực hiện quyền đi qua hợp pháp, cũng có thể xem là thách thức yêu sách "đòi xin phép trước" của chính quyền Bắc Kinh tại Biển Đông.

Hành động này như một là lời tuyên bố của cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền ngăn cản quyền tự do đi lại, bất kể Bắc Kinh vài lần cho tàu chiến và máy bay chiến đấu bám đuổi. Rõ ràng, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra là vô giá trị trong luật pháp quốc tế, điểm mấu chốt này cực kỳ quan trọng.

Tất nhiên, cũng có một số ý kiến nêu vấn đề, vì sao tàu Mỹ không/chưa tuần tra ở gần đá Vành Khăn để chứng minh thực tế rằng, Mỹ sẽ không bao giờ coi các bãi đá chìm dưới mực nước biển là đảo, dù Trung Quốc có xây đảo lớn đến mấy. Bởi nếu làm được như vậy, Mỹ không chỉ "đi qua vô hại" qua lãnh hải nước khác, mà là đang hoạt động trên vùng biển quốc tế và có quyền hợp pháp tiến hành các hoạt động quân sự bình thường, như bật radar, cho trực thăng cất cánh… Song đây lại là một câu chuyện khác, liên quan đến thời kỳ cuối của nhiệm kỳ Obama, thậm chí là cả các phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA sắp tới đối với “vụ kiện Biển Đông” của Philippines.

Dù nói gì, những động thái của Mỹ luôn phát đi một thông điệp thống nhất rằng, Washington không né tránh việc ít nhiều chấp nhận rủi ro để củng cố trật tự thế giới hiện nay. Hoạt động tuần tra thường xuyên trên Biển Đông của Mỹ là quan trọng và cần thiết, bởi nếu Washington không như một ngọn cờ, đứng ra làm đối trọng với các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, thì một loạt các quốc gia như Úc, Nhật hay các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực sẽ khó tự làm.

Chỉ thẳng ra tham vọng và các hành động ngạo ngược, phi lý, phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông để đấu tranh đến cùng trên cơ sở công pháp quốc tế, đây là con đường chung mà nhiều nước đang theo đuổi. Tuy nhiên, điều cần trước nhất chính là việc “ông lớn” Mỹ thực sự đảm đương công tâm vai trò ngọn cờ đầu trong việc đảm bảo tự do hàng hải quốc tế trên vùng biển này.

Trước một cuộc đấu sống còn vì lợi ích, đây sẽ là cuộc đấu tranh cam go, lâu dài, thậm chí không tránh khỏi chuyện các “ông lớn” đi đêm, đi ngày với nhau, dâng sóng đục vào các nước nhỏ liên quan…

Châu Phú

>> XEM THÊM: