Một số học giả TQ cho rằng sự hình thành cũng như những quy định của TPP sẽ khiến TQ đối mặt với môi trường cạnh tranh thiếu công bằng ngay tại sân chơi của mình.
Có thể nói TPP là một trong những hiệp định có ảnh hưởng nhiều mặt đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó không thể kể đến các nước khu vực Đông Á. Thông qua TPP, các nước này có thể từng bước tiếp nhận và làm quen với một trật tự mới của châu Á - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt.
Điều đó cũng đồng nghĩa TPP sẽ hạn chế tối đa sức mạnh và ngăn ngừa từ xa TQ có thể trở thành một cường quốc tại khu vực. Đây có thể được xem là động cơ chủ chốt của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sau hiệp định thế kỷ này.
Vậy TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Bắc Kinh, là lực đẩy để đẩy TQ đi xa hơn hay nó sẽ là lực hút đối với TQ? Và những đối sách của Bắc Kinh sẽ là gì?
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Đối mặt nhiều thách thức
Nhìn từ góc độ kinh tế, Mỹ và ASEAN đều là đối tác thương mại quan trọng của TQ; khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế và thương mại hàng hóa của TQ.
Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn không kêu gọi TQ tham gia quá trình xây dựng và đàm phán TPP. Điều này vô hình trung, đã đẩy TQ ra ngoài cuộc chơi do các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương xây dựng. Vì vậy sau khi Hiệp định này chính thức được thông qua và có hiệu lực, tất cả hiệu ứng chuyển dịch thương mại sản xuất, chuyển giao công nghệ, nông sản, v.v… sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế TQ.
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực và dễ dàng thấy là chính Mỹ và các nước có liên quan sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của TQ, khiến nền kinh tế vốn dĩ dựa vào xuất khẩu này bị sụt giảm.
Sau khi cải cách mở cửa, phát triển kinh tế đối ngoại đã trở thành sứ mệnh quan trọng nhằm “vực dậy” nền kinh tế TQ vốn dĩ kiệt quệ sau 10 năm Cách mạng Văn hóa. Châu Á - Thái Bình Dương được xem là địa bàn, là nơi mà TQ thực hiện chính sách “đi ra ngoài” tương đối hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại TQ, Mỹ và các quốc gia Đông Á chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TQ. Trong đó Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và ASEAN giữ vị trí thứ ba của TQ.
Mặt khác, khi TPP chính thức có hiệu lực, nhiều khả năng trật tự kinh tế thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thay đổi đáng kể. Mỹ sẽ nhập khẩu hàng hóa từ các thành viên trong khối TPP thay vì từ TQ. Các nước quốc gia thành viên sẽ tìm cách chuyển dần từ đối tác thương mại lớn và chủ yếu là TQ sang Mỹ và các thành viên khác, cũng như có thêm nhiều lựa chọn để xuất nhập khẩu hàng hóa của mình với mức thuế ưu đãi nhất định. Một số học giả TQ cho rằng sự hình thành cũng như những quy định của TPP sẽ khiến TQ đối mặt với môi trường cạnh tranh thiếu công bằng ngay tại sân chơi của mình.
Ngoài ra TPP sẽ tác động tiêu cực đến quá trình triển khai mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa TQ với các nước. Có thể nói chiến lược khu thương mại tự do đã trở thành công cụ quan trọng giúp TQ đi sâu trong hợp tác kinh tế mang tính khu vực và liên khu vực. Hiện tại một số quốc gia tham ký kết TPP cũng đã tiến hành ký kết FTA với TQ bao gồm Singapore, New Zealand, Chile, Peru; Australia đang tiến hành đàm phán và sẽ ký trong tương lai.
Các nước đã tham gia vào TPP nhưng lại đang tiến hành đàm phán FTA với TQ sẽ áp dụng triệt để các quy định và bộ tiêu chuẩn của TPP nhằm áp đặt TQ theo hướng có lợi cho mình. Các quốc gia chưa ký FTA với TQ cũng sẽ cân nhắc lựa chọn TPP hay FTA.
Nhìn từ góc độ chính trị, có thể nói Mỹ đã thông qua cơ chế đa phương TPP để can dự vào các vấn đề liên quan đến chính trị và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất và cũng là bản chất của Mỹ khi tham gia đàm phán và “cầm trịch” TPP. Ngoài ra Mỹ cũng tìm cách chia rẽ những hợp tác về kinh tế, chính trị giữa TQ với các nước, từ đó hạn chế tối đa sức ảnh hưởng cũng như những chiến lược mà TQ đang đeo đuổi.
Tuy nhiên, bất chấp sự can thiệp cũng như chính sách kìm hãm của Mỹ, hiện nền kinh tế TQ vẫn tiếp tục phát triển ấn tượng. Tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 9,8% là một thành tựu lớn.
TQ đang cố gắng thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á dựa trên nền tảng ASEAN và có nhiều bước tiến trong 10 năm lại đây, với các cơ chế hợp tác mang tính khu vực như “ASEAN+1”, “ASEAN+3” và “ASEAN+6”.
Đơn cử như hợp tác “ASEAN + 3” được triển khai qua 2 kênh: Kênh I là kênh chính thức của các chính phủ “ASEAN + 3”. Kênh II thu hút sự tham gia của giới học giả, các nhà nghiên cứu chiến lược, đại diện giới doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Để hiện thực hóa ý tưởng trên, TQ không ngần ngại rót vào lượng tiền lớn chưa từng có trong lịch sử: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 USD tỷ cho vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1.250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025.
Nếu không tìm cách can dự hay tham gia vào quá trình hợp tác kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ chịu tổn thất lớn, uy hiếp trực tiếp đến vị trí lãnh đạo của Washington không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới. Nhằm hạn chế tối đa kịch bản này có thể xảy ra, Mỹ đã tuyên bố thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của người Mỹ.
Cũng qua TPP, Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để hạn chế khả năng hình thành Cộng đồng Đông Á theo hướng có lợi cho TQ. Ngoài ra Washington dùng sức hấp dẫn của nền kinh tế và thể chế chính trị của mình để can thiệp vào tiến trình hợp tác giữa TQ với các quốc gia trong vùng, tìm cách làm tiêu hao sức ảnh hưởng của TQ tại khu vực xuống mức thấp nhất.
Đứng trước rất nhiều thách thức về mọi mặt nói trên, TQ sẽ lựa chọn chính sách như thế nào?
(Còn tiếp)
(Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học KHXH-NV TP. HCM; NCS Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân TQ)
>> XEM THÊM: