Hãy kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách ưu tiên phát triển giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị bền vững.
Xem lại Kỳ 1: Bài toán khó của Hà Nội, Nhật Bản từng trải quaBRT: Còn nhiều vấn đề nhưng sẽ giải quyết được
Tiếp tục với những tranh luận về Dự án BRT (xe buýt nhanh) Hà Nội. Đối với nhận định việc xây dựng BRT sẽ làm giao thông quanh tuyến ùn tắc thêm, tôi có suy nghĩ ngược lại: Chính vì đường ùn tắc nên càng cần phải có tuyến ưu tiên BRT hoặc xe buýt.
Chúng ta đang lưu thông ở các thành phố của châu Á, chứ không phải trên những con đường rộng thênh thang ở nước Mỹ, và rõ ràng để giải quyết vấn đề giao thông đô thị thì phải quy hoạch đô thị theo hướng lấy Giao thông công cộng (GTCC) làm trọng tâm.
Bài học lớn của đất nước Nhật Bản chúng tôi và kinh nghiệm thế giới cho thấy: một trong những việc đầu tiên cần làm trong chính sách ưu tiên GTCC là phải khuyến khích người dân thay đổi trong suy nghĩ.
Hiện nay, Hà Nội đang nghiên cứu với xu hướng nghiêng về phía sẽ không xây dựng làn đường riêng cho BRT tại những đoạn đường chỉ có 4 làn trong khu vực nội đô, do lo ngại làn đường riêng khiến ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn, ý kiến cá nhân của tôi là chính vì ùn tắc nên càng cần phải làm làn đường riêng để BRT hoặc xe buýt có thể di chuyển dễ dàng hơn các phương tiện cá nhân khác.
Một điều nữa cần phải làm là thay đổi quan niệm “GTCC chỉ dành cho tầng lớp thu nhập thấp”. Tại những nước tiên tiến như Nhật, Anh hay Singapore, nguyên thủ quốc gia cũng vẫn sử dụng GTCC. Hiện nay Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ xe buýt để có thể đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trung lưu.
Về ý kiến cho rằng việc chọn tuyến BRT có vấn đề, theo tôi, dọc theo tuyến BRT có nhiều khu dân cư, số lượng người có nhu cầu sử dụng BRT dự kiến là lớn. Hiện nay mới chỉ có một tuyến BRT nên khả năng đáp ứng nhu cầu bị hạn chế. Vì vậy vấn đề không phải là ở việc chọn tuyến mà là chúng ta phải nhanh chóng phát triển các tuyến BRT khác, cũng như các tuyến đường sắt đô thị để tích hợp một mạng lưới GTCC hoàn thiện.
Về việc tiếp cận với nhà chờ BRT có ý kiến phê phán là không có cầu vượt. Tuy nhiên, kể cả có cầu vượt cho người đi bộ, đối tượng người già, người tàn tật, v.v… cũng khó có thể sử dụng. Chúng ta có thể khắc phục bằng cách dần dần lắp các thang máy, thang cuốn ngay khi có điều kiện.
Nhà chờ BRT Hà Nội tại bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Lê Hiếu. Newszing. |
Ngay cả bây giờ, sang Tokyo, bạn vẫn sẽ nhìn thấy những điểm quây bạt để phục vụ công trường lắp thang máy tại các ga tàu điện. Nói thế để thấy rằng việc nâng cấp, điều chỉnh bổ sung thường xuyên là việc cần phải làm và duy trì liên tục để tạo sự thuận tiện cho người sử dụng, qua đó thúc đẩy việc sử dụng phương tiện GTCC.
Tôi biết rằng, ngoài ra cũng còn nhiều vấn đề kỹ thuật phải cân nhắc và tôi tin vấn đề nào cũng có thể tìm ra giải pháp kỹ thuật để khắc phục. Điều quan trọng hơn cả là ý thức, là nhận thức cách mạng về GTCC, từ lãnh đạo của thành phố từng người dân.
Thay đổi nhận thức của người dân
Làm thay đổi nhận thức và thói quen để người dân ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng là cách duy nhất để giải quyết bài toán giao thông đô thị. Đó là các biện pháp về quản lý nhu cầu giao thông (TDM) hay quản lý lưu thông (MM) mà các nước như Nhật hay Âu Mỹ đang áp dụng phổ biến.
Hiện nay Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, trình độ dân trí cao nên hoàn toàn có đủ điều kiện để vận dụng các biện pháp này. Chúng ta cần lôi cuốn sự quan tâm, tham gia của tất cả người dân, tham khảo nguyện vọng của người dân và xây dựng các biện pháp thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng.
Ngay như ở thành phố Yangon của Myanmar nơi tôi có dịp tham gia dự án quy hoạch giao thông đô thị, tại khu vực nội đô chính phủ hạn chế xe 2 bánh. Mặc dù xe buýt của Myanmar chất lượng dịch vụ còn thấp hơn xe buýt Hà Nội rất nhiều nhưng quá nửa người dân thành phố vẫn thường xuyên sử dụng.
Hay ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức cao khiến cho người dân thấy lựa chọn đi phương tiện công cộng có tính kinh tế cao hơn. Khi đưa ra quy định này, không ít ý kiến phản đối, nhưng chính nhờ sự tự tin và kiên trì của Tokyo, biện pháp này đã đem lại hiệu quả.
Có thể thấy trên thế giới, các nước với những điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng chính phủ đều nỗ lực thực hiện những chính sách thúc đẩy ưu tiên GTCC phát triển. Nhờ đó, họ giải quyết được nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống.
Chắc hẳn thực tế triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cá nhân tôi thực sự mong mỏi các nhà chức trách của Thành phố sẽ tiếp tục kiên trì, tự tin thực hiện chính sách ưu tiên phát triển GTCC, hạn chế phương tiện cá nhân một cách nhất quán, nhằm đem đến cho Hà Nội một môi trường giao thông đô thị hiệu quả, bền vững trong tương lai.
TAKAGI Michimasa, (Vũ Điệp ghi)
Tư vấn trưởng Dự án Cải thiện GTCC tại Hà Nội (Dự án Hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản-JICA)
>> TIN LIÊN QUAN: