Dư luận đang quan tâm tìm hiểu xem điều gì khiến cho cho Đạo luật chống khủng bố mới của Putin gây nhiều tranh cãi đến vậy.
Sau một hành động khủng bố bi thảm, một chính phủ thông qua các đạo luật chống khủng bố mới là bước đi hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính phủ được nhắc đến là Nga, và đạo luật đang khiến dư luận quan tâm có tên gọi “Đạo luật Yarovaya”.
Có nhiều ý kiến cho rằng đạo luật này quá hà khắc, có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này phá sản. Tuy nhiên, Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật vào tháng này, và các quy định sẽ có hiệu lực trong tuần này.
Vậy điều gì đã làm cho Đạo luật Yarovaya gây nhiều tranh cãi đến vậy?
Bà Irina Yarovaya, một Thành viên Quốc hội trong Đảng Nước Nga Thống nhất đã đưa ra các biện pháp quy mô lớn nhằm mở rộng phạm vi quyền lực của các cơ quan an ninh. |
Dự luật này được bắt đầu như một phản ứng đối với việc Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn rơi một máy bay chở khách của Nga bay ngang Ai Cập vào mùa thu năm ngoái. Bà Irina Yarovaya, một Thành viên của Đảng Nước Nga Thống nhất đã đưa ra các biện pháp quy mô lớn nhằm mở rộng phạm vi quyền lực của các cơ quan an ninh.
Một trong những quy định gây tranh cãi nhất của dự luật biến việc “không báo cáo một tội ác” trở thành một hành vi phạm tội.
Nó cũng gia tăng các hình phạt trong các đạo luật chống cực đoan hiện có, và mở rộng danh sách các hành vi phạm tội mà trẻ vị thành niên (14 tuổi trở lên) có thể phải chịu trách nhiệm.
Một điều khoản thứ hai nhắm vào không gian mạng, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc phải lưu trữ dữ liệu người dùng (bao gồm cả các cuộc gọi và tin nhắn) trong ít nhất sáu tháng, đồng thời cho phép các cơ quan an ninh tiếp cận các thông tin đó.
Đạo luật cũng cho chính phủ quyền thu thập khóa mã đối với các dữ liệu được mã hóa. Một dự thảo ban đầu của luật này còn cho phép chính phủ tước quyền công dân của những người Nga phục vụ trong quân đội nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhất định. Điều khoản này cuối cùng bị loại bỏ vào phút chót.
Đối với ngành công nghiệp viễn thông, yêu cầu về lưu trữ dữ liệu có thể là một hồi chuông báo tử về tài chính, và các công ty lớn đã vận động hành lang để điện Kremlin phải xem xét lại. Đơn giản là việc xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu trữ những lượng lớn thông tin như vậy sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm.
Một số người đang tìm kiếm sự an ủi trong thực tế là việc đạo luật này được thông qua không có nghĩa là nó sẽ được thực hiện đầy đủ. Một đạo luật khác được thông qua năm ngoái yêu cầu các công ty Internet lưu trữ dữ liệu người dùng của Nga trên đất Nga, nhưng việc triển khai gặp khó khăn khi những gã khổng lồ truyền thông xã hội phương Tây đã phản kháng, không tuân thủ.
Theo The Economist
Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề
Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)