Gần 70% dân số ở độ tuổi lao động, phần lớn lại rơi vào lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Thậm chí ta đã từng tạm hài lòng với lợi thế cạnh tranh tương đối đau đớn là “lao động rẻ”.

LTS: 2015 là một năm đặc biệt đánh dấu mốc hội nhập quốc tế sâu rộng của VN trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là năm chuẩn bị thực thi một số hiệp định thương mại tự do mà VN đã kết thúc đàm phán và ký kết chính thức. Hành trang để VN hội nhập có những gì, đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt con người?

Chúng tôi chia sẻ góc nhìn của doanh nhân và nhà ngoại giao VN: ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, bà Nguyễn Thị Thùy Minh, Giám đốc nhân sự Khách sạn Sheraton, bà Đỗ Thùy Dương, Tổng giám đốc Công ty Talent Pool.

{keywords}
'Lao động rẻ' không thể là lợi thế cạnh tranh trong cuộc chơi quốc tế

Lợi thế “lao động rẻ” là sự đau đớn

Nhà báo Hoàng Hường: Hiện nay VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, cuối năm sẽ mở cửa Thị trường hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEC). Theo ông/bà, đâu là cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi hội nhập sâu rộng? 

Ông Trần Việt Thái: Hiện nay chúng ta đã và sẽ tham gia sâu vào sân chơi hội nhập ở nhiều cấp độ: khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Điều này mở ra nhiều cơ hội và thách thức.

Cơ hội thứ nhất và quan trọng nhất là mở ra khả năng tiếp cận thị trường với góc độ rộng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, mở ra nhiều khả năng tham gia vào chuỗi liên kết cho phép chúng ta thành một mắt xích trong phân công lao động quốc tế. Từ đó ta có thể học hỏi để bứt phá kể cả trình độ lao động, kinh nghiệm quản lý hay ngoại ngữ, khoa học công nghệ..vv..

Thách thức lớn nhất đi kèm cơ hội là chúng ta phải mở cửa để cạnh tranh và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Cái khác nhất trong hội nhập hiện nay so với khoảng 10 năm trước đây là không có nghĩa mở cửa là hàng hóa của chúng ta sẽ được vào ngay thị trường của họ. Chúng ta phải đạt được những chuẩn mực nhất định. Tới đây, sẽ phải có sự thay đổi, trước hết là thay đổi về mặt nhận thức của các cấp lãnh đạo, cũng như các doanh nghiệp và các địa phương trong quá trình hội nhập.

Hoàng Hường: Trong tất cả những năng lực/tiềm lực cần có để đáp ứng một cuộc chơi toàn cầu, thì vấn đề con người luôn được quan tâm đầu tiên. Một cách thẳng thắn, ông/bà có thể chỉ ra năng lực con người  ở ta hiện nay đáp ứng được tới mức nào?

Ông Trần Việt Thái: Điều đầu tiên cần nói chính là tư duy hội nhập trong thời đại mới. Từ đó, việc thực hành phải theo chuẩn, được cộng đồng quốc tế công nhận. Có như vậy ta mới có thể thâm nhập được sân chơi toàn cầu. Ví dụ: tới đây cộng đồng ASEAN sẽ mở ra một thị trường khoảng 600 triệu người, có đủ các thành phần tôn giáo, trong đó có những nhóm nước Hồi giáo. Để vào được thị trường này, hàng hóa của ta phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, như tiêu chuẩn về thực phẩm chẳng hạn.

Ngược lại, khi tham gia vào thị trường này, người Việt cũng phải hiểu biết, tôn trọng và thích nghi với những luật lệ của đạo Hồi. Tóm lại, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để đáp ứng tiêu chuẩn chung.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thùy Minh

Bà Nguyễn Thị Thùy Minh: Nếu nhìn vào các mục tiêu chính của AEC, chúng ta thấy cần có một đánh giá tổng thể về con người và nguồn lực, từ đó có thể xác định chúng ta cần làm gì để sẵn sàng cho “cuộc chơi”.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của bản thân trong quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tôi tự tin vào khả năng, tiềm lực về con người của ta đặc biệt là các bạn trẻ bây giờ. Có nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể đáp ứng khá tốt.

Bà Đỗ Thùy Dương: Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội vàng của nền dân số trẻ, khi gần 70% dân số ở độ tuổi lao động phần lớn lại rơi vào lao động phổ thông, lao động trình độ thấp. Chúng ta thậm chí đã từng tạm hài lòng với lợi thế cạnh tranh tương đối đau đớn là “lao động rẻ”

Cứ ví như bạn đầu tư vào một cái cây, khi bạn mua cái cây rẻ, hẳn bạn không sẵn sàng đầu tư, bởi bạn biết, gốc rễ đấy chắc chắn không tiếp nhận được sự đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng lao động Việt Nam cũng vậy, hầu hết đang nhìn vào giá rẻ và sức khoẻ của tuổi trẻ.

Tôi nhấn mạnh là sức khoẻ của tuổi trẻ, vì chúng ta, do nhiều năm tháng ăn uống thiếu khoa học và không có phong trào thể thao rộng khắp, nên sức bền và khả năng chịu áp lực cao trong thời gian dài là rất kém.

Khi không còn tuổi trẻ, lực lượng lao động của chúng ta liệu có đủ tiền mua thuốc chữa bệnh cho những năm tháng lao lực trong các nhà máy, công xưởng không?

Xét về biết, thì người Việt có khả năng biết rất nhanh những gì họ cần biết. Thậm chí biết sơ sơ đã có thể phán rất hay, hoặc phổ biến là tình trạng anh đã là chuyên gia trong một ngành nào đấy rồi thì đôi khi anh cho mình cái quyền là người hiểu biết và phát biểu trên mọi lĩnh vực.

Làm sao để mọi người có thể chủ động tư duy, và phản biện tích cực lại chính mình, để chúng ta sử dụng những kiến thức mà chúng ta đã biết vào thực tế? Thông tin bây giờ thì rất nhiều và có ở mọi nơi, nhưng lọc và sử dụng thông tin đó, biến thông tin thành kỹ năng  của mình thì còn một khoảng cách khá lớn.

Theo GS. Tony Wagner của đại học Havard thì khả năng tò mò, ham hiểu biết, và sử dụng hiểu biết của mình vào việc sáng tạo những sản phẩm cần thiết ý nghĩa cho cuộc sống, là một trong những kỹ năng cơ bản của sinh tồn thời hiện đại. Chúng ta phần lớn chưa có kỹ năng này.

{keywords}
Bà Đỗ Thùy Dương

Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng, rất ít người chịu cầu thị, chủ động đầu tư cho sự phát triển của bản thân. Tệ hơn, đến cả khi tổ chức đầu tư cho họ đi học, thì việc chủ động học tập và tìm cơ hội để học tập của chúng ta gần như không có. Tôi có cảm giác rất nhiều người, sau khi rời khỏi cánh cửa trường ĐH, và kể cả những người học MBA, chưa có tư duy học suốt đời.

Có câu nói là “ Run & Read” có nghĩa là đọc sách và chạy bộ là hai việc quan trọng nhất cuộc đời thì hình như người Việt chúng ta đều không thích hoặc không giỏi.

Về độ dài tuổi lao động, tôi thấy chúng ta đang quá lãng phí nguồn tài nguyên tuyệt vời là trí tuệ, là kinh nghiệm, là sự từng trải, là kiến thức được tích luỹ của những người đang còn trẻ mà nghỉ hưu.

Cá nhân tôi đang hợp tác chặt chẽ với rất nhiều chuyên gia nước ngoài. Họ đều ở khoảng 70 đến 80 tuổi, vô cùng minh mẫn, nhanh nhẹn. Phong thái làm việc rất chủ động, không nề hà gì. Chúng ta dành rất ít cơ hội để người hưu trí có thể chủ động tham gia đóng góp vào xã hội; hoặc có thể do ảnh hưởng văn hoá hay bối cảnh lịch sử để lại. Thế hệ sau tuổi hưu của chúng ta không nhiều người có đủ sự cập nhật với kiến thức hiện đại để có thể làm việc cùng giới trẻ.

Chưa nói đến hội nhập, mới bàn đến chất lượng nguồn nhân lực cơ bản của người Việt, đã thấy sức khoẻ không đủ bền bỉ dẫn đến khả năng chịu áp lực kém, năng suất lao động không cao; thiếu chủ động trong học tập và cập nhật, đầu tư phát triển bản thân, dẫn đến thụ động khi xã hội thay đổi. Khả năng thích ứng kém.

Ở tầng lớp cao hơn có nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng không có nhiều những tổ chức xuất sắc, do khả năng phối hợp, hợp tác cùng làm việc của chúng ta là đáng báo động.

(Còn nữa)

Đón đọc kỳ 2:  Người Việt có đặc điểm từ trước nay là cứ áp dụng chuẩn lại rất khó khăn. Ví dụ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, có lô hàng rất tốt, nhưng càng về sau chất lượng càng thấp dần.

Hoàng Hường (Thực hiện)