- Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Washington với Bắc Kinh, các công ty đã dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng xung quanh.
Trong hai giờ lái xe từ Hà Nội đến Vịnh Hạ Long, du khách nhìn thấy những vùng nông nghiệp và các khu công nghiệp trải dài trên quốc lộ- một phần trong hành lang công nghiệp ngày càng phát triển tại Đông Bắc Việt Nam. Nơi hội tụ các nhà máy sản xuất xe ô tô, và cả camera cho điện thoại iPhone.
Ở phía Bắc Hà Nội, khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên là tổ hợp lớn của Samsung trải rộng trên 100 ha. Nhà máy này cùng với 7 nhà máy khác trên khắp Việt Nam đang sản xuất điện thoại thông minh của hang Samsung và đóng góp khoảng 1/4 số hàng hóa xuất khẩu.
Các nhà cung cấp linh kiện cho Apple cũng đang nhảy vào “cuộc chơi” này ngày càng mạnh mẽ. Hãng LG Innotek của Hàn Quốc, chuyên sản xuất camera cho điện thoại iPhone, họ vừa mở một nhà máy ở Hải Phòng, thành phố duyên hải có một cảng nước sâu cho phép tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn với các thị trường quốc tế. LG Display, hãng cung cấp màn hình cảm ứng OLED cho Apple, cũng đã có mặt ở Hải Phòng.
Những gì diễn ra cho thấy: Việt Nam thay vì phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu hàng dệt may và các mặt hàng giá rẻ khác đã bắt đầu cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Washington với Bắc Kinh, các công ty này đang khát khao hơn lúc nào hết tránh được các mức thuế “đắng ngắt” bằng việc di chuyển cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất là quyết định của Goertek, công ty lắp ráp Airpod của Apple tại Trung Quốc, khi chuyển toàn bộ sản xuất của mình sang Việt Nam. Chủ tịch công ty, Jiang từng nhận định trong báo cáo tổng kết định kỳ năm 2018 rằng: “Do các nhân tố kinh tế vĩ mô, như biến động thị trường bên ngoài và tranh cãi thương mại Mỹ - Trung, hoạt động của công ty cũng như việc quản lý trở nên khó khăn hơn”.
Các lợi thế trong sản xuất tại Việt Nam so với tại Trung Quốc thậm chí đã được nghĩ đến trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tại Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi đặt tổ hợp công nghiệp Longhua, “cánh tay phải” của Foxconn, một nhà cung ứng của Apple, lương tối thiểu hàng tháng hiện là 2.200 Nhân dân tệ (315 USD). Trong khi đó, mức lương tối thiểu cao nhất (được quy định tùy theo chi phí cuộc sống từng địa phương) tại Việt Nam chỉ bằng một nửa, tức là 3,98 triệu đồng (170 USD). Tại Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt nhà máy của Samsung, lương tối thiểu chỉ là 3,09 triệu đồng (130 USD).
Việt Nam cũng là một nước ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA), là bên đầu tiên ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có sự tham gia của Mỹ, cũng như sau này là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có Mỹ. Châu Âu cũng nằm trong lịch trình này, văn bản cuối cùng của một FTA với Liên minh châu Âu (EU) đã được nhất trí tháng 7 vừa qua.
Việc ký kết thỏa thuận với các nền kinh tế thị trường đã được khẳng định này đòi hỏi một mức độ tự do hóa, điều không có tại Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 68 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về mức độ dễ kinh doanh, trong khi Trung Quốc xếp thứ 78. Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ký FTA, cho phép các công ty Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu.
Dù vẫn còn lo ngại rằng, Việt Nam cũng sẽ bị ông Trump nhắm đến, nhưng hiện tại, quan hệ kinh tế Việt-Mỹ đang có nhiều cơ hội. Chuyến thăm Nhà Trắng năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký được các hợp đồng tổng trị giá 8 tỷ USD với các công ty Mỹ.
Công ty Metal Shark Boats có trụ sở tại bang Louisana, chuyên sản xuất tàu cho cách khách hàng là Hải quân và lực lượng phòng vệ biển Mỹ, đã bán khoảng một chục tàu tuần tra quân sự cho Việt Nam năm 2017.
Ngành công nghiệp hàng không Việt Nam cũng có thể “thu hoạch” được từ quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia từng là cựu thù. Tập đoàn FLC đã đồng ý mua 20 chiếc Boeing 787 Dreamliners với giá 5,6 tỷ USD cho hãng hàng không Bamboo Airways. Vietjet, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã đồng ý chi 12,7 tỷ USD để mua 100 chiếc Boeing 737 hồi tháng 7. Trong khi thâm hụt thương mại gần như chắc chắn là sẽ không thể giải quyết, Việt Nam đã hồi đáp tích cực các gợi ý hợp tác kinh tế của ông Trump.
Là nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc vẫn có một số lợi thế so với Việt Nam. Lực lượng lao động ở Trung Quốc dù già hơn của Việt Nam và không được đào tạo tốt hơn, nhưng vẫn có nhiều công nhân lành nghề hơn. Hoạt động sản xuất trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có những ưu thế của mình: các công ty có thể tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc mà không phải vượt qua biên giới nào. Việt Nam sẽ phải đào tạo lực lượng lao động của mình nhiều hơn và nhanh hơn để cạnh tranh. Một số tiến bộ đã đạt được: sinh viên đại học Việt Nam tại Mỹ xếp thứ 6 về số lượng tính theo quốc tịch, chỉ ít hơn một chút so với nước láng giềng của Mỹ là Canada và nhiều hơn Mexico.
Việc Việt Nam sẵn sàng song hành với các trung tâm quyền lực tại Bắc Mỹ và châu Âu tạo một lợi thế chính trị không thể biến mất, và quan hệ chiến lược ngày càng phát triển giữa Việt Nam với Lầu Năm Góc gắn kết quan hệ kinh tế song phương với các quan hệ khác. Leo lên một nấc thang mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sẵn sàng cải cách để phù hợp với các FTA, Việt Nam đang tận dụng cơ hội và lợi thế của mình
Diệu An lược dịch từ Foreign Policy
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam
Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các bên đều sẽ thua
Bàn về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, GS. Jason Furman cho hay, rất nhiều người nói về việc bên sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, câu trả lời là "không ai cả".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nhìn từ góc độ chính trị
Cuộc leo thang của Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà vào tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ.
Trật tự thương mại thế giới đang biến động theo bàn cờ nước lớn
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được coi là trung tâm, nằm trong tổng thể chiến lược an ninh của Mỹ đã xác định. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo theo cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước còn lại không kém phần quyết liệt.