- Cuộc leo thang của Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà vào tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ.

Kỳ 1: Trật tự thương mại thế giới đang biến động theo bàn cờ nước lớn

Cuộc chiến leo thang: Ăn miếng trả miếng

Có thể coi đây là bước ngoặt của nền chính trị Mỹ - chuyển từ chính sách can dự sang chính sách nước Mỹ là trên hết, từ chính sách coi Trung Quốc là đối tác ưu tiên và ưu đãi, sang là đối tượng đe dọa an ninh của nước Mỹ.

Đó là sự sửa chữa những sai lầm trong chính sách đối ngoại mà Donald Trump đã gán cho các đời Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm. Giờ đây Donald Trump đang thực hiện nó như sự trả thù quá khứ để đưa nước Mỹ trở lại vị thế đứng đầu sau Thế chiến thứ hai, và sắp lại trật tự thế giới. 

{keywords}h
Tổng thống Donald Trump đã chĩa thẳng vào Trung Quốc, sau một loạt các cuộc đàm phán gây áp lực mở đầu đòi hỏi Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, Hoa Kỳ cho là không đạt kết quả. Ảnh: The Daily Star

Sau một loạt các hành động gây biến động thế giới, Donald Trump đã chĩa thẳng vào Trung Quốc. Sau một loạt các cuộc đàm phán gây áp lực mở đầu đòi hỏi Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, Hoa Kỳ cho là không đạt kết quả.

Ngày 6 tháng 7 năm 2018, Hoa Kỳ đã khởi sự cuộc tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc bằng việc áp thuế nhập khẩu 25% cho hàng hóa Trung Quốc (trị giá 34 tỷ USD). Các học giả cho đó là phát súng đầu tiên, và coi đó là khởi đầu của cuộc chiến tranh thương mại, một cuộc chiến không có tiếng súng.

Để đáp trả, Trung Quốc lập tức trả đũa, áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đòn tấn công của Trung Quốc, ông Donald Trump đã chỉ đạo cho ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, áp thuế nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD để tiếp tục “trừng phạt” Trung Quốc đã trả đũa Mỹ.

Không dừng ở đó, ông Trump đã tuyên bố sẵn sàng đánh thuế 500 tỷ USD bằng tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn: “Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ không ngần ngại”.

Để đáp trả phản ứng của Trung Quốc, ngày 1 tháng 8 năm 2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã bổ sung 44 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, trong đó có nhiều công ty quốc doanh có khả năng phát triển công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực quân sự.

Quyết định này của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ là nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, thông tin vệ tinh, bán dẫn và hàng không của Trung Quốc, ảnh hưởng tới tám tập đoàn lớn của Trung Quốc và hàng chục công ty con, trong đó có hệ thống Hebei Far East và học viện số 2 của Tập đoàn Khoa học Hàng không Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cũng cấm các doanh nghiệp Mỹ bán cho các công ty Trung Quốc những sản phẩm quan trọng như vật liệu hạt nhân, các thiết bị laser và cảm biến. Cùng ngày 1 tháng 8 năm 2018, người đại diện thương mại Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc đã không thực hiện những đòi hỏi của Hoa Kỳ mà còn có hành động đáp trả một cách phi pháp “gây ảnh hưởng đến công  nhân, nông dân, các chủ doanh trại và doanh nhân Mỹ”. Robert Lighthizer đã nhấn mạnh “Hoa Kỳ cần thực hiện những biện pháp phòng vệ cứng rắn bảo vệ vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ sáng tạo”.

Đến đầu tháng 8 năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã leo thang đến đỉnh điểm theo kiểu ăn miếng trả miếng nhau.

Nga – nhân tố để Mỹ lôi kéo vào cuộc chiến

Ông Donald Trump không phải là chính khách, nhưng ông là nhà quản lý, kinh doanh đầy kinh nghiệm nên ông thấy rõ đâu là nguy cơ và đâu là lợi ích của nước Mỹ. Ông là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đối đầu với Trung Quốc để đạt mục tiêu “nước Mỹ trước tiên”.

Các học giả và các chuyên gia kinh tế đã nhận xét: cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động với Trung Quốc là phiên bản của cuộc chạy đua vũ trang thời Reagan và Brezhnev.

Thời chiến tranh lạnh, Reagan đã làm cho Liên Xô kiệt quệ, rối loạn rồi sụp đổ. Ông Trump khởi sự cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hướng tới mục đích cuối cùng làm cho nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ đưa ra, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, thay đổi bản chất nhà nước Trung Quốc, giống như chính sách của Reagan thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang khiến Liên Xô sụp đổ.

Đến nay, cuộc chạy đua trừng phạt lẫn nhau về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở cấp độ căng thẳng. Cả hai bên đều đẩy thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nhau ở mức cao, 25% đối với các mặt hàng, và cả ai bên đang ngấm dần những thiệt hại của cuộc chiến.

Cuộc leo thang của Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà vào tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ. Ông Trump đã từng nói thẳng thừng EU là “kẻ thù của Mỹ về kinh tế” nên cuộc chiến giữa Mỹ với các nước còn lại không kém phần gay gắt. EU tuyên chiến với Mỹ, Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo Mỹ rằng nếu xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu thì Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 230 tỷ Euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tuyên bố Đức cần phải chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng. Hôm 28 tháng 6 năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã phát biểu “cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất,” đó là Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ cắt đứt hoàn toàn quan hệ liên minh lâu đời.

Thái độ của EU đã hé mở sự hợp tác với các nước. Trung Quốc là nước đi đầu liên hệ với EU để thương thảo thương mại và đầu tư. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hai lần đến Brussel và Đức để chuẩn bị phối hợp đối phó cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động và đã ký 20 hợp đồng trợ giá khoảng 30 tỷ Euro về lĩnh vực công nghệ, hóa chất và năng lượng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu – Trung Quốc ở Bắc Kinh (16-17 tháng 7 năm 2018), hai bên đã thống nhất được nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư, mở cửa thị trường Trung Quốc cho EU theo nguyên tắc “có đi có lại”. Những người lạc quan nhất cũng chưa thể tin những thỏa thuận giữa Trung Quốc và EU đã có ngay kết quả vì còn quá nhiều bất đồng trong lịch sử. Song cả Trung Quốc và EU đã thành công là cùng nhau hợp tác để chống lại sự trừng phạt của Mỹ.

Ở một cực khác, Nhật Bản cũng tích cực liên hệ với EU và Trung Quốc để thương thảo hiệp định thương mại tự do giữa Nhật – EU và Nhật – Trung để đối phó với ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các nước Canada và Mexico đã có nhiều xung đột thương mại với Mỹ khi Trump đòi hỏi đàm phán lại Hiệp định thương mại Bắc Mỹ, cũng đang tích cực tìm kiếm các đối tác thương mại mới ở Châu Âu và Nhật Bản nhằm đối phó với Mỹ.

Trong khi đó, Donald Trump vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn với EU. Ông tuyên bố “thuế quan là tốt nhất” và “tất cả các quốc gia đối xử bất bình đẳng với Mỹ về thương mại trong suốt nhiều năm đều phải đến Washington để đàm phán”.

Ông Trump rất biết các nước EU phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và an ninh, không còn con đường nào khác ngoài đàm phán, ngày 25 tháng 7 năm 2018, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker (người Đức) đã đến Mỹ gặp Tổng thống Trump cùng bàn việc xóa bỏ thuế quan, hàng rào phi thuế quan và trợ cấp cho hàng hóa thuộc ngành không phải công nghiệp ô tô. Hai bên cùng có kế hoạch sẽ bàn tới việc cắt giảm rào cản và mở rộng thương mại dịch vụ, hóa chất, dược phẩm và các sản phẩm y tế cũng như đậu tương. EU sẵn sàng đầu tư xây dựng các trạm tiếp nhận khí hóa lỏng LNG chủ yếu từ Mỹ, đồng ý cho Mỹ xuất khẩu đậu nành sang Châu Âu để đổi lấy tránh thuế cao nhằm vào ô tô, nhôm và sắt từ EU vào Mỹ.

Cuộc đối đầu đầu tiên với EU này Mỹ đã giành phần thắng. Nếu điều này xảy ra chẳng khác nào Hiệp định Thương mại Thế giới (WTO) bị Mỹ vô hiệu hóa.

Động thái Donald Trump đột nhiên gặp Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan (cuối tháng 7 năm 2018) và ngỏ lời mời ông Putin đến Washington trong lúc quan hệ Hoa Kỳ và Nga vô cùng căng thẳng khi Hoa Kỳ xác định “Nga là kẻ thù số một” và gia tăng các hoạt động trừng phạt Nga. Điều này cho thấy Donald Trump bỏ lướt qua những mâu thuẫn trước mắt, tạo ra hình ảnh hòa dịu trong quan hệ Nga – Mỹ nhằm phân hóa Trung Quốc và các nước Châu Âu, cho dù chưa biết được ông Trump và ông Putin đã thỏa thuận được gì với nhau.

Đến thời điểm này, Mỹ đang chủ động phá vỡ trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh, xóa bỏ luật chơi “đã gây bất lợi” cho Mỹ trong nhiều năm qua, trong đó có Hiệp định Thương mại Thế giới WTO.

Điều đáng quan tâm là thế giới đang hình thành thế đối đầu mới do Mỹ chủ động thúc đẩy, một bên là Mỹ các các nước đồng minh của Mỹ, với một bên là Trung Quốc và các nước còn lại. Nga được nhìn nhận là nhân tố để Mỹ lôi kéo vào cuộc chiến chống Trung Quốc, như lịch sử Mỹ đã lôi kéo Trung Quốc chống Liên Xô, kéo theo sự sụp đổ của phe XHCN.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đi đến đâu?

Nước Mỹ của Trump cũng đang chủ trương chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới, nhằm tạo thế cân bằng với chính sách “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Những nỗ lực ngoại giao liên tục của chính quyền Trump nhằm xoa dịu quan hệ với Bình Nhưỡng cũng có mục tiêu loại bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Á nói chung, từng bước cô lập và làm suy yếu Trung Quốc. Đây là bước đi mới trong chiến lược an ninh của Hoa Kỳ để giành ưu thế với Trung Quốc ở vùng này.

Tuy nhiên, để thực hiện được ý đồ như Donald Trump mong muốn, nước Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức, không thể một sớm một chiều mà Mỹ giải quyết được những mâu thuẫn một mất một còn với các nước.

Việc rút khỏi thỏa thuận Iran về hạt nhân và tuyên bố của Trump trừng phạt Iran, bắt đầu từ ngày 7 tháng 8 năm 2018, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Liên minh Châu Âu. Ngày 6 tháng 8 năm 2018, Ủy ban Châu Âu ra tuyên bố quyết tâm bảo vệ các thực thể hoạt động kinh tế của EU đang hợp tác thương mại hợp pháp với Iran. Tuyên bố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những thỏa thuận của Liên minh Châu Âu với Hoa Kỳ, đặt cho hai bên những thách thức mới.

Song trở ngại lớn nhất trên con đường của Donald Trump là một Trung Quốc khác với Liên Xô trước đây. Trung Quốc cũng đủ tiềm lực để đối phó với Mỹ theo kiểu hai bên cùng chết. Ông Putin không dễ gì từ bỏ mối quan hệ với ông Tập Cận Bình, khi mà quan hệ giữa Mỹ và Nga rất căng thẳng. Vì vậy tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, chưa thể đoán trước điều gì.

Điều có thể nhận thức được là cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump phát động với Trung Quốc là khởi đầu nằm trong chiến lược an ninh của Mỹ, sau hơn một tháng đã hé lộ ý đồ vô hiệu hóa Hiệp định Thương mại Thế giới, dùng chính sách thuế quan để gây áp lực với các nước đồng minh chấp nhận các điều kiện mới của Mỹ và xây dựng một liên minh mới chống Trung Quốc, với mục tiêu nước Mỹ phải đứng đầu thế giới như ông Donald Trump đã từng tuyên bố.

Ý đồ thì to lớn nhưng có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn không bên nào giành được thắng lợi hoàn toàn mà chỉ dẫn đến “hai bên đều chết”.

Đến một thời điểm nào đó, những thỏa thuận phải được đặt ra và đàm phán lại bắt đầu, đó là giải pháp ngày nay nhiều nước đã lựa chọn. Trường hợp Mỹ - Trung cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump, việc đạt được thỏa thuận còn là một con đường rất dài.

Nguyễn Văn Hưởng

Trật tự thương mại thế giới đang biến động theo bàn cờ nước lớn

Trật tự thương mại thế giới đang biến động theo bàn cờ nước lớn

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được coi là trung tâm, nằm trong tổng thể chiến lược an ninh của Mỹ đã xác định. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo theo cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước còn lại không kém phần quyết liệt.

Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’

Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’

Cuộc chiến thương mại đã kích hoạt giữa Mỹ - Trung, hai thị trường thương mại lớn của hàng hóa Việt Nam. Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở phía trước?

Ông Vũ Khoan: ‘Việt Nam không thể chạy đua theo con đường đó’

Ông Vũ Khoan: ‘Việt Nam không thể chạy đua theo con đường đó’

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, tất cả vấn đề hiện nay là do chúng ta, do cơ cấu kinh tế chứ không phải do tác động của hội nhập.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam

Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các bên đều sẽ thua

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Các bên đều sẽ thua

Bàn về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, GS. Jason Furman cho hay, rất nhiều người nói về việc bên sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, câu trả lời là "không ai cả".