- Nếu làm được hai việc: diệt trừ, ngăn chặn tham nhũng và tinh gọn bộ máy hành chính, nhân sự trong ngành giáo dục, tôi nghĩ ngân sách dành cho cải cách giáo dục trong đó có tăng lương giáo viên, miễn học phí cho học sinh trong bậc học phổ cập (nghĩa vụ) là trong khả năng.
Xem lại Phần 1: Giáo viên nhà to xe đẹp có trông chờ vào lương?
Theo thông tin trên báo chí thì lý do chính mà Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ bác bác đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS là do khó khăn về tài chính. Một lý do rất dễ hiểu và có vẻ… chính đáng nhưng liệu khó khăn về tài chính có thực sự là điều không thể giải quyết không?
Tôi nhớ đến một câu chuyện của nước Nhật. Nhật Bản sau tháng 8/1945 đã tiến hành cải cách giáo dục toàn diện trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Các thành phố lớn bị phá hủy bởi bom, hai thành phố bị ném bom nguyên tử, hàng triệu người thất nghiệp, ngân sách trống rỗng và xảy ra cả tình trạng thiếu lương thực. Vô số trường học bị bom thiêu cháy.
Trong hoàn cảnh đó để có thể cải cách giáo dục yêu cầu khẩn thiết là phải đảm bảo được lương của giáo viên. Trong một buổi họp ở quốc hội để bàn về cải cách giáo dục, khi nghe yêu cầu cần phải có một lượng tiền lớn để cải cách, người có trách nhiệm cao nhất về tài chính giáo dục khi đó của Nhật đã trình bày rằng ngân sách không còn đồng nào để làm việc đó và ông khóc khiến cho nhiều người trong phòng họp khóc theo.
Nhưng bất chấp hoàn cảnh đó, nước Nhật vẫn cải cách giáo dục bằng quyết tâm sắt đá để 15 năm sau, Nhật Bản lại phục hưng, phát triển thần kì và trở lại vũ đài quốc tế đầy ngoạn mục. Trong quá trình thực thi cải cách đó, quan chức giáo dục, quan chức địa phương đã chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm nhân tài, nhân lực và tài chính cho cải cách giáo dục. Nhiều người trong số họ đã tự sát vì cảm thấy nhục nhã khi không hoàn thành nhiệm vụ lo được lương cho giáo viên và trường lớp cho học sinh học tập.
Học sinh Nhật Bản khi đó phải nhận viện trợ bánh mì và sữa từ quân đội Mĩ, học ở “lớp học ngàn sao” hay các lều trại được dựng lên bằng các tấm bạt mượn của quân đội Mĩ. Nhưng triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình, sách giáo khoa giáo dục được đổi mới và tinh thần giáo viên được khai phóng đã làm cho cuộc cải cách diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp.
Câu chuyện chạy giáo viên 300 triệu đang gây xôn xao dư luận. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
Tiền đâu để tăng lương, miễn học phí?
Ở Việt Nam hiện tại, liệu có khó khăn về tài chính đến mức như nước Nhật sau 1945 không?
Khi đối mặt với khó khăn về tài chính, thường người ta sẽ phải làm hai việc cùng lúc là tăng thu và giảm chi. Vậy thì nếu như kinh tế khó khăn không có nhiều ngân sách hơn nữa dành cho giáo dục thì cần phải tinh gọn lại bộ máy quản lý giáo dục vốn đã phình ra ngày một to ở mọi cấp và rà soát, tái cơ cấu đội ngũ giáo viên.
Ở Nhật sau 1945 cùng với quá trình cải cách về nội dung giáo dục, hệ thống trường học, là cải cách hành chính giáo dục. Cuộc cải cách này bắt đầu từ chính Bộ giáo dục với trọng tâm là sắp xếp lại bộ máy nhân sự và xây dựng luật để hạn chế quyền lực quá lớn của bộ giáo dục-nguồn gốc tạo ra sự quan liêu trong hệ thống hành chính giáo dục.
Cùng với đó, Nhật cắt giảm nhân sự hành chính giáo dục địa phương, lập ra Ủy ban giáo dục để thay thế cho bộ máy hành chính cũ, loại bỏ khỏi ngành giáo dục những người đã trung thành cổ vũ cho chủ nghĩa phát xít hoặc không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục làm giáo viên.
Việt Nam đã và đang làm gì với bộ máy hành chính giáo dục cồng kềnh mà không hiệu quả hiện nay? Đây là bộ máy đã khiến cho có thầy cô bức xúc trên báo chí yêu cầu phải giải tán cả phòng, sở giáo dục.
Bộ giáo dục cũng đã làm gì để ứng phó với tình trạng tham ô, tham nhũng trong giáo dục mà sự việc “chi 300 triệu đồng để chạy việc” được tiết lộ khi sự việc 600 giáo viên bị cắt hợp đồng gần đây được báo chí nêu ra là ví dụ có tính biểu tượng? Tại sao lại có tình trạng giáo viên dôi dư trong khi các cơ quan có trách nhiệm quản lí liên tục kêu ngân sách dành cho giáo dục eo hẹp?
Bộ giáo dục và các cơ quan có liên quan đã làm gì để không còn có những dự án “nghìn tỉ” dành cho cải cách giáo dục để rồi sau đó không đạt hiệu quả hoặc xảy ra thất thoát, lãng phí như dự án VNEN.
Nếu làm được hai việc: diệt trừ, ngăn chặn tham nhũng và tinh gọn bộ máy hành chính, nhân sự trong ngành giáo dục, tôi nghĩ ngân sách dành cho cải cách giáo dục trong đó có tăng lương giáo viên, miễn học phí cho học sinh trong bậc học phổ cập (nghĩa vụ) là trong khả năng. Muốn có giáo dục tốt phải trả lương xứng đáng cho những người xứng đáng. Đấy là nguyên tắc vàng trong cải cách.
Nguyễn Quốc Vương
Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Phạt hay là buông tay?
Nên hay không nên áp dụng hình phạt với học sinh khi các em phạm lỗi?
Cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Là giảng viên, tôi thấy…
Xét cho cùng, trong môi trường giáo dục, mọi hành xử đều phải xuất phát từ sự tự tôn trọng và tôn trọng lẫn nhau, nếu không hệ quả sẽ chỉ là sự hỗn loạn.
Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối”
Trong chuỗi những hành vi bạo lực học đường, bạo lực bệnh viện, cái xấu cái ác ngang nhiên tấn công trực diện vào nền tảng đạo đức xã hội: Người thầy giáo và người thầy thuốc.
Vụ học sinh gãy chân: Khi sự dối trá lên ngôi
Cả một tập thể, trong đó có cả học sinh tiểu học, sợ nói ra sự thật, bao che cho cái xấu. Vì sao?
1.000 học sinh không đến trường: Khi người lớn mải cãi nhau…
Tại thời điểm trẻ em cả nước náo nức khai trường thì gần 1.000 học sinh xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại kém may mắn không được đến trường. Lý do? Bố mẹ chúng không đủ tiền cho chúng đi học.