Chung tay cứu trợ đồng bào 

Hình ảnh cô ca sỹ đội nón lá bình dị, chân lội nước phát quà, phát tiền cho người dân thật đáng cảm động, làm lay động trái tim của bao nhiêu người.

{keywords}
Hình ảnh cô ca sỹ đội nón lá phát quà cho người dân miền Trung làm lay động trái tim của bao nhiêu người

Cũng rất đáng trân trọng là hình ảnh của hàng chục nồi bánh chưng đỏ lửa mà người dân Nghệ An, dân Thanh Hóa nấu xuyên đêm để kịp thời cấp cứu cho đồng bào miền Trung.

Những ngư dân Quảng Bình, bất chấp nhà cửa cũng bị ngập lụt, đã bơi thuyền vào sâu trong trong vùng ngập mênh mông để cứu tính mạng của bà con.

Và còn rất, rất nhiều các nhóm thiện nguyện khác từ nhiều vùng của đất nước đang âm thầm ứng cứu cho các bà con vùng lũ.

Những hành động cảm động đó cho thấy, người dân luôn biết cứu giúp nhau trong hoạn nạn, như phương châm “lá lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” mà cha ông đã từng nói và làm bao đời nay.

Thượng tôn pháp luật

Tuy nhiên, những hoạt động thiện nguyện đó của người dân được điều chỉnh bởi nghị định 64/2008/NĐ-CP, văn bản chỉ cho phép các cơ quan nhà nước, các tổ chức được cấp phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Điều 5 của nghị định này quy định, ngoài các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cấp phép thì “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân  nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Quy định này đã làm dấy lên lo lắng mỗi khi đất nước có thiên tai, địch họa bởi nó hạn chế người dân thực hiện các hoạt động từ thiện.

Tôi cho rằng, tấm lòng của Thủy Tiên và nhiều đoàn từ thiện khác là đáng cổ vũ vì họ đang chung tay với biết bao chiến sỹ, cán bộ nhà nước ở 3 địa phương ngập lụt trong việc cứu dân.

Số tiền mà họ quyên góp được cũng không thể nào so sánh được với các tổ chức chuyên nghiệp của Nhà nước. Ví dụ, chỉ trong Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 17/10 vừa qua, có tới 2.400 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ, một số tiền rất lớn mà không một cá nhân nào từng nhận được cho công tác thiện nguyện.

Nhưng trong hoàn cảnh nước ngập mênh mông, lũ cuồn cuộn chảy, hàng trăm ngàn ngôi nhà chỉ còn nhô mái, bà con phải ngâm mình trong nước hay lánh trên mái nhà để chờ thoát thân, bụng chịu đói khát thì cứu người còn hơn cứu hỏa. Bất cứ nỗ lực nào, đóng góp nào của bất kỳ ai đều quý giá, đều cứu mạng người.

Nghị định 64 cũng nêu: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước… trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp”, có nghĩa là không hoàn toàn cấm cá nhân làm thiện nguyện để giúp đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn nhằm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, do đã ra đời cách đây 12 năm nên văn bản này có thể đã không kịp cập nhật thêm những thay đổi, đòi hỏi trong cuộc sống, ví dụ chuyện những nhà tài trợ chuyển hơn trăm tỷ đồng vào tài khoản của Thủy Tiên là số tiền lớn trước đây chưa từng có.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ cũng đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, theo đó người dân có quyền trao, tặng, ủy quyền cho ai đó mà họ tin tưởng tài sản thuộc sở hữu của mình. Hiến pháp 2013 cũng quy định rằng quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật, chứ không phải các văn bản dưới luật như nghị định.

Trong suốt mấy năm gần đây, Chính phủ đã kiên quyết cắt giảm điều kiện kinh doanh, gỡ bỏ quy định về bằng cấp chuyên ngành để đạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Không lẽ người dân đi cứu trợ cũng phải có giấy phép?

Tuy nhiên, để công tác cứu trợ đến đúng địa chỉ, hỗ trợ cho những người cần cứu giúp nhất thì việc phối hợp, kết hợp với chính quyền địa phương là phương án hợp lý, cần tham khảo vì chính quyền địa phương nắm rõ nhất hộ gia đình nào cần cứu giúp. Và tất nhiên, Nhà nước cũng lo lắng công tác từ thiện bị lạm dụng, gây nhiều hệ lụy.

Để xã hội hài hòa và bao dung    

Trong bài viết mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định 'dân là gốc', thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.

Như vậy là không gian để người dân “phát huy quyền làm chủ” được xác quyết một lần nữa từ các nhà lãnh đạo quốc gia.

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, 12 triệu người ở các tỉnh ven biển Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển. 

Trong bối cảnh đó, ở một mức độ nào đó dân cần được trao quyền để cứu trợ nhau. Dân cứu dân cũng rất quan trọng, bên cạnh nhà nước, để xã hội hài hòa và bao dung. 

Tư Giang

Xem người Hungary nắn sông, người Hà Lan đắp đê chống lũ

Xem người Hungary nắn sông, người Hà Lan đắp đê chống lũ

Hungary nắn dòng sông Tisza. Hà Lan nằm dưới mặt nước biển nhưng vẫn không bị lụt hay triều cường…