QĐND - Khi xuất hiện điểm nóng chính trị, xã hội và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, để nhận diện và xử lý kịp thời là rất khó khăn. Bài học thực tiễn cho thấy, vấn đề chỉ được tháo gỡ khi có kế sách đúng cùng sự vào cuộc kịp thời, chung sức của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng…

Kỳ 1: Không để những chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề nhạy cảm bị lợi dụng

Không ai có thể đứng ngoài cuộc

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, điểm nóng là địa bàn đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp có đông người tham gia dẫn đến gây mất ổn định về an ninh, trật tự, ảnh hưởng xấu đến đời sống chính trị, kinh tế-xã hội. Có hai hình thức cơ bản nhất là điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị. Từ những tranh chấp dân sự, phát sinh mâu thuẫn hình thành các điểm nóng xã hội. Và từ điểm nóng xã hội có thể chuyển thành điểm nóng chính trị.

Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có nhiều bài học về giải quyết điểm nóng như ở nông thôn Thái Bình, Đồng Nai năm 1997; "điểm nóng" Tây Nguyên năm 2001 và 2004; điểm nóng tại phố Nhà Chung, TP Hà Nội năm 2007; điểm nóng ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) năm 2011; điểm nóng ở Tiên Lãng (TP Hải Phòng) năm 2012, điểm nóng lợi dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ môi trường kích động biểu tình, gây rối năm 2014 và 2016…

Xử lý điểm nóng là công việc rất khó khăn, phức tạp, có thể “sai một ly, đi một dặm”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”.

Vì thế, để giải quyết không ai có thể đứng ngoài cuộc; trong đó, tổ chức đảng và bộ máy chính quyền phải luôn ở vị trí đứng mũi chịu sào. Tổ chức đảng phải là nơi hội tụ trí tuệ và bản lĩnh, kinh nghiệm sáng suốt để nhận định đúng tình hình và có đối sách phù hợp. Không phải điểm nóng xã hội nào cũng trở thành điểm nóng chính trị, không phải sự việc nào cũng có bàn tay của các thế lực thù địch nhưng cũng không thể chậm trễ, nhận định sai để từ tụ tập, gây rối thành bạo loạn, lật đổ, sẽ dễ rơi vào cảnh “nước xa không cứu được lửa gần". Riêng bí thư cấp ủy, người đứng đầu mỗi địa phương phải có trách nhiệm cao nhất, xây dựng được sự ổn định chính trị, xã hội ở địa phương và địa phương nào để xảy ra tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cùng các lực lượng liên quan.

Muốn không để xảy ra điểm nóng và người dân bị lợi dụng, người đứng đầu cùng các cơ quan chức năng phải luôn nắm vững địa bàn mình lãnh đạo, quản lý đang “nóng” cái gì để xử lý, giải quyết kịp thời. Trong sự việc xảy ra ở thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận vừa qua, đây là thị trấn đông dân nhất nước với hơn 45.000 nhân khẩu nhưng lại có khá nhiều thanh niên ăn chơi hút xách không nghề nghiệp. Người dân có bức xúc chủ yếu vì chính quyền bất lực trước sự lộng hành của trộm cắp và tệ nạn nghiện hút. Có lẽ chính vì thế nên kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo thanh niên hư hỏng đi biểu tình, đập phá rất dễ dàng mà chính quyền cơ sở không có giải pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Quá trình xử lý đã bộc lộ sự lúng túng, bị động, thiếu cương quyết…

Ông Hồ Trung Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, để xảy ra sự cố, một phần do chưa phát huy tốt được trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở trong nắm dân, dư luận xã hội, dự báo tình hình chưa tốt. Trong đó, chưa quản lý tốt các đối tượng hình sự. Một số nhà trường, gia đình còn hạn chế về giáo dục, quản lý thanh, thiếu niên cá biệt. Đây là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Để mọi người dân đều vào cuộc đấu tranh với những kẻ lợi dụng, phá hoại thì phải chú trọng xây dựng được “thế trận an ninh nhân dân” thường xuyên và cả khi có biến. Muốn vậy, tuyên truyền giáo dục phải thường xuyên, kịp thời. Như ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau khi một số linh mục nhiều lần kích động, gây rối, nhờ tuyên truyền tốt, người dân một số địa phương đã thấy được bộ mặt thật của những kẻ nhân danh dân chủ, tiếm danh nhân dân nên khi xuất hiện bọn phản động lôi kéo, nhân dân lập tức đánh kẻng bao vây, báo lực lượng chức năng xử lý. Khi tình cảm và trách nhiệm luôn thường trực thì mọi cán bộ và người dân sẽ chủ động vào cuộc. Có thể lấy ví dụ việc đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong chủ động sử dụng facebook cá nhân để kêu gọi nhân dân cũng là một nỗ lực, trách nhiệm được nhiều người dân đồng tình.

Ở đây, rất cần phát huy tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải được thể hiện rõ khi mỗi địa phương có những sự việc phức tạp. Cán bộ, đảng viên nói không với biểu tình, tụ tập, gây rối chưa đủ mà phải chủ động đấu tranh, đẩy lùi, tuyên truyền vận động gia đình, nhân dân ở nơi làm việc và nơi ở chung sức đấu tranh.

Cùng với đoàn thể, nhà trường, gia đình, tế bào của xã hội cũng là nơi đấu tranh, ngăn ngừa hiệu quả nhất đối với lớp trẻ trước sự lôi kéo, lừa phỉnh của kẻ xấu. Những ngày này, Lê Văn Nghiêm, 26 tuổi quê Cà Mau, một trong những công nhân tham gia kích động biểu tình, gây rối ở Bình Dương năm 2014 cũng đã chấp hành xong bản án phạt tù 3 năm. 3 năm đã trôi qua, không chỉ với Nghiêm, hàng nghìn người dân và các em học sinh hẳn khó quên hình ảnh tại phiên tòa xét xử công khai tại một trường tiểu học. Mẹ Nghiêm, một người nông dân khắc khổ đã khóc như mưa vì đau đớn và căm hận những kẻ đã lôi kéo, làm hư hỏng một thanh niên hiền lành. Nhiều bậc cha mẹ có mặt tại phiên tòa hôm ấy cũng đã nhận ra bài học, giá như mỗi gia đình sâu sát hơn trong quản lý con cái, luôn dạy dỗ để con cái làm điều lương thiện, đúng pháp luật thì sẽ không để xảy ra điều đau xót như vậy.

Bảo vệ từ sớm, từ xa

Qua những sự việc có bàn tay của các thế lực thù địch, chúng ta càng thấm thía luận điểm nổi tiếng của V.I. Lênin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”. Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra một khía cạnh quan trọng của quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là phải “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn và phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”.

Bài học từ các đợt biểu tình gây rối mấy năm gần đây cho thấy, các thế lực thù địch đều đưa ra những lời kêu gọi, vận động “tổng biểu tình” toàn quốc công khai trên mạng xã hội, thậm chí phát tờ rơi trước đó nhiều ngày nhưng công tác nắm tình hình, dự báo tình huống và cách xử trí, ngăn chặn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng có lúc, có nơi lúng túng, bị động, phương pháp xử lý thiếu kiên quyết... Ở đây cũng cần chỉ rõ sự vào cuộc chưa kịp thời, lúng túng, hiệu quả hạn chế của các cơ quan truyền thông Nhà nước trước, trong và sau khi xảy ra các vụ việc trên. Vấn đề đặt ra là phải huy động cao nhất trách nhiệm, cái tâm, cái tầm, sức mạnh của báo chí cách mạng, để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội, hành vi tung tin xấu, bịa đặt trắng trợn của kẻ xấu cũng như các thế lực thù. 

Kinh nghiệm từ các sự việc trên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương phải sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc tuyên truyền, xây dựng, triển khai các phương án đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ nói chung, trong đó có cả những phương án cụ thể khi xảy ra tình trạng người dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, gây rối có và không có sự can thiệp của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Đặc biệt, trong dự kiến các phương án tác chiến A2, phương án đấu tranh chống tụ tập, biểu tình, gây rối, bạo loạn phải có phương án tác chiến trên lĩnh vực tuyên truyền, phản bác thông tin sai trái, phản động, nhất là tác chiến trên không gian mạng.

Trong đấu tranh từ sớm, từ xa, phải xây dựng cho được “thế trận” từ cơ sở. Kinh nghiệm từ tỉnh Thái Nguyên trong phòng, chống hoạt động tụ tập của hội thánh đức chúa trời và các hoạt động tụ tập biểu tình là một ví dụ. Địa phương này không khoán trắng cho lực lượng chức năng mà quán triệt, triển khai sâu rộng đến từng chi bộ, tổ dân phố và tầng lớp nhân dân, nơi nào để xảy ra tụ tập, biểu tình, nơi đó bí thư, cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vì thế, chỉ cần xuất hiện một đối tượng có biểu hiện tuyên truyền, rao giảng về “hội thánh” hay kêu gọi tụ tập, biểu tình ở trường đại học, ký túc xá, quán cà phê hay trà đá vỉa hè, ngay lập tức bị người dân xua đuổi, thông báo cho lực lượng chức năng xử lý… Ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, địa phương đã triển khai phương án cụ thể, nêu rõ hành động của từng cán bộ, các đoàn thể và người dân nếu có tình huống tụ tập, biểu tình xảy ra. Trang web của thị xã này đã nêu thông điệp rất rõ ràng: Hãy chứng tỏ cho những kẻ muốn lợi dụng để biến Cửa Lò của chúng ta thành nơi để chống phá biết rằng: “Người dân của Cửa Lò thân thiện với du khách, nhưng chắc chắn sẽ không thân thiện với “du côn”, với những kẻ kích động biểu tình. Những đối tượng cố tình gây rối, kích động kéo đến phá nhà, phá đất, phá làng, phá biển của ta. Hà cớ chi ta lại để cho chúng yên?’’.

Đồng Nai có hơn 30 khu công nghiệp, từng là nơi bị lợi dụng gây ra những cuộc biểu tình quy mô lớn năm 2014. Sau sự việc, việc phòng ngừa từ xa đã được nhiều công ty làm tốt. Điển hình như Công ty Changshin, có hàng nghìn công nhân làm việc nhưng không để xảy ra tụ tập, biểu tình. Ông Đăng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: "Công ty luôn chú trọng xây dựng văn hóa làm việc cho công nhân, trong đó có quy định nói không với việc tụ tập, biểu tình trái pháp luật. Ngay từ khi người lao động được tuyển chọn đã phải học quy định này. Vì thế, ngay từ năm 2014 đến nay, công ty không xảy ra công nhân tham gia biểu tình, gây rối dù cũng bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục".

Dựa vào dân để cô lập, đẩy lùi kẻ xấu

Dựa vào dân, bám chắc dân, không để "mất" dân là cách tốt nhất để nắm bắt và xử lý thông tin đồng thời nhân dân cũng sẽ là lực lượng tác chiến hiệu quả để đấu tranh chính với những kẻ kích động, gây rối, xúi giục. Tại Bình Dương năm 2014, nhiều công ty và công nhân đã chủ động lập bức tường sống trước cổng các doanh nghiệp để phản đối dòng người bị kích động xông vào. Như ở Công ty may mặc Esquel Garment, hàng trăm người định xông vào nhưng đã bị bức tường bảo vệ gồm những công nhân của công ty cản lại, giương cao khẩu hiệu: “Bảo vệ công ty là bảo vệ việc làm”, “Hãy vì miếng cơm manh áo của chính chúng ta” và đẩy lùi được nhóm người quá khích.

Vừa qua, đã xuất hiện nhiều cách làm hay đấu tranh với kẻ xấu, như các anh "xe ôm" Grab ở TP Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng chức năng, dân phòng truy bắt những kẻ đến kích động biểu tình. Ở Đồng Nai, có chủ nhà trọ chủ động đề ra nội quy “trục xuất” công nhân nếu tham gia biểu tình. Ở Nghệ An, sau sự cố Formosa, trước những hành vi kích động của một số linh mục, hàng nghìn cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ đã tổ chức các cuộc mít tinh của các đoàn thể để đấu tranh, phản đối, bày tỏ lòng yêu nước chân chính, đấu tranh với những kẻ tiếm danh lòng yêu nước để phá hoại. Ở Hà Tĩnh, cơ quan an ninh điều tra đã dựa vào dân để phát hiện, lập các chuyên án điều tra và khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng phản động như 3 đối tượng đã bị bắt ngay tại hiện trường quay phim, chụp ảnh kích động biểu tình. Ở TP Cần Thơ, địa phương này đã có cách làm hay là lập đường dây nóng kêu gọi và sẽ khen thưởng người dân tố giác những đối tượng kích động biểu tình.

Từ kiên trì thuyết phục đến kiên quyết cưỡng chế

Nhiều ý kiến cho rằng: Việc phản đối hai dự án luật chỉ là cái cớ của một số người, vì khi gây rối, đập phá họ đều được kích động, cho tiền để phá hoại, hoàn toàn không biết gì đến hai đạo luật trên. Thậm chí, khi ông Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) Huỳnh Văn Điền ra đối thoại, giải thích, đám đông còn nhao nhao hỏi “đặc khu là gì?” và bất chấp lời giải thích, họ đã đánh cả vị cán bộ này. Ông Huỳnh Văn Điền sau đó đã nhận xét: “Những hành động quá khích trên đã đi quá giới hạn cho phép, mang tính bạo lực và vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Tuy vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc, các lực lượng chức năng đã hết sức kiềm chế, nhân nhượng, cố gắng không để tổn hại đến người dân”.

Có một chi tiết là ngay trong chiều 10-6-2018, một xe tải lớn đã chở gạch đá và phế liệu xây dựng đến đổ ngay con lươn giữa Quốc lộ 1 để cung cấp cho đám đông quá khích. Lẽ ra, nếu nắm tình hình sớm hơn, sát hơn, chúng ta sẽ có đối sách phù hợp hơn, không rơi vào cảnh “đàn gảy tai trâu” để cho kẻ xấu lộng hành, nhảy múa trước "lưỡi gươm" pháp luật.

Cho nên, về nguyên tắc, cần chọn giải pháp tối ưu, trong đó giáo dục, vận động, thuyết phục được ưu tiên hàng đầu. Chúng ta tôn trọng nhân dân, bảo vệ dân, kiên trì giáo dục thuyết phục, cảm hóa và khoan hồng với những người nhẹ dạ bị kích động lôi kéo khi đã nhận ra sai lầm và sửa chữa. Việc một số nơi đưa những người vi phạm trên ra kiểm điểm, giáo dục ở khu dân cư, giao họ cho gia đình cam kết không tái phạm... có tác dụng tốt cần được nghiên cứu, nhân rộng. Đối với các đối tượng quá khích, cố tình tiếp tay cho các thế lực thù địch gây bạo loạn, chống đối  thì cần có biện pháp xử lý kiên quyết, cứng rắn phù hợp, đúng lúc để tránh dẫn đến sự việc bùng nổ, phức tạp, như đám cháy đã lan rộng rất khó dập tắt. Với những đối tượng bị truy tố hình sự, nhất là những kẻ cầm đầu, chủ mưu, gây hậu quả nghiêm trọng tới đây phải đưa ra xét xử công khai, xử lý thích đáng, đúng người đúng tội, mang tính răn đe, giáo dục cao.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, vụ việc xảy ra gần đây ở TP Hồ Chí Minh có bàn tay thế lực thù địch kích động. Trong số thanh niên bị lôi kéo, nhiều người có tiền án, tiền sự, mang theo cả hơi cay, có nhiều hành vi quá khích gây thương tích cho lực lượng chức năng. Đặc biệt, chúng còn giả danh cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội để tham gia biểu tình. Riêng vụ việc ở Công ty Pou Yuen (TP Hồ Chí Minh), đối tượng Võ Văn Trụ đã vác cả hòn đá tảng nặng tới hơn 30kg từ trên cao ném xuống đầu cảnh sát cơ động thì có lẽ không thể kiên trì giáo dục thuyết phục mà phải có ngay biện pháp khống chế, ngăn chặn hiệu quả. Sau đó, Trụ đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ và hành vi vô nhân tính của Trụ bị cộng đồng phản đối gay gắt, nhiều người đề nghị phải xử phạt Trụ với mức án thật nghiêm khắc! Hay tại Bình Thuận, một số đối tượng bị bắt giữ khai chúng đã tính toán phương án như mua xăng tạo bom xăng, tập kết gạch đá để ở vị trí thuận lợi để tấn công lực lượng chức năng… thì không chỉ xử lý nghiêm khắc mà phải sớm có rút ra bài học ngăn chặn, không để tái diễn hoặc xảy ra các hành vi bạo lực khác .

Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động”. Nhưng Người cũng chỉ rõ: “Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”.

Với những âm mưu thủ đoạn có tính chất bạo loạn thì việc giáo dục, vận động thuyết phục kéo dài sẽ không hiệu quả mà cần phải có giải pháp mạnh hơn, không để “nhờn luật”. Chúng tôi đồng tình với quan điểm mà Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu trong các cuộc làm việc với Công an tỉnh Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương: “Việc các đối tượng kích động, phá hoại tài sản Nhà nước, tấn công lực lượng chức năng trong những ngày vừa qua ở Bình Thuận là hết sức nghiêm trọng. Các lực lượng trong khi làm nhiệm vụ cần kiềm chế đối với những người bị xúi giục nhưng cũng cương quyết trấn áp các đối tượng cầm đầu, các đối tượng quá khích, cố ý hủy hoại tài sản Nhà nước, chống đối người thi hành công vụ”.

Chúng ta cần có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn, trấn áp kịp thời hơn, xét xử với hình phạt thích đáng hơn các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật gây ra những hậu quả nặng nề. Nhìn lại việc xử lý các vụ việc biểu tình, gây rối ở Đồng Nai, Bình Dương năm 2014, ban đầu cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, tạm giam hơn 1.000 đối tượng nhưng sau đó sàng lọc, xử lý, hàng chục đối tượng bị đưa ra xét xử và bị tòa án tuyên phạt với mức vài tháng đến vài năm tù theo tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản, thì không ít người cho là có phần còn nương nhẹ!

Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi của các đối tượng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận vừa qua có đủ dấu hiệu cấu thành vi phạm hàng loạt tội nghiêm trọng được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, các đối tượng vi phạm Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng, nếu phạm tội có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng… phải bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo đúng khung hình phạt. Còn với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178), bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm. Với tội chống người thi hành công vụ (Điều 330), qua vụ việc ở TP Hồ Chí Minh và Bình Thuận, nhiều đối tượng phạm tội có tổ chức; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội… có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu về tội phá rối an ninh quy định tại Điều 118. Với một số đối tượng, dư luận cho rằng, cần phải xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm Điều 112 về tội bạo loạn, với khung hình phạt nghiêm khắc...

(còn nữa)

Công Minh, Nguyên Minh, Văn Hải, Quang Phương