- Các sự việc xảy ra đan xen cho thấy môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, tính chuyên nghiệp... những yếu tố cấp thiết của môi trường khởi nghiệp, cho Cách mạng 4.0 ở nước ta còn lộn xộn, tự phát.

Giới kinh doanh và dư luận cả nước nói chung đang đợi đến ngày 29/10 để xem Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên án vụ "Taxi Vinasun kiện Grab vì ứng dụng công nghệ của nó gây thiệt hại cho công ty Vinasun hơn 41 tỉ năm 2017" như thế nào. 

CEO Grab tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tin rằng Tòa án sẽ bảo vệ lợi ích tốt nhất của người dân chứ không phải vì lợi ích nhóm đang cố giữ mô hình kinh doanh truyền thống và không chịu đổi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Vấn đề là “quả bóng” bây giờ đang ở trong chân của cơ quan "cầm cân nảy mực", trong đó vị đại diện Viện Kiểm Sát đã bày tỏ quan điểm: kiến nghị Tòa xử thắng cho nguyên đơn, bắt Grab bồi thường cho Vinasun số tiền hơn 41 tỷ đồng, tức hé mở một phần nhận thức của một cơ quan tư pháp. Cho nên kết quả Tòa án Nhân dân TP. HCM sắp tuyên không chỉ đụng chạm đến quyền lợi của nguyên đơn, bị đơn, mà là phép thử về tư duy pháp lý và tư duy công nghệ của cơ quan đại diện nhà nước trong thời đại công nghệ, cách mạng 4.0... 

Cách đây hơn hai tháng, Công ty cổ phần Ba Huân, doanh nghiệp "nữ hoàng hột vịt" đã từng nhận được nhiều ưu đãi về chính sách của nhà nước đồng thời cũng có những đóng góp ổn định thị trường thực phẩm ở nước ta, đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng vì muốn hủy hợp đồng hợp tác với quỹ đầu tư VinaCapital. Động thái này diễn ra sau gần nửa năm Công ty Ba Huân nhận khoản đầu tư 32 triệu USD trước đó khoảng nữa năm, vì cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc là "quá sức" với họ. 

Vụ việc khi được truyền thông đưa tin đã gây tai tiếng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nhiều phân tích cho thấy ít nhất hai điều: thứ nhất là Ba Huân thiếu chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng trị giá 32 triệu USD với quỹ đầu tư Vina Capital, thứ hai là thay vì đưa vụ việc ra tòa thì đã làm một việc là gởi thư kêu cứu lên Thủ tướng!  

Một diễn biến khác cũng đang nóng sốt không kém là vụ việc “đổi 100 USD bị phạt 90 triệu” của công dân Nguyễn Cà Rê. Nhiều bài báo phản ánh cơ quan công an thành phố Cần Thơ đã lục soát tiệm Vàng Thảo Lực, nơi được cho là không có giấy phép mua bán ngoại tệ, thu giữ hàng hóa nữ trang, đá quý... gây đình đốn công việc kinh doanh của họ.   

{keywords}
Người dân đổi ngoại tệ tại một điểm thu đổi ngoại tệ. 
Ảnh: TNO

Có một thực tế là trên cả nước có tới hàng trăm tiệm vàng là đại lý của một ngân hàng nào đó, tức là được phép kinh doanh mua bán ngoại tệ. Theo quy định thì họ phải áp dụng giá công bố của ngân hàng khi mua bán trao đổi vàng, ngoại tệ v.v... Nhưng trên thực tế họ thường mua bán nữ trang ngoại tệ cao hơn hoặc thấp hơn giá công bố của nhà nước vài giá tùy theo diễn biến của thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận.

Liệu cái hệ thống chân rết "có giấy phép" này có lách luật một cách công khai mà không cơ quan nào để mắt tới!? Môi trường kinh doanh như thế liệu có bình đẳng, công bằng? Làm sao để một tiệm vàng thành đại lý của ngân hàng? Chưa kể đồng trong đồng ngoài tuồn vào tuồn ra, những "cái bắt tay"... 

Trong vụ việc ở Cần Thơ, cơ quan chức trách được cho là đã ra quyết định phạt đúng pháp luật, nhưng người dân theo dõi vụ việc lại cảm thấy "có gì đó sai sai"! Nếu bảo việc xử phạt 90 triệu đồng người đổi 100 USD (tương đương 2,3 triệu) trong một nước có GDP bình quân đầu người là 2.400 USD và lương thợ điện của anh Rê là khoảng 4 triệu đồng/tháng mà đúng luật thì phải chăng điều luật này đã lạc hậu, xa rời thực tế đời sống!

Anh Rê không có khả năng nộp phạt, nếu cơ quan thực thi tiến hành cưỡng chế hoặc đi những bước đi mạnh hơn về pháp lý thì sẽ đẩy vụ việc vốn không nghiêm trọng đi xa, có nguy cơ tạo ra những khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng niềm tin... Nhà chức trách Cần Thơ gợi ý anh Rê làm đơn để được miễn, giảm... tưởng là nhân đạo nhưng thực chất là động thái "chữa cháy" cho thấy sự thiếu nhất quán, sự tùy tiện áp dụng luật, làm tiền lệ nguy hiểm.

Trong xu thế “down trend” của thị trường chứng khoán Châu Á và thế giới, khó có thể quy trách nhiệm cho Cần Thơ. Nhưng "kinh nhật tụng" của giới tài chính: "TTCK là thị trường của lòng tin", giới đầu tư thường dự đoán xu hướng thị trường thông qua một động thái có tính chất "hé mở" về chính sách điều hành môi trường kinh doanh. Trong hoàn cảnh tương đương nếu tình hình trong nước có thông tin tích cực, chẳng hạn một hành xử nhân văn của cơ quan công quyền nào đó, thì diễn biến có thể không xấu nhiều đến vậy, là điều đã được kiểm chứng qua lịch sử giao dịch nhiều năm của TTCK Việt Nam. 

Chúng ta nói rất hăng say về Cách mạng 4.0, nhiều trang báo lập hẳn chuyên đề Cách mạng 4.0, và thực tế thì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này, không thể không xây dựng thành phố thông minh... Nhưng nếu không cải thiện hạ tầng xã hội và trật tự pháp luật hiện thời, liệu có khác nào ta nhập xe 3.0 - 4.0 về để chạy trên đường giao thông tốc độ 30-40 km/h? 

Các sự việc xảy ra đan xen cho thấy môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, tính chuyên nghiệp... những yếu tố cấp thiết của môi trường khởi nghiệp, cho Cách mạng 4.0 ở nước ta còn lôn xộn, tự phát và sơ khai đến dường nào! Người mang trên mình chức trách thừa hành, các cơ quan thực thi pháp luật... xin đừng dội gáo nước lạnh lên những nỗ lực tâm huyết của chính phủ kiến tạo, lên quá trình cải cách, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp... mà cả xã hội và nhiều cơ quan ban ngành đang kỳ công xây dựng nhiều năm nay.

Trúc Nguyễn

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Vì sao gây sốc?

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Vì sao gây sốc?

Để một quy định pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy được tác dụng giúp xã hội tốt lên thì phải đến từ cả hai khía cạnh: tính hợp lý, công bằng của quy định và cách thực thi.    

Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài

Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài

Tôi ủng hộ ứng dụng công nghệ để kinh doanh, nhưng tôi cũng phản đối việc “bán phá giá” vi phạm pháp luật cạnh tranh và thương mại.      

Nếu có lỡ nhịp đó là do cách tư duy, hành xử

Nếu có lỡ nhịp đó là do cách tư duy, hành xử

“… Lần này mà bỏ lỡ cách mạng 4.0 là do chính chúng ta, do tư duy và hành xử của chúng ta chứ không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do nào khác được”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Bây giờ hoặc không bao giờ”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Bây giờ hoặc không bao giờ”

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng trăn trở: Chúng ta đã tăng trưởng tốt nhưng tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng. Nhiều thế hệ người Việt Nam chưa giàu đã già.

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Khi người ta cố gắn mào cho xe Grab

Các phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống.