- Khi phát ngôn trên mạng xã hội dưới tài khoản đăng ký của bạn, thì bạn phải chịu trách nhiệm đến cùng cho những phát ngôn của chính mình.
Tài khoản cá nhân của một nhà báo đã bị khoá bởi nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội (MXH) do đăng nội dung miệt thị đối với một hoa hậu.
Ai đó đã sử dụng nút report!
MXH phát triển hết sức phức tạp, với những xu hướng nhiều khi là đối nghịch nhưng lại đan xen lẫn nhau. Sự ra đời của nền tảng này đã biến đổi gần như toàn bộ cách chúng ta giao tiếp và tương tác.
Mặt trái của MXH là cho người dùng hòn đá tàng hình trong các cuộc tranh luận. Họ có thể chửi bới tấn công người khác, hay đôi khi đơn giản là tỏ ra dữ dội, “nguy hiểm”. Tất cả những sự bắt nạt, miệt thị hay phát ngôn gây thù ghét với sự “nồng nhiệt” chia sẻ của đám đông đồng thuận đã gây nên những làn sóng tấn công vào cá nhân nào đó.
Bắt nạt trên mạng (cyber bullying) là một thuật ngữ được báo chí sử dụng trong nhiều năm gần đây, để chỉ những kẻ thường xuyên bịa đặt, và bôi nhọ người khác thông qua những thiết bị công nghệ. Những thiết bị này bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng và được sử dụng như những công cụ truyền thông dưới dạng các trang MXH, những tin nhắn văn bản, những đoạn chat và các website.
Bạn chịu trách nhiệm đến cùng với những phát ngôn của mình trên Mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Tôi và một nhóm nghiên cứu từng viết trong cuốn sách Truyền thông xã hội (NXB Thế giới, năm 2016) rằng: Đưa lên mạng những hình ảnh và video một cách lén lút, đăng tải ở nhiều kênh khi chưa có sự cho phép và thiếu đạo đức khi đăng tải không có nội dung chính xác, không có bối cảnh cụ thể, không có sự thông cảm – những hành vi này chính là điều kiện để đám đông có thể bức tử một người bằng những cuộc tấn công câu chữ trên MXH.
Chúng ta lâu nay quên mất rằng khi chia sẻ bất cứ điều gì trên các nền tảng MXH như Facebook hay YouTube, dù là trang cá nhân, ở chế độ công khai, chúng ta bị ràng buộc bởi các quy tắc của nhà cung cấp nền tảng hay cơ chế pháp lý của nước sở tại. Ví dụ, quy tắc đầu tiên của Facebook đưa ra, nếu vi phạm và có người dùng khác report, trang cá nhân của người đó sẽ bị đóng 30 ngày hoặc có thể sẽ bị xóa vĩnh viễn khỏi cộng đồng.
Năm 2017, tôi tham gia trình bày tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét” do Đại học KHXH&NV, Đại học Lund (Thụy Điển) và Bộ TT&TT tổ chức. Rất nhiều học giả trong và ngoài nước đã cho rằng tùy vào bối cảnh từng quốc gia và khu vực, với những mâu thuẫn nội tại, yếu tố văn hóa và quan điểm chính trị riêng biệt mà những mối đe doạ từ internet như bắt nạt trên mạng được định nghĩa và bao trùm những khía cạnh khác nhau. Quan trọng là chúng ta nên đặt vấn đề sống với internet như thế nào cho tốt nhất, chứ không nên đặt vấn đề sống không có internet như thế nào.
Để làm được điều đó mỗi người dùng cần được trang bị tốt năng lực truyền thông (media literacy) - các kỹ năng tiếp cận, đánh giá, phân tích và tạo ra các thông điệp. Biểu hiện của năng lực truyền thông chính là nâng cao nhận thức hiểu biết, có nhận thức đúng đắn và thúc đẩy hành vi phù hợp. Sử dụng kĩ thuật để chặn những nội dung bắt nạt trên mạng, giúp chính bản thân mình an toàn và không vô tình gây phương hại tới bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng là một kỹ năng như vậy.
Singapore đã đưa môn học Năng lực truyền thông vào trường học, dạy cho học sinh cách khai thác và sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả nhất, ý thức được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các phương tiện truyền thông, trong đó có MXH. Các nước châu Âu cũng cho chúng ta một bài học quý về cách ứng xử trên MXH khi tự tiêm cho mình liều vắc xin miễn nhiễm với những nội dung bắt nạt trên internet, xây dựng ý thức với văn hoá phê bình và phản biện trên MXH.
Đừng cho rằng MXH là thế giới ảo, không ai có thể truy ra bạn là ai. Khi phát ngôn trên MXH dưới tài khoản đăng ký của bạn, thì bạn phải chịu trách nhiệm đến cùng trước những phát ngôn của chính mình. Quy tắc thứ hai thuộc về pháp luật Việt Nam.
MXH chỉ là nền tảng tương tác, sử dụng hay ngăn chặn như thế nào phụ thuộc vào năng lực, sự hiểu biết và tính nhân văn của chúng ta. Đừng vì những tung hô trên MXH, sống đời sống ảo và quên mất những giá trị đích thực cuối cùng mình nên hướng tới là gì.
Dù là phát ngôn xúc phạm chính khách, hoa hậu hay một người bình thường… trên mạng thì tất cả đều có quyền được bảo vệ như nhau trong một xã hội nhân văn hơn.
TS. Phạm Hải Chung, giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Cái đẹp vượt lên thiên kiến?
Cô gái người Ê đê H’ Hen Niê quê ở buôn làng xa của tỉnh Đắc Lắc đăng quang Hoa hậu hoàn vũ 2017...
Hoa hậu phải ‘ngủ đẹp’, giảng viên phải chuẩn mực?
Khi chiếc điện thoại thông minh giơ lên, từ chuyện cô giáo mắng học sinh, cán bộ phanh áo khi tiếp dân, nhà sư lỡ lời, bác sĩ gác chân khi trực, hay hình ảnh bảo vệ cõng cán bộ trời mưa… đều có thể trở thành “tâm bão”.
Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi
Quyền lực đó không hề ảo, bởi thực tế một phó chủ tịch phường ở Văn Miếu phải mất chức, một bà mẹ phải xin lỗi cộng đồng bởi bênh con thái quá, trước áp lực truyền thông từ mạng xã hội.
Khi ‘xã hội đen’, băng nhóm Facebook đáng sợ không kém đời thực
Rồi sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa khi mà Facebook không quan tâm đến việc nội dung status ấy là gì, chỉ quan tâm họ bỏ bao nhiêu tiền để chạy quảng cáo.
Thông tin thất thiệt trên Facebook: Cha chung đã có người phải khóc
Phải gọi mạng xã hội là thế giới thật, thậm chí rất thật vì nhiều người khi lên mạng đã bộc lộ những điều khác hẳn con người thực lúc đời thường mà họ không thể hiện ra hoặc cố tình giấu đi...