- Số liệu thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc lệch nhau đến 26,2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017 một lần nữa lại khơi lên những lo ngại về tình trạng nhập siêu thực sự.
Sáng 26/7 Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố nhiều số liệu về thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Tham tán Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc Hồ Tỏa Cẩm cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt tới 120 tỷ đô la năm 2017 và 66 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 93,8 tỷ đô la năm 2017 và 47,7 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay.
Như vậy, số liệu chính thức về giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn tới 26,2 tỷ đô la năm 2017 và 18,3 tỷ đô la trong sáu tháng đầu năm 2018 so với số liệu của Trung Quốc.
Tai buổi họp báo, ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin, năm ngoái tổng kim ngạch hai chiều đạt 120 tỷ đô la và nói: “Việt Nam đã nằm trong vị trí top ten thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc trên toàn cầu. Đến tháng Năm vừa qua Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 – 8 của Trung Quốc”.
Sáng 26/7 Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố nhiều số liệu về thương mại, đầu tư có độ vênh rất lớn so với số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê. Ảnh: Tư Giang |
“Trung Quốc đã ba năm liền là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam”, ông bổ sung thêm.
Ông Cẩm cho biết thêm, trong nửa đầu năm nay tổng kim ngạch hai nước đạt 66 tỷ đô la Mỹ. Từ tháng Tư năm nay, mỗi tháng tổng kim ngạch thương mại song phương vượt qua 10 tỷ đô la Mỹ.
“Đây là điều chưa có trong lịch sử. Thông qua con số thương mại, tôi cho rằng trình độ thương mại Trung Quốc và Việt Nam đã vượt qua trình độ chung giữa Trung Quốc và Asean”, ông nói.
Vị Tham tán thương mại giải thích thêm, tháng 6 năm nay thương mại Trung Quốc – Việt Nam đạt 11,2 tỷ đô la, vượt qua giá trị thương mại Trung Quốc – Malaysia là 9,3 tỷ đô la. Trong 5 năm gần đây, Malaysia là thị trường lớn nhất của Trung Quốc ở Asean, nhưng đến nay nay thì Việt Nam đã vượt qua Malaysia.
Trong nửa đầu năm nay xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 23,5% trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 20,5% so cùng kỳ năm ngoái.
“Với tốc độ tăng trưởng như thế này thì sẽ có đột phá mới. Phát triển thương mại hai bên đang tốt nhất trong lịch sử”, ông Hồ Tỏa Cẩm kết luận.
Nhập siêu liệu có hơn công bố?
Tai cuộc họp báo này, phía Trung Quốc không giải thích vì sao có độ chênh lệch số liệu lớn như vậy trong thương mại song phương và nó nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, bản thân con số chênh lệch lên tới 26,2 tỷ đô la năm ngoái và 18,3 tỷ đô la trong sáu tháng đầu năm nay một lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu tình trạng nhập siêu và buôn lậu từ Trung Quốc có trầm trọng hơn so với số liệu đã công bố?
Đây là câu hỏi cần được giải đáp. Trước đây, năm 2014 đã chứng kiến nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ đô la, con số từng làm bùng phát lo ngại, thậm chí cả trên diễn đàn Quốc hội, về khả năng buôn lậu lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam nhập siêu lên tới 23,2 tỷ đô la năm ngoài và 14,5 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay. Những con số này phản ánh tình trạng nhập siêu ngày càng trầm trọng của Việt Nam từ Trung Quốc vốn đã tích tụ rất nhiều năm nay: Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới chỉ đủ bù vào nhập siêu từ Trung Quốc.
Và nay, với số liệu đã công bố của Trung Quốc, liệu tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ nước này có thể lớn hơn nhiều so với ghi nhận từ thống kê Việt Nam?
Bên lề cuộc họp báo, phóng viên VietNamNet đặt câu hỏi, liệu hàng của Trung Quốc có đổ vào Việt Nam nhiều thêm trong thời gian tới hay không, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bùng nổ, và Trung Quốc được cho là đã phá giá tới khoảng 8% DNT so với USD?
Tuy nhiên, ông Cẩm không trả lời.
Đến cuối tháng 6/2018, Trung Quốc có 1955 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 12,5 tỷ đô la. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 2,1 tỷ đô la năm 2017 và 330 triệu USD trong nửa đầu năm nay.
Theo Tham tán Thương mại, đầu tư của Trung Quốc có thể còn lớn hơn vì những cơ quan chức năng liên quan của Trung Quốc chỉ thống kê doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp dân doanh quy mô lớn có đăng ký.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dân doanh Trung Quốc quy mô nhỏ hơn sang Việt Nam đầu tư nhưng lại không được thống kê vì họ có quyền tự chủ. “Phần này có quy mô không nhỏ nhưng không nằm trong (số liệu) của các cơ quan chức năng Trung Quốc”, ông Cẩm thông tin.
Tư Giang
Chưa thấy rõ động lực đột biến cho tăng trưởng kinh tế 2018
Thách thức đang dần hiện rõ. Cho đến nay, vẫn chưa thấy rõ động lực đột biến nào cho tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2018 so với sức bật 2017.
"Nhiều người còn do dự cải cách"
"Tôi nhận thấy dù Thủ tướng có những nỗ lực không mệt mỏi, nhiều người chưa thực sự hành động đúng với yêu cầu của Thủ tướng"- ông Nguyễn Đình Cung.
Tăng trưởng giảm, lạm phát bất thường: Sức ép tiềm ẩn
Sức ép lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô đã xuất hiện khi GDP quý giảm dần trong khi CPI lại tăng lên. Lạm phát đã có những bất thường và có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay.
Tăng trưởng phụ thuộc Samsung: Doanh nghiệp lớn có quyền mặc cả?
Khi doanh nghiệp quá lớn, họ có quyền nhất định để ngồi mặc cả với Chính phủ. Và Samsung cũng đang có lợi thế đó để đàm phán các ưu đãi. Vấn đề là ta cần tận dụng cơ hội ra sao?
"Thủ tướng đã theo đuổi tăng trưởng rất quyết liệt"
"Chính phủ nhiệm kỳ này chú trọng hơn tới những chính sách trọng cung, chứ không còn thúc đẩy tăng trưởng dựa trên chính sách tiền tệ, tài khoá."