- Siêu tốc không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là người đó có đủ năng lực, phẩm hạnh hay không, ông Vũ Phạm Quyết Thắng chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Câu chuyện bổ nhiệm vụ phó ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian qua đã gây xôn xao dư luận. Đó là trường hợp bổ nhiệm vụ phó Vụ Kinh tế đối với Vũ Minh Hoàng 26 tuổi, chưa làm việc ngày nào đã được thăng chức khi đang du học sau15 tháng và Nguyễn Tiến Khoa, được bổ nhiệm sau 20 tháng làm việc. Mặc dù cơ quan này đã lên tiếng, nhưng sự bất bình vẫn còn nguyên.

Xuanh quanh vấn đề này, chương trình Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet hôm nay đã mời tới trường quay ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ để cùng bình luận về vấn đề này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Lê Hạnh: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về hiện tượng bổ nhiệm “siêu tốc” cấp Vụ phó Vụ Kinh tế ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian qua?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Tôi nghĩ rằng, vấn đề siêu tốc không phải là vấn đề quan trọng. Việc bổ nhiệm cán bộ, chúng ta cần hướng tới quan tâm nhiều hơn đến bản chất của công việc người cán bộ đó đảm nhiệm, tức là đức và tài của cán bộ đó, năng lực, phẩm hạnh của cán bộ đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần hướng tới và quan tâm đúng hay sai.

Còn siêu tốc chỉ là một vấn đề tức thời. Việc bổ nhiệm nhanh hay chậm không quan trọng bằng việc đúng hay không đúng con người để đảm nhiệm công việc đó.

Tôi nghĩ rằng, báo chí vừa qua nói rất nhiều đến hai chữ "siêu tốc". Tôi cho là báo chí nên hướng tới nhiều hơn dư luận xem xét việc bổ nhiệm đó đúng hay không đúng, về năng lực phẩm hạnh của người ta.

Nhà báo Lê Hạnh: Nhìn vào công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua, một số trường hợp cho thấy, nhìn tiểu sử chỉ thấy quá trình thăng tiến liên tục mà không rõ, năng lực ở đâu. Vậy theo ông, góc khuất ở đây là gì?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Về vấn đề này, tôi phải nói với chị rằng, cơ quan tôi (Thanh tra Chính phủ- PV) trong thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến về việc bổ nhiệm nhiều cán bộ ở giây phút cuối của người lãnh đạo trước khi về hưu. Và những cán bộ đó cần đặt lên bàn cân nhắc xem xét phẩm hạnh như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, với việc bổ nhiệm như thế thì người ta đặt ra câu hỏi nghi ngờ. Nhưng điều quan trọng hơn là những người được bổ nhiệm vào giây phút cuối nhiệm kỳ lãnh đạo ấy có đủ năng lực phẩm hạnh không?

Thanh tra Chính phủ đã làm việc đó nhưng tôi chưa được nghe thông tin cuối cùng. Nhưng tôi chắc rằng, trong đó, cũng sẽ có những trường hợp không đúng và có nhiều trường hợp là đúng. Điều đó là phải xem xét.

Nhưng về chuyện bổ nhiệm nhanh, cần xem xét xem, là nhanh về quy trình hay nhanh về thời gian? Thí dụ, buổi sáng mới trong danh sách xem xét dự kiến bổ nhiệm bầu, buổi chiều đã có ý kiến đến Chính phủ rồi thì là quá nhanh. Cái nhanh đó là có vấn đề, cần phải suy nghĩ. Còn bổ nhiệm nhanh đơn thuần thì tôi nghĩ không có vấn đề gì đâu.

{keywords}
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng 

Tôi nghĩ là, một cán bộ trẻ, có năng lực, được bổ nhiệm sớm, đóng góp cho xã hội là tốt chứ sao không tốt.

Tôi nghĩ một điều, đây là suy nghĩ cá nhân, có thể đúng, sai thì bạn đọc và dư luận sẽ lên tiếng, đánh giá xem xét.

Tôi nghĩ, không nên đặt vấn đề người đó là con cán bộ A, cán bộ B, con người dân A, con người dân B. Tôi nghĩ cán bộ nào được bổ nhiệm có năng lực tốt thì đều được. Không có một bố mẹ nào, kể cả là các đồng chí cán bộ cao cấp lại không muốn con mình trường thành, thăng tiến, thành đạt cả. Cho nên, việc bổ nhiệm con người ta nên làm một cương vị nào đó thì hiển nhiên là điều người ta mong muốn.

Nhưng có được hay không được lại là chuyện khác. Vấn đề chính là năng lực của cậu ta, phẩm hạnh của cậu ta có xứng đáng được bổ nhiệm không?

Việc ấy không phải ông ấy (ông bố- PV) muốn là được. Người làm tổ chức cán bộ làm gì để đạt được điều đó? Nếu cán bộ tổ chức làm tốt, có phẩm hạnh, có năng lực, có bản lĩnh đúng sai, nhìn được vấn đề cụ thể, đầy đủ, hoàn thiện và phù hợp thực tế của cuộc sống thì bổ nhiệm đó sẽ tốt. Còn chạy theo ý kiến cấp trên thôi thì việc bổ nhiệm đó sẽ không tốt.

Cho nên, tôi muốn nói rằng, trách nhiệm của người làm công tác cán bộ cần phải suy nghĩ nhiều hơn, vai trò của tổ chức cán bộ, của cơ quan tổ chức làm việc bổ nhiệm cán bộ đó như thế nào? Không có ông thủ trưởng nào tự ký quyết định được, phải có người làm thay văn bản. Nếu người làm văn bản đó không làm vậy thì ai đưa cho ông ấy ký và làm sao ông ấy ký được?

Chính những người hình thành ra văn bản quyết định đó là người cầm cân nảy mực, là chìa khoá giữ như cán bộ thủ kho để xuất hay không xuất cán bộ tốt cho xã hội.

Nhà báo Lê Hạnh: Vâng, ông nói đến chuyện "xuất" cán bộ. Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, chúng ta có khâu đầu vào. Khâu tuyển dụng đầu vào, đề bạt cán bộ đầu vào mà sai thì cả quy trình sau cũng sẽ sai. Chúng ta cần sửa sai như thế nào?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Cụ nội tôi là Tam Nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (1864-1906), trong một bản văn thư gửi cho vua, cụ tôi đã viết, việc tinh giản làm quan có 2 nội dung quan trọng: một là tuyển quan như thế nào, hai là chế quan, tức xem xét, xử phạt quan ra làm sao?

Tuyển vào mà làm tốt thì mình sẽ có điều kiện sử dụng cán bộ tốt, nếu không tốt thì phải xử lý, tức là có quy chế, quy phạm để xử lý vấn đề.

Đối với chúng ta hiện nay, việc bổ nhiệm vào có khi tốt, có khi chưa tốt. Nhưng đáng tiếc là, với trường hợp chưa tốt thì chưa thấy có hoặc ít có trường hợp nào thoái quan cả. Đấy là điều cần phải suy nghĩ.

Tôi xin nói lại là, tôi rất quan tâm đến vai trò của tổ chức cán bộ, của cơ quan tổ chức cán bộ, làm việc như thế nào, tham mưu ra làm sao, bản lĩnh có vững vàng không, trách nhiệm có cao hơn trước một văn bản đưa ra để cho thủ trưởng mình ký bổ nhiệm cán bộ.

Vừa rồi, chị nói về quy trình, tôi thấy rằng, chúng ta có rất nhiều yêu cầu trong việc bổ nhiệm cán bộ. Nhưng nhiều cán bộ học trong một thời gian rất ngắn, học được rất nhiều bằng cấp, rất nhiều chứng chỉ, thì điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề bằng cấp, chứng chỉ.

Tôi nghĩ rằng, bằng cấp, chứng chỉ là một cơ sở để đánh giá về vai trò năng lực cán bộ nhưng không phải là tất cả. Thực ra ở chúng ta, có rất nhiều cán bộ học một đằng, lại làm một nẻo, nhiều bằng này thì lại làm công việc khác.

Cuộc sống thực tế và những trải nghiệm của nó cho phép chúng ta tìm hiểu một cán bộ tốt hay không tốt và vai trò của tổ chức cán bộ chính là tìm hiểu việc đó.

Nhà báo Lê Hạnh: Trong năm 2016, có nhiều vụ việc liên quan công tác cán bộ xảy ra gây bức xúc dư luận nhưng dường như, người dân vẫn thấy chưa được xử lý chưa rốt ráo. Theo ông, cơ quan tổ chức cán bộ cần làm gì để xử lý điểm đen trong công tác cán bộ hiện nay?

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng: Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ rằng là, bất kỳ một cán bộ tổ chức cán bộ nào đều biết rằng, mình có thể làm được những gì, và làm như thế nào. Chỉ có điều, họ có định làm hay không định làm thôi.

Nhà báo Lê Hạnh: Xin cảm ơn ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Lê Hạnh- Thu Hà

clip: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Thuý Hồng

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Xem thêm các tin khác cùng chuyên mục: