- Với hình ảnh "mạng nhện" dây điện, cáp viễn thông.. chằng chịt xếp thứ 3 trên thế giới, hoạ sĩ Lê Thiết Cương than thở với Góc nhìn thẳng "Hà Nội xấu đi thì cả nước ngượng, đâu chỉ mình tôi".

Hà Nội xã hội hóa việc hạ ngầm cáp điện, viễn thông

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Thủ đô Hà Nội mới đây lại có thêm một sự nổi tiếng xấu xí được bình chọn trên báo giới phương Tây, không phải là vấn đề ùn tắc và văn hoá giao thông mạnh ai nấy đi, không phải là câu chuyện ẩm thực đường phố với văn hoá xả rác bừa bãi, hay những vụ hét giá chặt chém khách du lịch hoặc tỷ lệ giật mình về vượt chuẩn ô nhiễm không khí...

Lần này, Hà Nội nổi tiếng vì "mạng nhện" có mức độ chằng chịt thứ 3 trên thế giới. Đây là kết quả bình chọn mạng nhện chằng chịt thứ 3 trên thế giới là theo bình chọn của Viện Công nghệ và Xây dựng (IET) Anh và Tạp chí chuyên ngành xây dựng E&T mới công bố đầu tháng 12 này.

Mạng nhện ở đây chính là hệ thống những tuyến đường dây cáp điện, cáp viễn thông, internet, truyền hình... đang treo nổi loằng ngoằng, lộn xộn nhiều nơi dây trùng thõng xuống đường, vô cùng nguy hiểm cho người dân.

Nhân sự nổi tiếng bất đắc dĩ này của Hà Nội, chuyên mục Góc nhìn thẳng mời bạn đọc cùng lắng nghe những chia sẻ của một nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hoạ sĩ Lê Thiết Cương về "mạng nhện" Hà Nội.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông cảm thấy gì khi Hà Nội bị xếp hạng ba thế giới về "mạng nhện" dây diện, dây viễn thông chằng chịt nhất thế giới?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi phải nói thật với bạn, tôi ở trong phố cổ, tôi sinh ra ở phố cổ đến nay hơn nửa thế kỷ, tôi rất buồn vì hình ảnh bạn vừa nói. Kể cả là đứng thứ 13, thứ 23 đã là xấu hổ rồi chứ đừng nói là đứng thứ 3 thế giới về chuyện đó- dây diện, dây viễn thông chằng chịt như thế. Tôi thấy rất là nản.

Hà Nội không chỉ của riêng chúng tôi mà là của cả nước. Việc Hà Nội xấu đi thì cả nước ngượng chứ không phải chỉ mình tôi ngượng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thực ra, câu chuyện này liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị, đến các đề án hạ ngầm các tuyến cáp nổi hiện nay. Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vấn đề này. Quá trình hạ ngầm các tuyến dây cáp điện, viễn thông cũng đã bắt đầu tư năm 2009.

Vậy, ông có nhìn thấy tình trạng "mạng nhện" chằng chịt các năm qua đã có chiều hướng giảm đi và việc đầu tư cải tạo hạ ngầm các tuyến cáp có hiệu quả?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Nếu ngay từ đầu, một cột điện sinh ra để treo các đường dây điện, nhưng rồi sau đó, lại có anh dây viễn thông treo lên, rồi anh truyền hình internet treo lên.

Rõ ràng ở đây, chúng ta thấy, một anh làm điều xấu và thấy là, không có ai phản đối cả, đâu có ảnh hưởng gì. Thực tế, nó không ảnh hưởng không lớn theo nghĩa nào đó thì những anh kia cũng đi làm theo.

Cứ cái gì, về khía cạnh vật chất, mất một chút thì người ta thấy ngay, dễ thấy. Nhưng cái gì mất về tinh thần, về văn hoá, người ta lại không thấy ngay. Đó là câu chuyện dây viễn thông, dây điện như bạn vừa nói. 

{keywords}
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đang chia sẻ trong chương trình Góc nhìn thẳng

Nó mới sinh ra như ngày hôm nay, ra tình trạng "mạng nhện", sinh ra chuyện đi đào đường, phải mất 10.000 tỷ đồng để giải quyết và còn phải mất nhiều thời gian nữa. Đâu phải chỉ 1 tháng là giải quyết ngay tình trạng "mạng nhện" chằng chịt của Hà Nội. 5 năm nữa thì mới giải quyết hết được.

Như vậy là quá lãng phí. 1 triệu cũng đã là lãng phí chứ không phải đến 10.000 tỷ. Quá lãng phí.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông lo ngại gì khi hình ảnh mạng nhện chằng chịt này dẫn tới một hệ luỵ ảnh hưởng hình ảnh của Thủ đô Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế?

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Bạn cũng biết rằng, đây (Gallery 39 A, Lý Quốc Sư, Hà Nội), đây là nơi mà nhiều người nước ngoài đến. Họ cũng phàn nàn với tôi về chuyện này.

Tôi có dẫn một một số người nước ngoài và một số người bạn ở Sài Gòn đi ra một điểm cách nhà tôi 300m, trước cửa Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tôi chỉ cho họ và họ chụp rất thích thú một nắp hộ kỹ thuật trên mặt đường, có dòng chú thích bằng tiếng Pháp về năm lắp ở mặt đường là 1937.

Như vậy, khi người Pháp làm quy hoạch thành phố Hà Nội, lúc đó, họ đã ý thức rằng, ở một mức độ phát triển nào đó, sẽ có rất nhiều đường dây diện, dây điện thoại, như bây giờ là dây cáp truyền hình, internet thì phải có chuyện, không thể đi nổi trên không mà phải cho hệ thống đường dây này chìm ở dưới đất.

Năm 1937, nơi mà tôi ví dụ cho bạn, họ đã làm việc đó. Giờ năm 2016, họ chụp và chỉ cho tôi rằng, bạn có thấy không, hộp kỹ thuật chỉ còn 1/3 lộ ra, còn lại 2/3 là nhựa đường phủ đè lên. Nghĩa rằng, bao nhiêu năm nay, không ai sử dụng nó.

Người ta có thể giật lùi một năm, năm nay có thể có một số điều chưa tốt, chưa hiện đại, chưa văn minh bằng cách đây 5 năm. Nhưng mà chúng ta giật lùi tới 80 năm thì người nước ngoài, người ta không hiểu nổi.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy theo ông, trước mắt Hà Nội nên làm gì ngay để cải thiện ít nhiều hiện trạng "mạng nhện" xấu xí, vừa không đẹp, vừa không an toàn này?

{keywords}
"Mạng nhện" dây cáp, dây điện giăng khắp nơi

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Tôi chỉ là một nghệ sĩ, tôi chỉ có thể phản biện bằng nghề của tôi. Ví dụ, tôi lấy logo của ông sở điện, tôi lấy logo của ông truyền hình cáp, logo của ông viễn thông và tôi vẽ thành các bức chân dung. Ở các bức chân dung đó, những nhân vật ấy là những người mà 2 lỗ tai có 2 nắm bông rất to, 2 mắt đeo kính đen để họ không còn nhìn thấy cái xấu như thế thì họ mới làm như thế, làm bôi xấu Hà Nội như thế.

Tôi nghĩ rằng, những người làm chính trị, làm luật phải có một hình thức xử phạt như thế nào đó, dứt khoát là phải có.

Ở đây, nó không phải chỉ là câu chuyện của "mạng nhện" dây viễn thông, dây diện. Nó là câu chuyện của nước mình, tức là ta không phải là không có luật. Có luật nhưng không thực hiện nghiêm, có luật nhưng không ai phạt những người không thực hiện cái luật ấy. Và nó thể hiện ở tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống đều có tình trạng như vậy.

...

Ngày 9/9/2013, tỷ phú Bill Gates đăng tải hình ảnh cây cột điện chằng chịt dây cáp của Việt Nam trên trang Facebook cá nhân, thu hút 14.000 lượt "like" và gần 3.000 lượt bình luận. Nhiều người tỏ ra rất kinh ngạc và cho biết, "mạng nhện" không chỉ có ở Việt Nam mà còn rất phổ biến tại Nepal, Honduras, Philippines hay Brazil...

Ngày 3/12/2016, tạp chí chuyên ngành xây dựng E&T và Viện Công nghệ và xây dựng của Anh công bố, hệ thống dây cáp điện, viễn thông Việt Nam chằng chịt thứ 3, sau Tp Madras, Ấn Độ và quốc đảo du lịch Maldives.

Từ năm 2009, Hà Nội đẩy mạnh ngầm hoá hệ thống lưới điện trung và hạ áp, cáp viễn thông, truyền hình... Mỗi năm, có hàng trăm tuyến phố đã được hạ ngầm lưới dây điện, cáp viễn thông. Hiện, việc lắp đặt dây cáp tại các tuyến phố đầu tư mới, đô thị mới đều đảm bảo 100% hạ ngầm.

Năm 2016: 4 doanh nghiệp gồm VNPT, Viettel, MobiFone và EVN Hà Nội tiếp tục hạ ngầm lưới cáp với tổng vốn 3.500 tỷ đồng

Theo Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2020 của Hà Nội, dự kiến sẽ ngầm hóa 80-90% đường dây, cáp nổi ở khu vực nội thành, 50-60% ngoại thành. Tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Clip: Bạt Tuấn

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Các tin khác cùng chuyên mục:

Quà Tết 10.000 USD thì không thể nào lý giải được

Lương 5 triệu, biếu quà Tết 10.000 USD thì không cách nào lý giải được, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói với Góc nhìn thẳng.

Indonesia vs Việt Nam: "Có cơ hội ta phải ăn bàn ngay"

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Sỹ Hiển kỳ vọng, các cầu thủ Việt Nam phải tận dụng triệt để cơ hội có được để tạo ra lợi thế trong trận bán kết lượt đi AFF Cup trên đất Indonesia.

Xoá sổ sim "rác": Triệt tận gốc, không phải làm phong trào

Chiến dịch xoá xổ sim "rác" sẽ không dừng lại ở con số 12,2 triệu sim mà sẽ còn mở rộng, liên tục và quyết liệt, không phải là phong trào.

Thời gian quá ngắn, bốn bộ trưởng khó làm thoả mãn ĐBQH

Bốn bộ trưởng đều cầu thị, khiêm tốn và cũng muốn đi thẳng vấn đề nhưng do thời gian quá ngắn, vấn đề quá rộng lớn nên rất khó làm thoả mãn các đại biểu Quốc hội, ông Vũ Mão trả lời Góc nhìn thẳng. 



Box: