“Tôi tặng ông cuốn sách và ông cẩn thận lật qua từng trang. Ông có vẻ rất quan tâm đến những đoạn tôi vẽ chân dung người đồng chí và người lãnh đạo của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tướng Giáp” – Cựu binh Mỹ, David Thomas.

Từng lái xe trên khắp chiến trường Tây Nguyên với hơn 50 chuyến đi trở lại Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh, Cựu binh Mỹ David Thomas – GS Đại học Masachusset vẫn còn nhiều day dứt trăn trở với những gì đã từng chứng kiến hình ảnh Việt Nam trong thời chiến, đặc biệt là với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – người yêu nước, người thầy, người lính” của ông đã được xuất bản để trả lời cho câu hỏi ông vẫn mải miết đi tìm sau chiến tranh, rằng Võ Nguyên Giáp là ai?!

Cảm xúc đến với ông khi nghe tin Tướng Giáp qua đời?

Tôi rất lấy làm tiếc thương khi biết tin tướng Giáp đã từ trần. Người dân Việt Nam hẳn rất đau lòng bởi sự ra đi của một nhà lãnh đạo yêu nước vĩ đại và một con người luôn hết lòng tận tụy.

Lần đầu tiên tôi có vinh dự được gặp tướng Giáp là vào tháng Giêng 1994 tại một buổi triển lãm “Nhìn từ hai phía: Nghệ sĩ Mỹ và Việt Nam nhìn về cuộc chiến”. Đại tướng đã liên hệ với bảo tàng và đặt vấn đề muốn tôi dẫn ông cùng vợ là bà Bích Hà trong một chuyến thăm quan riêng đến triển lãm. Tôi đồng ý nhưng trong lòng còn chút do dự.

Hơn 25 năm trước tôi đã phục vụ trong Công binh Lục quân Hoa Kỳ (United States Army Corps of Engineers) ở Pleiku, và chỉ biết tướng Giáp là chỉ huy của lực lượng mà chúng tôi đang phải chiến đấu chống lại. Sau đó tôi quyết định cùng với bà Vũ Giáng Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ thuật Việt Nam, và trợ lý của bà kiêm phiên dịch viên cho chúng tôi, bà Lê Phương Lan, tôi đến Bảo tàng gặp gỡ Đại tướng và phu nhân.

{keywords}
Ông David Thomas trong lần gặp Đại  tướng vào tết năm 2001

Hai đầu gối rung rung, chúng tôi chào đón Đại tướng. Và đôi mắt ấm áp, sáng trong cùng cách ứng xử dễ gần của ông ngay lập tức khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái. Trong vòng một giờ sau đó chúng tôi đi thăm một lượt khu triển lãm và gần như ở mọi bức tranh chúng tôi dừng lại cùng nhau, Đại tướng đều đặt những câu hỏi tìm hiểu thú vị. Ông thực sự quan tâm đến tất cả các bức tranh và những câu chuyện mà mỗi họa sĩ từ cả hai nước muốn gửi gắm trong đó. Cuối giờ, tôi tặng ông một trong số các bức tranh của tôi vẽ một cậu bé Việt Nam và ông hết sức cảm động khi nhận nó.

Một giờ đồng hố đó đã hoàn toàn làm tôi thay đổi suy nghĩ về Việt Nam và Tướng Giáp. Tôi đã hiểu sâu sắc hơn tại sao nhiều người bạn của tôi lại nói về ông với lòng kính trọng và tình cảm nhiều đến thế.

Lần cuối cùng ông gặp Tướng Giáp là khi nào, ông có còn nhớ?

Chúng tôi gặp nhau là vào tháng Giêng 2001, tại nhà của ông ở 30 Đường Hoàng Diệu, Hà Nội. Đó là dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam và tôi đã được bà Vũ Giáng Hương đặt vấn đề là liệu tôi có thể tặng lại Đại tướng một bức về Charles Fenn và cuốn sách “Bức chân dung Hồ Chí Minh của một họa sĩ”. Bà Hương và chồng, ông Lê Cao Đài, cùng tôi đã gặp gỡ tướng Giáp, bà Bích Hà cùng con trai cả Võ Điện Biên tại phòng khách.

Tôi tặng ông cuốn sách và ông cẩn thận lật qua từng trang. Ông có vẻ rất quan tâm đến những đoạn tôi vẽ chân dung người đồng chí và người lãnh đạo của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp tướng Giáp. Tôi có tiếp xúc với con gái ông, bà Hồng Anh, vài lần trước khi bà ấy mất một cách đầy thương tiếc vào năm 2009 và hiện thỉnh thoảng tôi vẫn gặp người con trai Võ Hồng Nam.

Khi còn là người lính tham gia chiến trường Pleiku, câu chuyện nào khiến ông không thể quên trong kí ức chiến tranh?

Khi tôi là một người lính, tôi chỉ biết duy nhất một điều là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp lúc đó là kẻ thù, và chúng tôi đang chiến đấu chống lại họ. Tôi không hề biết Hồ Chí Minh từng sống ở Boston, nơi tôi sống, hay ở New York. Nếu bạn hỏi 100 người Mỹ rằng Hồ Chí Minh có từng sống ở Boston, 99% họ sẽ trả lời là chưa bao giờ. Và Hồ Chí Minh từng làm việc cho OSS. Thông tin này không hề có trong những cuốn sách sử của Mỹ.

Bạn không thể đọc được chúng trong những cuốn sách sử Mỹ, nhưng đó là sự thực. Chúng tôi đã làm một cuốn phim về Hồ Chí Minh ở OSS để người Mỹ hiểu về Hồ Chí Minh.

Tôi còn nhớ, khi còn ở Pleiku, nghe tin Hồ Chí Minh mất, tất nhiên với  một người lính Mỹ đang chiến đấu chống lại kẻ thù miền Bắc, tôi xem đó là tin vui. Bởi chúng tôi không hề biết, chúng tôi bị tẩy não, rằng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và những người dân miền Bắc là xấu xa.

Phải mất một thời gian dài cho đến khi lần đầu tiên tôi quay lại Việt Nam vào năm 1987, tôi nhìn thấy hình ảnh của Hồ Chí Minh ở khắp nơi, ở sân bay, ở khách sạn, ở ngân hàng quốc gia, tất cả những nơi chúng tôi đến. Người Việt Nam kính trọng Hồ Chí Minh. Gần như một tôn giáo vậy. Tôi không biết về văn hóa, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy yêu quý những người Việt Nam, rất nhiều bạn bè ở đây. Và tôi nghĩ, làm sao mà những người tốt này có thể tôn kính ông đến vậy?

Tôi nhận ra mình đã nhầm.

Giờ đây tôi ngợi ca cuộc đời Hồ Chí Minh, không như trước đây. Với Võ Nguyên Giáp cũng như vậy.

Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – người yêu nước, người thầy, người lính” đã được ra mắt, liệu ông đã hoàn toàn hài lòng hay còn kế hoạch nào khác?

Bởi vì nó chỉ được xuất bản ở dạng sách nghệ thuật chỉ với 50 bản. Và những người mua chúng là các thư viện, như trường Havard chẳng hạn. Có lẽ là chưa ai đọc nó. Tôi đã làm nhiều bản hơn với cuốn sách về Hồ Chí Minh, bởi tôi muốn tạo nên những cuộc thảo luận về Hồ Chí Minh.

Nhưng cuốn sách viết về Võ Nguyên Giáp tôi chỉ làm vì mong muốn của những người bạn Việt Nam. Và có một bản khác của cuốn sách này được bán tại Việt Nam bởi NXB Trẻ, nhưng cũng chỉ có 100 bản thôi. Và sau đó NXB có gọi cho tôi nói rằng muốn thực hiện một cuốn sách về Võ Văn Kiệt. Tôi trả lời rằng tôi không hề biết Võ Văn Kiệt. Tôi tìm hiểu về Hồ Chí Minh, về Võ Nguyên Giáp nhưng tôi chưa hề biết về Võ Văn Kiệt.

Bây giờ tôi phải bắt đầu tìm hiểu về Võ Văn Kiệt là ai?. Họ gửi cho tôi rất nhiều ảnh và thông tin về Võ Văn Kiệt. Và tôi bắt đầu nhận ra Việt Nam không chỉ với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, người Việt Nam cũng yêu mến và ngưỡng mộ Võ Văn Kiệt nữa. Bởi vậy tôi đã đồng ý và đã thực hiện một cuốn sách khác về Võ Văn Kiệt.

Hiện nay tôi đang được Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đề nghị thiết kế cuốn sách mà gia đình ông ấy thực hiện. Nhưng tôi không chắc khi nào nó sẽ được xuất bản.

Quốc tế nhìn nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò góp phần thay đổi trật tự thế giới, ông nghĩ sao về điều này?

Chắc chắn lịch sử sẽ và mãi ghi tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một trong những vị tướng quan trọng và vĩ  đại nhất không chỉ của riêng thế kỷ 20. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng triệu chiến sĩ, nhân dân Việt Nam anh hùng, họ đã vĩnh viễn làm thay đổi lịch sử thế giới.

Đây là cách người ta thường nhớ về ông, nhưng riêng tôi thì sẽ luôn nhớ đến ông như một vị tướng vĩ đại luôn đam mê nghệ thuật và dành thời gian trong lịch làm việc bận rộn của mình để tiếp đón tôi ngay tại nhà. Xin cho phép tôi bày tỏ chút tiếng nói bé nhỏ này cùng với vô số những người sẽ cảm thấy thương tiếc nhưng cũng rất vinh dự được biết ông.

David Thomas là người sáng lập và Chủ tịch Quỹ Indochina Arts Partnership, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, giúp phát triển nhiều hoạt động trao đổi văn hóa Mỹ – Việt Nam. Năm 1999, ông trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Việt Nam. Năm 2010, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Lan Anh (thực hiện)

Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vì sao cụ Hồ tặng ông biệt danh Văn?

Ông là người được giới văn nghệ sĩ, khoa học gần gũi để gửi gắm tâm tư những khi khó khăn, khúc mắc. Và không phải ngẫu nhiên những đối thủ một thời trong chiến tranh đã lấy làm hãnh diện được làm "kẻ thù danh dự” (Honorable Enemy) của ông.

Kế hoạch dang dở của Đại tướng với Cựu binh Mỹ

Tôi tặng ông cuốn sách và ông cẩn thận lật qua từng trang. Ông có vẻ rất quan tâm đến những đoạn tôi vẽ chân dung người đồng chí và người lãnh đạo của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tướng Giáp” – Cựu binh Mỹ, David Thomas.

Tinh anh Đại tướng mãi bảo vệ Tổ quốc

Anh linh của Người vẫn sẽ sống, bảo vệ đất nước trước mọi kẻ xâm lược, trước mọi cái ác, sự tăm tối và lầm lạc. Nhân dân tìm thấy trong Người cốt cách người lãnh đạo mà đất nước đang cần và muốn có. Người lãnh đạo có trí tuệ, bản lĩnh và nhân cách.

 Hai người phụ nữ phía sau vị Tướng huyền thoại

Khoảnh khắc quay lại nhìn  vợ con trên con đường Cổ Ngư năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã không ngờ được rằng đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông được nhìn thấy người vợ mà ông rất đỗi yêu thương.

'Điều còn mãi' của tướng Giáp

Ít người biết, chương trình hòa nhạc này gắn với một người vĩ đại vừa ra đi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Giáp, McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài “tướng Giáp” để đương đầu với “McNamara” trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

Đã khuất bóng một huyền thoại

Không phải chỉ vì huyền thoại khuất bóng mà sự ra đi của ông còn là sự thiếu vắng của những giá trị tinh thần, văn hóa cao đẹp, đem lại niềm kiêu hãnh vốn có của người Việt.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên:“Từ lúc nghe tin, tôi không ngủ được”

 “Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được”.

Anh Văn, người duy nhất xứng phong nguyên soái

Anh Văn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân, được kính trọng và yêu quý. Đấy là người chỉ huy quân sự duy nhấ́t của nước ta xứng đáng được phong là nguyên soái.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thức thời

Không chỉ là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một con người hết sức thức thời…

>>Mời độc giả ghé thăm vào đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam