Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm và cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với chủ quyền, an ninh quốc gia, quan hệ đồng minh.

>> Nhật Bản 'sốc' vì điều cấm kỵ

>> TQ tạo "thiên thời" cho Nhật Bản phòng vệ tập thể

>> Nhật Bản: Từ giải thích hiến pháp đến sửa hiến pháp

>> Nhật Bản: Giải thích lại hiến pháp dưới thời ông Abe

>> Khi Thủ tướng Nhật chỉ đích danh chuyện biển Đông

Sáng ngày 1/7, Dự thảo Nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền "tự vệ tập thể" (collective self defence) mở rộng vai trò quân đội đã được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản không còn bị ràng buộc bởi điều 9 của Hiến pháp chủ hòa.

Sau mốc quan trọng này, Nhật Bản từ chấp nhận quyền tự vệ (sử dụng vũ lực với mức độ tối thiểu) khi bị tấn công đã có thể chủ động bảo vệ đồng minh khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ. Động thái này được xem là một cuộc cách mạng cả trong chính trị đối nội, và đối ngoại của Nhật.

Những thay đổi từ thời cuộc

Là một đảo quốc chênh vênh bên cạnh gã khổng lồ Trung Quốc, Nhật Bản luôn mang tâm lý e ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc. Mối quan ngại về an ninh đã trở thành trọng tâm trong các chính sách của Nhật. Trong khi đó, Mỹ không phải lúc nào cũng có thể "che chở" Nhật Bản. "Nước xa không cứu được lửa gần" là điều chính quyền Shinzo Abe vẫn lo ngại trước tham vọng độc chiếm quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư của Trung Quốc. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã cho thấy Nhật Bản có nguy cơ chịu sức ép nặng nề. Kiên trì hòa hoãn hay dùng ngoại giao đơn thuần rõ ràng không phải là sách lược mà ông Abe khăng khăng theo đuổi.

Bản Dự thảo nêu rõ Nhật Bản có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể khi "sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân". Tuy nhiên, mặc dù điều 9 đã được tu chính ngày 1/7, làn sóng phản đối và ủng hộ vẫn đan xen nhau. Trong đó, tỷ lệ chống đối lên đến 50% và quá chênh lệch so với 34% ủng hộ. Số người lo ngại một "chủ nghĩa quân phiệt" đang trở lại của Nhật rõ ràng không ít hơn những người ủng hộ một Nhật Bản "mạnh mẽ và tự cường hơn".

Trước làn sóng phản đối đang dâng cao, Thủ tướng Abe đã tỏ ra ôn hòa khi phát biểu (được tờ Asahi Shimbun trích dẫn): "Lực lượng phòng vệ (Self-Defense Forces) sẽ chỉ được phép sử dụng vũ lực với mức độ tự vệ tối thiểu cần thiết. Suy nghĩ cơ bản của chúng tôi về việc giải thích Hiến pháp là không thay đổi".

Điều 9 trong "Chương II: Phủ nhận chiến tranh" nêu rõ: "...Nhật Bản sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác. Quyền tham chiến không được công nhận". Đây là rào cản quá lớn đối với Nhật Bản từ năm 1947. Đó là lý do từ sau Chiến tranh thế giới 2, Nhật Bản vẫn phải chịu "lép vế" hơn so với Trung Quốc về mặt quân sự.

{keywords}

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Xinhua-Yonhap News

Điểm nhấn của ông Abe

Thủ tướng Abe giữ vai trò quan trọng trong quyết định tu chính điều 9 của Hiến pháp.

Những năm gần đây, ông Abe và những người ủng hộ luôn đề cao thuyết "hòa bình tích cực" (active pacifism). Điều 9 của Hiến pháp với ý nghĩa nhất định sẽ cản trở khả năng này. Hiển nhiên, theo điều 9 thì Nhật sẽ không thể đánh chặn tên lửa nhằm vào Mỹ hoặc bảo vệ tàu của một đồng minh đang bị tấn công. Khi đó, mối đe dọa cho đồng minh sẽ là mối đe dọa cho Nhật Bản.

Ngoài ra, Tokyo cũng luôn giữ thái độ thận trọng với đồng minh chiến lược Washington. Mặc dù các cam kết vẫn luôn hiện hữu nhưng không ai đảm bảo Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật tích cực khi Senkaku/ Điếu Ngư bị đe dọa. Nếu chính Nhật Bản không thể hiện vai trò chủ động, Mỹ cũng chẳng mặn mà gì đánh cược quan hệ Mỹ - Trung khi xung đột Trung - Nhật diễn ra xung quanh Senkaku/ Điếu Ngư. Quan hệ "đồng minh kiềm chế" của Mỹ đã buộc Nhật phải chủ động và tránh làm phật lòng "quan thầy".

Theo cách giải thích mới, quân đội Nhật Bản sẽ có thể trợ giúp trong trường hợp quân đội Mỹ bị tấn công bởi một kẻ thù chung, ngay cả khi Nhật Bản không phải là đối tượng của cuộc tấn công đó. Việc giải thích lại Hiến pháp vừa là động thái ôn hòa khả dĩ mà ông Abe có thể tìm đến như một giải pháp trong bối cảnh an ninh Đông Bắc Á đang như chỉ mành treo chuông.

Khao khát khôi phục vị thế "cường quốc bình thường" đã buộc Nhật phải toan tính kỹ lưỡng. Những động thái của Trung Quốc gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông từ năm 2007 đến nay chính là "phép thử" cho ông Abe. Nhật Bản đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội khi lợi dụng "lực cản" từ Trung Quốc để tạo "lực đẩy" cho ý thức tự chủ, ý nguyện an ninh và nhu cầu tăng tường quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật.

Thực tế, Nhà trắng cũng đã "bật đèn xanh" cho Nhật khi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố vào cuối tháng 6/2014 rằng luôn "khuyến khích Nhật Bản trang bị quyền tự vệ cho họ một cách minh bạch và sẽ vẫn hợp tác với nhau về những vấn đề quan trọng khác".

Chờ đợi một vai trò lớn hơn

Mối đe dọa từ Trung Quốc đã trở thành lá chắn quan trọng cho Thủ tướng Abe. Diễn đàn đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) tại Singapore vào tháng 6/2014 cũng nóng lên xung quanh thuyết mối đe dọa Trung Quốc với những tranh cãi giữa Phó giám đốc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung với cặp bài trùng "Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel".

Trước quyết định chiến lược của Nhật, Trung Quốc vẫn chưa có động thái cụ thể. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh "chia hai mặt trận giáp công" tại Hoa Đông và Biển Đông sẽ buộc nước này phải suy tính kỹ lưỡng. Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm và cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với chủ quyền, an ninh quốc gia, quan hệ đồng minh. Đây có thể là gợi ý cho các quốc gia chịu sự "ức hiếp" từ Trung Quốc tại Biển Đông quả quyết hơn. Tác dụng động viên từ quyết định của ông Abe sẽ mang tính tích cực. Thông điệp mà Nhật truyền đi cho Trung Quốc qua quyết định nói trên là hết sức rõ ràng.

Huỳnh Tâm Sáng