-"Ngôn ngữ đang được dùng trong các gia đình là ngôn ngữ thực dụng. Người ta bàn nhau làm sao để thăng quan tiến chức, làm sao để có thể thu lợi nhuận trong việc buôn bán, làm sao có thể giành thêm một vài phân đất với hàng xóm"…
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị độc giả, nhìn vào báo chí sẽ thấy mật độ ngày càng nhiều những tin tức đau lòng, như con tố cáo cha mẹ, vợ chồng mắng chửi nhau hay là đồng nghiệp dẫm đạp lên nhau để thăng tiến. Nhiều trường hợp còn phản lại ân nhân, những người đã xả thân giúp đỡ mình. Sự thật này khiến giáo sư Hoàng Tụy phải thốt lên rằng “thật đau xót khi nghĩ tới một xã hội cách đây chưa lâu từng được ca ngợi là nghèo khó những vẫn giữ được những phẩm cách nay thì đầy rẫy những cảnh xa xỉ, lố lăng, gian xảo, không chút tự trọng”.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức như vậy. Câu hỏi này sẽ được hai vị khách mời của Tuần Việt Nam cùng thảo luận tại bàn tròn "sống tử tế".
Xin giới thiệu nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, phó tổng thư ký thứ nhất của hội nhà văn Á-Phi và thạc sỹ Lê Quang Bình, viện trưởng viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE.
Mỗi người sinh ra, có sẵn cá tính
Nhà báo Thu Hà: Thưa hai khách mời, nhiều quan niệm cho rằng bản thân mỗi con người khi sinh ra tính vốn thiện, vậy điều gì khiến nhiều người xấu xí như báo chí đang mô tả?
Ông Nguyễn Quang Thiều: Có lần tôi hỏi một linh mục, tại sao sách Thánh được in ngày một nhiều, nhà thờ cũng được xây thêm, con người tìm đến nhà thờ cũng đông hơn… nhưng cái ác, cái xấu xa cũng tăng lên kinh hoàng.
Để lý giải sự thật này, có thể hình dung như sau: Mỗi một xã hội, mỗi một quốc gia đều phát triển dựa trên ba ngôi nhà lớn là nhà chùa (nhà thờ), nhà trường và nhà mà chúng ta đang sống. Nếu một trong những ngôi nhà đó bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của ngôi nhà lớn là mỗi quốc gia, mỗi xã hội.
Điều khiến người ta trăn trở không chỉ nằm ở số lượng tội phạm đang tăng lên mà ở cách thức người ta hành xử với nhau. Người ta có thể giết cha giết mẹ, có thể giết vợ giết chồng, có thể tàn nhẫn với con cái, hủy hoại thanh danh của bạn bè. Thực tế này khiến tôi nhớ đến một bài thơ cụ Hồ nói đại ý: hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên. Nhân cách không phải tự nhiên có mà được bồi đắp trong cuộc sống, dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt giáo dục.
Chúng ta phải xác lập được sản phẩm người hiện nay của chúng ta đang là gì. Khi xác định được sản phẩm người là gì rồi chúng ta mới biết được những chương trình chúng ta đã làm cho cái sản phẩm người đó đúng hay chưa.
Giáo dục một sản phẩm người không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường, mà phải thống nhất và có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu một trong ba nền móng giáo dục này mắc sai lầm, làm chưa tốt, chưa thực thi đúng, chưa hết trách nhiệm sẽ sinh ra những sản phẩm khiếm khuyết
Đi Tìm nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức hiện nay |
Một nhà thơ nữ nổi tiếng người Ba Lan từng mô tả một căn phòng với những ô cửa sổ đẹp, có những bản nhạc hay, có tượng chúa, có sách thánh, có lò sưởi đang cháy và có cả hoa tươi nhưng con người sống trong đó đã tìm tới cái chết. Bạn bè, người thân của anh ta cố tìm hiểu tại sao anh ta tìm tới cái chết và sau đó họ hiểu rằng, nguyên nhân đẩy con người đến vực thẳm, đến cái chết, đến sự suy tàn chính là con người chứ không phải những điều khác, không phải do ma quỉ xui khiến.
Ông Lê Quang Bình: Mỗi một con người khi sinh ra có sẵn cả tính nọ, tính kia. Và môi trường xã hội, môi trường giáo dục, sẽ góp phần định hình nên nhân cách và hành vi theo hướng thiện hay hướng ác.
Một xã hội được hình thành bởi nhiều người sống trong đó. Nếu xã hội nào có nhiều người sống vô tổ chức, không coi trọng giá trị đạo đức, không biết cách sống tử tế sẽ gây nên cảm giác “muốn tử tế cũng không được” làm ảnh hưởng đến hành vi của các thành viên khác trong cộng đồng, trong xã hội đó.
Ví dụ, trong một xã hội sạch, đẹp và văn minh như Singapore, người ta sẽ ngại xả rác ra xung quanh, ngại cư xử bất nhã trong ứng xử giao tiếp. Và ngược lại, trong cộng đồng với những con đường bẩn thỉu, con người quen giao tiếp cục cằn, người ta sẽ dễ dàng xả thêm ít rác, dễ dàng sừng sộ khi bị phật lòng….
Ngoài ra pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng để quyết định hành vi xấu, tốt của mỗi con người. Nếu pháp luật không được thực thi nghiêm thì con người rất dễ làm hại người khác, rất dễ vi phạm sự bình đẳng là nền tảng để đối xử tử tế với nhau.
Thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE |
Trong xã hội chúng ta, để sống tử tế cần quan tâm đến cả ba không gian: luật pháp, xã hội và đặc biệt là từng con người. Tôi luôn cho rằng điều quan trọng là ta phải bắt đầu từ bản thân mình, làm điều tử tế vì mình muốn là người tử tế, khi đó sẽ định hình được ý thức và hành vi của mình.
Thay đổi từ trong tâm hồn
Nhà báo Thu Hà: Hãy cùng nhau nhìn lại quá khứ, thời mà kỷ cương được xây dựng trên các khế ước, các tục lệ, hệ thống giáo dục cũng chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp… nhưng tại sao con người trong cái xã hội thời đó vẫn giữ được lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới, sống ít biến báo thủ đoạn hơn xã hội thời nay với nhiều điều kiện giáo dục, nhiều luật pháp được ban hành, lại còn có các lực lượng hùng hậu giám sát…
Ông Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta được sống trong một xã hội với hệ thống luật pháp ngày càng đầy đủ, các hệ thống giám sát cũng chặt chẽ, đa dạng hơn và điều kiện kinh tế cũng tốt hơn, nhưng tại sao sự tử tế đang rời bỏ chúng ta ?
Có vấn đề nghiêm trọng của văn hoá đang bị phá vỡ. Có người từng bảo tôi, đời sống bây giờ quá nhiều cạm bẫy, hãy viết cho con chúng tôi một cuốn cẩm nang để cho những đứa trẻ bước vào cuộc đời này nó có thể tránh được những cạm bẫy. Tôi hỏi lại, chị cần bao nhiêu cuốn cẩm nang, cần bao nhiêu ví dụ, cần bao nhiêu hình mẫu; 1000, 2000 hay 3000 câu chuyện về cạm bẫy trong cuốn cẩm nang bỏ túi đó để mỗi đứa bé có thể nhìn vào đó để biết đâu là cạm bẫy mỗi khi chúng bước ra đường. Nhưng chị có dám chắc sẽ không xuất hiện cạm bẫy thứ 3001 và trong trường hợp đó những đứa trẻ của chúng ta sẽ lúng túng và không biết làm cách nào để tránh cái cạm bẫy thứ 3001 đâu.
Chỉ khi nào chủ nghĩa nhân văn ở bên trong đứa trẻ đó đã được hình thành và bồi đắp từ lúc bé thơ, mỗi ngày chúng biết yêu con người, yêu cái đẹp, biết chia sẻ, biết dâng hiến, biết xấu hổ, biết sám hối thì chúng mới có thể thể tránh được các cạm bẫy trên đường đời. Với nền tảng đó, con người sẽ biết dừng lại để suy nghĩ cái gì nên làm hay không nên làm, cái gì đúng, cái gì sai. Chỉ một khi con người biết dày vò trong lương tâm thì khi đó sự tử tế sẽ hiện lộ để giúp người ta, dẫn dắt hành động của người ta.
Tôi từng khuyên một người bạn rằng, nên tổ chức các sự kiện thật văn hóa cho gia đình và những người bạn. Văn hóa đó thể hiện từ một một bữa tối với ánh nến, với rượu vang, với âm nhạc, và với những lời nói tốt đẹp. Tất cả sự ứng xử đẹp là một thứ gián tiếp đưa chúng ta đến một hành động tử tế. Chỉ có văn hoá mới có thể giúp con người vượt qua tất cả những điều tệ hại xấu xí.
Ông Lê Quang Bình: Luật pháp cần nhưng chưa đủ vì mọi người tìm cách né tránh, tìm cách lách qua thì có làm bao nhiêu bộ luật, điều luật để ngăn chặn cái xấu cũng không xuể. Tôi vẫn cho rằng, yếu tố giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng.
Cái chính là chúng ta dạy những gì để con người biết cách sống tử tế. Ví dụ, giáo dục trong nhà trường, theo tôi, môn văn và những môn liên quan đến cảm thụ nghệ thuật rất quan trọng. Không thể phủ nhận, tác động của văn học khiến người ta rung cảm trước mỗi nỗi đau, biết chia sẻ niềm vui người khác.
Nếu mỗi người được dạy kỹ về lòng vị tha, biết chia sẻ và ít nghĩ đến mình hơn thì họ sẽ có nhiều điều kiện để trở thành người tử tế.
Nhà báo Thu Hà: Tôi nhớ môn văn luôn là một môn học chủ đạo được dạy từ những năm cấp 1 cho đến các cấp học cao hơn đúng không ạ.
Có một lần nói chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc, ông bảo là thực ra cái cách dạy văn của mình bây giờ đã giết tất cả những cái sự tưởng tượng của con trẻ. Một con người mà không thể tưởng tượng ra được nếu mình có hành vi như thế này thì người nhận hành vi đó sẽ phản ứng ra sao thì họ dễ có nguy cơ làm phiền lòng người khác, vô cảm với nỗi đau của những người xung quanh. Đây chính là nguyên nhân của nhiều vụ giết người ghê rợn, thậm chí giết bạn bè, đồng nghiệp, người thân mà không ghê tay.
Chúng ta vẫn thường nói văn là người. Như vậy khi dạy môn văn, nên thiết kế làm sao để học trò biết cách cảm nhận được cái đẹp, biết rung động trước cái đẹp…. có như vậy mới có thể giúp người ta tránh xa được cái xấu, hành động xấu.
Ông Nguyễn Quang Thiều: Hiện nay GV bước lên bục giảng như để truyền đạt một giáo trình chứ không phải mang đến cho học trò về một vẻ đẹp, về một âm vang, về một nhịp điệu hay về một cái gì đó tương tự.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó tổng thư ký thứ nhất của Hội nhà văn Á-Phi |
Ngày xưa đi học chúng tôi luôn chờ đợi các giờ học văn vì ở đó, chúng tôi được nghe những điều khiến chúng tôi có thể thay đổi từ bên trong tâm hồn. Bản thân văn học có thể tác động vào tâm hồn mỗi người. Văn học không tạo ra sự kiện về chính trị, văn học không tạo ra sự kiện xã hội nhưng văn học có thể làm thay đổi một con người.
Năm 2003, trong một lần tới Mỹ, tôi đã ghé thăm một trường học tại Boston tôi được vào học cùng lũ trẻ để xem chúng học cái gì trong trường. Tôi bị bất ngờ khi thấy xung quanh tường của lớp học đều treo một cuốn sổ ở ngoài ghi là sổ làm thơ của tôi. Dĩ nhiên các thầy người Mỹ không định đào tạo tất cả học sinh của họ trở thành những nhà thơ, nhưng qua những cuốn sổ đó, họ có thể theo dõi diễn biết trong tâm hồn của một đứa trẻ.
Nhà báo Thu Hà: Như vậy tôi có thể hiểu rằng, giáo án môn văn chỉ là một phần rất nhỏ trong một cái giáo án rộng lớn những câu chuyện của gia đình, của xã hội có đúng không ạ?
Ông Nguyễn Quang Thiều: Chẳng lẽ chúng ta không cảm nhận được chúng ta đang ăn cướp, đang chiếm lĩnh toàn bộ không gian văn hoá của những đứa trẻ. Chẳng lẽ chúng ta không cảm nhận được những đứa trẻ của chúng ta hàng ngày từ nhà đến trường đang phải đi xuyên qua một thế giới của bụi bặm, của giao thông thiếu an toàn, của thực phẩm bẩn, của những hành vi xấu xa và của những đồ chơi độc hại.
Và, cách đây 10 năm tôi nhờ một số sinh viên đi làm khảo sát về những ngôn ngữ đang được sử dụng thường xuyên trong các gia đình. Kết quả cho thấy, 90% ngôn ngữ đang được sử dụng trong các gia đình là ngôn ngữ thực dụng, ngôn ngữ người ta bàn nhau làm sao để thăng quan tiến chức, làm sao để có thể thu lợi nhuận trong việc buôn bán, làm sao có thể giành thêm một vài phân đất với hàng xóm…
Một đứa bé lớn lên trong môi trường đó, sẽ bị nhiễm tính thực dụng trong tâm hồn, chúng sẽ có thể trở nên ích kỷ, trở nên vô cảm, trở nên độc ác, thích tranh giành và sẽ đè người khác xuống để giành lấy quyền lợi của mình.
Tiếp kỳ 2: Đầy hận thù trong những ngôi nhà vương giả?