Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói thêm về Anh, một tấm gương của người cán bộ lãnh đạo, một nhà tổ chức thực tiễn xuất sắc ở tầm chiến lược, nhưng vẫn rất sâu sát, cụ thể.

Cùng sinh ra và tham gia cách mạng ở Thừa Thiên-Huế từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tôi được nghe nhiều về anh Nguyễn Chí Thanh. Mãi đến năm 1953, khi từ miền Đông Nam Bộ ra Việt Bắc dự lớp bồi dưỡng và chỉnh huấn chính trị, tôi và Anh mới trực tiếp gặp nhau, nhưng cũng không được nhiều. Cho tới tháng 9-1964, khi Anh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử vào Nam cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo nhân dân và Quân giải phóng miền Nam chống Mỹ xâm lược, tôi mới được sống và làm việc cùng Anh thường xuyên cho đến tháng 5-1967, khi anh trở ra Bắc báo cáo tình hình miền Nam với Trung ương Đảng và Bác Hồ.

{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị quân chính toàn quân lần thứ nhất (năm 1960). Ảnh tư liệu.

Thật không ngờ, căn bệnh quái ác đã lấy đi của Đảng, của nhân dân và quân đội ta một con người "sáng trong như ngọc", một cán bộ tài năng xuất chúng, văn võ song toàn, luôn bám sát thực tiễn để có những đóng góp xuất sắc mang tầm chiến lược với Đảng cả trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng và phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng, trực tiếp là trong cuộc đối đầu với các âm mưu, thủ đoạn và sự vượt trội về lực lượng, vũ khí phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược.

Những năm tháng được sống và làm việc cùng Anh, tiếp đó trong suốt quá trình công tác và cho đến nay, tôi càng thấy anh Sáu Di (bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Trung ương Cục miền Nam) thực sự là một học trò xuất sắc của Bác Hồ, một cán bộ tiêu biểu học tập, làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Đã nhiều đồng chí, đồng đội, đồng bào nói và viết về Anh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967). Tôi cũng đã hơn một lần viết về Anh. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói thêm về Anh, một tấm gương của người cán bộ lãnh đạo, một nhà tổ chức thực tiễn xuất sắc ở tầm chiến lược, nhưng vẫn rất sâu sát, cụ thể.

Một là, trước sự thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", phái diều hâu trong chính quyền nước Mỹ lúc đó đã tiến thêm một bước leo thang mới. Nhằm không để ngụy quyền tay sai sụp đổ, họ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 4-8-1964) vu khống hải quân ta tiến công tàu của hải quân Mỹ ngoài hải phận quốc tế để lừa dối Quốc hội và nhân dân Mỹ, lấy cớ đưa quân chiến đấu Mỹ và các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại trực tiếp vào tham chiến tại miền Nam, thực hiện cái gọi là "chiến lược chiến tranh cục bộ". Được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử vào trực tiếp cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo đồng bào và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và ngụy quyền tay sai (từ tháng 9-1964 đến tháng 5-1967), phát hiện đế quốc Mỹ thay đổi thủ đoạn từ chiến lược "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ", từ kinh nghiệm của các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, anh Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất: Phải xây dựng các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ, có khả năng và luôn cơ động (tức vận động chiến); phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn đối với quân chiến đấu Mỹ ở những trận then chốt thì mới có thể giành thắng lợi. Từ đề xuất của Anh với Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền, được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Trung ương Đảng, các đơn vị chủ lực Miền đã phát triển nhanh chóng. Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, đội đặc công, biệt động phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động.

Hai là, cùng với việc đưa quân chiến đấu cùng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại ồ ạt kéo vào miền Nam, đế quốc Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc, khiến một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta xuất hiện tư tưởng ngại ác liệt, lừng chừng do dự, băn khoăn. Trên thế giới, không ít chính phủ và nhân vật có tên tuổi tỏ ra lo ngại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ sẽ lan rộng thành cuộc chiến tranh thế giới mới, họ khuyên ta không nên đối đầu với Mỹ - một siêu cường chưa từng bị thua trận. Nhiều câu hỏi được đặt ra: "Làm thế nào để đánh được Mỹ và thắng Mỹ?"; "Làm thế nào đánh thắng đế quốc Mỹ mà không để cuộc chiến lan rộng thành cuộc chiến tranh giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa?"... Đảng ta và Bác Hồ, với tầm nhìn sâu rộng, biện chứng cùng ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" vẫn quyết tâm đánh và thắng Mỹ. Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất (từ ngày 2 đến 6-5-1965), anh Thanh đã nêu quyết tâm: "Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ".

Từ thực tiễn chiến đấu, với sự sáng tạo của các đơn vị và địa phương trên toàn Miền, với tư duy khoa học, biện chứng sắc sảo, anh Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến: "Nắm thắt lưng địch mà đánh" và phải chủ động "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt"; đánh gần, đánh nhanh, di chuyển nhanh; đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong của bộ đội trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch... Thực tiễn đã chứng minh, đó là những tổng kết vừa mang tầm chiến lược, vừa có giá trị chiến thuật góp phần đẩy lùi tâm lý thiếu tự tin trước ưu thế vượt trội về số lượng, trình độ và uy lực của vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ.

Ba là, cũng từ thực tiễn quá trình cùng tập thể Trung ương Cục và Quân ủy Miền lãnh đạo, tổ chức nhân dân và lực lượng vũ trang miền Nam đấu tranh, chiến đấu chống Mỹ - ngụy, trước yêu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị phương tiện chiến đấu và lương thực thực phẩm, hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân trên toàn Miền, nhất là quân chủ lực, nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng, không cho chúng có đủ sức mạnh để tiến công ta hoặc đối phó với đòn tiến công của ta, anh Thanh đã đề xuất với Quân ủy Miền, Trung ương Cục và Bộ Chính trị: Muốn đánh cho Mỹ phải rút, ngụy sụp đổ để giải phóng miền Nam, thì phải có tuyến đường vận tải cơ giới từ miền Bắc vào tới Nam Bộ. Thực tiễn diễn biến, sự phát triển và những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã cho thấy sự phát hiện, đề xuất của Anh là hoàn toàn đúng đắn.

Hình ảnh, tấm gương, nhân cách và tác phong "miệng nói tay làm", lý luận gắn liền với thực tiễn của Anh, để rồi rút ra những kết luận, hình thành những ý tưởng có tầm chiến lược, Anh thực sự là một người cán bộ cách mạng mẫu mực, là anh Bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu để chúng ta học tập, noi theo.

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (theo QĐND)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt