Một nhà nghiên cứu nguyên là một vị tướng làm tùy viên quốc phòng Pháp tại TQ trong thời gian dài, đã phân tích về đường lưỡi bò 10 đoạn mới đây của TQ.
Sau khi nhà xuất bản Hồ Nam (TQ) phát hành tấm bản đồ dọc có đường lưỡi bò 10 đoạn, ngay trong nội bộ người TQ trong và ngoài nước cũng đã nổ ra các cuộc tranh luận. Trước đó, một số học giả TQ như Lý Lệnh Hoa, GS. Lý Vĩnh Long... từng nhiều lần lo lắng đường lưỡi bò là tai họa cho chính dân tộc Trung Hoa.
Mơ hồ, mập mờ
Nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Schaeffer, nguyên là một vị tướng làm tùy viên quốc phòng Pháp tại Trung Quốc một thời gian dài, đã phân tích về đường lưỡi bò 10 đoạn mới đây của TQ. Theo vị tướng này, "Đó là bức màn hoang đường che giấu sự thật bên trong".
Sự thật đó là gì?
Theo tướng Daniel Schaeffer, các cuộc gặp gỡ trao đổi với các nhà nghiên cứu và chính khách TQ cho thấy, trước năm 2009, chính quyền TQ chưa bao giờ đề cập một cách chính thức đến đường lưỡi bò như một ranh giới bất khả xâm phạm tới chủ quyền của TQ tại biển Đông. Họ luôn duy trì biểu tượng của đường này từ 11 đoạn tới 9 đoạn và 10 đoạn gây ra tình trạng mập mờ về thực chất yêu sách của TQ, khiến cho các quốc gia trong vùng rất khó đối phó.
Ngay năm 2009, trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc, TQ đính kèm bản đồ có đường lưỡi bò 9 đoạn nhưng cũng không hề có gì cụ thể hơn, nghĩa là vẫn rất mơ hồ, mập mờ.
Đường lưỡi bò hoang đường của TQ |
Ngược dòng thời gian trở lại năm 1909, năm Tuyên Thống thứ nhất, tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn phái một số chiến hạm đi thám sát Hoàng Sa mặc dù nhân danh "nhà nước Đại Thanh" song thực chất là chính quyền địa phương. Người Pháp đã có bài học sâu sắc về lối hành xử luôn mập mờ, nửa hư nửa thực như vậy của TQ, nếu gặp phản ứng quyết liệt thì họ sẽ cho rằng tại chính quyền địa phương "có sai sót". Còn không thì họ sẽ lấn tới. Trong những năm 1990, TQ cũng đã nhiều lần áp dụng cách như vậy trên biển Đông với Việt Nam, họ gây căng thẳng rồi đổ lỗi cho các cơ quan địa phương, sau đó dàn xếp "trên tinh thần đại cục".
Tấm bản đồ dọc có đường lưỡi bò mới nhất do nhà xuất bản Hồ Nam ấn hành cũng là của một địa phương TQ, công bố đường chữ U tới 10 đoạn được Bộ Ngoại giao TQ "ru ngủ" rằng: "Thế giới không nên quan tâm tới tấm bản đồ này!". Lý do vì sao thì tự hiểu.
Cũng giống như những tấm bản đồ có đường chữ U 11 đoạn và 9 đoạn trước kia, tất cả đều sử dụng chữ TQ giản thể và phiên âm Latinh chứ không dùng chữ cổ. Tướng Daniel Schaeffer chỉ ra ý đồ của TQ: "Trong điều kiện như vậy, có thể hiểu rằng, đó là đường xác định phạm vi lãnh hải mà toàn bộ phía trong là của TQ. Đó cũng như thể là giới hạn mà TQ đặt ra với "khu vực tranh chấp" để dễ dàng chiếm đoạt lâu dài".
Tuy nhiên, sâu xa hơn, vị tướng người Pháp có thời gian dài ở TQ và gặp gỡ nhiều giới trên đất nước này, phát hiện ra rằng, không phải TQ thực sự tin rằng đường lưỡi bò là của họ. Ông viết trên tạp chí Diplomatie: "Tôi đã nghe rất nhiều phát biểu rất lạ rằng, đường lưỡi bò không phải do thể chế nhà nước CHND Trung Hoa tạo ra, mà là sự kế thừa của thể chế dân tộc chủ nghĩa trước đây. Nên dù muốn hay không cũng không thể buông ra. Bởi không một thể chế nào muốn mang tiếng là "không yêu nước" nếu không đoạt được trên 2 triệu km2 đường lưỡi bò trên biển Đông".
"Đâm lao thì phải theo lao"
Bà Tôn Văn, một học giả gốc Hoa thuộc Viện nghiên cứu Stimson (Hoa Kỳ) đã nhiều lần công bố với thế giới sự phi lý áp đặt về đường lưỡi bò. Bà khẳng định: "Mặc dù thiếu căn cứ pháp lý nhưng TQ vẫn duy trì như một "chiến lược mờ ảo" và quyết tâm dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền trên vùng biển Đông. Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 là minh chứng cho ý đồ đó của TQ".
Và: "TQ hiểu rất rõ sự trái ngược của đường lưỡi bò với công ước Luật biển UNCLOS, vì thế đã đầu tư vào việc tìm tính hợp pháp cho quyền lịch sử song vẫn chưa thành công. Ngay trong chính giới hoạch định chính sách của TQ có nhiều người hiểu rất rõ những điểm yếu của lập luận pháp lý này và đã có ý kiến phản đối song trường phái "có lập luận yếu còn hơn không có gì" ngày càng thắng thế. Bởi vậy TQ rất cẩn thận không nêu chi tiết điều gì họ muốn coi là chủ quyền trong đường lưỡi bò, cứ để mờ mờ ảo ảo chiến lược nhằm có chỗ cho các cuộc thương thảo trong tương lai".
Nói chung, theo học giả Tôn Văn, quan điểm phổ biến của giới cầm quyền TQ là: "Lập luận pháp lý yếu sẽ được quyền lực quốc gia mạnh mẽ ủng hộ, hỗ trợ".
Một bản đồ chế giễu đường lưỡi bò trên báo Philippines bằng cách thể hiện TQ là một tỉnh của nước này |
Và, đây chính là tai họa cho sự phát triển của TQ trong tương lai, chẳng khác gì "đeo gông vào chân", "đeo gai vào cổ" như một số ý kiến của giới nghiên cứu Thiên Tắc (Think - tank) của TQ từng chỉ ra trong một diễn đàn tổ chức ngày 14/6/2012. Trên trang Sina.com, dư âm của diễn đàn này đã thu hút được nhiều comment ủng hộ ý kiến lo lắng của nhiều học giả có uy tín.
Cũng trên Diplomatie, Daniel Schaeffer cho biết, có thể tạm chia thành 2 "trường phái" về đường lưỡi bò ở TQ. Trường phái thứ nhất là "tôn trọng pháp lý" mà đại diện là giáo sư Lihai, người được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án quốc tế về luật biển tháng 8/1996. Trường phái thứ hai được gọi là "truyền thống" được chính phủ TQ ủng hộ.
Trường phái "tôn trọng pháp lý" là khuynh hướng tiến bộ ở TQ đã nhận được những sự ủng hộ từ giới nghiên cứu và giới trí thức trẻ nước này. Điều này thể hiện rõ nhất trên các diễn đàn xã hội như Sina.com và các blog khá phổ biến khác.
Theo chuyên gia người Pháp Daniel Schaeffer, giáo sư Lihai sau khi trở thành thẩm phán tòa án quốc tế về Luật biển đã đóng góp rất lớn cho khuynh hướng phủ định chủ quyền của TQ về đường lưỡi bò. Năm 2000, ông đã đột tử khi chưa kết thúc nhiệm kỳ. Song không vì thế mà khuynh hướng "tôn trọng pháp lý" bị giảm đi. Chính phủ TQ đã nhiều lần tỏ thái độ không bằng lòng và gây khó khăn như đóng cửa nhiều blog nhưng vẫn không dập tắt được "những tiếng nói của lý trí".
Giáo sư Tiến Lực, phó chủ nhiệm phòng chiến lược quốc tế thuộc Sở kinh tế chính trị thế giới của Viện khoa học xã hội TQ đã có quan điểm khác xa với quan điểm của chính phủ TQ về biển Đông. Ông đã gửi tài liệu nghiên cứu và bài viết đăng trên tạp chí Đại công báo Hong Kong.
Trong bài viết trên, tác giả Tiến Lực kết luận rằng tranh chấp trên biển Đông đã phát triển lên tới mức độ làm tổn hại đến lợi ích các bên, nên rất cần sự tham gia và nỗ lực của các bên để thay đổi xu thế này. Quan điểm của ông chính là quan điểm của các nước ASEAN liên quan đến biển Đông và được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới.
Trên báo South China Morning ngày 26/6/2014, GS. Lý Vĩnh Long, trường Đại học Hạ Môn mạnh mẽ và thẳng thắn hơn: "Việc từ bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán khách quan và tin cậy hơn và xây dựng lại hình ảnh TQ đáng tin cậy hơn với láng giềng và quốc tế". Ông tiên đoán rằng, dù chính phủ TQ quyết tâm lao theo đường lưỡi bò, nhưng cuối cùng thì cái hoang đường không thể tồn tại lâu hơn để bắt đất nước TQ làm tù binh cho các hoang đường huyễn hoặc ấy mãi!
Dẫn lời một thành viên tên Wu Ge trên mạng Weibo, báo The Wall Street Journal trích đăng một đoạn như sau: "Có thực sự hữu ích hay không khi cố tình gom hết (các đảo - TG) vào mình? Chẳng khác gì ngoài tham vọng bị lộ rõ. Việc làm đó chỉ cho thấy những kẻ cực tả dễ dàng hòa lẫn với chủ nghĩa yêu nước mù quáng".
(Còn nữa)
Duy Chiến
Tuyến bài Tư liệu chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa: Bài 1: Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trong chính sử
Bài 2: Các vua VN đều quan tâm khẳng định chủ quyền
Bài 3: Chuyện cứu tàu của Pháp tại Hoàng Sa
Bài 4: Những nhân chứng phương Tây về chủ quyền Hoàng Sa
Bài 5: Bản đồ cổ xác định đảo Hải Nam là địa phận cuối TQ
Bài 6: Chủ quyền Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Bài 7: Hội nghị quốc tế bác danh nghĩa chủ quyền của TQ
Bài 8: Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa
Bài 9: Con đường dẫn đến sự kiện đảo Gạc Ma
Bài 10: Học giả TQ can đảm nói thẳng về biển Đông
Bài 11: Những người 'phản tỉnh' ở Trung Quốc
Bài 12: Chủ quyền Hoàng Sa qua báo chí đầu Thế kỷ 20
Bài 13: Sự tích "đường lưỡi bò" hoang đường của TQ
|