“Văn hóa Tây Nguyên chủ yếu là gắn bó với rừng, nếu không có rừng thì văn hóa Tây Nguyên sẽ mai một”
Nằm trong khu vực 3S (nơi hợp lưu ba dòng sông Sesan, Sêkông và Srê Pôk) Tây Nguyên được gọi là ‘mái nhà Đông Dương’, dốc cả về hướng Đông và Tây. Đây chính là địa chính trị, địa văn hóa vô cùng quan trọng. Vùng thiêng được biết đến là cái nôi “văn hóa cồng chiêng”, di sản phi vật thể nhân loại của được UNESCO công nhận.
Người Tây Nguyên sống dựa vào rừng núi. Văn hóa – văn minh Tây Nguyên cũng khởi nguồn từ rừng. Âm nhạc có âm thanh của thác nước, tiếng chim hót và không thể thiếu tiếng lá xào xạc…“Rừng cũng cho chúng tôi nước, thức ăn, các loại lá chữa bệnh. Rừng với chúng tôi thiêng liêng lắm”, ông A Thút - chuyên gia nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, Chủ tịch MTTQVN xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Tỉnh Kon Tum quả quyết.
Nhưng có lên tới nơi, được tận mắt chứng kiến nhiều đặc sản văn hóa của vùng rừng thiêng Tây nguyên đang bị mai một với tốc độ chóng mặt do các tộc người này bị di dời khỏi môi trường sống đã được định hình từ nhiều ngàn năm trước. Tây Nguyên- khu rừng thiêng giờ đã trở thành trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước. Nhẩm tính thì thấy ngay trên hệ thống sông chính của 5 tỉnh trong vùng đã có tới 11 nhà máy thủy điện công suất lớn đang vận hành. Bên cạnh đó là 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã được quy hoạch*.
Lưu vực sông 3S là lưu vực của ba con sông Sê Kông, Sê San, Srê-pôk với diện tích 78.650 km2, trong đó 33% thuộc lãnh thổ Căm-pu-chia, 29% thuộc lãnh thổ Lào và 38% thuộc lãnh thổ Việt Nam. 3S là lưu vực xuyên biên giới lớn nhất của con sông mẹ Mekong. Hiện có khoảng 4 triệu người sinh sống trong lưu vực 3S, phần lớn ở phần diện tích Việt Nam (hơn 3 triệu người). Bên cạnh mức độ đa dạng sinh học cao, khu vực này cũng có nhiều nét đặc sắc văn hóa riêng với nhiều tộc người ở cả 3 quốc gia. |
Mọi vấn đề luôn có tính hai mặt. Khi một dự án được triển khai, đồng nghĩa với việc một cộng đồng dân cư lớn và môi trường tại chỗ sẽ bị xáo trộn. Cái khéo và cũng là cái khó nhất là phải làm sao để giảm thiểu sự xáo trộn này.
Trong năm 2015, tỉnh Kontum đã có cuộc điều tra khảo sát sau khi nhiều khu tái định cư dành cho người DTTS bị bỏ hoang. Người dân từ chối ở trong các căn nhà betong tái định cư chủ yếu vì hai lý do: nhà ở khu tái định cư quá xa nương rẫy và nơi canh tác; và lý do khác là những khu nhà này quá xa lạ với đời sống văn hóa và tập quán sinh hoạt của họ.
Trước khi triển khai các dự án, công tác tham vấn cộng đồng đều được làm, nhưng có lẽ làm chưa tốt, chưa nghiên cứu đủ kỹ về các đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt và đời sống của người dân. Ví dụ đồng bào cần có một nhà rông làm nơi sinh hoạt văn hóa, để họp làng. Nhà rông phải được xây trên diện tích đủ rộng và có bối cảnh xung quanh là núi rừng, không thể thay nhà rông chuẩn mực bằng một căn nhà bê tông, rồi bảo bà con vào đó hội họp, đốt lửa, múa hát.
“Đây chính là lý do dẫn đến việc nhiều người từ chối đến ở những khu tái định cư. Nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang rất lãng phí. Công tác tham vấn có làm, Nhưng không đi sâu vào đời sống thực sự của người dân, để biết họ cần gì”. Ông Nguyễn Thanh Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết.
Công trình thủy điện Pleikrong trên dòng Sesan |
Ông kể thêm, giọng đầy tiếc nuối, bên cạnh những tác động môi trường và xã hội ai cũng nhìn thấy, những dự án phát triển cũng là một trong những nguyên nhân khiến những giá trị văn hóa Tây Nguyên bị mai một. Điều đó vô cùng đáng tiếc, vì trong đó có rất nhiều giá trị văn hóa vô cùng quý giá đã được công nhận, mất đi là không thể lấy lại được”.
Hẳn nhiều người còn nhớ, bài tham luận gây xôn xao dư luận mới đây trong một hội thảo ở Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc đã phải dùng hình ảnh đầy ám ảnh “làng không có chân” để nói về những buôn làng Tây Nguyên để kể về sự chơi vơi của họ khi bị cưỡng tách ra khỏi núi rừng. Xa rừng, xa không gian văn hóa quen thuộc, họ chơ vơ, không có chỗ thực hành văn hóa.
Khu tái định cư bị bỏ hoang tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum |
Có lẽ đã nhận ra điều quan trọng này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều Bộ luật và Nghị định cũng đã được cấp tập được sửa đổi/ban hành để sớm đưa người về với rừng, và trả rừng về cho bà mẹ tự nhiên.
Cụ thể, Luật Đất đai 2003 (sửa đổi bổ sung năm 2013) công nhận cộng đồng dân cư là người sử dụng đất (chủ đất). Bộ NN&PTNT triển khai chương trình thí điểm giao rừng khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng DTTS tại chỗ tại Tây Nguyên..vv… Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2016 cũng đưa vấn đề giao rừng cho cộng đồng thôn bản tại chỗ vào trọng tâm bảo vệ rừng. Theo đó, những cộng đồng có đời sống/văn hóa gắn bó mật thiết với rừng chính là người bảo vệ rừng tốt nhất.
Những thông tin này khiến ông A Thút vui lắm. Ông hào hứng nói, “từ những phần rừng chúng tôi còn giữ, cây rừng sẽ hồi sinh, chúng tôi giữ được nguồn nước – nguồn sống của chúng tôi. Cùng với việc phục hồi rừng, văn hóa cũng sẽ phục hồi. Chúng tôi sẽ nhớ lại và thực hành những truyền thống văn hóa từ trước đến nay và từ nay về sau.”
“Văn hóa Tây Nguyên gắn bó với rừng. Nếu không có rừng thì văn hóa Tây Nguyên sẽ chết.”, A Thút khẳng định chắc nịch nhưng cây lớn trong khu rừng thiêng.
Ngày 20/6/2016, tại Hội nghị ứng phó biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm phá rừng lấy đất. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến ngày 31/12/2014, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là 3.354.194ha, trong đó đất có rừng giảm 180.000ha so với năm 2010. Theo đó, diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm do 3 nguyên nhân chủ yếu như: Chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang rừng trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển mục đích sử dụng sử dụng đất có rừng sang mục đích theo quy hoạch của địa phương như xây dựng công trình hạ tầng. Nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Nguyên nhân này chiếm đến 45%. Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và vùng Tây Nguyên đề nghị siết chặt công tác phối hợp; khắc phục bằng được vấn nạn di dân ngoài kế hoạch và thực trạng yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý chặt các cơ sở chế biến gỗ, xóa bỏ các tụ điểm mua, bán gỗ, chế biến gỗ không phép; sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, nông trường trên toàn vùng Tây Nguyên. Song song với đó, giải quyết sinh kế cho người dân, nhất là những hộ được giao rừng, trồng rừng, đào tạo nghề nông cho đồng bào dân tộc để người dân gắn bó lâu dài với rừng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Thủ tướng cũng ra lệnh ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chính sách rừng, đất rừng; dừng hoạt động đối với các chủ dự án không chấp hành việc trồng rừng thay thế hoặc không chi trả chi phí bồi thường đất rừng và rừng. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chính sách đãi ngộ đối với người trồng rừng; bên cạnh việc phê phán các hành vi tàn phá rừng cần làm tốt việc tôn vinh, biểu dương người có công trong bảo vệ, phát triển rừng. Nguồn: Vietnam Plus |
Cộng đồng DTTS Bana trong khu tái định cư xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum
|
* Một số dự án thuỷ điện vừa và nhỏ trong số này vừa bị đình chỉ.
Hoàng Hường (Bài và ảnh)