"Cuốn Cửa mở chuyền tay nhau đến nhàu đã tới được tay TBT Lê Duẩn. Bấn bíu việc công như thế mà TBT đã dành thời giờ đọc."
Nhà thơ Việt Phương vừa qua đời lúc 8h50 phút sáng nay tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Chiều nay diễn ra lễ phát tang tiễn ông về nơi vĩnh hằng. Ông là một trong những người đã dành thật nhiều tình cảm gắn bó với Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet trong suốt nhiều năm qua. Chúng tôi xin giới thiệu với quí độc giả bài viết của nhà báo Xuân Ba như một lời tri ân với ông. |
Người ta ít khi nhắc đến ông với các chức danh: thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng một thời gian dài, rồi người giúp việc cho các yếu nhân, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, PTT Nguyễn Duy Trinh và sau này là các Thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, mà thường gọi ông là nhà thơ Việt Phương!
Việt Phương viết không nhiều, đâu như chỉ có 2 tập trong đó có Cửa mở. Cửa mở mỏng thôi và số lượng in cũng chẳng nhiều. Việt Phương không phải thuộc tầng nấc hay ngạch thậm chí típ viết lách, chữ nghĩa nào cả, nhưng rất nhiều công, nông, binh và viên chức thời ấy đã thuộc không nhiều thì ít hoặc lõm bõm thơ ông, nói đúng hơn là thơ trong Cửa mở.
Nhà thơ Việt Phương, tác giả tập thơ Cửa Mở |
Người ta thấy lạ nên tò mò rồi đâm thuộc, đâm nhớ, bởi trong mặt bằng viết lách hồi ấy, nhất là thơ, chả ai có giọng điệu và cách nghĩ lẫn cách nói như Việt Phương?
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ.
Hoặc Đến từng giờ trọn đời là cộng sản/ Trong nỗi đau ta cũng sáng búa liềm
…và Đời bật đèn xanh cho sự sống/ Ta hồi sinh trong mỗi cái hôn đầu
…rồi Chẳng đợi riêng ai ta đợi cả / Nhân cuộc đời ta lên tình yêu…
Rồi đâu đó những bàn ra tán vào, có người rùng mình nghĩ đến những suy diễn vô lối thời điểm Nhân Văn gia phẩm từng cột cổ ối người?
Còn tác giả Cửa mở thì sao?
Lần ấy được ngồi lâu với ông. Chất giọng rủ rỉ của nhà thơ như đang gợi lại một thời bão táp... Cửa mở ra được một thời gian ngắn dư luận xầm xì xôn xao, rồi ầm cả lên là tập thơ “có vấn đề”!
“Có vấn đề” là cách nói của một hình thức buộc tội, kỷ luật, hầu hết bất thành văn bản, đối với một người viết bị coi là sai lầm trục trặc về mặt tư tưởng! Mà tác giả Cửa mở lại là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông vốn là bạn ông hơi sốt ruột bởi những lời xầm xì này đã hăng hái có ngay một bài trên tờ Nhân dân. Nhưng oái oăm, cái phần mà thi sĩ kiêm Viện trưởng Viện Văn học họ Hoàng tâm đắc lại bị “xén’’, chỉ trơ lại cái phần cho phải phép theo “kết cấu’’ của những bài viết được coi là có hơi hướng phê bình trong thời điểm ấy! Thế là lại vô tình thêm rối... Người ta lại thêm có cái “cớ’’ để mà bàn ra tán vào.
Rồi sau đó có hẳn một cuộc hội thảo, nói đúng hơn là một cuộc họp phạm vi hẹp để bàn về Cửa mở và tác giả! Cuộc họp tại NXB Văn học ngày12/11/1970 do Như Phong, Giám đốc NXB Văn Học, chủ trì.
Được Việt Phương cho phép, tôi xin trích một đoạn trong biên bản cuộc họp ấy ghi lời phát biểu của nhà thơ Chế Lan Viên về tập thơ Cửa mở:
Ở cuộc họp khác không nhắc đến con người tác giả. Ở đây nhắc đến tác giả là cần thiết. Chính sự cần thiết ấy để khẳng định không nhắc Nhân Văn hay Nôbel gì ở đây.
Nên hiểu một người để đọc sách họ. Nên hiểu cả một tập thơ chứ không phải một vài câu… Riêng tôi khẳng định tập thơ là tốt, vì sao, vì nó chống CNĐQ (chủ nghĩa đế quốc) chống xét lại…
Nhưng chỗ yếu của thơ Việt Phương là thiếu thực tế. Bảo Việt Phương không có sự sống là không đúng chỉ là thiếu cụ thể trong sự sống. Nỗi đau gì nên nói rõ trong môi trường không gian thời gian cụ thể hơn...
Thơ có quyền và cần đi vào suy tưởng. Việt Phương đã đến một dạng và phải trả giá bằng suy tưởng của mình do đó tập thơ có sức nặng do đó đọc xong tập thơ thì người ta muốn đọc lại... Có sự dũng cảm nhưng vì thiếu thực tế thiếu vốn sống nên có bài rơi vào duy lý không khéo sa vào duy tâm...
Đếm tỷ lệ số câu số bài chưa đạt ít. Phải nhìn vào cơ bản tốt... Trong văn học hiện nay, tính bảo thủ còn nặng hơn sáng tạo. Người nào muốn tiến lên thì phải trả giá. Mời anh Việt Phương cứ tiếp tục....
Nhà thơ Việt Phương |
Thời gian đó có một cán bộ quân sự là bạn Việt Phương kể lại, một cán bộ chính trị quân đội đã trình bày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẳn cả một “phương án’’ phê bình Cửa mở làm “rối’’ hậu phương quân đội ra sao, nhưng Đại tướng nghe xong đã lẳng lặng gạt đi!
Đồng chí Trường Chinh (nhà thơ Sóng Hồng thi thoảng có tặng thơ Việt Phương và Việt Phương cũng tặng lại Cửa mở) khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng, một bữa có gặp Việt Phương chỉ cười mủm mỉm “Mình đọc rồi... Có hơi hướng neo-sur alisme (siêu thực mới)’’, rồi thôi!
Nhà thơ Tố Hữu (có thói quen bài thơ gì tâm đắc thường đưa Việt Phương đọc rồi mới “dám’’ đưa Bác Hồ), nhắn Việt Phương tới rồi thân tình đập đập tay lên cuốn Cửa mở và nói bằng tiếng Pháp “Việt Phương nên hạ xuống mặt đất và đi vào cái hằng ngày’’.
Nhà thơ kiêm công chức Việt Phương không thể ngờ rằng thơ mình đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc, mà đọc ở tận… Liên Xô! Số là Việt Phương có cô em vợ đang học tập bên Liên Xô. Cô lại chỗ quen thân với Lê Vũ Anh con gái TBT Lê Duẩn.
Thời ấy mà Cửa mở được xuất khẩu ra nước ngoài kể cũng ghê! Ấy là cách nói vui của những cuốn sách, tờ báo hiếm hoi tiện theo chân anh chị em ta sang bên Liên Xô học tập, công tác. Cô em vợ một lần về phép tiện tay bỏ vào vali cuốn Cửa mở. Không ngờ sang đó mọi người chuyền tay nhau đến nhàu cả ra…
Dịp đó TBT Lê Duẩn sang Mátxcơva họp. Lo lắng cho người anh rể, cô em đã tìm đến cái kênh người thân là con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn thì phải? Rồi cuốn Cửa mở chuyền tay nhau đến nhàu ấy đã tới được tay TBT Lê Duẩn. Bấn bíu việc công như thế mà TBT đã dành thời giờ đọc ngắt quãng (vì bận) vài ngày mới hết.
Cô em vợ Việt Phương nhẹ bỗng người khi trong một lần gặp gỡ chung hiếm hoi đã chứng kiến TBT Lê Duẩn lắc đầu cười với cả bọn rằng mình biết Việt Phương chứ… Việt Phương là người tốt, Cửa mở không có vấn đề gì!...
Mãi sau này Việt Phương mới biết chuyện ấy…
Nhưng có chuyện này thì Việt Phương biết. Mà biết ngay sau đó.
Người ta tổ chức một cuộc họp khá quy mô không phải là dạng cấp thấp để bàn về Cửa mở.
Sau này có người nói lại với Việt Phương, người ta đã mời đích danh TBT đến dự. Nhưng cũng có người nói TBT Lê Duẩn được nghe báo cáo rằng có một cuộc họp như thế… với nội dung như thế… Ông Lê Duẩn đã buông một câu thế không còn việc gì để bàn nữa à!
Rồi bất ngờ, ông xuất hiện trong cuộc họp ấy. Hai tiếng đồng hồ không hơn không kém, Tổng Bí thư trong cuộc họp, chả đả động gì đến Cửa mở, mà thao thao, mà hào sảng về những vấn đề của văn học nghệ thuật về thơ ca!
Và “ấm lưng’’ nhất vẫn là cung cách ứng xử của Đảng bộ Văn phòng Phủ thủ tướng. Một công văn từ nơi đây đã được gửi tới những cơ quan có trách nhiệm, đại ý: Đảng bộ không có trách nhiệm nói về văn học nghệ thuật nhưng những tư tưởng trong Cửa mở là hoàn toàn của Đảng!
Cuối năm ấy trong cuộc bình xét chọn ra 3 đảng viên xuất sắc nhất để trên khen thưởng thì nhà thơ Việt Phương có trong số đó. Năm ấy cũng là đợt bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên, Việt Phương cũng trúng với số phiếu cao!
Kể lại những chuyện này giọng ông ngùi ngùi “tôi được che chở nhiều quá... Nhiều anh em viết còn thua thiệt lắm lắm...’’
Xuân Ba
Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn: “Sức mạnh co cụm rất nguy hiểm”“Sức mạnh của nhà nước không được rải đều mà tập trung vào một chỗ, sẽ cực kỳ nguy hiểm”, TS Lê Kiên Thành quả quyết trong phần cuối cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam. Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn trải lòng về những điều có thể và không thể“Chừng nào nước Việt Nam vẫn chưa bứt phá sẽ không có một thành phố nào của chúng ta đứng đầu khu vực! Điều đó là không thể”, TS. Lê Kiên Thành lưu ý. Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn nói về đặc quyền và lợi thế trời choSau 42 năm, Sài Gòn–TP.HCM đã chuyển mình từ thành phố phục vụ chiến tranh sang Trung tâm kinh tế, văn hóa–xã hội lớn nhất phía nam Việt Nam. |