- Trong cuộc gặp sắp tới tại Helsinki (Phần Lan), người mà ông Trump đối mặt sẽ là một cựu điệp viên KGB, người có những suy nghĩ chiến lược và lên các kế hoạch kỹ tới từng chi tiết, trái ngược hẳn với cá tính bốc đồng và chỉ tập trung vào những gì trong ngắn hạn của ông hay nhà̀ lãnh đạo Triều Tiên.

Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 là nhịp cầu để Hàn Quốc và Triều Tiên “sưởi ấm” quan hệ, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin cũng kỳ vọng World Cup 2018 sẽ trở thành "cơ hội vàng" để gặt hái nhiều thành quả ngoại giao, đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ vào ngày 16/7 tới.

EU "ngồi trên lửa"

{keywords}
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 7/7/2017.

Nhiều ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy những can dự mới với một địch thủ lâu đời khác: đó là Nga. Dường như hội nghị thượng đỉnh tay đôi với đối thủ củng cố suy nghĩ của ông Trump rằng ông là nhà đàm phán tài ba nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu như cuộc gặp trước được quảng bá rầm rộ và được các nước - cả đồng minh và thù địch của Mỹ –  ủng hộ thì kế hoạch cuộc gặp tới đang làm phương hại đến các mối quan hệ với một số đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.
 
Trong cuộc gặp sắp tới tại Helsinki (Phần Lan), người mà ông Trump đối mặt sẽ là một cựu điệp viên KGB, người có những suy nghĩ chiến lược và lên các kế hoạch kỹ tới từng chi tiết, trái ngược hẳn với cá tính bốc đồng và chỉ tập trung vào những gì trong ngắn hạn của ông. Vì vậy, có lý do để người ta phải lo ngại về những nhượng bộ mà ông Trump có thể "cho không biếu không" ông Putin. Bất chấp những lo ngại này, ông Trump ngày càng tỏ ra quyết tâm theo đuổi các chính sách thương mại và đối ngoại theo phương châm "Nước Mỹ trước tiên" (America First) và không ngại làm tổn thương các nhà lãnh đạo vốn thân thiết với Mỹ nhưng không cùng quan điểm với ông.

Về nguyên tắc, việc hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp gỡ là điều không có gì phải băn khoăn, bởi các cuộc gặp như vậy đã diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gặp nhau hai lần bên lề các hội nghị quốc tế và đã ít nhất 8 lần điện đàm cùng nhau. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh chính thức lần đầu tiên sắp tới có thể khiến nhiều đồng minh của Mỹ không hài lòng.

Tại sao vậy?

Cuộc gặp với ông Putin diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) khiến người ta nhớ đến việc ông Trump đã "phá hỏng" hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada như thế nào trước thềm cuộc gặp ông Kim Jong-un tại Singapore. Tại G7, ông Trump đã thể hiện thái độ khó chịu với NATO khi tuyên bố liên minh này "tồi tệ như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)" và khối này đã khiến Mỹ "quá hao tiền tốn của". Ông thậm chí vận động để Nga được trở lại G8 sau khi bị đình chỉ tư cách thành viên năm 2014 vì liên quan tới Crimea.

Ông Trump có thể trở thành "con ngựa thành Troy" của Nga trong NATO

Các đồng minh của Mỹ hiện đang lo ngại khả năng Tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận nhượng bộ người đồng cấp Nga, nhất là liên quan đến việc triển khai hoạt động của NATO ở châu Âu.

Ông Trump không ngừng công khai chỉ trích những tồn tại và hạn chế của NATO. Điều này có thể gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Washington với các nước Đông Âu có chung đường biên giới với Nga – những nước đã và đang dựa chủ yếu vào sự bảo đảm an ninh của NATO.

Chuyên gia cao cấp của hãng BlueBay Timothy Ash thậm ví von, Tổng thống Trump có thể trở thành "con ngựa thành Troy" của Nga trong NATO. Chuyên gia này nhận định, dường như ông Trump hài lòng với việc đàm phán về chương trình hợp tác với Nga, trong đó có mục tiêu mà ông Putin rất mong muốn: chấm dứt hoạt động của NATO và Liên minh xuyên Đại Tây Dương. Một số thông tin đăng trên trang “theatlantic.com” tuần trước cũng nhận định Tổng thống Trump có thể cam kết dừng các cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan và các quốc gia Baltic mà phía Nga đã và đang phản đối, giống như phát biểu của ông sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

NATO vốn tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay. Đối với ông Putin, chấm dứt hoạt động của NATO sẽ có ý nghĩa tương tự việc Liên bang Xô viết giải thể năm 1991 nhưng theo chiều hướng ngược lại. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là "chiến thắng hoàn toàn của Nga trước NATO".

Bên cạnh những bất đồng trong NATO, Tổng thống Trump không tìm được tiếng nói chung với nhiều lãnh đạo EU khác sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và việc Washington áp thuế đối với các sản phẩm kim loại nhập khẩu từ châu Âu.

Cho nên, bất cứ vấn đề nào phát sinh thêm nữa sẽ chỉ càng làm gia tăng hố sâu ngăn cách trong lòng liên minh giữa Mỹ với châu Âu và tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư toàn cầu. Điều mà các lãnh đạo EU lo ngại nhất liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin sắp tới chính là tính cách khó đoán định của Tổng thống Donald Trump.

Theo nhà báo François Clemenceau, cây bút của nhật báo Pháp Journal du Dimanche, việc EU và NATO suy yếu, Mỹ rút khỏi Trung Cận Đông sẽ mang lại lợi ích cho Nga.

Dù lợi ích của ông Trump và ông Putin rất khác nhau nhưng trên thực tế, hai bên đều liên tục bất đồng với sự thống nhất của EU, sự thống nhất mà tổng thống Nga coi như “một mối đe dọa”, còn với tổng thống Mỹ là “một thế lực cạnh tranh”.

Đối thoại tốt hơn là im lặng

Từ trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump nhiều lần nói trong chiến dịch tranh cử, sẽ nỗ lực thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow, một đối thủ địa chính trị của Mỹ luôn tìm cách cạnh tranh vị thế siêu cường. Các cử tri Mỹ đã hiểu được điều đó và bỏ phiếu để ông trở thành Tổng thống Mỹ với kỳ vọng một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại. Nhưng sau khi giành chiến thắng, ông Trump tỏ ra xa cách với ông Putin do các áp lực trong nước đòi điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và trong nhiều hồ sơ, Nhà Trắng có thái độ hết sức cứng rắn với chính quyền Putin, đến mức quan hệ song phương ngày càng xấu đi, điển hình là các đợt trục xuất nhân viên ngoại giao của hai nước. 

Gần đây, Nga đã ghi được "những bàn thắng" quyết định trên mặt trận Syria, mở rộng quan hệ với từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là quan hệ giữa Moscow với Bắc Kinh đang được xem là tốt đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng với Mỹ, từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ song phương lại rơi vào thời kỳ "băng giá". Với EU, sau vấn đề Crimea và miền đông Ukraine vẫn là "điểm đen” cho quan hệ giữa Moscow và Brussels. Từ năm 2014, nước Nga liên tục đối mặt với các đợt trừng phạt kinh tế của EU và Mỹ. Cuối tháng 3 vừa qua, kênh đối thoại giữa Nga với phương Tây gặp thêm sự cố sau vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Anh khi bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát hụt này. 

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp bị trì hoãn từ lâu với ông Putin sẽ là cơ hội để ông Trump tìm kiếm những đồng thuận. Đối thoại rõ ràng tốt hơn là im lặng. Cuộc gặp này được đông đảo dư luận coi là dấu hiệu chứng tỏ hai nước sẵn sàng khởi động việc hàn gắn các mối quan hệ song phương vốn đã xấu, giờ đang có chiều hướng xấu hơn.

Thực ra thì, việc tổ chức cuộc họp này đã có lợi cho cả ông Trump và ông Putin. Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách phát triển “quan hệ cá nhân” với nguyên thủ Nga, giống như điều đã làm với nhà lãnh đạo Triều Tiên, qua đó củng cố uy tín của bản thân về khả năng thiết lập các cuộc đối thoại song phương với lãnh đạo các nước bị phương Tây lên án. Tổng thống Mỹ có thể vừa tỏ ra hòa dịu với nguyên thủ Nga, với khẳng định sẵn sàng tìm cách tăng cường quan hệ nhưng mặt khác cũng có thể tỏ ra "cứng rắn" với Moscow nhằm tranh thủ tình cảm của đông đảo cử tri Mỹ.

Chờ đọc tiếp kỳ 2: Cựu điệp viên KGB gặp nhà tỷ phú: Cuộc đối đầu may rủi

Diệu An

Thế trận cờ vây của ông Trump và ông Tập Cận Bình

Thế trận cờ vây của ông Trump và ông Tập Cận Bình

Việc ông Trump sẵn sàng "đấu tay bo" với Trung Quốc đã được các công ty và người lao động Mỹ ủng hộ. Nhưng các nhà đàm phán cảnh báo rằng các cuộc thương lượng chỉ thành công nếu có chủ đích rõ ràng.

Giải Nobel cho tổng thống Trump, hay chủ tịch Kim Jong-un?

Giải Nobel cho tổng thống Trump, hay chủ tịch Kim Jong-un?

Ai sẽ được giải Nobel trong vai trò người kiến tạo hòa bình cho bán đảo Triều Tiên? Chúng ta sẽ chờ và xem liệu có một nền hòa bình để trao giải hay không đã.

Tướng Hưởng bàn về bước đi gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Tướng Hưởng bàn về bước đi gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Phải chăng động lực chính yếu của Tổng thống Trump khi đưa ra quyết định dời tào đại sứ đến Jerusalem là nhắm đến một khối cử tri đông đảo và vững chắc cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp.