- Ra lệnh một, hay hai cuộc tấn công chống các lực lượng của Tổng thống Assad, ông Trump sẽ chẳng thể thay đổi được cán cân quyền lực tại Syria, cũng như không cải thiện được vị thế của ông tại quốc gia bất ổn này, chứ chưa nói tới toàn khu vực Trung Đông.
Xem lại kỳ 1: Tấn công Syria: Tên lửa bắn đi, lấy gì hàn gắn?
Hành động nào phạm luật?
Ông Assad không nằm trong diện các đối tượng mà lưỡng viện Quốc hội Mỹ từng liệt kê trong một đạo luật sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 để cho phép sử dụng vũ lực đáp trả. Ông cũng không phải là một thành viên của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, hay của tổ chức hậu duệ IS, hai tổ chức thuộc diện đối tượng trên. Tổng thống Syria càng không phải là một phần của chính quyền cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, từng bị cáo buộc sở hữu vũ khí hóa học.
Các trợ lý thân cận nhất của ông Trump đã đưa ra những lập luận pháp lý trong nước để biện hộ cho ý định tấn công các lực lượng của ông Assad. Rằng ông Trump có quyền ra lệnh tấn công vì ông là tổng tư lệnh quân đội, thứ quyền mà ông George W. Bush cũng từng dùng tới. Nhưng lập luận này đã bị chính giới Mỹ lên án.
Tên lửa Tomahawk của Mỹ tấn công Syria tháng 4/2017 theo lệnh của Tổng thống Trump. Ảnh: CBS News. |
Thượng nghị sĩ Tim Kaine (đảng Dân chủ), thành viên Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ, bày tỏ lo ngại: “Nếu ông Trump tấn công Syria không có sự phê chuẩn của Quốc hội, thì cái gì có thể ngăn ông ấy tấn công Triều Tiên hay Iran?”
Chuyên gia luật quốc tế Mary Ellen O’Connell tại Đại học Notre Dame khẳng định: “Mỹ không có quyền đáp trả hợp pháp nếu thiếu một nghị quyết của HĐBA LHQ” tấn công Syria - thứ mà chắc chắn Mỹ không bao giờ có được một khi Nga còn là thành viên thường trực HĐBA. Chuyên gia này khẳng định: “Sử dụng vũ lực chống Syria sẽ vi phạm luật pháp quốc tế chẳng khác nào việc sử dụng vũ khí hóa học”. Sẽ là thảm họa nếu Tổng thống Trump muốn thực thi pháp luật bằng cách phá vỡ pháp luật.
Allison Murphy, cố vấn Dự án Bảo vệ Dân chủ Mỹ, nhấn mạnh: “Trong nền dân chủ Mỹ, quyền lực của Tổng tư lệnh quân đội vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp và Quốc hội, và luật pháp”. Vị cố vấn này cũng đặt câu hỏi: “Nếu chúng ta nhân nhượng cho Tổng thống Trump đơn phương quyết định tấn công Assad, liệu chúng ta có tiếp tục trao cho ông ấy quyền đơn phương tấn công Triều Tiên, hay Iran, hay thậm chí cả Pháp nếu ông muốn không?”.
Trước đây Quốc hội Mỹ cũng đã bị “phớt lờ” khi cựu Tổng thống Bill Clinton tấn công các lực lượng Serbia ở Kosovo năm 1999, hay khi cựu Tổng thống Barack Obama tấn công nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi năm 2011. Cả hai chiến dịch quân sự này đã kéo dài, tốn kém và chán nản. Chưa rõ liệu lần này, ông Trump sẽ muốn một trận “đánh nhanh thắng nhanh” hay một cuộc chiến thực sự? Nhớ rằng tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton là người không ưa gì luật pháp quốc tế và có những phát ngôn coi thường LHQ.
Cái giá phải trả
Vụ tấn công tại Douma đã trở thành cái cớ để người ta nghĩ rằng cuộc đáp trả bằng 59 tên lửa Tomahawk năm 2017 của ông Trump đã không thể cảnh cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, nếu giới chức chính quyền Tổng thống Trump “thực sự muốn răn đe, họ sẽ phải chuẩn bị cho một loạt cuộc không kích liên tục mỗi khi cáo buộc Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học”. Đâu sẽ là giới hạn cho sự can dự của Mỹ tại Syria?
Một hay nhiều căn cứ quân sự có thể bị phá hủy, nhưng chính sách nguy hiểm của ông Trump sẽ khó mà thực sự thay đổi tình hình. Sau 59 quả tên lửa Tomahawk tháng 4/2017 nã thẳng vào căn cứ quân sự al-Shayrat, giới chức Mỹ nói rằng khoảng 20% máy bay đang trong phiên chế hoạt động của Syria đã bị phá hủy hoàn toàn và đường băng tại đây bị hư hại nặng. Nhưng chỉ vài ngày sau, chính quyền địa phương tự hào tuyên bố rằng căn cứ này đã hoạt động trở lại.
Ra lệnh một, hay hai cuộc tấn công chống các lực lượng của Tổng thống Assad, ông Trump sẽ chẳng thể thay đổi được cán cân quyền lực tại Syria, cũng như không cải thiện được vị thế của ông tại quốc gia bất ổn này, chứ chưa nói tới toàn khu vực Trung Đông.
Với sự trợ giúp của Nga và Iran, ông Assad và các lực lượng của mình đã giải phóng được nhiều vùng ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus sau nhiều tháng nơi này bị bao vây và đổ máu. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất kể từ khi quân chính phủ Syria giành lại Aleppo cách đây gần 18 tháng. Hiện chính quyền đang kiểm soát hầu hết các thành phố trên cả nước, vị thế của ông Assad đang rất mạnh, như khi ông mới bắt đầu cuộc chiến năm 2011.
Frederic Hof, một cựu cố vấn của Nhà Trắng về Syria dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và từng làm việc về các vấn đề khu vực này dưới thời các chính quyền Reagan và Georges H.W.Bush, cảnh báo nếu vụ tấn công tên lửa đáp trả năm 2017 không đủ để răn đe ông Assad, thì việc lặp lại kịch bản cũ, dù có sự góp sức của các đồng minh, cũng khó lòng gửi đi được thông điệp gì.
Theo ông Hof, bất cứ chiến dịch tấn công nào cũng đều phải đối mặt với nguy cơ, vì các lực lượng của ông Assad đang phối hợp rất chặt chẽ với binh sĩ và nhiều căn cứ của Nga và Iran. Việc phá hủy bất cứ mục tiêu nào, ngay cả căn cứ không quân Hmeimim ở Tây Bắc Syria, hay tổng hành dinh của quân đội chính phủ Syria, cũng sẽ không thể ngăn ông Assad nắm quyền. Vì ông đã gần như đánh bại mọi nhóm nổi dậy liên hệ với IS.
Cái giá phải trả về nhân đạo đã vượt ngoài mọi sự tưởng tượng sau 7 năm chiến tranh ác liệt tại Syria. Đó không chỉ là sự khủng khiếp của khí độc. Ghouta chẳng hạn, cũng như Aleppo trước đó, đều đang trong tình trạng bị phong tỏa. Đồ ăn cơ bản nhất và thuốc men đều ở ngoài tầm với của người dân. Trẻ em chết đói theo đúng nghĩa đen. Đó là chưa kể tới những người Syria phải đi sơ tán hay tị nạn. Hơn một nửa dân số nước này đã trở thành người vô gia cư vì chiến tranh và không ai biết tương lai của họ sẽ thế nào.
Ông Trump nói về kế hoạch đáp trả bằng quân sự rằng: “Đây là vì nhân loại”. Nhưng thay vì một sự răn đe thực sự cho các vụ tấn công hóa học trong tương lai, có một giải pháp nào khác không dùng hỏa lực và ít gây thương vong hơn không? Đó mới thực sự là “vì nhân loại”.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng tính đến chuyện tấn công đáp trả các lực lượng của ông Assad sau một vụ tấn công bằng pháo chứa đầy chất độc sarin vào các khu vực phiến quân kiểm soát gần Damascus tháng 8/2013, làm hơn 1.000 người thiệt mạng. Nhưng ông Obama đã “phanh” lại kịp thời và đạt một thỏa thuận do Nga thúc đẩy, theo đó chính quyền Syria giao toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình cho LHQ tiêu hủy. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết hơn 95% kho vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy theo thỏa thuận này.
Liệu còn một “cánh cửa hẹp” nào cho tình huống hiện nay không? Mỹ và Nga hãy nỗ lực hàn gắn vết thương tại Syria. Giờ không phải là lúc để đánh nhau, mà là lúc để hàn gắn các vết thương trong khu vực./.
Diệu An
“Bàn cờ Syria” luôn được các đại cường xáo bài chia lại?
Ông Putin hiện vừa phải đương đầu với các thực tế phức tạp ở Trung Đông nói chung, vừa phải duy trì hình ảnh là kẻ mạnh trong cách ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyện Syria, nếu buông Nga sẽ trắng tay
Syria có vị trí địa-chính trị đặc biệt quan trọng. Vị trí nóng bỏng này là nơi Nga không thể bỏ, vì nếu buông sẽ là thảm họa, chính quyền Assad sụp đổ cũng là thảm họa, người Nga sẽ trắng tay.
Số phận Assad quyết định tương lai xung đột Syria
Phần lớn thế giới đều đồng ý rằng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) phải bị tiêu diệt. Nhưng đạt được điều đó bằng cách nào và liệu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có giúp thúc đẩy hay cản trở tiến trình này?
Tương lai cho Syria đã được quyết định?
Rất có thể Mỹ sẽ hợp tác cùng Đại hội đồng với những cam kết hòa bình và bền vững cho vấn đề Syria. Đâu là giải pháp thật sự hiệu quả cho tương lai Syria?
Syria: Mỹ ra 'đòn gió' để đánh chớp nhoáng?
Phải chăng đây là "đòn gió" của Tổng thống Barack Obama? Hay sự trì hoãn này đang báo hiệu một cuộc chiến "chớp nhoáng" trong thời gian tới?
Syria: Can thiệp nhân đạo hay học thuyết trách nhiệm?
Cơ sở pháp lý duy nhất cho bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào vào Syria là một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.