- Thế giới đã có nhiều bài học cay đắng đối với các trường hợp đưa sự xô bồ vào chốn tôn nghiêm.
Xem lại kỳ 1: Hồ Gươm bị phá hỏng rồi, liệu có phục hồi nguyên trạng được không?
Sai lầm thứ Tư: Đặt tuyến tàu điện ngầm xuyên qua khu vực di sản, tác động trực tiếp vào di sản là sai lầm chưa có tiền lệ.
Qua nghiên cứu khảo sát các quốc gia phát triển, dễ dàng nhận thấy không có quốc gia nào đặt tuyến tàu điện ngầm đi xuyên qua khu vực di sản cảnh quan văn hóa. Tuyến metro luôn được lựa chọn xây dựng đi bao quanh hoặc cạnh biên, với khoảng cách tối thiểu từ các nhà ga đến khu vực di sản cảnh quan từ 250 - 600 mét.
Cụ thể, ở Washington D.C., Mỹ, các tuyến tàu điện ngầm có xu hướng bao quanh khu vực di sản, với khoảng cách ngắn nhất trong toàn thành phố là 315 mét. Khu National Mall có tuyến tàu điện ngầm đi vòng qua khu vực tưởng niệm để tạo cơ hội cho khách du lịch đi bộ và tham quan tất cả các địa điểm quan trọng khi đi từ nhà ga này sang nhà ga khác.
Số liệu tương tự ở Seoul là 500 mét, và ở Bắc Kinh là 490 mét.
Tại Nhật Bản, các tuyến tàu điện ngầm có xu hướng đi cận biên với khu di sản mở rộng, với khoảng cách ngắn nhất giữa nhà ga và di sản ở Kyoto là 470 mét và ở Tokyo là 494 mét. Chùa Vàng (Kinkaku-jii/ khoảng 1.360m) và chùa Bạc (Ginkaku-jii/ khoảng 1.700m) đều có ga tàu điện ngầm nằm song song và cách một khoảng cách vừa đủ để không gây ảnh hưởng tới sự thanh tịnh của những ngôi chùa.
Việc tạo khoảng cách nhất định đối với khu vực di sản có nhiều nguyên nhân, mà trong đó có mối e ngại phá vỡ cảnh quan và thay đổi không gian văn hóa.
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ được biết đến với tư cách một di tích quốc gia đặc biệt cùng với Đền Ngọc Sơn, mà sâu trong tiềm thức của người dân và các chuyên gia, nơi đây là một di sản cảnh quan-văn hóa vật thể và phi vật thể, một không gian phức hợp toàn vẹn bao gồm rất nhiều yếu tố lịch sử, xã hội, tinh thần mà khó có thể đong đếm và bảo vệ hết trước sức ép phát triển và xây dựng.
Sai lầm thứ Năm: Tác động vật lý tiêu cực, nguy cơ sụt lún không chỉ trước mắt (khi xây dựng) mà còn lâu dài (khi vận hành)
Tuyến metro đi dưới nền Đền Bà Kiệu, cách tháp Bút 8,2 m (tính đến tâm tháp, với khoảng cáchtới chân móng tháp chỉ có 1m) với chiều sâu 12,315 m.
Một khoảng cách rất gần trong thực tế. Nguy cơ sụt lún khi xây dựng và vận hành (rung lắc thường xuyên) là rất cao; Nguy cơ xảy ra các sự cố khi xây dựng các công trình tuyến tầu điện ngầm tới các công trình phía trên và lòng Hồ Gươm là rất cao; Không cơ sở khoa học hay thực tiễn nào có thể biện hộ cho điều này; Không có cá nhân, tổ chức nào có thể đứng ra bảo đảm cho sự an toàn tuyệt đối khi xây dựng và vận hành.
Tác hại môi trường về mặt địa chất, thủy văn gây ra bởi việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm tới các khu vực xung quanh nhiều khi chưa được đánh giá đúng mức, và do đó gây ra những hậu quả không thể vãn hồi. Thảm kịch năm 2009 của Thư viện lịch sử Cologne, một trong những thư viện lịch sử lớn nhất Châu Âu, được xây dựng từ thế kỷ 14, là một trường hợp như vậy.
Vào một ngày đẹp trời, người ta thấy tòa thư viện cổ bỗng nhiên biến mất, chỉ còn lại một hố sâu hun hút 30 mét. Tòa nhà bị sập do sạt lở đất từ tác động của tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng, kéo theo hai tòa nhà bên cạnh. Hai người chết, tổn thất 1,2 tỷ euro. Trên hết, thiệt hại về giá trị lịch sử và niềm tin là không thể đong đếm.
Đây không phải một trường hợp ngoại lệ. Người dân vốn đang sinh sống tại các tòa nhà lịch sử gần ga Vijzelgracht, Amsterdam cũng phải ra đường với nguyên nhân tương tự. Cả ở Cologne và Amsterdam, việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm dưới khu vực mật độ dân cư dày đặc bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến những thảm họa nêu trên. (Trích tờ Spiegel)[3].
Năng lực về mặt kỹ thuật của người Đức và người Hà Lan vốn luôn được đánh giá nằm trong top tốt nhất thế giới, vậy mà vẫn không thể đảm bảo an toàn cho những di tích quan trọng nằm trên chính đất nước họ. Ai có thể đảm bảo tuyệt đối về tương lai của Đền Bà Kiệu, Tháp Bút, và toàn bộ các khu vực thuộc di sản Hồ Gươm mà tuyến tàu điện ngầm sẽ đi qua?
Sai lầm thứ Sáu: Vi phạm Luật di sản (Việt Nam) và các công ước quốc tế về bảo tồn tính toàn vẹn của các yếu tố gốc
Như đã đề cập ở trên (Tác động vật lý), xây dựng ga tàu điện ngầm sẽ đe dọa tới lòng hồ Gươm và Đền Bà Kiệu, Tháp Bútvốn nằm trong “Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng” - theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009.
Sẽ có biện luận (ngụy biện) rằng tuyến metro ngầm không vi phạm khu vực bảo vệ I (di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm);
Tuy nhiên, nếu xác định khu vực bảo vệ I của di tích chỉ thuộc trong lòng hồ thì đây sẽ là sai lầm kép của cả cơ quan quản lý di sản và cơ quan chủ đầu tư dự án; Kể cả với biện luận như vậy thì việc xâm hại vàovùng lõi (khu vực bảo vệ I) 2 di tích là Tháp Bút và Đền Bà Kiệu là không thể chối cãi như đã nêu tại sai lầm số 5.
Như vậy, tính toàn vẹn của các yếu tố gốc, là các yếu tố “có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” đang đối diện với nguy cơ bị xâm hại. Tuyến tàu điện ngầm và nhà ga C9 sẽ tác động thô bạo lên các di tích khu vực Hồ Gươm và phụ cận trên cả 2 phương diện di sản vật thể (nền móng của di tích kiến trúc) và phi vật thể (không gian văn hóa).
Giá trị nổi bật của Hồ Gươm là một “không gian văn hóa” gắn liền với “các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng”, hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể theo Điều 1, Khoản 2 - Công ước quốc tế Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Vì lẽ đó, ranh giới cần bảo vệ chỉ gói gọn trong khu vực di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn và di tích quốc gia Đền Bà Kiệu là đã bỏ qua hoàn toàn không gian di sản phi vật thể quan trọng xung quanh.
Xây dựng ga tàu điện ngầm tại khu vực di sản là không phù hợp với quy định “Việc bảo vệ và bảo tồn dài hạn văn hóa - tập quán, các địa điểm di sản, những bộ sưu tập, tính toàn vẹn về vật thể, sinh thái, và bối cảnh môi trường của chúng, phải là một thành phần tất yếu trong các chính sách phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hóa và du lịch.” (Công ước quốc tế về du lịch văn hóa 1999).
Nhà ga tàu điện ngầm, tương tự như tòa nhà tai tiếng Hàm Cá Mập, có thiết kế và chức năng thiếu phù hợp sẽ không thể hòa nhập, phá vỡ tính toàn vẹn và sự tôn nghiêm của không gian di sản hiện hữu.
Sai lầm thứ Bảy: Việc lựa chọn hướng tuyến tàu điện ngầm và vị trí nhà ga C9 rất thiếu thận trọng, thiếu nghiêm túc và nghiêm cẩn
Đề xuất và lựa chọn phương án hướng tuyến tàu điện ngầm (xuyên qua khu vực Phố cổ và hồ Gươm) và vị trí nhà ga C9 tại khu vực trước đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu là thiếu đánh giá tác động về văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật và môi trường; thiếu điều tra xã hội học.
Đồng thời, việc lấy ý kiến nhân dân có biểu hiện chỉ lấy cho phải phép, không thực chất. Trên phiếu không hỏi xem vị trí tuyến metro và nhà ga C9 có hợp lý không, các câu hỏi theo cách ván đã đóng thuyền.
Trên thế giới cũng đã có nhiều bài học cay đắng đối với các trường hợp tương tự. Gần đây Pakistan đã tiến hành xây dựng một tuyến tàu thuộc hệ thống Lahore Metro.
Dự án công khaivi phạm luật di sản của Pakistan: cấm xây dựng trong phạm vi 60 mét đối với địa điểm di sản. Để né tránh điều luật trên, chính phủ đã cho phá hủy một ngồi đền Jain có niên đại hàng thế kỷ.
Các nhà chuyên môn dự báo hoạt động tương lai của tuyến tàu này cũng sẽ đe dọa tới 11 di sản khác, trong đó có Di sản thế giới UNESCO Vườn Shalimar. Chính phủ Pakistan đã bỏ ngoài tai sự phản đối của hội đồng thành phố, người dân thành phố Lahore và các nhà chuyên môn trong và ngoài nước để tiếp tục dự án nhằm giữ mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia đã cho chính quyền Pakistan vay 1,6 tỉ đô la Mỹ cho dự án này. Ủy ban Nhân quyền Pakistan đã chỉ trích hành động của chính quyền là “tấn công quyền cơ bản của con người: được bảo vệ di sản của họ” (Indian Express)[4].
Chính người Nhật[5] cũng đã phạm sai lầm khi xây dựng tuyến tàu đi qua khu di tích cung điện Heijo ở Nara do thiếu kỹ lưỡng trong nghiên cứu về di sản khảo cổ học và để kinh tế lấn át văn hóa. Thống đốc tỉnh Nara, Shogo Arai, đã đưa ra quyết định di dời tuyến tàu ra khỏi khu vực.
Ngay cả người Nhật cũng đã thừa nhận sai lầm và sửa sai, vậy thì tại sao chúng ta không xem xét dự án này ngay từ khi nó còn chưa thực hiện, và tìm ra phương án đúng đắn nhất để không phải hối hận trong tương lai?
Sai lầm thứ Tám: Tác động tiêu cực toàn diện về vấn đề tâm linh
Khu vực Hồ Gươm là nơi thiêng liêng, là trái tim của Hà Nội và Việt Nam; Vì vậy, tác động tâm linh là vô cùng to lớn đến tinh thần của nhân dân, sự ổn định của dân tộc;
Trên trái đất này có nơi nào, quốc gia nào đưa sự xô bồ vào chốn tôn nghiêm như thế hay không?
Vậy, ai sẽ trả lời cho chúng ta, cam kết cho chúng ta về sự vô hại về mặt tâm linh, tinh thần và văn hóa sau 8 sai lầm nêu trên?
Chúng tôi nhớ lại đúc kết của GS. Richard Gombrich (Oxford University)[6]: “Điều quan trọng nhất trong giáo lý của Đạo Phật và cũng là sự khác biệt rõ ràng với các tôn giáo khác là Đức Phật dạy rằng: Mỗi chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình và tự cứu độ lấy chính chúng ta. Không một ai khác có thể chịu trách nhiệm thay.”
Kiến nghị
1. Có những sai lầm có thể sửa chữa, có những sai lầm không bao giờ cứu vãn được, để lại di chứng cho muôn đời sau: tuyến metro (xuyên qua khu vực phố cổ và hồ Gươm) và vị trí nhà ga C9 tại khu vực trước đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu là một trong số những sai lầm đó. Cần phải thay đổi một cách toàn diện.
2. Người Việt Nam sẽ phải tự giải quyết vấn đề của người Việt Nam, lựa chọn là quyền của người dân chúng ta. Đề nghị các cơ quan hữu quan cần có trưng cầu dân ý (hoặc cách làm tương đương), tư vấn phản biện độc lập, nghiêm túc về dự án này;
3. Đề nghị cho nghiên cứu các phương án có tuyến metro không xuyên qua khu vực Phố cổ - Hồ Gươm; Nhà ga C9 cần phải được đặt cách trung tâm Hồ Gươm từ 250 – 600 m (từ 2-5 phút đi bộ) theo các chuẩn mực quốc tế nhằm khắc phục 08 bất cập nói trên.
Phương Lê
---
[1]http://vietnamtourism.gov. vn/index.php/items/24357
[2]https://www.nytimes.com/ 2018/02/20/nyregion/subway- delays-overcrowding.html
[3]http://www.spiegel.de/ international/europe/subway- headaches-amsterdam-metro- line-sinks-deeper-into- trouble-a-617894.html
[4]http://indianexpress.com/ article/world/world-news/ historic-jain-temple- demolished-in-lahore/
[5]Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết hiệp định vay vốn (VNXVI-1)ngày 31/3/2009 để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (Đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Tuyến 2). Nguồn: http://hanoimetro.net.vn
[6]Bảy kỳ quan thế giới Phật giáo - Phim tài liệu của BBC
Hồ Gươm bị phá hỏng rồi, liệu có phục hồi nguyên trạng được không?
Tuyến metro xuyên qua khu vực phố cổ, Hồ Gươm có thể sẽ là một trong số những sai lầm? Nếu thế, thiệt hại về giá trị lịch sử và niềm tin là không thể đong đếm.
Xây ga ngầm cạnh hồ Gươm: 90% phiếu đồng tình
Trong số gần 1.800 người dân tham gia góp ý, có 90% đồng tình việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm.
Bài 1: Tại sao phải đặt ga bên cạnh Hồ Gươm?
Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội trưng bày, lấy ý kiến nhân dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Theo quy hoạch, ga ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Gươm.
Nhà sử học Lê Văn Lan: Ga ngầm cạnh hồ Gươm là nhạy cảm
Nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và người dân ngay trong ngày đầu tiên trưng bày quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Ga hồ Gươm.
Hà Nội lấy ý kiến dân xây ga tàu điện ngầm hồ Gươm
Người dân sẽ cho ý kiến vào phiếu đóng góp về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 - Ga hồ Gươm.