“Song hành cùng cả nước” có nghĩa là mình không thể tách thành phố thành ốc đảo riêng nhưng không có nghĩa thành phố phải dàn hàng ngang làm những việc giống như các tỉnh thành còn lại”.

LTS:  Kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2016), thành phố Hồ Chí Minh đang được tiếp sức với một luồng sinh khí mới sau phát biểu của Bí thư Đinh La Thăng về định hướng phát triển hướng tới vị trí số 1.

Nhân dịp này, Tuần Việt Nam/Báo VietNamNet có cuộc tọa đàm với ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó Bí thư thành ủy, phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, nguyên tổng biên tập báo Người Lao Động và PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM. Dưới đây là Phần 2 cuộc tọa đàm.

Phần 1: Bí thư cũng phải lặn lội chạy ăn từng bữa
Phần 3: Đầu tàu áp cơ chế như toa tàu thì dễ mắc kẹt

{keywords}

Các vị khách mời trong buổi tọa đàm, từ trái qua phải: ông Võ Chí Hảo, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, ông Phạm Chánh Trực. Ảnh: VietNamNet

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông Võ Trí Hảo, nhiều vị lãnh đạo thành phố trong các nhiệm kỳ gần đây đã đề xuất mô hình  chính quyền mới cho thành phố. Liệu mô hình chính quyền đô thị như trong đề án có thể giúp thành phố tăng tốc, giành lại ngôi vị số 1 được hay không? Từ góc độ pháp luật, ông có thể phân tích những lợi ích mang lại từ đề xuất đó thế nào?

PGS – TS. Võ Trí Hảo: Theo tôi tất cả chính quyền đô thị chứ không riêng gì TP. Hồ Chí Minh đều cần một mô hình khác biệt so với chính quyền nông thôn. Đó là điều hiển nhiên.

Bởi vì, chính quyền đô thị có hai cái đặc thù khác xa với chính quyền làng xã.

Thứ nhất, khoảng cách từ nơi cư trú của nông dân tới trụ sở chính quyền không xa như là ở Sơn La, Lai Châu. Ở chính quyền nông thôn người ta cần chính quyền nhiều cấp, để đảm bảo khoảng cách từ bản làng tới xã, phường, tới huyện, tới tỉnh không quá xa. Ví dụ ở Sơn La từ nơi cư dân cư trú từ bản tới trụ sở xã 22km, tới trụ sở huyện 60km đường rừng, thì nếu chúng ta gộp nó lại thì cư dân không thể nào tiếp cận được chính quyền.

Nhưng chính quyền đô thị như ở thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác thì không như vậy vì không gian sinh sống hẹp hơn. Khoảng cách từ người dân tới phường, tới quận, tới thành phố khá gần.

Thứ hai, cho dù gọi là quận, phường hay là gì đó nhưng mà rõ ràng cộng đồng cư trú của chính quyền đô thị là một cái cộng đồng thống nhất. Ở nông thôn không như vậy. Vì áp dụng máy móc cái mô hình chính quyền nông thôn vào trong chính quyền đô thị nên mới có chuyện một cư dân sinh sống tại Q.1 và đối diện với nhà họ là bên kia đường, cách 30m là một cái trường học nhưng thuộc Q.3. Con em họ không được qua trường cách 30 m học vì khác quận!

{keywords}
Ông Võ Trí Hảo. Ảnh: VietnamNet

Nhà báo Duy Chiến: Mô hình chính quyền đô thị như ông vừa đề cập sẽ giúp thành phố cải thiện được những vấn đề cụ thể gì?

PGS – TS. Võ Trí Hảo: Trong bối cảnh không gian cư trú như tôi vừa dẫn ví dụ thì tốt nhất nên giảm bớt các cấp chính quyền. Giảm bớt ở đây có hai nghĩa: Số lượng thủ tục hành chính sẽ giảm theo. Ví dụ như hiện nay ai đó trong thành phố muốn bán một mảnh đất. Điều phải làm trước tiên là họ phải mang ra tổ dân phố xin xác nhận không có tranh chấp, rồi lên đến phường, lên đến quận… cũng chỉ để xác nhận có vậy. Thế thì tại sao chúng ta không tập trung lại xác nhận tại một cơ quan thôi.

Và, việc có quá nhiều cấp chính quyền ắt có hiện tượng “đá bóng trách nhiệm” lẫn nhau. Không ít trường hợp “quả bóng đá đi đá lại” cái này lỗi tại phường, trong khi phường thì bảo không phải.

Giảm bớt các cấp chính quyền còn đem lại cái lợi nữa là để bảo đảm trách nhiệm minh bạch và giải trình, gần gũi với dân hơn.

Từ thực tế tại thành phố, tôi cho rằng chính quyền đô thị là mô hình phù hợp. Với mô hình này, người dân sẽ trực tiếp bầu thị trưởng, cảnh sát trưởng. Sẽ giảm thiểu được những chuyện như vừa xảy ra với quán Xin Chào.

Vấn đề thứ ba là chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố tự chủ về tài chính. Ví dụ, thay vì chờ phân bổ từ Trung ương, thành phố có thể chủ động trả lương cao hơn cho cảnh sát, thay vì phải tuyển dân phòng. Chắc chắn một viên cảnh sát mẫn cán tốt hơn nhiều dân phòng.

{keywords}

Những vùng đầm lầy kênh rạch xưa  nay đã trở thành những khu đô thị hiện đại. Ảnh: Kim Chi/ Vietnamplus

Nhà báo Duy Chiến: Nếu TP.HCM có cơ chế riêng theo mô hình chính quyền đô thị thì liệu có ảnh hưởng đến một trong những tố chất của thành phố là song hành, chia sẻ “cùng cả nước, vì cả nước” thế nào?

PGS – TS. Võ Trí Hảo: Theo tôi, TP. HCM chưa bao giờ thôi chia sẻ, thôi song hành cùng cả nước.  Tôi nghĩ “song hành cùng cả nước” có nghĩa là mình không thể tách thành phố thành ốc đảo riêng nhưng không có nghĩa thành phố cũng phải  dàn hàng ngang làm những việc giống như các tỉnh thành còn lại.

Mỗi một tỉnh thành đều có lợi thế riêng, đặc thù riêng, vai trò riêng để đưa cả đất nước lớn lên chứ không phải cùng dàn hàng ngang. Thành phố Hồ Chí Minh cần được xem, cần được đối xử như một đầu tàu kinh tế của cả nước. Đầu tàu và toa tàu chuyển động cùng tốc độ nhưng vai trò thì khác nhau rất xa. Do vậy chúng ta phải thiết kế đầu tàu khác với cái toa tàu. Đừng có áp đặt tư duy, chức năng của  toa tàu áp đặt cho đầu tàu.

Theo nguyên lý kỹ thuật, để cho cỗ máy chuyển động nhanh thì phải bơm dầu vào chỗ đầu tàu. Ví dụ cùng là hàng nghìn tỷ đồng, nếu đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh có thể tạo ra cầu, đường xá, cải tạo kênh Nhiêu Lộc, đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp. Nhưng mấy nghìn tỷ đó nếu đầu tư vào những tỉnh thành không có khả năng hập thụ sẽ giống như chúng ta bơm dầu vào các toa tàu. Và như thế thì thay vì thành đường xá, hạ tầng sẽ dễ bị biến thành tượng đài, quảng trường. Rất lãng phí mà không mang lại tăng trưởng, không mang lại phúc lợi cho người dân.

TP. HCM tạo ra một nguồn thu ngân sách lớn và luôn đóng vượt ngân sách cho Trung ương. Trung ương sẽ dùng khoản đóng góp đó để điều phối, bổ sung vào phúc lợi xã hội cho các tỉnh nghèo. Như vậy, thành phố luôn luôn “vì cả nước, cùng cả nước”.  Chỉ có điều đừng có bắt TP cũng phải làm giống y chang như các tỉnh thành, đừng có bắt TP. Hồ Chí Minh phải dàn hàng ngang mà đi.

Một khi đầu máy không chuyển động lên phía trước được thì cả toa tàu sẽ chỉ đứng yên. Đó là qui luật.

Nhà báo Duy Chiến: Có ý kiến mở ra rằng, có thể áp dụng mô hình đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến hay Thượng Hải với thành phố Hồ Chí Minh.  Thưa ông Phạm Chánh Trực, từng phụ trách phát triển các khu chế xuất, khu công nghệ cao, ông chia sẻ gì với ý tưởng này?

Ông Phạm Chánh Trực: Đặc khu kinh tế cũng là một cái mô hình phát triển.  Nhưng ý tưởng xây dựng TP. HCM như một đặc khu kinh tế thì cần phải nghiên cứu thêm. Có rất nhiều mô hình để chúng ta tham khảo.  Có lẽ là thời gian sắp tới chúng ta sẽ trở lại cái vấn đề này sau khi tôi được nghe cái ý kiến cụ thể của các đồng chí lãnh đạo thành phố.

Còn tiếp

Tuần Việt Nam/ Báo VietnamNet

* Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ
* Nuôi hận thù, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai
* Cùng một dân tộc, hà cớ gì không thể hòa hợp
* Hòn ngọc Viễn Đông trong hành trình giành lại ngôi số 1