- Hầu hết cơ quan quản lý đều thờ ơ, lảng tránh, đôi khi giới chức còn thiếu hiểu biết với nghệ thuật này. Cơ quan quản lý lấy lý do nghệ thuật này còn đang gây tranh cãi để từ chối khéo.

Tiếp mạch bài về nghệ thuật đương đại (NTĐĐ), VietNamNet có buổi trò chuyện cùng họa sĩ Đào Anh Khánh, người đã hơn chục năm theo đuổi nghệ thuật đương đại và cũng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang nhưng cũng không ít cuộc trình diễn gây tranh cãi.

Nữ nghệ sĩ Đoàn Minh Hoàn nằm xuống đường diễn cùng Đào Anh Khánh trong màn trình diễn gây chú ý hôm 2/3 vừa qua tại bãi giữa sông Hồng.
Môi trường văn hóa Việt trì trệ, lôi thôi

Tại sao anh lại chọn nghệ thuật đương đại?

Tôi đã theo đuổi NTĐĐ hàng chục năm nay bởi đơn giản tôi thấy nó là mảnh đất hứa, mảnh đất mới màu mỡ chưa mấy ai đặt chân. 

Vào những năm cuối thế kỷ 20, tôi còn chưa biết đến cái tên thuật ngữ nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) là gì, thì những thực hành nghệ thuật mang tính tự phát của tôi và một vài nghệ sĩ khác đặt ra trước mắt tôi sự hấp dẫn về một mảnh đất mới lạ. Tôi tiếp cận nó mà không hề bị mặc cảm đúng - sai và cũng chẳng có nghệ sĩ nào phê phán nghệ sĩ nào vì tất cả đều là bắt đầu.

Một vài cuộc trình diễn mang tính tụ tập có sự chứng kiến của một số khán giả đã gây kích thích cho họ bởi những tiếng nói mới, ngôn ngữ mới, không gian mới... tất cả đề rất giản dị nhưng lôi cuốn. 

Năm 1994 tôi bước chân tới Paris để triển lãm tranh, tôi được tiếp cận với nhiều tác phẩm với những ngôn ngữ nghệ thuật mới mà tôi chưa biết đó là loại hình gì, sau này tôi mới biết đó là tác phẩm sắp đặt, video art, trình diễn...

Khi trở về nước, tôi hiểu rằng mình đang sống trong một môi trường văn hóa đang còn rất hạn hẹp, trì trệ và lôi thôi. Niềm đam mê nghệ thuật đã thôi thúc tôi, tôi muốn đem nghệ thuật tới gần hơn với công chúng.

Hình ảnh trong Nhật thực 3, một sự kiện nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Đào Anh Khánh

Các buổi trình diễn các tác phẩm nghệ thuật đương đại của anh được người nước ngoài hay người Việt đón nhận nhiều? Tại sao?

Cả người Việt và người nước ngoài đều đón nhận những tác phẩm của tôi. Trước tiên là bởi tính hấp dẫn của nó, bởi sự xuất hiện và biết kết hợp hiệu quả của một loạt những ngôn ngữ khác nhau của nghệ thuật đương đại. Tự sắp đặt, trình diễn, chuyển động, múa, âm nhạc... nó đều mới mẻ cả về hình thức lẫn cách thể hiện. Chất liệu tôi chọn thường rất đơn giản như tre, giấy, ni lông, phế thải trong đời sống... Tôi thường sử dụng những người dân tộc, nông dân, những người không chuyên hoặc chưa từng biểu diễn để đưa họ vào cuộc trình diễn mà vẫn gây được hiệu quả mới...

Công chúng ở đâu cũng vậy, họ đều có nhu cầu được nhìn thấy cái mới. Thực tế đã có hàng nghìn khán giả Việt Nam đến xem buổi trình diễn của tôi và lúc ra về họ bàng hoàng nhận ra: "À có một loại hình nghệ thuật như thế".

Cơ quan quản lý thờ ơ, bảo thủ

Được công chúng đón nhận nồng nhiệt là vậy nhưng vì sao nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vẫn còn đang gây tranh cãi và chưa phát triển?

Gây tranh cãi là yếu tố gần như bắt buộc và đương nhiên của bất cứ loại hình nghệ thuật nào mới xuất hiện, sự tranh cãi đó sẽ giúp cho nghệ thuật ấy tự khẳng định vị thế của mình. Càng những cuộc cách mạng lớn càng gây tranh cãi nhiều, NTĐĐ chắc chắn nằm trong cái mới ấy. 

Hầu hết cơ quan quản lý đều thờ ơ, lảng tránh, đôi khi những giới chức còn thiếu hiểu biết, bảo thủ với nghệ thuật này. Chưa có một sự hỗ trợ nào cho loại hình này phát triển mà hầu như cơ quan quản lý lấy lý do nghệ thuật này còn đang gây tranh cãi để từ chối khéo. Việc cấp phép biểu diễn còn rất khó khăn, đôi khi những nhà quản lý lại loại ra những tác phẩm mà lẽ ra nó nên đến với công chúng. Tôi nghĩ đây là cái then cài đã đến lúc cần phải cởi bỏ...

Một số nghệ sĩ có tâm lý đến với nghệ thuật vì những lợi ích trước mắt mà nó đem lại mà không vì tình yêu. Ý thức cộng đồng trong sáng tạo nghệ thuật ở nghệ sĩ VN còn thấp nên các hoạt động dễ bị nhỏ lẻ, không hỗ trợ được nhau. Những ám ảnh về quá khứ còn nặng nề, không dám thay đổi mình, sợ phiêu lưu, sợ thử nghiệm chính mình, sợ dư luận...

Có không ít nghệ sĩ đã đi vào thực hiện một số tác phẩm NTĐĐ nhưng do hiểu biết còn hạn chế, đôi khi lại quá cực đoan, cứng nhắc trong quan niệm nên tác phẩm của họ chỉ đơn thuần là những ý tưởng khô cứng, thiếu sức hấp dẫn lôi cuốn mọi người...nên khán giả đi vào quên lãng và "tụt hứng" với loại hình nghệ thuật này.

Thêm nữa, hầu như các tác phẩm này không mang tính thương mại, không kiếm được tiền nên nghệ sĩ phải làm việc khác để bù đắp vào các khoản chi cho nghệ thuật này. Nên nghệ thuật đương đại rơi vào cảnh "không có thực sao vực được đạo". 

Tác phẩm khác của Đào Anh Khánh trong Đáo xuân 7.

Nhiều người cho rằng các tác phẩm NTĐĐ rất quái và khó hiểu. Mỗi người lại hiểu theo một cách khác nhau khi xem tác phẩm. Chính vì vậy nhiều họa sĩ đã dựa vào điều này để PR tên tuổi, đưa những thứ chưa phải là nghệ thuật đến với công chúng. Anh có đồng ý với điều này?

NTĐĐ cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác. Người nghệ sĩ phải có cái riêng của mình. Tác phẩm "quái", khác người về bản chất cũng chỉ là để tạo sự cá biệt. Cái quái, cái khác người cũng là một yếu tố kích thích sự sáng tạo, phát triển tư duy nghệ thuật, nó không có gì xấu cả nhưng nó không phải là mục đích duy nhất và cuối cùng của nghệ thuật.

NTĐĐ gây khó hiểu cho mọi người là điều tất nhiên vì nó là cái mới, khán giả cần cả một chặng đường để tiếp cận nó. Tôi nghĩ người nào mạo hiểm làm tác phẩm chỉ tạo ra kỳ quái, khó hiểu nhằm đánh bóng tên tuổi mà không hướng tới nghệ thuật để lòe khán giả thì trước sau, công chúng hiểu biết sẽ nhận ra.

NTĐĐ VN chưa có nhiều tác phẩm tham gia vào festival đương đại thế giới có phải vì nghệ sĩ VN chưa thực sự giỏi?

So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc các nghệ sĩ VN có mặt trong các festival NTĐĐ quốc tế còn quá ít. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của các tác phẩm mà nghệ sĩ VN mang lại là không nhỏ.  

Bài cuối: Sản phẩm kém chất lượng, đội lốt nghệ thuật đương đại

Tình Lê