- Hồ Quang Lợi mới tặng tôi cuốn sách của anh - "Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc", một tác phẩm mà tôi đã nhận thấy giá trị sáng giá từ khi đọc bản thảo. Tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà chính tác giả Hồ Quang Lợi đã lướt trên ngọn sóng thời cuộc ấy.

TIN BÀI KHÁC


Lịch sử là một dòng sông. Thời cuộc trong tập sách ta đang cầm chỉ là một khúc ngắn của dòng sông chảy dài vô tận. Khúc sông ngắn này gồm 22 bến nước, lại chứng kiến các sự kiện vô cùng phong phú và đa diện diễn ra theo từng đợt sóng.

Hồ Quang Lợi ngồi phía đầu thuyền, lướt trên những ngọn sóng. Đây là một bức tranh rất đẹp trong cuộc đời anh. Đấy cũng là cảm giác của Cao Bá Quát ngày xưa khi ông cùng phái đoàn nước Đại Nam vượt bể ra nước ngoài. Người Phú Thị, Gia Lâm, nhà văn hoá, thi tài thế kỷ XIX Cao Bá Quát được tôn vinh như một vị thánh của đất Thăng Long. Năm 1843, Cao Bá Quát (1809 -1855), đại thi hào của dân tộc từng theo tàu Phấn Bằng, đi sứ sang Giang Lưu Ba (Indonesia) 1 năm.
Ngồi ở mũi thuyền lướt trên những ngọn sóng, Cao Bá Quát đã viết: “Có ai học được nét vẽ của Tôn Vị ngày xưa để thử vẽ cảnh hùng vĩ này của một chàng ngâm thơ trên đầu ngọn sóng”.

Hồ Quang Lợi không ngâm thơ trên đầu ngọn sóng, nhưng chắc hẳn cũng mang cảm giác nói trên của Cao Bá Quát, nhà thơ lớn của nước ta.

Với ý tưởng này, tôi bắt đầu đọc bản thảo của Hồ Quang Lợi.

Bìa sách Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (Thiết kế: Vũ Bích Vân)

Hồ Quang Lợi là nhà báo và  nhà văn

Trước hết anh là người mà từ bao lâu tôi quý trọng và tin yêu, khi đọc các bài báo, bài văn của anh từ 22 năm trước. Đây chỉ là quan hệ riêng tư giữa anh và tôi, còn anh thực sự là ai?

Cùng thời Cao Bá Quát, một kỳ nữ của văn chương nước Việt - Hồ Xuân Hương (1772-1822), nguyên quán làng Quỳnh, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, sinh trưởng ở Thăng Long và sáng tạo những thi phẩm bất hủ. Kế thừa tinh hoa của vùng nhân kiệt, nhà báo Hồ Quang Lợi của những thập niên cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, người sinh từ làng Quỳnh, xứ Nghệ, đã sống và cống hiến tài trí cho Thăng Long muôn đời hội tụ anh tài.

Đến hàng chục quốc gia, đã ghi dấu ấn đặc biệt về thể loại bình luận quốc tế, Hồ Quang Lợi vẫn hằng đau đáu về sự chuyển vận của Việt Nam trong thời đại của mình.

Người đời thường gọi anh là nhà báo, bởi suốt từ năm 1990 đến giờ, hàng ngàn bài viết của anh đã xuất hiện thường xuyên trên Quân đội nhân dân, Nhân dân, tạp chí Cộng sản, Hànộimới, Sài Gòn giải phóng và nhiều báo khác, gần đây là Thể thao & Văn hoá. Anh nổi tiếng là một cây bút cao nghề và tài năng. Anh là một nhà bình luận xuất sắc và nhạy bén trước thời sự cuộc sống. Văn phong của anh vừa sáng sủa, khúc triết nhờ cấu trúc chuẩn mực của Pháp văn, vừa chuyển động liên tục hình ảnh,  thể hiện bản lĩnh và cốt cách của riêng anh bằng lượng từ vựng Việt cuốn hút.

Có thể coi anh là một nhà văn có tài, bởi những bài báo của anh không chỉ mang tính tân văn mà còn mang tính thẩm mỹ. Nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi không chỉ giàu thông tin, nhận định, ý tưởng, mà còn là những bài văn đầy mỹ cảm.

Anh khiêm tốn chỉ gọi mình là  một người cầm bút. Không phải cứ cầm bút là trở thành nhà báo, nhà văn. Cầm bút có khi chẳng viết được câu chữ nào có tác dụng nâng cao kiến thức và tâm hồn độc giả. Trái lại, bút trong tay của anh vùng vẫy xuôi ngược, dọc ngang, dạt dào sức sống. Nhà báo, nhà văn, người cầm bút, anh có thể nghĩ về mình như thế. Còn tôi thì khác. Với tôi, anh trước hết là một nhà chính luận uy tín và một nhà văn hoá mẫn tuệ.

Hồ Quang Lợi: một nhà chính trị vững vàng

Là người đang phụ trách Ban Tuyên giáo của Thành uỷ Hà Nội từ tháng 3/2010, Hồ Quang Lợi đã thể hiện đầy đủ phẩm chất của một trí thức cộng sản chân chính. Vững vàng về lập trường. Sáng suốt trong nhận thức. Linh hoạt trong ứng xử.

Với lòng yêu nước, yêu dân, anh tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng của mình. Con đường dấn thân của anh chính là con đường độc lập dân tộc chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là gì? Anh đã vượt qua rất nhiều định nghĩa khác nhau, không chấp nhận một định nghĩa nào. Anh hiểu chủ nghĩa xã hội từ ý nghĩa thiết thực và tính cụ thể của nó theo tinh thần Hồ Chí Minh. Đó là làm thế nào cho nước được độc lập, cho dân được tự do, cho mọi người được ấm no, hạnh phúc, được học hành và tiến bộ.

Là người cộng sản, anh lấy chủ nghĩa K.Marx – V.Lenin làm ánh sáng soi đường cho hành động. Nhưng thế nào là chủ nghĩa Marx – Lenin ? Không phải là chủ nghĩa Marx hôm qua mà là chủ nghĩa Marx của hôm nay và của ngày mai. Không phải là chủ nghĩa Marx đang nằm ngủ trong tủ sách kinh điển từ thế kỷ XIX, mà là chủ nghĩa Marx luôn luôn sống động và phát triển ở thế kỷ XX - XXI.

K. Marx (1818 - 1883) là một triết gia thiên tài trong lịch sử nhân loại. Ông  phản ánh sâu sắc thực tế nóng bỏng đương thời về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… chủ yếu là của châu Âu thế kỷ XIX.

Về mặt không gian, Hồ Chí Minh từng đòi hỏi chủ nghĩa Mark phải được những người mác – xít (Marxisme) thời nay mở rộng ra ngoài phạm vi của châu Âu, nghĩa là còn phải có nội dung và hình thức thích hợp với hoàn cảnh phương Đông nữa.

Về mặt thời gian, chủ nghĩa Marx ở thế kỷ XIX phải tiến kịp thời đại, phải cải biến và cần bổ sung bằng những nhận thức mới của thế giới đương đại.

Chính K.Marx và F. Engels (1820 - 1895) nắm vững tinh thần này, nên luôn luôn đổi mới nhận thức trước sự đổi mới của hoàn cảnh thế giới và hoàn cảnh mỗi dân tộc.

Ở cuốn sách này, bằng hiểu biết thức nhạy, tác giả Hồ Quang Lợi đã quán triệt tinh thần ấy. Với cương vị hiện thời, anh đặt toàn bộ công tác tuyên giáo trên nền tảng những tư tưởng này.

Hồ Quang Lợi: một nhà văn hoá mẫn tuệ

Công tác tuyên giáo chính là công tác văn hoá.

Hồ Quang Lợi là Trưởng Ban Tuyên giáo, quán xuyến hoạt động và phát triển của văn hoá Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Tuyên giáo chính là từ gọi tắt của tuyên, văn, huấn, giáo, bốn lĩnh vực hoạt động văn hoá của Đảng: Tuyên truyền, văn nghệ, huấn học và giáo dục.

Dân tộc ta luôn coi văn hoá giữ vai trò quyết định trước mọi sự tồn vong và thành bại của đất nước. Khi chống quân xâm lược nhà Minh của phong kiến phương Bắc thế kỷ XV, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) thể hiện tư tưởng qua Bình Ngô đại cáo: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Chống đế quốc Mỹ thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nói: “Ta lấy văn minh chống lại bạo tàn”.

Trong quá trình tiến triển của dân tộc, văn hoá ngày càng phát huy sức mạnh. Văn hoá là kiến trúc thượng tầng trên nền tảng kinh tế. Hồ Chí Minh không chỉ hiểu như thế mà còn nhận định: Văn hoá nằm trong kinh tế và nằm trong chính trị. Thiếu văn hoá thì mọi việc đều thất bại.

Nhận rõ những điều trên, Hồ Quang Lợi càng thấy trách nhiệm lớn của mình trước sự đòi hỏi của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Qua câu chữ của anh, ta thấy anh đã rất kịp thời góp phần ngăn chặn các hành động xâm phạm di sản văn hoá dân tộc, lên tiếng điều chỉnh lệch lạc từ văn học đến các hình thái nghệ thuật; khát vọng bảo tồn và bồi tụ văn hiến Thăng Long.

Trước nhiệm vụ nặng nề ấy, anh liên tục ý thức cập nhật trong học, đọc, nghiên cứu, nắm vững lý luận văn hoá và bám sát thực tiễn văn hoá Thủ đô. Từ đó, anh đã trở thành một con người uyên bác trên lĩnh vực văn hoá.

Là một nhà báo sống và hoạt động nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh dồn nhiều tâm huyết nhất cho phần 4: Theo hướng rồng bay trong cuốn sách thứ tư này – tác phẩm đầu tiên dành riêng cho Việt Nam. Phần cao trào này bao gồm những tác phẩm mới nhất, bộc lộ tài hoa đa dạng, chất nghệ sĩ của người từng được đào tạo bài bản về Văn học Pháp ở châu Âu. Nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn nỗ lực mỗi ngày cho công tác văn hoá đa diện của Hà Nội rộng lớn đương đại. Đau đáu với những vấn đề của Thủ đô mở rộng đang vươn mình trong ánh sáng của thời đại mới, anh đã và đang tiếp tục sáng tạo các tác phẩm bằng cảm xúc mãnh liệt, lắng đọng trước buổi giao thừa giữa ngàn năm đang qua và ngàn năm đang tới.

Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc, trước hết là tình yêu Việt Nam, xứ sở luôn khát vọng hoà bình. Trong đó, nhà văn hoá Hồ Quang Lợi đã dành một tình yêu lớn và sâu nặng của mình với đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Tôi tin tưởng rằng cuốn sách sẽ được độc giả hoan nghênh và tìm đọc, không chỉ công chúng Thủ đô và toàn quốc, mà còn cả đông đảo bạn bè trên thế giới, nếu nó được dịch trong thời gian tới.

GS Vũ Khiêu