- "Nhân vật lớn nhất của các nhà văn chính là Nhân dân Việt Nam" - Trưởng ban Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội nhà văn Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC


Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, GS Vũ Khiêu,  nhà thơ Thuận Hữu, Bộ trưởng Bộ giáo dục Phạm Vũ Luận, nhà báo Hữu Ước, nhà báo Hữu Thọ... và nhiều nhà văn, nhà thơ, các cán bộ ban ngành đã cùng có mặt trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô sáng 19/12. Nhân dịp này, một số hội nhà văn quốc tế như Hội nhà văn Á Phi, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ba Lan, Thái Lan... cũng gửi thư điện chúc mừng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh

Hội nhà văn Việt Nam là một tổ chức ngành nghề quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển văn hóa, tinh thần và bản sắc dân tộc Việt Nam. Ra đời từ năm 1957, hội ghi dấu ấn bởi những thành tựu quan trọng đóng góp cho nền văn học cách mạng Việt Nam, mang lại luồng gió mới, tinh thần mới cho nhân dân cả nước.

Những thành viên không thể nào quên của hội, cũng là những cái tên quen thuộc với đồng bào cả nước, như: Nam Cao, Văn Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Dương Kỳ Anh, Hoàng Cầm, Hoàng Nhuận Cầm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Ma Văn Kháng, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Phủ Ngọc Tường....


Các nhà văn tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội nhà văn Việt Nam (19/12/2012)

Nhà văn Tô Hoài và vợ

Trong những năm cách mạng, văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén với tuyên ngôn "văn hóa để kháng chiến". Nhà văn coi ngòi bút là vũ khí của mình. Và khi nào tiếng nói của nhân văn chiến thắng bạo lực, bất công, thì khi đó dân tộc sẽ sống trong hòa bình, hạnh phúc. 

Nhìn lại thành tựu của 55 năm đã qua với những gương mặt các nhà thơ, nhà văn đã quên mình vì lý tưởng, đã cống hiến hết mình cho dân tộc... ; ngẫm nghĩ về những thử thách sắp tới, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: "Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với xu hướng toàn cầu hóa, các trào lưu, nghệ thuật đan xen nhau thật giả. Hệ thống các giá trị có sự thay đổi, xáo trộn, đôi khi chúng ta thật khó phân định chân giả, thiện ác. Nhưng chính vào lúc này, ở trung tâm của cuộc đấu tranh sinh tử, nhà văn phải vào cuộc, đi tìm cái mới trong sáng tạo, cũng là đi tìm cái mới trong cuộc sống".

Nhà thơ Hữu Thỉnh (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Cùng chia sẻ với những suy nghĩ của nhà thơ Hữu Thỉnh, Trưởng ban Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cũng động viên các nhà văn và đặt lên vai họ trọng trách trước thời kì mới: "Chúng tôi cũng biết rằng trong giai đoạn hiện nay các nhà văn Việt Nam vẫn còn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cơm áo không đùa với khách thơ.

Nhưng, có lẽ  những khó khăn thử thách lớn nhất chưa chắc đã là sự thiếu thốn về vật chất? Chỉ trong những va đập dữ dội của cuộc sống, những phẩm chất cơ bản nhất của con người mới có cơ hội bộc lộ. Cuộc đấu tranh quyết liệt này chính là mảnh đất màu mỡ cho văn học phát triển.

Hội Nhà văn Việt Nam là nơi tập trung những người cầm bút tài năng nhất của đất nước, vì vậy điều mà Đảng và Nhân dân mong đợi không gì khác hơn là phải có được những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao. Nhân vật lớn nhất của các nhà văn chính là Nhân dân Việt Nam
".


Clip: Nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời phỏng vấn riêng với báo VietNamNet


Slide: Hình ảnh các nhà văn tại lễ kỷ niệm 55 năm Hội nhà văn Việt Nam

Hồ Hương Giang
Ảnh & clip: An Sa