- "Sự thiếu thốn gây nên ám ảnh, tôi nghĩ là ám ảnh với bất kì ai sống vào thời hậu chiến", tác giả tập truyện "Bóng anh hùng" nói.

TIN BÀI KHÁC


Khó có thể bình luận gì nhiều về truyện ngắn của Doãn Dũng (từng được biết tiếng với tập "Me Tây", vừa ra mắt "Bóng anh hùng", "Không lạ"). Truyện của Dũng quá cô đọng. Nhà văn tay ngang, kiêm cả công việc kinh doanh này là một kiểu người làm gì cũng sắc bén, cũng quyết liệt.

Anh đứng ở vị trí trung dung, nhìn nhận mọi chuyện dưới con mắt của người nhiều kinh nghiệm, trải đời. Nhờ đó, truyện của Dũng có cấu tứ lạ, tự nhiên, cốt truyện cũng lạ, không bị lên gân ở những đoạn không cần thiết. Mọi thứ đều bình tĩnh, nhưng đau đáu, vẫn còn đó những trăn trở về thân phận con người trong cái nghèo thời hậu chiến bủa vây.

Sự thiếu thốn gây nên ám ảnh

Tập truyện ngắn "Bóng anh hùng" có già nửa câu chuyện về người lính, nhưng hiện giờ anh lại là một doanh nhân thành đạt. Anh có từng tham gia quân ngũ không?


- Tôi đã từng tham gia quân ngũ. Nhưng có một số chuyện tế nhị đã xảy ra sau đó, xin phép không trả lời thêm.

Vậy cảm nghĩ của anh về những cuộc chiến tranh nói chung, đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới là gì?


- Trong bất kì một cuộc chiến tranh nào, cho dù bên nào thắng thì người thua vẫn là nhân dân. Câu nói này không phải của tôi, nhưng hay và đúng. Cá nhân tôi cho rằng chiến tranh là tàn khốc, là mất mát. Và hệ lụy của nó còn kéo dài sau khi tiếng súng cuối cùng chấm dứt.


Doãn Dũng tên thật là Nguyễn Vũ Anh

Anh đã viết 1 truyện ngắn mà tôi đánh giá là rất hay về việc một cựu chiến binh phải bán huân chương của mình để kiếm tiền. Đây là một chuyện có thật anh từng chứng kiến hay một câu chuyện tưởng tượng?

- Chuyện mua huân chương nấu chảy ra vàng là một nghề kiếm sống của người Việt những năm đầu 1990 ở Nga. Tôi đã viết "Một câu chuyện buồn" ghi lại khoảnh khắc gặp nhau giữa 2 người: bạn tôi - một người chuyên mua huân chương và một cựu chiến binh.

Trong tập truyện ngắn "Không lạ", tôi ấn tượng truyện "Chiếc bánh Trung Thu" của anh nữa. Một cậu bé chờ đợi ngày Trung Thu cả tháng trời, và sau đó thì kho thực phẩm của tập thể bị trộm. Tên ăn trộm chỉ lấy bánh nướng, bánh dẻo; để lại những đứa trẻ buồn tủi khóc mãi vì mất Tết Trung Thu. Đó cũng là một câu chuyện có thật phải không? Sự thiếu thốn vật chất ở thời kì đó có gây ám ảnh?

- Tất nhiên câu chuyện này có thật, xảy ra vào khoảng năm 1977. Sự thiếu thốn lúc ấy có gây ám ảnh, tôi nghĩ là ám ảnh với bất kì ai sống vào thời gian đó chứ không phải chỉ mình tôi. Sự ám ảnh nhiều nhất với tôi chính là sự con người đối xử với nhau như thế nào.

Truyện của anh phải chăng lấy chất liệu hoàn toàn là hiện thực, phần hư cấu chỉ là phần thêm mắm dặm muối?

- Đúng như vậy.

Truyện hay có thông điệp ngầm chảy dưới câu chữ

Tôi cho rằng anh là một người viết truyện ngắn sắc sảo. Anh có kinh nghiệm viết từ đâu?

- Tạp chí Văn nghệ Quân đội chính là cái nôi dạy tôi viết truyện ngắn ngay từ khi bắt đầu viết. Sau mỗi truyện, có thể được in hay không được in, các biên tập viên đều góp ý. Mỗi lần đi trại viết, được cọ sát và nhận được sự góp ý của các bạn văn, tôi cũng học hỏi được nhiều điều.

Thủ pháp căn bản của anh là gì? Có phải là "thẳng thắn" không?

- Thực ra tôi cũng chưa ý thức mình sử dụng thủ pháp gì đâu. Tôi viết một cách khá bản năng. 

Nhà văn là một trong những người đi tiên phong trong phong trào phượt

Vậy theo "cây bút bản năng", thế nào là một truyện ngắn hay?

- Một truyện ngắn hay phải là một truyện ngắn có tầm tư tưởng và phải khái quát được một vấn đề của xã hội. Nó phải nặng trịch như cái thớt nghiến được cắt ra từ cây đời. Bên cạnh đấy phải có một cấu trúc hợp lý và ngôn từ phù hợp với câu chuyện.

Một trong những tính cách đặc trưng của anh là rất tiết kiệm thì giờ. Anh cũng không phải là một người phóng bút viết cho nhiều chữ. Quan niệm về sự "đủ", sự ngắn gọn, cô đọng của anh như thế nào trong văn chương?

- Cũng vì tôi không có nhiều thời gian, cộng thêm  tư duy kinh doanh ngấm vào máu nên tạo một thói quen không viết thừa, viết sao vừa đủ. "Đủ" là viết sao để tạo được sức nén cho câu chuyện mà vẫn có dòng văn bản ngầm chảy dưới câu chữ.

Xin cảm ơn anh!

Hồ Hương Giang