Nghị định và thông tư hướng dẫn đã ban hành nhưng các cơ quan quản lý ở địa phương nói vẫn khó có thể thực hiện


Thông tư hướng dẫn Nghị định 79 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Tuấn Anh ký ban hành ngày 28-1. Tuy nhiên, nhiều điểm trong thông tư này vẫn chưa rõ ràng.

Ca sĩ Hiền Thục trong một tiết mục biểu diễn

Trông chờ Hội đồng Nghệ thuật

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Phòng Quản lý biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết một trong những nội dung quan trọng của thông tư là trách nhiệm của Hội đồng Nghệ thuật được Cục Nghệ thuật Biểu diễn hoặc các sở VH-TT-DL thành lập.

Không chỉ thẩm định, tư vấn về nội dung, hình thức cũng như chất lượng của chương trình, Hội đồng Nghệ thuật còn có trách nhiệm nhận định, đánh giá kết luận về hành vi thiếu văn hóa, trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Biên bản kết luận của Hội đồng Nghệ thuật là một trong những căn cứ để cấp phép biểu diễn hoặc xử lý khi có sai phạm.

Tuy nhiên, phạt như thế nào thì còn phải chờ nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch mà bộ này đang soạn thảo. Theo dự thảo nghị định này, nếu biểu diễn, tổ chức biểu diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì các nghệ sĩ không chỉ chịu mức phạt 20 triệu đến 30 triệu đồng mà còn bị cấm diễn từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạt như thế nào?

Nói thêm về mức xử phạt, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho hay việc xử phạt nghiêm là cần thiết nhưng phải quy định rõ về mức độ. “Với nghệ sĩ, bị cấm biểu diễn 3 tháng là nhiều rồi, cấm đến 6 tháng là rất “dữ dội”, vì thế phải có quy định cụ thể, vi phạm đến mức độ nào thì xử phạt bao nhiêu chứ không thể chung chung”.

Bà Thanh Thúy, Phòng Quản lý biểu diễn, Sở VH-TT-DL Hà Nội, cũng đồng tình với quan điểm này: “Đã đưa ra quy định thì phải có chuẩn, nếu không thì không thể phạt được. Bộ phải quy định rõ vi phạm nặng đến mức độ nào thì bị cấm diễn đến 2 năm, vì 2 năm với nghệ sĩ là khoảng thời gian dài kinh khủng”.

Trong khi đó, thông tư hướng dẫn Nghị định 79 lại chỉ quy định “biên bản kết luận của Hội đồng Nghệ thuật là một trong những căn cứ cho phép biểu diễn hoặc xử lý sai phạm”. Bình luận về quy định này, ông Võ Trọng Nam cho rằng Hội đồng Nghệ thuật chỉ mang tính chất tư vấn, còn xử phạt như thế nào là trách nhiệm của thanh tra. “Đến tận bây giờ vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để đưa ra quy chế hoạt động của Hội đồng Nghệ thuật.

Mỗi sở đưa ra một tiêu chí khác nhau. Bộ VH-TT-DL hay Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có hướng dẫn các sở chứ không thể để mỗi nơi làm một phách như hiện nay được” - ông Nam nói.

Khó quản hết được

Quy định về xử phạt được các nghệ sĩ nhận xét là rất nghiêm, có tính răn đe cao. Tuy nhiên, không ít người lo lắng lực lượng thanh tra của các địa phương khá mỏng, liệu có thể quản lý được tất cả các tụ điểm ca nhạc để xử phạt? Bà Thanh Thúy cho hay hiện tại rất nhiều chương trình cơ quan thanh tra không giám sát được, khi báo chí thông tin mới biết.

“Những địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM có hàng trăm tụ điểm biểu diễn, làm sao thanh tra có thể quản lý hết được, đặc biệt trong dịp Tết sắp tới” - bà Thúy nói. Ông Võ Trọng Nam cũng thừa nhận không thể “giám sát hết được”. Ông Nam nói thêm “lực lượng thanh tra chuyên ngành không thể làm xuể vì hoạt động biểu diễn ở TPHCM quá rộng. Chúng tôi phải có sự cộng lực của các cơ quan chính quyền địa phương mới ổn”.

Trước những lo lắng này, ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng đã phân cấp cho địa phương nên địa phương phải có trách nhiệm quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan, lực lượng phản biện xã hội như các cơ quan báo chí để giám sát, thực hiện.

Theo NLĐ