- Sự hào nhoáng, vẻ đẹp bóng bẩy và những câu chuyện đầy xúc động mà các công ty, tập đoàn giải trí tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ 9X như một viên kẹo ngọt dễ thèm, dễ nuốt...

Chen lấn xô đẩy để được gần thần tượng

Phải làm sao khi teen đã "say"?

Các diễn đàn và mạng chia sẻ dậy sóng vì những góp ý, trao đổi và chia sẻ về hiện tượng hâm mộ thần tượng quá mức. Người Việt không hề làm ngơ với những sai trái, lệch lạc về đạo đức hay quan niệm, nhưng trong nhiều bình luận mới mẻ, thấy đâu đó cả những nỗi đau mới.

Nhu đã thông tin trong bài viết trước, một bạn trẻ có nick name binhminhden (website linkhay) đã viết: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu ko cho em đi xem SuJu biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi...” 

Vô số các thành viên khác của diễn đàn đã nhảy vào ủng hộ chủ đề "hot" này. "Bạn này nói đúng rồi còn gì nữa. Cha mẹ tốt phải là cha mẹ hiểu con cái mình, biết con cái mình thích gì, muốn gì và đáp ứng tốt những nhu cầu của con cái. Rõ ràng việc hâm mộ SuJu là một sở thích lành mạnh, cớ sao bố mẹ lại ngăn cấm con mình đi xem SuJu biểu diễn? Khi cha mẹ không còn giá trị gì nữa, thậm chí trở thành vật cản ngáng đường con cái đến với tình yêu đích thực của đời mình (13 oppa) chỉ còn cách là tiêu diệt!..."

Hình chụp diễn đàn sôi nổi các ý kiến bình luận
Đối với fan, SuJu là những vị thần! Tình yêu đối với SuJu cao quý hơn tất cả những thứ tình cảm trần tục khác, kể cả tình máu mủ. Các bạn trẻ đã tâm sự: "Tình cảm gia đình tưởng là cái gì đó ghê gớm, nhưng thực ra chả là cái gì hết! Khi còn nhỏ, chúng ta ăn bám vào cha mẹ. Thế còn lúc nhỏ cha mẹ ăn bám ai? Dĩ nhiên là ăn bám ông bà già của cha mẹ rồi! Nói tóm lại đây chỉ là mối quan hệ trục lợi theo kiểu dây chuyền không hơn không kém chứ chẳng có gì to tát cả! ~~~~Gia đình là phù du, SuJu là tất cả! ~~~~"

Thần tượng là “sao” hay là "gà"?

Chuyện cuồng của fan có thể chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nếu như văn hoá giải trí không ảnh hưởng mạnh mẽ như thế đến giới trẻ Việt Nam. Sự hào nhoáng, vẻ đẹp bóng bẩy và những câu chuyện đầy xúc động mà các công ty, tập đoàn giải trí tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ 9X như một viên kẹo ngọt dễ thèm, dễ nuốt.

Viễn cảnh dễ dụ fan trở nên như thần tượng hấp dẫn đến mức 365 - một nhóm nhạc mới thành lập tại Việt Nam – sau khi đã copy phong cách biểu diễn, tạo hình K-pop, tiếp tục copy cả cách hành xử chia tay và khóc lóc rất lạ đời. Là “thần tượng” hay nhà quản lý muốn “mị hoá” teen? 

SuJu - nhóm nhạc thần tượng của giới trẻ

Sẽ không bao giờ là sai khi các em thưởng thức văn hoá âm nhạc một cách lành mạnh. Nhưng điều đáng buồn là những câu chuyện ngoài lề về các cá nhân lung linh lại gây ảnh hưởng và ảo tưởng đến các em nhiều hơn là sản phẩm văn hoá lẽ ra các em được thưởng thức - để giải trí sau những căng thẳng hàng ngày.

K.L, cô gái Hàn Quốc khoảng 30 tuổi - quản lý toàn cầu của Super Junior  mà tôi gặp - là một người phụ nữ cứng rắn và nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc tối quan trọng đó là các chàng trai trong nhóm Super Junior tuyệt đối nằm dưới sự quản lý và hướng dẫn của manager. Không một ai xung quanh được phép nói chuyện với họ nếu không được sự đồng ý của K.L.

Tôi nhận ra rằng những chàng thanh niên này không phải là những chú đại bàng, mà giống như "gà con". Thần tượng khiến giới trẻ phát cuồng phải chịu sự quản lý của công ty từ ăn - mặc - ở - đi lại - tiếp xúc với công chúng. Hình ảnh về họ được vẽ nên bởi các công ty giải trí và các chuyên gia đào tạo.

Fan nhóm 365 - V-pop cũng muốn có fan như K-pop (?!)

Không thể không cảm thấy chạnh lòng khi các em gái chen lấn, vượt qua nhiều cửa, nhiều hàng rào SVĐ tìm cách len lỏi để được đứng sát gần thần tượng của mình - nhưng bị đuổi đi không thương tiếc. Thần tượng của các em tuyệt đối chỉ được ngắm từ xa. Có vậy các ngôi sao mới lung linh, rực rỡ.

Sự hâm mộ cũng giống như tình yêu ... mà tình yêu thì có khi mù quáng và loá mắt... Tôi đọc ở đâu đó một câu rằng: "Tình yêu chỉ thật sự tốt khi bạn cảm thấy mình tốt lên trong quá tình yêu". 

Vân Sam