- Xem hết 11 phim tranh giải Cánh diều 2013, người ta có thể lấy “cây thước” trách nhiệm đối với tiền đầu tư để đo độ hay dở của phim.

TIN BÀI KHÁC

Hiếm có giải thưởng điện ảnh nào như Cánh diều, vì cố gắng kêu gọi cho đủ số phim mà nó phải gom vào xét giải cho cả những “thảm họa” điện ảnh.

Tất nhiên, lỗi không hoàn toàn ở Cánh diều, khi mà nó sinh tồn trên một nền điện ảnh chỉ sản xuất được trên dưới 15 phim truyện mỗi năm, rạp chiếu quanh năm sống nhờ phim ngoại. Không cố gắng kiếm cho đủ chừng ấy phim, Cánh diều lấy gì để tạo ra “cuộc đua” xét thưởng cho 11 hạng mục, từ diễn xuất, đạo diễn, quay phim cho tới âm thanh, âm nhạc, thiết kế?

“Mùa hè lạnh”, phim dự tranh giải Cánh diều vào phút chót.

Chưa kể, với tài nguyên phim ảnh chỉ có chừng ấy, giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh VN còn phải cạnh tranh với giải Bông Sen của Cục điện ảnh tổ chức vào năm lẻ, và LHP quốc tế Hà Nội vào năm chẵn.

Thế nên mới có chuyện điều kiện dự thi Cánh diều “thoáng” chưa từng thấy. Thậm chí, trước hôm bắt đầu chấm giải một ngày, danh sách dự tranh còn xuất hiện thêm “Mùa hè lạnh” mà lý do của sự chậm trễ được nói là do…đạo diễn đi nước ngoài nên chưa kịp về đăng ký. Cuối cùng thì Cánh diều cũng gom được 11 phim, đủ để bày một bữa tiệc trao giải trực tiếp trên truyền hình vào tối ngày 9/3.

Vì lẽ ấy mà 11 bộ phim dự tranh Cánh diều vàng gần như là bức tranh phản ánh chân thực diện mạo hôm nay của điện ảnh Việt. Có phim sót lại của dòng phim xài tiền Nhà nước như “Đam mê”, “Cát nóng”. Có phim ra đời nhờ cố gắng vun vén, kêu gọi nhiều nguồn đầu tư và tài trợ của đạo diễn (mà người ta gọi là phim tác giả) như “Lấy chồng người ta”, “Lạc lối”, “Dành cho tháng 6”, “Mùa hè lạnh”.

Nửa còn lại là các phim nằm trong guồng máy sản xuất phim thương mại chiếu rạp của các hãng phim tại TP.HCM, gồm: “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Gia sư nữ quái”, “Scandal”, “Nhà có 5 nàng tiên”.

“Đam mê”, phim Nhà nước đại diện cho điện ảnh Việt tại LHP quốc tế Hà Nội 2012

Chưa vội bàn nghệ thuật hay tính thương mại của từng phim, cách chia nhóm phim theo nguồn vốn đầu tư vẫn giúp ta hiểu được vì sao có những phim rất phổ biến và những phim làm xong đem cất kho. Được công chiếu rộng rãi nhất tại tất cả các rạp là các phim nằm trong guồng máy sản xuất phim tại TP.HCM, ở mức độ ít phổ biến hơn là dòng phim tác giả. Và đem cất kho là phim Nhà nước.

Được chi tiền mà không đòi hỏi phải kiếm được tiền và thu lãi từ phòng vé, hai phim “Cát nóng” và “Đam mê” tỏ ra trung thành với câu chuyện mang tính luận đề mà nhờ đó dự án mới được duyệt. Dù đạo diễn vẫn cho thấy cố gắng đưa vào “hot boy”, chân dài, cảnh nóng, nhà lầu, xe hơi…để phim hấp dẫn hơn.

 Ở “Cát nóng”, chủ đề xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được thể hiện qua câu chuyện mang tinh thần “cổ tích” đúng như phong cách gần đây của đạo diễn Lê Hoàng. Phim cố gắng xây dựng hình tượng cô bé Cát, sống hoang dã và xa lạ với thế giới hiện đại, yêu loài dông đến mức lao vào đánh, đâm những ai giết dông.

Phim 3: “Cát nóng”, một phim của đạo diễn Lê Hoàng

Tuy nhiên, lối dàn dựng dễ dãi, sự lười biếng sáng tạo ngôn ngữ điện ảnh đã khiến hình tượng cô bé Cát rất ngây ngô, kỳ cục và khó tin. Thông điệp bảo vệ thiên nhiên được bộ phim “nhét” vào đầu khán giả bằng lời thoại khá thông minh của đạo diễn kiêm biên kịch, nhưng tất cả đều bị phá hủy bởi hình ảnh tàn sát loài dông trên phim.

Tương tự, “Đam mê” cũng phản cảm và thiếu thuyết phục trong trình bày luận đề về hai chữ được lấy làm tên phim. Chuyện hoang đường ngay từ đầu: để ngăn cản đam mê làm người mẫu của cô con gái, ông bố có đam mê nuôi hổ đã quyết tâm…bắt cóc cô con gái về sống ở trang trại trong rừng, rồi sau đó “lấy độc trị độc” bằng cách mời một cô siêu mẫu từng bị hãm hại về ở cạnh bên để khuyên giải.

Dòng phim của tác giả lại cho thấy sự thỏa hiệp khá thú vị giữ nhu cầu thể hiện cá tính làm phim của đạo diễn và nhu cầu được sự chấp nhận của nhà phát hành và khán giả. Trong số này, “Lấy chồng người ta” và “Dành cho tháng 6” là hai phim đáng được tưởng thưởng vì cố gắng tìm tòi của tác giả cùng vẻ tươi mới mang lại cho  màn ảnh.

“Scandal”, một phim ăn khách của Victor Vũ

Riêng “Mùa hè lạnh” có thể xếp vào dạng “thảm họa” điện ảnh vì một câu chuyện lộn xộn trong cố gắng tỏ ra là một bộ phim nguy hiểm của tác giả. “Lạc lối” lại cũ kỹ và hời hợt đến mức biến câu chuyện về ngoại tình thật đời thường và phổ quát, thành một câu chuyện đầy khiên cưỡng, gượng gạo và nhạt nhẽo.

Diện mạo phim Việt bỗng trở nên sinh động và khác biệt hẳn khi nó chảy trong dòng phim thương mại, nơi đồng tiền được tính toán một cách tỉnh táo, buộc các nhà làm phim phải cẩn trọng và cố gắng hết sức. Từ đề tài đến nội dung, cách dàn dựng, dàn diễn viên đều phải đạt sức hấp dẫn và đáp ứng thị hiếu một cách tối đa.

Nếu nhà sản xuất “Nhà có 5 nàng tiên” tự tin với “át chủ bài” Hoài Linh nên có thể làm phim giá rẻ, gần giống như tấu hài trên truyền hình để dễ bề thu lời. Thì “Cưới ngay kẻo lỡ” và “Gia sư nữ quái” tỏ ra chỉn chu và có đầu tư hơn về nghề nghiệp dù cùng lấy tiếng cười làm chính.

Trong bối cảnh này, “Thiên mệnh anh hùng” và Scandal”, đều của Victor Vũ, xứng đáng được trao giải. Bởi nó không lao vào tranh giành một thị hiếu có sẵn, mà cố gắng sáng tạo và đầu tư để tạo ra những thị hiếu mới cho điện ảnh Việt là võ hiệp kỳ tình và giật gân, kinh dị, vốn là hai thể loại mà khán giả đã quen coi bằng phim nước ngoài.

Tối nay, 9/3, Lễ trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra tại TP.HCM.

Minh Chánh