- Sự xuất hiện của bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ tại giải Cánh diều năm nay nhắc nhớ nhiều người tới những dự án lãng phí tiền tỉ đóng thuế của dân, sản xuất xong chui thẳng vào kho.
Trông người mà ngẫm đến ta
Sự đối nghịch cố hữu ở Cánh diều vàng 2013
"Thái sư Trần Thủ Độ" có chi phí lên tới gần 60 tỉ đồng. |
Cách đây gần 4 năm, Thái sư Trần Thủ Độ là một dự án phim rất được quan tâm, đặc biệt là một chủ đề nóng trên báo chí bởi đây là bộ phim được UBND TP.Hà Nội đặt hàng để chiếu trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Dù là một dự án phim lịch sử nhưng Thái sư Trần Thủ Độ rất thu hút sự chú ý của báo giới và dư luận, từ việc thay đổi diễn viên đến việc các cảnh quay được thực hiện ở đâu, thế nào. Tuy nhiên, dù đã hoàn thành được 3 năm, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội cũng đã qua mà bộ phim này đến giờ vẫn chưa được lên sóng vì nhiều lý do.
Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư tới 57 tỉ đồng cho 30 tập. Tính ra trung bình mỗi tập phim cũng ngốn tới gần 2 tỉ đồng, chi phí thuộc hàng "khủng" đối với các bộ phim truyền hình được thực hiện ở thời điểm hiện nay chứ không nói gì đến 3-4 năm về trước. Đạo diễn Tất Bình, Giám đốc Hãng phim truyện I khi đó đã nhiều lần trả lời rằng Hãng chỉ lo phần sản xuất theo đúng đơn đặt hàng của UBND TP.Hà Nội, còn phim phát sóng vào lúc nào không phải việc của Hãng.
Vậy là một bên chỉ lo đặt hàng phim cho kịp Đại lễ, một bên chỉ lo sản xuất, việc lo đầu ra thế nào thì không ai tính đến, dẫn đến việc phim làm xong rồi nằm trong kho, chưa biết khi nào mới ra mắt người xem. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội cũng đã qua và bộ phim vẫn lặn mất tăm, tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trên sóng bất cứ đài truyền hình nào.
Năm 2012, Thái sư Trần Thủ Độ âm thầm tham gia tranh giải Cánh diều ở hạng mục Phim truyền hình và đột ngột bị loại trước khi trao giải vài ngày vì chưa được duyệt. Vừa rồi bộ phim này tiếp tục được gửi đi tranh giải Cánh diều 2013 (dù hoàn thành từ năm 2010) và giành một lúc 3 giải thưởng quan trọng: Cánh diều vàng, Đạo diễn và Biên kịch. Đạo diễn Đào Duy Phúc tâm sự sau khi nhận giải rằng mong muốn lớn nhất của đoàn làm phim là Thái sư Trần Thủ Độ sớm được lên sóng.
Tuy nhiên, việc khi nào phim được công chiếu thì đến giờ này không ai có thể trả lời được. Vậy là 57 tỉ đồng rót vào phim tiếp tục bị đắp chiếu vô thời hạn. Khán giả chưa được xem phim và tất nhiên ngoại trừ ban giám khảo, chẳng ai hiểu tại sao bộ phim này lại giành 3 giải thưởng cao nhất dành cho phim truyền hình.
Không phải là một bộ phim dùng tiền của nhà nước, dùng tiền
đóng thuế của dân để thực hiện như Thái sư Trần Thủ Độ nhưng Lý Công
Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại là một trường hợp lãng phí tiền của
theo một cách khác. Là một bộ phim do tư nhân bỏ tiền thực hiện hoàn toàn nhưng
hơn 100 tỉ đồng đổ vào 19 tập phim này cũng đang bị đắp chiếu vô thời hạn do
chưa có đài truyền hình nào gật đầu cho lên sóng.
Lý Công
Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cũng đang chịu cảnh "đắp chiếu" chờ lên sóng. |
Âm thầm chuẩn bị và thực hiện hầu hết các cảnh quay tại phim trường Hoành Điếm, Trung Quốc từ năm 2009, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long dù kịp hoàn thành vào năm 2010 nhưng cuối cùng cũng không thể lên sóng vào dịp Đại lễ do vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu là phản đối vì bộ phim này được thực hiện tại Trung Quốc, với nhiều hình ảnh mang màu sắc Trung Quốc.
Nhiều cảnh quay của phim cũng đã bị hội đồng duyệt yêu cầu chỉnh sửa lại trước khi cấp phép. Theo kế hoạch, đáng lẽ bộ phim này được công chiếu vào tháng 6/2011 nhưng cuối cùng lại bị đình lại vô thời hạn. Đến nay mặc dù đã có giấy phép trong tay nhưng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long chưa tìm được đường lên sóng.
Không đến nỗi bí đầu ra như hai bộ phim lịch sử trên nhưng rất nhiều bộ phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ vài tỉ lên đến cả chục tỉ đồng lại bị lãng phí theo cách khác. Nhiều bộ phim "dùng tiền chùa" đa phần âm thầm ra rạp do không có kinh phí quảng bá, không biết cách PR và rồi âm thầm bị các chủ rạp đẩy khỏi lịch chiếu do không có khán giả diễn ra từ năm này sang năm khác.
Nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh được đầu tư lớn chủ yếu được chiếu trong những đợt phim kỷ niệm hoặc những dịp đặc biệt ngoài một vài rạp hạn chế rồi sau đó lại trở vào kho. Tình cảnh này cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Không ai chịu trách nhiệm về số phận những bộ phim ngốn tiền tỉ ấy. Chỉ có các đạo diễn và những người làm phim buồn lòng khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình bị ghẻ lạnh.
Gần
đây nhất, hai bộ phim do Nhà nước đặt hàng là Cát nóng (Lê Hoàng) và
Đam mê (Phi Tiến Sơn) cũng chỉ xuất hiện trong phạm vi hẹp của 2 sự kiện điện
ảnh là LHP quốc tế HN lần 2 (11/2012) và giải Cánh diều (3/2012) mà chưa có bất
cứ thông tin phát hành thương mại nào ngoài rạp.
Bộ phim mới của Ngô Quang Hải nhanh nhảu ấn định ngày ra rạp sau khi tìm được nhà phát hành dù còn chưa bấm máy. Tuy nhiên bộ phim này sau đó đã bị hoãn lại vô thời hạn. |
Đối lập với tình cảnh bi đát của những bộ phim được thực hiện theo đơn đặt hàng, các bộ phim do tư nhân bỏ tiền sản xuất luôn nắm bắt thị hiếu khán giả rất nhanh và được PR từ rất sớm. Nhất cử nhất động từ việc casting diễn viên nào, quay ở đâu, nội dung phim ra sao đều được cập nhật chi tiết. Việc đặt lịch ra rạp cũng được lên trước nhiều tháng, ngay cả khi bộ phim đó còn chưa... bấm máy như trường hợp của "HIT: Hoàng tử và lọ lem". Bộ phim mới của Ngô Quang Hải thậm chí nhanh nhảu ấn định ngày ra rạp sau khi tìm được nhà phát hành dù còn chưa bấm máy.
Hoàng Vy