- Tin nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi khiến nhiều người bàng hoàng dù biết rằng sinh ly tử biệt là quy luật bất biến của tạo hóa. Làm nghề mua vui cho người khác nhưng cuộc đời của ông giống như “Kép Tư Bền”.
"Nghệ sĩ của nhân dân" Văn Hiệp trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào 5h sáng 9/4, hưởng thọ 72 tuổi.
Nghệ sỹ Văn Hiệp sinh năm 1942, quê gốc ở Lạc Trung, Thanh Trì (Hà Nội). Những năm 1960, ông học tại Trường Sân khấu - Kịch nói (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh), ra trường ông về Nhà hát Kịch Việt Nam, sau đó về Cục Văn hóa Thông tin cơ sở.
Sinh thời, nói về mối duyên tình cờ với sân khấu, nghệ sĩ Văn Hiệp tâm sự: "Ngày bé tôi thích khoa học tự nhiên lắm, mặc dù cũng nổi đình nổi đám khi sinh hoạt văn nghệ trong trường phổ thông. Đang học lớp 10 thì ông bạn Doãn Châu (nguyên là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) rủ tôi đi thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Lúc đó, nhà tôi đông anh em (9 người) nên tôi thiết nghĩ, học trong trường Sân khấu có học bổng cao sẽ đỡ đần được cho bố mẹ. Thế là tôi đi thi mặc dù tiêu chuẩn chiều cao bị thiếu mất 1cm, mắt thì "híp tịt" nhưng "gỡ" được là nhờ năng khiếu tốt”.
Vai diễn đầu tiên trong cuộc đời diễn viên của Văn Hiệp là chú bé trong phim Vợ chồng A Phủ, mặc dù khi đó ông đang là… thanh niên.
Dù là diễn viên khá thành danh trong Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng Văn Hiệp chỉ nổi danh khi trở thành một diễn viên hài trong "Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Đạo diễn Dương Ngọc Đức đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, ông đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của "Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Một Ốc rất láu cá, khôn ngoan nhưng lại duyên dáng và hấp dẫn. Ngoài ra, tên tuổi của ông còn được biết đến qua vai cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo...
Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang lãnh địa truyền hình và thành công với kịch bản "Trưởng họ chán cơm". Đặc biệt, hàng loạt tiểu phẩm hài ông sắm vai "Trưởng thôn" cùng hai danh hài Quang "Tèo" và Giang "Còi" trên truyền hình đã làm nên một hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc không hề trộn lẫn.
Bức chân dung sơn dầu của một người bạn vẽ tặng nghệ sĩ Văn Hiệp.
Khán giả yêu mến “trưởng thôn” Văn Hiệp đến độ đi diễn không mất tiền nghỉ trọ, đến đâu cũng được mời ăn uống, qua cầu phà không phải chờ đợi…
40 năm nghiệp diễn của Văn Hiệp, với khoảng 1.000 vai, bất kể vai chính hay phụ, nhân vật ông đóng luôn được người xem nhớ mãi bởi chỉ bằng vài hành động, lời nói, ông đã tìm được một nét riêng khó trộn lẫn cho nhân vật của mình. Và dù ở hoàn cảnh nào, những nhân vật ấy luôn mang lại tiếng cười cho khán giả. Khi là tiếng cười từ sự tốt bụng đến thật thà của nhân vật, lúc lại từ ngoại hình phản diện gây cười…
Cống hiến cho khán giả là vậy nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp chưa được nhà nước phong tặng bất cứ danh hiệu nào.
Làm nghề mua vui cho người khác nhưng cuộc đời của nghệ sĩ Văn Hiệp như “Kép Tư Bền”, đằng sau những tràng cười như pháo nổ trên sân khấu là một nỗi niềm riêng không dễ gì chia sẻ. Có hai thứ mà cả đời Văn Hiệp không thể bỏ hay nói đúng hơn là không muốn bỏ đó là vợ và thuốc lào mặc dù hai thứ này đều mang lại cho ông nhiều phiền muộn.
Nghiện thuốc lào đến độ, phổi của ông bị ảnh hưởng trầm trọng và ra đi cũng một phần vì nó. Mặc dù các bác sĩ đều khuyên với bệnh tình của ông như vậy, bỏ hút thuốc lào có lợi rất nhiều. Ông cũng đã nhiều lần “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” rồi cuối cùng, nó vẫn dính lấy ông.
Ông cũng không thể bỏ vợ. Suốt 20 năm nay, vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức. Ông một mình nuôi con khôn lớn. Sống cô đơn suốt 20 năm với ông cũng thành quen, căn phòng hơn 8m2 là nơi ông nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng và cũng là nơi để ông "giết" thời gian bằng cách sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp, lau dọn sạch sẽ tinh tươm. Người bạn thân luôn bên cạnh ông lúc vui buồn lại là…chiếc điếu cày.
Bố vợ của Văn Hiệp từng khuyên ông đi lấy vợ nhưng ông một mực không nghe. Bạn bè, người thân bảo ông gàn dở, ông mặc kệ. Ông bảo: “Tôi và vợ, gọi là ly thân cũng không quá nhưng ly dị lại thành dở hơi. Nước mình nghèo, phụ nữ đi xuất khẩu lao động để lo cho chồng cho con… Đàn bà một mình nơi xứ người vất vả vô cùng. Nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai... Tôi không dám nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình là người cư xử đàng hoàng".
"Những cái áo dù người thợ may có khéo đến đâu cũng không thể vừa khít mình. Tôi không khoác cái áo NSND hay NSƯT. Tôi chỉ là nghệ sĩ Văn Hiệp, suốt đời chăm chỉ cần cù và phấn đấu trung thực như một nghệ sĩ giun. Hãy sống như con giun đi mình sẽ được thanh thản thôi”, quan niệm sống rất đơn giản của nghệ sĩ Văn Hiệp lúc còn sống.
T.Lê